Nguyễn Hoàng Văn: Chọn phó tổng thống và chọn phó chủ tịch, phó bí thư
Con đường mà những công dân Mỹ trở thành phó tổng thống khác với cái “quy trình” ở đó những nhà hào phú nhưng xưng danh“cộng sản” trên đất nước chúng ta trở thành phó chủ tịch hay phó bí thư, phó giám đốc như thế nào?
Thực ra thì nhân vật số hai của nước Mỹ chẳng có trách vụ cụ thể nào mà cũng chẳng phải là nhân vật thiết yếu trừ những trường hợp bất thường, khẩn cấp. Nước Mỹ cần nhân vật này khi Thượng Viện lâm cảnh bế tắc với số phiếu lưỡng đảng cân bằng 50-50. [1] Và nước Mỹ còn cần hơn nữa khi tổng thống bị phế truất hay bất ngờ qua đời do tai nạn, bệnh tật hay bị ám sát chẳng hạn. Chẳng ai có thể đoan chắc việc gì sẽ xảy ra nên xác suất quốc hội bị treo hay nguy cơ tổng thống đột nhiên “chuyển sang từ trần” hoàn toàn không phải là zero nên những nhà lập quốc Mỹ mới nghĩ đến chức vụ này.
Mà cũng chính vì thế nên khi bầu tổng thống, cử tri còn phải xem xét thật kỹ tài năng và nhân cách của nhân vật số hai. Đồng ý là ứng cử viên tổng thống rất ổn nhưng còn vai phó, liệu ông ta hay bà ta có đủ năng lực để thay thế tổng thống hay không? Trong khi đó thì ứng cử viên tổng thống lại bận tâm với câu hỏi làm sao để thắng nên hai yếu tố này vẫn chưa đủ: muốn thắng thì phải thu hút đủ số phiếu cần thiết nên còn phải xem xét đến yếu tố bổ trợ và – cao hơn, lý tưởng hơn – là hiệu ứng cộng hưởng.
Không ai có thể được lòng tất cả và nếu nhân vật số một thu hút những nhóm cử tri này thì nhân vật số hai phải bổ trợ thêm với khả năng lôi kéo những nhóm cử tri kia. Thí dụ việc ông John F. Kennedy chọn ông Lyndon Johnson trong cuộc bầu cử năm 1960. Trong khi ông Kennedy là người Công giáo sống ở Massachusetts thuộc miền Bắc thì ông Johson là người Tin Lành sống ở Texas thuộc miền Nam, và do đó sẽ mang lại phiếu của cử tri Tin Lành và của miền Nam. Còn yếu tố cộng hưởng thì, nói giả dụ, có thể có những cử tri đang phân vân, lơ lửng cá vàng, chẳng mặn mà gì mấy với ông Kennedy mà cũng chẳng hảo ông Johnson gì cho cam, tuy nhiên sự kết hợp giữa hai người có thể sẽ khiến họ nhìn ra một điểm tích cực nào đó và sẽ ủng hộ liên danh này.
Bây giờ, khi chọn ông Tim Walz làm người thay thế cho mình trong nhiệm kỳ tới thì, dĩ nhiên, Phó Tổng Thống Kalama Harris và các cố vấn thân cận đã xem xét thấu đáo tài năng, nhân cách và uy tín của ông với cử tri vùng Trung – Tây. Dẫu vậy chọn lựa này cũng bị một số nhân vật của Dân Chủ phản đối như ông James Carville, nguyên là giám đốc Ban vận động của ứng cử viên Bill Clinton năm nào. Lên tiếng trên chương trình truyền hình Planet America, ông cho rằng đó không phải là chọn lựa tối ưu bởi ông Walz… “tả” quá nên, do đó, sẽ khiến những cử tri ôn hòa phân vân và, vả lại, còn dễ bị Donald Trump xuyên tạc là “cực tả”.
Trừ ông Donald Trump mới đây, như một nhà chính trị phi quy ước, cách mà ông ta chọn nhân vật số hai cũng hoàn toàn… phi quy ước nên, do đó, chúng ta miễn quan tâm và, còn lại, người Mỹ rất cẩn trọng và nhìn xa khi chọn nhân vật số hai. Chọn lựa này cũng chính là thông điệp gởi đến cử tri rằng nhân vật này hoàn toàn có đủ tư chất và kinh nghiệm để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo quốc gia khi cần và, do đó, hoàn toàn khác với cách chọn nhân vật số hai trên đất nước chúng ta.
Như có thể thấy rất rõ trong cuộc “khủng hoảng chủ tịch” mới đây khi Nguyễn Xuân Phúc rồi Võ Văn Thưởng liên tiếp “xin thôi chức”, các phó chủ tịch bên cạnh họ chỉ được phép làm “quyền chủ tịch” độ vài tuần là xong, “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”. Không phó chủ tịch nào được phép thay thế một cách chính thức nên, việc chọn lựa nhân vật số hai này cũng qua loa hời hợt thôi nếu so với người Mỹ và vấn đề cũng chẳng có gì khó hiểu. Đây là chọn lựa từ trên xuống, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến ý nguyện của người dân. Mà, nhìn rộng ra với các nhân vật số hai khác bên cạnh những nhân vật có thực quyền, từ phó bí thư đến phó giám đốc, phó phòng v.v. cũng vậy, yếu tố hàng đầu khi “cơ cấu” những ông phó này chính là lợi ích và an toàn của nhân vật số một!
Hãy nhìn vào một trong những vụ cướp bóc táng tận lương tâm nhất trong thời hiện đại, vụ cướp đất Thủ Thiêm. Lê Thanh Hải, ai cũng biết, chính là tên cướp đầu sỏ trong vai trò chủ tịch rồi bí thư thành ủy nhưng, cho tới nay, tên thổ tặc này vẫn vô sự, chỉ có cựu phó chủ tịch kiêm phó bí thư Tất Thành Cang là ngồi tù.
Phải chăng Hải đã “cơ cấu” Cang để sai bảo việc đen và để làm lưới an toàn khi “nhỡ việc”? Tương tự nếu tra cứu vô số thông tin về những vụ “tiêu cực” của các cơ quan công quyền chúng ta sẽ thấy rằng kẻ sa lưới, bị kỷ luật hay đi tù đều là nhân vật số hai, số ba và, thường, vai số một bao giờ cũng vô sự.
Một người am tường chuyện quan trường Việt Nam cho tôi biết những vai phó như thế được sếp trực tiếp cất nhắc, không chỉ để vừa phụ tá mình trong cuộc đấu đá nội bộ mà còn để làm “Lê Lai cứu chúa”. Tất cả những quyết định gây tranh cãi và nhạy cảm về chính trị, đặc biệt là liên quan đến đất đai hay tài chính, đều bị dí cho cấp phó ký thay. Không phải là loại “nạn nhân” này không biết nhưng, để tiến thân, họ phải chấp nhận, xem như “một xanh cỏ, hai đỏ ngực”: trót lọt thì được chia phần, hoạn lộ hanh thông, đổ bể thì đành vậy, đó là cái “vận” của mình.
Mà không chỉ là chốn quan trường, cả những vấn đề chuyên môn tại cả các bệnh viện công cũng vậy. Với những ca mổ khó, lằn ranh sinh tử là 50 – 50 thì các bác sĩ trưởng khoa thường dí cho các bác sĩ trẻ dưới quyền nhưng lại lăng xăng với danh hiệu “bác sĩ cố vấn” hay “chỉ đạo chuyên môn”. Nếu ca mổ thành công, họ sẽ ra mặt họp báo, tuyên bố này kia và nhận hết vinh quang. Nếu ca mổ thất bại, bệnh nhân bị thiệt mạng thì họ sẽ… missing in action, mất tích trong khi tiến hành nhiệm vụ, chỉ có mấy anh hay chị bác sĩ đưa thân ra làm đầu tằm gánh chịu trăm dâu!
Cũng còn có một lý do khác, cực kỳ…. chính trị.
Sinh thời nhà sử học Hà Văn Thịnh, trong bài viết “Phó tướng’ mải đánh nhau, sếp ung dung… hưởng lợi”, đã dẫn “bí quyết tại vị” của một ông giám đốc: “Ông đề xuất tới 4-5 ông phó của mình vào vị trí kế cận ông. Rút cục các ‘phó tướng’ mải đánh nhau, còn một mình ông vẫn… hưởng.” [2]
Xem ra thì tay giám đốc này cũng như muôn vạn “thủ trưởng” khác của trên đất nước chúng ta, đều muốn làm học trò cưng của Mao Trạch Đông với chiến lược “Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc đại trị”. Mao chủ trương quậy lên, đâm thọt cho thiên hạ đánh nhau chí tử còn mình thì đứng giữa hưởng thái bình. Mao muốn Việt Nam và Triều Tiên chia cắt vĩnh viễn, xung đột vĩnh viễn để làm vừa là phên dậu an toàn cho Trung Quốc, vừa vĩnh viễn suy yếu, hao tổn tài nguyên để Trung Quốc dễ dàng thao túng như một thứ “ngư ông đắc lợi”.
Hãy tưởng tượng một cơ quan với mỗi một ông giám đốc và một phó giám đốc: thể nào ông phó cũng săm soi bới lông tím vết, tìm ra trăm phương ngàn kế để gài bẫy cấp trên của mình nhằm tạo phản, giành ghế lãnh đạo. Nhưng nếu cơ quan đó có tới hai, ba hay bốn, năm ông phó thì tình hình sẽ khác bởi, trước khi giải quyết nhân vật số một, các ông phó phải tính sổ với nhau và, trong trận chiến này, ai cũng cầu thân và xây dựng liên minh với nhân vật số một.
Nhờ vậy nên nhân vật số một mới thành thơi “đại trị”. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhân dân phải còng lưng đóng thuế nuôi đám quan liêu vô tích sự trong tình trạng “thặng dư cấp phó” này. Mười năm trước đã có người than thở tại Quốc Hội:
“Hiện chúng ta đang lạm phát cấp phó. Cả nước có 139.000 cơ quan hành chính, hưởng ngân sách thì tương đương có 139.000 cấp trưởng và gấp 2 – 3 – 4 lần lên là số lượng cấp phó, có nơi 5 – 6, thậm chí 7 – 8 cấp phó nhưng không hiệu quả, giẫm chân lên nhau. Nhiều khi là xin cho, chạy chọt, bổ nhiệm theo phong trào nên nếu trung bình một cấp phó phải chi thêm 30 triệu đồng/năm phụ cấp chức vụ thì ít nhất sẽ phải chi hơn 4.000 tỉ đồng/năm. Quốc Hội cần có nghị quyết yêu cầu các cấp bố trí ngân sách cho cấp phó tối đa không quá 3 người.” [3]
Thực tế chua chát này cho thấy ít nhất hai điều.
Thứ nhất, bộ máy công quyền không hề tồn tại để phục vụ xã hội mà để phục vụ chính nó.
Thứ hai là luật rừng. Thích thì bổ nhiệm cấp phó. Bổ nhiệm để ban phát bổng lộc cho vây cánh, cho người thân hay chỉ đơn giản là để khiến nội tình lộn xộn nhằm bảo vệ quyền làm “thủ trưởng” của mình cũng như tìm người chết thay cho mình!
Đất nước mà khá lên được với một bộ máy “công quyền” như thế này thì mới là chuyện lạ!
Nguyễn Hoàng Văn
—————
Tham khảo:
- Thượng Viện có 100 thượng nghị sĩ theo tỷ lệ mỗi tiêu bang có hai đại diện với nhiệm kỳ sáu năm, trong trường hợp lâm vào tình trạng treo thí dụ Cộng Hòa 50, Dân Chủ 50 thì thế thắng nghiêng về đảng cầm quyền vì Phó Tổng thống sẽ có quyền bỏ phiểu.
- https://nguoidothi.net.vn/pho-tuong-mai-danh-nhau-sep-ung-dung-huong-loi-778.html
- https://thanhnien.vn/quoc-hoi-hien-ke-giam-chi-185428261.htm
Mạnh Quân, “Quốc hội hiến kế giảm chi”, Thanh Niên. 01/11/2014