Nguyễn Đắc Kiên: “Điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”

Tổng Bí thư Tô Lâm tại Kì họp thứ 8, Quốc hội khoá XV ngày 21/10. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

I.

Khi Tổng Bí thư Tô Lâm nói “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”, thì nhiều người như “bắt được vàng”, kiểu “gãi đúng chỗ ngứa” bấy lâu. Nhưng rồi do không biết, hoặc biết mà không dám nói, cuối cùng họ lại bàn luận chệch hết cả.

Điểm nghẽn thể chế mà ông Tô Lâm muốn nói đến ở đây, theo tôi, không gì khác hơn là “phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với nhà nước và xã hội”. Như thế, nghĩa là nó vừa đụng chạm đến vấn đề chế độ (regime), vừa phải giải quyết các bài toán về thiết chế (institution), chứ không phải như một số tác giả và tờ báo lý giải rằng “thể chế mà Tổng Bí thư Tô Lâm nói đến là institution chứ không phải regime”.

Trong bài nói tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 31/10/2024, được Tạp Chí Cộng Sản dẫn lại, Tổng Bí thư Tô Lâm có nói mấy điểm đáng chú ý trong mục định hướng “Về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng”. Cụ thể, ông nói: “Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ “tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Trong đó, nghiên cứu, đẩy mạnh việc (i) hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng; (ii) sớm đánh giá toàn diện việc kiêm nhiệm chức danh của Đảng và hệ thống chính trị để có quyết sách phù hợp. (iii) Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; (iv) phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức.”

Bốn điểm mà Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý ở trên nhắc tôi nhớ đến Thông báo số 16 của Bộ Chính trị do Thường trực Ban bí thư khi đó là ông Võ Văn Thưởng ký ngày 7/7/2022.

Ngày 7/7/2022, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng đã ký Thông báo số 16 về “kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW” trong đó tạm dừng thí điểm các mô hình: (i) Hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; (ii) Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp uỷ đồng thời là chánh thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện; (iii) Trưởng ban tổ chức cấp uỷ cấp tỉnh đồng thời là giám đốc sở nội vụ; trưởng ban tổ chức cấp uỷ cấp huyện đồng thời là trưởng phòng nội vụ cấp huyện; (iv) Chánh văn phòng cấp uỷ cấp huyện đồng thời là chánh văn phòng hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Lý do đưa ra theo Thông báo số 16 là: “Một số cấp uỷ chưa thật quyết liệt, có nơi còn chủ quan, nóng vội, lúng túng, kết quả chưa đồng đều giữa các địa phương; một số mô hình triển khai trong phạm vi hẹp, chủ yếu ở cấp huyện, hiệu quả hạn chế, cá biệt có nơi gặp khó khăn đã dừng thí điểm khi chưa có chủ trương của Trung ương; một số cán bộ, nhất là người đứng đầu cơ quan theo mô hình tổ chức mới chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Nghị quyết 18-NQ/TW là chủ trương lớn của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được ban hành tại Hội nghị Trung ương 6 năm 2017 về việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức lại hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Ý tưởng căn bản là tinh gọn bộ máy, thí điểm hợp nhất làm các đầu mối, cơ quan, chức danh có chức năng tương đồng của Đảng và Chính quyền ở địa phương.

Ở đây có một điểm mà những người đã đề ra Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 và Tổng Bí thư Tô Lâm có lẽ đã nhìn ra, đó là sự song trùng, thậm chí giẫm chân nhau của các cơ quan đảng và chính quyền cấp cơ sở.

Theo Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, về nguyên tắc chung, đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội thông qua: (i) đường lối, chủ trương, chính sách; (ii) bằng việc tuyên truyền, thuyết phục; (iii) bằng công tác cán bộ, thông qua việc đưa cán bộ đảng vào nắm giữ các vị trí trong bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị; và cuối cùng (iv) thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, ở từng cấp, từng yếu tố trong bốn yếu tố trên sẽ có vai trò khác nhau. Chẳng hạn, ở cấp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, yếu tố đề ra “đường lối, chủ trương, chính sách” là then chốt, nhưng ở cấp ủy đảng cơ sở, chẳng hạn với tỉnh ủy hay huyện ủy thì không thể nào xem là cơ quan đề ra “đường lối, chủ trương, chính sách” được.

Các cấp ủy cơ sở, các ông bà bí thư tỉnh ủy, huyện ủy thực ra chỉ là những người thực thi “đường lối, chủ trương, chính sách” của đảng mà thôi. Tương tự như Hội đồng Nhân dân, cũng là cơ quan dân cử, nhưng tính chất khác hẳn với Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thực ra chỉ là cơ quan hành pháp ở địa phương chứ không thể xem là cơ quan lập pháp như Quốc hội được.

Vấn đề ở đây là gì? Đó là sự rập khuôn máy móc trong cách hiểu về vai trò và phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là sự nhân bản tự động mô hình phương thức lãnh đạo của đảng ở cấp trung ương ra cấp cơ sở, từ đó tạo ra một bộ máy song trùng, hoạt động vừa kém hiệu quả, vừa gia tăng gấp đôi, gấp ba chi phí quản lý xã hội.

Trong khi, nếu các cấp ủy, các cán bộ đảng ở cơ sở được nhận thức đúng đắn, được đặt đúng vào vị trí là cơ quan chấp hành, thực thi, thì hệ thống chính trị hoàn toàn có thể tổ chức lại theo hướng hợp nhất chức danh bí thư và chủ tịch Ủy Ban Nhân dân (UBND) các cấp; hợp nhất các cơ quan tham mưu, chuyên môn cùng chức năng của đảng và chính quyền như chủ trương của Nghị quyết 18 đã từng đưa ra. (Tôi nhấn mạnh là hợp nhất chức danh bí thư và chủ tịch UBND chứ không phải Chủ tịch Hội đồng Nhân dân. Thay vì e ngại mất kiểm soát quyền lực khi tập trung vào một người thì tôi cho rằng, ngược lại, cách tốt nhất để kiểm soát quyền lực là giao quyền lực chính danh và đủ mạnh).

Thực ra đây không phải là điểm nghẽn duy nhất trong phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản hiện nay, tuy nhiên, tôi cho rằng đây xứng đáng được coi là một loại “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, mà nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này, thì một loạt các điểm nghẽn khác có thể được dễ dàng tháo gỡ. Về mặt nhận thức thì có thể nó đã được giải quyết (ít nhất ở cấp cao), vấn đề bây giờ có lẽ chỉ là quyết tâm thực hiện đến đâu mà thôi.

***

II.

Một bản tin của báo Tiền Phong ngày 13/11* cho biết, Hà Nội dự chi gần 10.000 tỷ một năm để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.

Trước đó, một bản tin trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 4/10**, cũng cho biết, TP.HCM đã chi hơn 10.000 tỷ đồng thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thành phố trong quý III, IV năm 2023 và quý I, II năm 2024.

Tôi đồng tình với chủ trương nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức ở hai địa phương này, nhưng điểm tôi chú ý là ở khâu thực hiện.

Bản tin trên báo Tiền Phong cho biết, “mức chi thu nhập tăng thêm căn cứ kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng tháng của cơ quan, đơn vị”.

Bản tin trên báo Pháp Luật TP.HCM thì đưa ra đánh giá chi tiết hơn, cụ thể, báo viết: “UBND TP.HCM đánh giá việc chi thu nhập tăng thêm có sự so bì, tâm tư giữa đối tượng trong các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn TP với cán bộ, công chức, viên chức. Thực tế vẫn còn tình trạng “nể nang”, “cào bằng” khi rà soát, chấm điểm nên việc đánh giá, phân loại chưa phản ánh hết năng lực, thái độ và tinh thần đối với công việc trong thực tế của cán bộ, công chức, viên chức”.

Đọc hai bản tin này, tôi nhớ đến một món nợ của Bộ Nội vụ đó là “Đề án trả lương theo vị trí việc làm”, theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Cụ thể, quan điểm chỉ đạo Nghị quyết 27-NQ/TW là: “Trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động”.

Tuy nhiên, cho đến cuộc họp báo tháng 6/2024 của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc trả lương theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo vẫn “chưa thể thực hiện”.

Hãy thử tưởng tượng, bây giờ công ty bạn trả lương cào bằng cho tất cả nhân viên, bất kể vị trí, tính chất công việc, chỉ khác nhau ở thâm niên công tác (càng lâu lương càng cao) và phụ cấp lãnh đạo, thì công ty bạn sẽ “sống sót” được trong bao lâu?

Vậy mà, đó đang là cách mà bộ máy hành chính của chúng ta áp dụng để trả lương cho các cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống, từ hàng chục năm trước và vẫn duy trì cho đến tận bây giờ.

Thử hỏi như vậy thì cải cách làm sao? Nâng cao năng suất thế nào? Tinh gọn bằng cách gì được?

Việc tăng thu nhập như cách làm của Hà Nội và TP.HCM vẫn chỉ là giải pháp tình thế, và nhất là nó vẫn dựa trên một mô hình cũ, cách làm cũ, hệ thống cũ, đó là “đánh giá”/ “xếp hạng”, mang tính “chủ quan” và “cào bằng”.

Do đó, theo tôi, cải cách chính sách tiền lương, thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo cũng là một loại “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, mà chừng nào chưa tháo gỡ được “điểm nghẽn” này, thì chừng đó chưa thể nói đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hay nâng cao năng suất, chất lượng nhân lực khu vực công.

***

III.

Khi Tổng Bí thư  Tô Lâm nói “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, thực ra ông đã chạm vào một điểm nghẽn khác, rất vi tế, nhưng lại cực kỳ hệ trọng, nếu không muốn nói là hệ trọng bậc nhất trong số các điểm nghẽn hiện nay.

Trước tiên, thử phân tích xem từ đâu lại có lối tư duy “không quản được thì cấm”?

Nguyên nhân sâu xa, lối tư duy này xuất phát từ sự tuyệt đối hóa nhà nước, xem nhà nước như một “ông chủ” với quyền hành bao trùm, độc đoán và tuyệt đối. Do đó, ở đâu, khi nào mà “ông chủ” cảm thấy bàn tay của mình không vươn tới hoặc bao trùm hết được, thì cách đơn giản là ngay lập tức đóng sập nó lại: “Cấm tiệt!” Tất nhiên, trong lối tư duy này, người dân sẽ chỉ được xem như những kẻ ít nhiều vô năng, luôn cần phải được bàn tay của “ông chủ nhà nước” dìu dắt, hướng dẫn.

Một cách trực tiếp hơn, nguyên nhân của “tư duy không quản được thì cấm” có thể đến từ sự ưa thích dễ dãi. Khi nhà nước cảm thấy ở đâu, lĩnh vực nào vượt ra ngoài tầm với, ngoài năng lực quản trị của mình thì cách ngắn nhất là “cấm chỉ”. Như thế, nhà nước không cần bất cứ sự cải thiện năng lực, thay đổi quản trị nào, vẫn có thể giữ mọi sự trong khuôn phép, quy củ cũ. (Bất kể việc cấm đoán này có thể gây ra xung đột, căng thẳng hay kéo lùi sự phát triển xã hội như thế nào.)

Bây giờ, ta mới thử phân tích xem “từ bỏ tư duy không quản được thì cấm” có nghĩa là như thế nào?

Một cách ngắn gọn, nó có nghĩa là, khi người dân, doanh nghiệp mở ra những hoạt động mới, những lĩnh vực, hình thức kinh doanh mới mà nhà nước cảm thấy hệ thống quản trị của mình nhất thời chưa thể theo kịp, thì thay vì đẻ ra luật mới để “cấm chỉ” ngay tức khắc (cho nhẹ việc), nhà nước đầu tiên sẽ phải giữ một thái độ tôn trọng, sau đó sẽ phải tìm cách thấu hiểu, rồi từ từ tìm cách thay đổi luật pháp, cải thiện năng lực, thay đổi quản trị để đáp ứng, để theo cho kịp với những “cuộc chơi mới” mà người dân, doanh nghiệp vừa mở ra.

Tất nhiên, như vậy thì thật quá vất vả và đau đầu, do đó, để thực sự có thể làm được như vậy thì một lần nữa cần phải xuất phát từ những sự thay đổi căn bản, nếu không muốn nói là đảo ngược, trong tư duy, nhận thức về vị thế và vai trò của nhà nước với người dân. Nhà nước bây giờ không phải là một “chủ nhân ông tuyệt đối” đứng ở trên, ở cao ban phát quyền hành và “chăn dắt” nhân dân nữa, mà ngược lại, nhà nước sẽ chỉ là những đại diện được người dân (những người chủ đích thực) tín nhiệm, trao quyền và trả công để làm công việc quản trị đất nước, để phục vụ nhân dân.

Chỉ bao giờ và khi nào tư duy, nhận thức này được thấm nhuần trong cả người dân lẫn chính giới, thì khi đó, ở trên mới có các nhà làm luật “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”, ở dưới mới có nền hành chính tinh gọn, hiệu quả, thực sự coi người dân (những người nộp thuế nuôi nhà nước) là những “ông chủ” phải phục vụ, chứ không phải để “hành là chính”.

Như vậy, về bản chất, điểm nghẽn này nằm sâu trong nhận thức về quyền làm chủ, quyền tự do, tự trị và phẩm giá của nhân dân. Nó không dễ để nhận diện và thay đổi. Còn tháo gỡ được nó, thì quả thực là một cuộc cách mạng chứ chẳng chơi.

Nguyễn Đắc Kiên

*Hà Nội dự chi gần 10.000 tỷ/năm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, Tiền Phong

**TP.HCM đã chi hơn 10.000 tỉ đồng thu nhập tăng thêm cho cán bộ theo Nghị quyết 98, Pháp Luật TP.HCM