Nguyễn Hoàng Văn: Đi tìm sự sướng của Trump

Cựu Tổng thống Donald Trump tổ chức cuộc vận động tranh cử tại Nhà hát Opera Rochester ở Rochester, New Hampshire, ngày 21 tháng 1 năm 2024.

“Giờ cho mày làm Trump, mày có làm không?”

Chuyện chẳng dính dáng gì đến Trump mà lại kết thúc bằng Trump, cái giả định trong hình thức một câu hỏi nhưng cũng kiêm luôn lời đáp, rõ ràng, dứt khoát, và người đối diện chỉ có thể mỉm cười gật đầu, hoàn toàn thuyết phục.

Tôi chứng kiến cuộc đối thoại này trong buổi họp mặt tại nhà Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn. Lan man, câu chuyện chuyển sang vấn đề an ninh mạng và một chuyên viên IT quay sang thổ lộ với tôi lạc thú của nghề: hoàn thiện một chương trình chỉn chu, hoàn hảo cũng sẽ thấy đã, thấy sướng như là hoàn tất một bài thơ, một bài văn đắc ý.

Cũng… sướng, sau đó anh bạn Hoàng Đình Bình, một nhạc sĩ ở Mỹ, giới thiệu với tôi… “Bùi Giáng”. Lâu lắm mới gặp, tôi nhắc lại “Giã từ cố quận” mà mình rất thích – ca khúc anh phổ từ thơ Bùi Giáng, được bạn đời anh trình bày trong lần gặp trước — anh hào hứng trao tôi tác phẩm mới viết về Bùi Giáng, lấy tên nhà thơ làm nhan đề, có tứ nhạc xoay quanh hình tượng “Lá hoa cồn”: Lá, lá, lá, hát xuôi và hát lái rồi… “sướng”, vút cao và ngân dài, như một sự thăng hoa. [1]

Từ cú pháp lập trình theo logic toán học đến cú pháp thơ của Bùi Giáng theo sự thăng hoa xuôi-lái của “lá hoa cồn”, là hai sự sướng khác nhau. Từ mạch chuyện chẳng liên quan lại dẫn đến một cái kết khác hẳn với Trump nên, nhất định, phải có một thứ sướng khác hơn nữa. Thì ai đó, như người bạn mỉm cười chịu thua khi bảo phải làm Trump: anh bạn sẽ “không dám”, “không ham” hay, thậm chí, “không thèm” với sự “làm Trump” nhưng, nhất định, nhân vật mang tên Trump phải rất sướng với cái việc làm… Trump. Vấn đề, do đó, là đi tìm cái sự đã rất… Trump này.

Nhưng, có tích mới dịch ra tuồng, tại sao một câu chuyện chẳng dính dáng gì đến Trump mà lại kết thúc bằng Trump?

Cái mâm nhậu mà tôi hầu chuyện, hầu hết, là những chuyên viên, chức nghiệp thuộc thế hệ sinh viên của thập niên 1980 và họ râm ran về chuyện người cùng thời đang đợi án tù. Đương sự là dược sĩ, đã bị kết tội gian lận trên 50 triệu Úc kim của chính phủ Úc và hiện đang chờ bản án mà, theo luật, có thể lên tới 10 năm tù. Trò gian của anh ta liên quan đến “Chương trình trợ giá dược phẩm” (Pharmaceutical Benefits Scheme: PBS) nhằm giúp người dân chữa bệnh với giá phải chăng, thí dụ những dược phẩm cho các bệnh tật bình thường, giá có thể trên dưới 50 Úc kim, nhưng nếu được vào chương trình PBS, người dân chỉ trả khoảng 10 Úc kim và chủ tiệm sẽ dùng số Medicare của khách hàng để lấy lại khoảng 40 Úc kim từ công quỹ. Nhưng phải nhân cho bao nhiêu khách hàng thì con số 40 mới vươn lên thành triệu? Chìa khóa của vấn đề, theo một bác sĩ am tường cả việc cả người, là những toa thuốc ung thư giá toàn mười mấy ngàn đô là: khi khách hàng chỉ thanh toán đâu chừng một vài trăm thì chỉ cần vẽ ra một trăm lượt khách là ung dung bỏ túi bạc triệu.

Như thế, sau những “Việt gian”, “giáo gian” v.v nay chúng ta có thêm “dược gian” và câu chuyện lại xoay quanh sự sướng của đương sự, một kẻ nghiện “thượng đẳng xa”, tạm dịch từ “super car”, từng nắm trong tay một đội xe trị giá 8 triệu Úc kim.

Nhớ lại “Nỗi buồn của nhà triệu phú”, cái truyện ngắn đọc năm mười mấy tuổi trong đó tác giả “xót thương” cho giới phú hào bởi giàu có mà làm gì khi không thể chạy cùng một lúc ba, bốn chiếc xe; cũng không thể trú ngụ cùng một lúc ở sáu, bảy biệt thự? Nhưng, ngày nay, với mạng xã hội, cái trò xót thương vờ vịt với hàm ý châm biếm hay, thậm chí, phảng phất chút cay cú, đã lỗi thời. Ngày trước những phụ nữ phô trương nôn nao chờ thiệp mời tiệc chỉ để khoe mỗi một bộ váy đẹp thì, ngày nay, họ chỉ đơn giản một nhấp lên mây, tiến thẳng từ du kích chiến lên… vận động chiến, có bao nhiêu đưa lên đó bấy nhiêu: chỉ nhẹ nhàng mở toang cánh cửa tủ quần áo rồi tạo dáng, ghi hình và upload, thiên hạ sẽ hiểu ngay cái thông điệp ngầm “hàng chục bộ quần áo này là của tôi”. Và tay dược gian kia cũng vậy. Facebook của anh ta tràn ngập những “thượng đẳng xa” lộng lẫy và, để tương xứng với chúng, là một “thượng đẳng thự” trị giá 20 triệu Úc kim, rồi những chuyến du lịch đắt tiền, những tủ rượu độc, hiếm v.v. [2] Nhưng bây giờ thì tất cả đã tan biến như giấc mơ qua: tài sản phi nghĩa đã bị tịch thu, tài khoản đã bị phong toả, giấy phép hành nghề đã bị tước và anh ta, đang bước qua tuổi 60, thì đang hồi hộp chờ án tù và cả án tiền.

Câu chuyện có thể quái đản, bất bình thường nhưng đó chính là… cuộc sống bởi xã hội này đâu chỉ toàn là người bình thường? Thế nhưng một người bạn cùng khóa, có lẽ, vì quá tin tưởng vào sự tử tế của con người trong thế giới bình thường, lại lằng nhằng thắc mắc tại sao phải như vậy, tại sao và tại sao, khiến một người khác, kẻ am tường cả việc lẫn người, phải dùng đến lý lẽ cuối cùng, có muốn làm Trump không thì bảo!

Nghĩa là giữa cựu tổng thống và cựu dược sĩ cũng có một mẫu số chung. Để sướng theo cách của mình, tên dược gian kia đã… rơi tự do trong trò gian để bây giờ phải trả nợ tù, nợ tiền. Và Trump, để sướng theo cách của mình, Trump, cũng đã rơi tự do trong những hành vi chỉ có Trump mới dám làm để, bây giờ, đối mặt với bản liệt kê những 91 cáo buộc hình sự. [3]

Nhưng đó chỉ là cái “tích” cho sự kết thúc bằng Trump, đâu mới thực sự là cái “tích” cho sự sướng của Trump? Như vậy, chúng ta cần đào sâu vào cái “nghiệp” của Trump, một dealer, cái nghề mà nhân loại, Đông phương hay Tây phương, đều chẳng ưa gì

Mà thật. Nếu người Anh mỉa mai “As honest as dealer”, người Việt chúng ta châm biếm “Thật thà như thể lái trâu”, nghĩa là, lái Tây hay lái ta. cũng một giuộc như nhau, không thể tin được. Mà Trump là một anh lái từ trong bản chất, đã hãnh diện đứng tên tác giả The Art of Deal và, theo giới bình luận, hằng deal với những vấn đề quốc gia như thể là deal một giao dịch địa ốc. Cách Trump thay bộ trưởng như thay áo. Cách Trump dùng quân viện để ép Ukraine làm khó đối thủ chính trị Joe Biden. Cách Trump áp dụng con số thu vào và chi ra để “luận” những vấn đề sinh tử của thế giới, từ an ninh của Âu châu, vai trò của NATO và sinh mạng của Đài Loan v.v. Mà để hiểu hơn cái bản chất dealer này thì, như là người Việt, có lẽ chúng ta nên bắt đầu với nghề… lái trâu.

Chúng ta nên đến với nghề này vì có thể hình dung một cách cụ thể sự “thật thà” của họ qua … “mao pháp” và, điều này, tôi xin nói ngay, là cách dụng từ của riêng tôi, dựa theo “tướng pháp”. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, nếu phải xem xét kỹ khi chọn người chúng ta dựa vào tướng pháp thì, khi cân nhắc với “đầu cơ nghiệp”, những nông dân có “tướng” của bộ lông bởi, theo niềm tin này, cái hay hay sự dở của loài trâu bộc lộ ở những vết xoáy của chòm lông: ở vị trí này thì sẽ khỏe mạnh, ngoan ngoãn, dễ sai khiến; ở chỗ kia sẽ có nguy cơ dở chứng, bệnh tật v.v.. Nhưng với giới “thật thà” kia thì xoáy hay không xoáy là từ bàn tay ta, chỉ với một chút dầu ăn và cái lược dày trừ chấy: thoa dầu vào đấy rồi dùng cái lược sấy nóng mà… tạo hình, như là thợ sấy tóc, công hiệu có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ nên, do đó, tha hồ mà hét giá.

Nếu Mao Trạch Đông bảo “Chân lý từ họng súng bay ra” thì, ở đây, lời lãi do tý dầu ăn đưa vào và đó chính là một trong những cái sướng của giới lái trâu. Cũng giống như cái sướng của Trump ngày nào khi cook the book, chiên xào sổ sách để thổi phồng giá trị những bất động sản trong tay mà thủ lợi, cái trò gian lận đã dẫn đến án phạt 354 triệu Mỹ kim mới đây mà, tính cả lãi mẹ lẫn gốc, số tiền phải trả sẽ lên đến hơn nửa tỷ!

Bản chất “lái trâu” này, thậm chí, còn thể hiện cả khi Trump đã nhậm chức tổng thống. Như việc tính giá mỗi ly nước lạnh đến ba Mỹ kim khi chiêu đãi phái đoàn của nguyên Thủ tướng Nhật ShinzoAbe tại Mar-a-Lago, sau khi nhậm chức vào tháng Tư năm 2018. [4] Tính từ khi Trump nhậm chức cho đến khi tờ The Washington Post phanh phui chuyện này vào ngày 20/8/2020, công ty Mar-a-Lago của Trump đã tính đến $8.1 triệu tiền thuế của người Mỹ cho những khoản tiếp đón quốc khách và, không rõ, trong đó có bao nhiêu là bội số của “ba đô la nước lạnh”? 

Chúng ta không biết nhưng, rõ ràng, chúng càng nhiều bao nhiêu thì sự sướng của tổng thống “lái nước” ấy sẽ dâng cao bấy nhiêu. Sướng bởi đã cắt bỏ chi phí đến mức vô cùng bé mà có thể nâng lợi nhuận đến mức cao nhất thế nhưng lòng tham thì vô đáy và, trong chiều hướng này, Trump đã đi xa hơn trong trò xấu của đàn ông, liên quan đến tệ “ăn bánh trả tiền”. Thì, khi cưỡng dâm nhà báo nữ E. Jean Carroll, Trump chẳng đã dùng sức mạnh để “ăn bánh khỏi trả tiền” hay sao?

Vụ ăn bánh đã khiến Trump bị tòa phạt những hai lần với với số tiền tổng cộng 88.5 triệu Mỹ kim thế nhưng con số “đứt ruột” này, chủ yếu, là do sự sướng của cái miệng bởi Trump không tiếc lời lăng mạ nạn nhân. Cũng giống như Trump sướng miệng khi xoáy vào đời tư của đối thủ Nicky Haley và, do đó, xúc phạm một quân nhân đang thi hành nhiệm vụ. Hay như khi Trump sướng bằng cách xúc phạm tới Thượng Nghị sĩ John McCain, một người được xem là anh hùng, hoặc cái sướng trong cuộc tranh luận với đối thủ Hillary Clinton khi thản nhiên cho rằng người đóng ít thuế cho đất nước như mình mới là người khôn ngoan. 

Trump, như thế, đã sướng như một kẻ không biết xấu hổ là gì mà đây lại là đặc tính khiến con người chúng ta khác với loài cầm thú. 

Nỗ lực sinh tồn đã hình thành ở mọi sinh vật – người hay thú – bản năng sợ hãi nhằm tránh né hiểm nguy; nhưng chỉ có xấu hổ mới là yếu tố để người khác thú, để hình thành những xã hội văn hóa, văn minh. Chúng ta xấu hổ khi trần truồng ra đường. Chúng ta xấu hổ khi, vì mất khôn, mà xúc phạm đến phụ nữ hay trẻ em. Chúng ta xấu hổ khi lỡ dại làm chuyện vô luân. Và chúng ta, như những người Việt Nam tự trọng, không chỉ xấu hổ mà còn lấy làm nhục nhã khi thấy tiếng mẹ của mình trên tấm biển cảnh cáo ở đâu đó, ở Nhật hay ở Singapore, cấm vào đây ăn trộm hay cấm sang đây làm đĩ v.v.. Như thế thì Trump, rõ ràng, là một con người vô sỉ. Trump tự hào là một tỷ phú khôn ngoan vì đã nộp thuế rất ít. Trump, một kẻ trốn lính, thoải mái lăng mạ những quân nhân. Trump nức nở khen con gái mình hấp dẫn và giả định điều mình sẽ làm nếu không phải là… cha. Rồi Trump đã tính mỗi ly nước lạnh đến ba đô la khi tiếp quốc khách tại tư dinh. 

Vấn đề cần đặt ra là tại sao gần một nửa nước Mỹ lại đội một kẻ như thế lên đầu?

Elizabeth Mika, trong tiểu luận “Who goes Trump? Tyranny as a triumph of narcissism”, đã ví chế độ độc tài với loài “quái vật ba chân”: một chân là tên độc tài, một chân là những thủ hạ và chân thứ ba là nền tảng xã hội đã tạo điều kiện cho sự câu kết giữa tên độc tài và đám a tòng. [5] Đây, phải chăng, là điều đã xảy ra tại Đức vào thập niên 1930, khi một dân tộc thông minh, tài hoa, chăm chỉ và kỷ luật, từng sản sinh ra những triết gia, những chính khách, những nghệ sĩ xuất chúng, lại đội một tên vĩ cuồng ít học như Adolf Hitler lên đầu? Đã thất bại trong Đệ nhất thế chiến, lại thêm Hiệp ước Versailles 1919 nhục nhã khi bị phe thắng trận chèn ép tới tận đáy cùng, cộng thêm tác động của cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1930, cái tình trạng xơ xác, hoang mang, mất hết niềm tin của người dân Đức đã trở thành nền tảng cho sự sinh sôi của tên khát máu Hitler và đám Quốc xã a tòng.

Trump, một kẻ phản trí thức, đã không hề che giấu giấc mơ độc tài. Trump ngưỡng mộ hay khao khát đặc quyền của những Vladimir Putin, Tập Cận Bình hay Kim Jong-un. Trump muốn đứng trên luật pháp Mỹ, muốn lăng mạ kẻ khác tùy thích, muốn ra ứng cử mà không bị đối thủ nào làm phiền v.v. Mà để được như thế thì phải phá vỡ trật tự hiện hữu, phải để Nga xóa số Ukraine, để mặc Trung Quốc thôn tính Đài Loan và cho NATO kết thúc sứ mạng lịch sử v.v… Mà năm 2020, khi cố níu ghế tổng thống, Trump chẳng đã mưu toan phá nát nền dân chủ Mỹ bằng cách sách động vụ tấn công vào Quốc hội, trái tim của nền dân chủ ấy là gì?

Nhưng hiện tại nước Mỹ vẫn đứng đầu thế giới chứ không hề xác xơ thua thiệt như nước Đức thời ấy. Vấn đề là — như Tim Alberta nêu ra trong The Kingdom, the Power, and the Glory: American Evangelicals in an Age of Extremism – sự hoang mang và cảm giác bị thua thiệt của những người Mỹ tự xem mình là “chính gốc”, người da trắng theo đạo Tin Lành, cảm thấy bị bỏ lại phía sau trước làn sóng toàn cầu hóa, trước cách mạng tin học, và họ muốn quay trở lại với thời kỳ huy hoàng khi cộng đồng của mình là một đa số tuyệt đối. Nhìn vấn đề từ bên trong – như là con trai của một mục sư và vẫn đều đặn đi nhà thờ — tác giả cho rằng giới lãnh đạo của cộng đồng này đã chọn Trump – một kẻ ngoại đạo — như là tên lính đánh thuê để thay mình làm trò bẩn. [6]

Để làm trò bẩn thì phải chọn những kẻ vô sỉ và Trump, xem ra, là một chọn lựa lý tưởng. Vấn đề là, rồi đây, liệu nước Mỹ sẽ mất trí như là Đức của thập niên 1930 khi đội Hitler lên đầu như là đấng cứu tinh cho sự thua thiệt của mình? Chọn lựa này đã khiến nước Đức đi vào con đường tự hủy hoại với những chương sử đen tối, đáng hổ thẹn còn Hitler, tên vĩ cuồng không ngại làm trò bẩn, đã vĩnh viễn nằm một chỗ trong cái hố rác lịch sử của nước Đức và của nhân loại.

Đi tìm sự sướng của tên phản trí thức vĩ cuồng cũng là đi tìm cái vị trí ấy. Sự sướng của Trump mà, một lần nữa, được nâng đến mức tột cùng thì nước Mỹ sẽ trải qua một chương sử đen tối, đáng hổ thẹn còn Trump, cuối cùng, sẽ tìm thấy vị trí sâu hơn của mình trong cái hố rác của lịch sử, lịch sử nước Mỹ và lịch sử nhân loại.

Nguyễn Hoàng Văn 

—————

Chú thích, tham khảo:

  1. “…Tôi chẳng rõ cội nguồn tôi ly biệt / Dấu tiên sa và ngấn tích tiên nga /Bờ giạt bèo hay bến lạnh trôi hoa /Ngày ngóng mộng hay đêm ngờ máu chảy..” Bài thơ này đã được nhà thơ Huy Tưởng đọc trong tang lễ Bùi Giáng. 
  2. https://www.dailymail.co.uk/news/article-12791453/Cabramatta-pharmacist-Ben-Huynh-wife-lavish-life.html
  3. https://www.abc.net.au/news/2023-08-29/donald-trump-legal-issues-court-dates-republican-primaries/102787372
  4. Trump’s Mar-a-Lago resort charged US taxpayers $3 for a glass of water

https://www.businessinsider.com/trump-mar-a-lago-resort-charged-taxpayers-3-water-wapo-2020-10

  1. https://www.positivedisintegration.com/mika2017chapter.pdf

Xem bài phỏng vấn tác giả trên đài PBS: https://www.pbs.org/newshour/show/tim-alberta-discusses-his-new-book-exploring-american-evangelicals-and-political-extremism