Nguyễn Hoàng Văn: Ký ức chiến tranh: khi cả hệ thống chính trị cùng đi tán gái

Vinh quang xương máu lại được hâm nóng thêm một lần nữa, với lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên và, lần này, như để thoát khỏi lối mòn, không khí chiến tranh đã… mùi hơn với hôn lễ ở căn hầm khét mùi thuốc súng của Christian de Castries, lấy xe tăng thay thế xe hoa. [1]

Ảnh cưới của vợ chồng Trung tướng Cao Văn Khánh và giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản chụp trên tháp pháo xe tăng ngày 22/5/1954. Ảnh: NVCC.

Đó là đám cưới của Đại đoàn phó Cao Văn Khánh – tức sư đoàn phó, về sau là Trung tướng Phó Tổng tham mưu trưởng, với nữ y tá –sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Toản, về sau là Giáo sư – Bác sĩ tại Quân y viện 108. “Nhứt đốn tre, nhì ve gái”, những ai từng khổ sở với khoản thứ nhì này đều ao ước rằng mình có cơ hội như ông Khánh bởi, để lấy được người con gái mình yêu, ông không hề… lao động một mình mà có sự đồng hành của hầu như cả hệ thống chính trị, quân dân cán chính.

Ông Khánh xuất thân trong một gia đình trung lưu ở Huế, tốt nghiệp luật ở Hà Nội nhưng chọn nghề dạy học và năm 1945 theo Việt Minh, dấn thân vào nghiệp võ. Vợ ông là con gái Thượng thư Tôn Thất Đàn, cũng theo Việt Minh với sự “giác ngộ” của Nguyễn Chí Thanh.

Đầu tiên là ông mai Lê Quang Đạo, Cục trưởng Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ, về sau là Chủ tịch Quốc hội. Nhá ra tấm ảnh có hình cô gái Huế chưa tới 20, ông Đạo đã khiến đại đoàn phó Khánh 30 tuổi mê mẩn tâm thần. 

Lúc đó cô Toản vừa làm y tá, vừa học y khoa tại quân y viện ở Chiêm Hóa do Bác sĩ Tôn Thất Tùng phụ trách, con nhà quan nhưng tính… nhà lính, cô khá bướng, từng thề sẽ không bao giờ lấy chồng nên, dù ông sếp Tôn Thất Tùng cố làm mai, dàn cảnh cho hai người gặp nhau, cô đã khôn khéo tránh né. Nước này thì ông mai thứ hai phải dùng quyền hạn cấp trên: triệu tập nhân viên và thương binh nhẹ – trong đó có cô – đến nghe “đại đoàn phó báo cáo tình hình chiến sự”.

Hóa ra cái giây phút ban đầu “nơi anh gặp em” không hề có trăng sao mây nước hay hoa vàng cỏ biếc, chỉ có ta thắng, địch thua!

Cùng lúc, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đang điều trị tại đây cũng có lời vun đắp, mà cái uy của cấp chỉ huy toàn quyền sinh sát vào thời đó thì phải nặng như núi. Nhưng để chắc ăn, ông Vũ còn tìm đến tận nhà để tán… mẹ cô gái, bảo “anh ấy rất có tương lai, đánh giặc rất giỏi” khiến bà vợ ông thượng thư nói mát, bảo tương lai vẻ vang thế thì anh ấy nên né xa con tôi đi, lý lịch nó xấu lắm, vả lại tôi kén rể chớ có thành lập quân đội đâu mà cần người có tài cầm quân. Tuy nhiên nghe tin đằng trai là đồng hương Huế, bà có vẻ xiêu xiêu. Cứ vậy nên mưa lâu cũng thấm đất nhưng, để có một hôn lễ như trên, lại là một bước ngoặt đảng tính đầy… kịch tính.

Đại đoàn 308 của ông Khánh là đơn vị chủ công của chiến dịch, sau khi chiếm được cứ điểm cuối cùng, ông trú ngay tại hầm chỉ huy để vừa điều khiển việc thu dọn chiến trương và trao trả tù binh, vừa chuẩn bị cưới vợ.

Cái ảnh anh gặp em lần đầu đã … chính quyền rồi, cảnh cưới nhau này còn… chính quyền hơn nữa, phải nói là cực kỳ chính quyền với quyền lực của ông mai thứ ba là Trần Lương, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân. Ông mai này về sau lấy bí danh Trần Nam Trung để đảm nhiệm vai Bộ trưởng Quốc Phòng trong “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”.

Với quyền hạn của mình, ông Lương thảo lệnh công tác, sai giao liên mang đến trao tận tay cô dâu: “Yêu cầu đồng chí Toản sáng 18/5 phải có mặt ở mặt trận để nhận nhiệm vụ mới.” Thế rồi anh giao liên đưa cô dâu đi suốt đêm, khởi hành từ 5 giờ chiều và đến 2 giờ sáng hôm sau mới đến “nhiệm sở mới” chỉ để nhận mấy việc linh tinh trước khi được ông phó chính ủy toàn quân giao chính thức giao nhiệm vụ lớn: “Tôi biết chị và anh Cao Văn Khánh yêu nhau đã lâu nhưng trận mạc liên miên không có điều kiện gặp gỡ. Ta nên tổ chức cưới ngay tại đây, đừng đợi về hậu phương nữa, tôi sẽ đứng làm chủ hôn cho.”

Ba ngày sau khi cô Toản đặt chân đến, căn hầm của chỉ huy trưởng quân Pháp trở thành phòng tân hôn. [2] 

Nhưng xét ra thì mối nhân duyên tưởng là độc nhất vô nhị của hai người vẫn có nét chung trong mối quan hệ giữa chế độ toàn trị và phụ nữ. Như có thể thấy, các chế độ toàn trị như phát xít hay cộng sản thường đề cao phụ nữ và việc này có những lý do dễ hiểu của nó.

Lý do đầu tiên là quân số, lực lượng. Để lật đổ hệ thống cai trị hiện hành thì tổ chức tạo phản nào cũng muốn mở rộng “quần chúng”: dân số một nước là 100 triệu thì nữ giới cũng phải trên hoặc dưới 50 triệu, vận động nữ giới theo mình thì sẽ sẽ có một lực lượng đáng kể. 

Bên cạnh yếu tố … dân số học này còn có một yếu tố quan trọng khác, thuộc về đặc điểm của nữ giới mà Giáo sư Nguyễn Xuân Thu – nguyên là Giám đốc Nha sưu tầm và nghiên cứu của Bộ Giáo dục VNCH – đã minh họa trong hồi ký của mình về những ngày hậu tháng Tư năm 1975. Lúc đó Nha của ông bị hai cán bộ từ miền Bắc vào tiếp quản. Để “nắm” lý lịch của 50 chuyên viên và nhân viên cơ hữu của nha, hai cán bộ này chỉ cần bỏ ra hơn một tuần lắng nghe nữ nhân viên trực điện thoại của nha tỉ tê, từ đó đưa ra cách ứng xử “đúng mức” với từng người. Cô này có chồng nhưng đã di tản, sau đó cô sống chung với một trong hai cán bộ tiếp quản. [3]

Có thể nhận ra ngay rằng “ưu điểm” của nữ nhân viên này với chế độ mới là tính “nhiều chuyện”. Mà để “nhiều chuyện” như vậy thì cô ta phải cực kỳ nhạy bén trong môi trường làm việc cũ và linh hoạt, dễ bắt mạch với môi trường làm việc mới.

Chế độ toàn trị bao giờ cũng muốn nắm rõ đến từng chi tiết trong ngóc ngách đời tư của từng công dân, có ai đắc dụng với nó hơn những phụ nữ như thế?

Những đạo diễn nổi tiếng của Hollywood cũng chú ý đến yếu tố này, nhất là các phim tái hiện khung cảnh Âu châu thời Đức Quốc xã thống trị. Một trong những phim hay nhất là Pianist của đạo diễn Roman Polanski, đoạt nhiều giải thưởng, kể cả Oscar. Trong phim có cảnh nhạc sĩ Władysław Szpilman lẩn trốn trong một chung cư, ngày nọ lỡ tay gây ra một tiếng động khiến phụ nữ sống gần bên sinh nghi, đến gỏ cửa căn phòng lẽ ra không người rồi để ý dò la. Xem phim chúng ta hồi hộp với cảnh chàng nhạc sĩ xanh xao vì đói ngồi run sợ bên trong và người đàn bà có cặp mắt soi mói bên ngoài, cuối cùng nhân vật chính này phải lén trốn ra ngoài, sống đói khát trong một chung cư đổ nát vì bom đạn, cuối cùng được một sĩ quan Đức có tâm hồn nghệ sĩ giúp đỡ.

Cũng chính yếu tố trên đã làm nên một diện mạo khác hẳn của văn học hải ngoại một thời, đó là “hiện tượng nữ” vào đầu thập niên 1990.

Nam hay nữ, người cầm bút nào cũng phải vật lộn với cuộc mưu sinh và đương đầu với những đòi hỏi của đời sống thế nhưng dường như điều này, vào thời điểm đó, đã trở thành độc quyền khai thác của nữ giới. Diễn tả những trăn trở trước cuộc đời mới, những cây bút nữ tỏ ra sắc sào hơn nam giới rất nhiều với những tên tuổi như Trần Diệu Hằng, Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phan Thị Trong Tuyến, Trần Thị Kim Lan, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phạm Thị Ngọc v.v. 

Theo nhà văn Nguyễn Mộng Giác thì nếu nguồn cảm hứng của văn học hải ngoại bắt mạch từ quê hương và đất mới thì, trong khi nam giới một mực hướng về quê nhà, nữ giới lại nhạy bén hơn với đời sống mới. Để sống, người đàn ông nào cũng chấp nhập thân phận của một người “làm công vô danh trong hàng triệu người làm công vô danh” nhưng, ngoài thì giờ dành cho cơm áo, bên trong mỗi người còn có một niềm kiêu hãnh vô tận với địa vị quá khứ, với kinh nghiệm đã trải và, thậm chí, kiêu hãnh cả với… dự phóng cho tương lai của tổ quốc và, hệ quả là họ không thể cảm nhận cuộc sống hiện tại một cách bình thường. Nhưng phái nữ thì không bị “phân thân nặng nề” như thế. Cũng lặn lội mưu sinh nhưng, nếu có chút thì giờ cho văn chương, họ nuôi dưỡng cảm hứng từ cuộc sống hôi hổi trước mắt và, từ đó, đã “viết được những truyện ngắn hết sức phong phú về nội dung và uyển chuyển về hình thức.” [4]

Ngoài yếu tố trên, chế độ toàn trị còn chú ý đến phụ nữ bởi họ, phần đông, là người nắm tay hòm chìa khóa trong nhà. Tổ chức một Hội Phụ Nữ hoạt động có lớp lang để “nắm” phụ nữ có nghĩa là xây dựng một nền tảng để hướng tới việc thao túng xã hội trên cả hai khía cạnh an ninh và tài chính. 

Còn một yếu tố khác không kém phần quan trọng là sex.

Bắt đầu bằng chuyện Nguyễn Bính, khi nhà thơ này tham gia kháng chiến ở miền Nam vào năm 1947, được chính quyền thân Pháp ráo riết kêu gọi “dinh tê” về thành. Lo sợ cho viễn cảnh mất đi một cái tên sáng giá cho công tác tuyên truyền, Bí thư xứ ủy Lê Duẩn ra lệnh tìm cho nhà thơ một cô vợ: không gì hay bằng trói chân nhà thơ này bằng một bóng hồng. Nghĩa là ông Lê Duẩn muốn vận dụng sợi dây trói sinh lý – hôn nhân và, dĩ nhiên, việc mai mối phải phó thác cho Hội Phụ Nữ. Sau đó (1948) thì Nguyễn Bính có vợ. [5]

Lê Duẩn hiểu “sợi dây” này hơn ai hết vì ông ta cũng tự … trói mình như thế. 

Lê Duẩn đã có vợ với bốn mặt con ở Quảng Trị nhưng lúc này thì phòng không chiếc bóng tại miền Tây Nam Bộ. “Đối tượng” mà ông vua này nắm tới là một hội trưởng phụ nữ cấp tỉnh người Cần Thơ và việc mai mối được giao cho Lê Đức Thọ, đại diện của trung ương. Ông Thọ thuyết phục cô cán bộ này làm vợ Lê Duẩn như là một “nhiệm vụ”, cân bằng âm dương cho bí thư, chăm sóc để ông bí thư “có sức khỏe làm việc cho đất nước, cho dân tộc được lâu dài”. [6]

Không rõ trước hay sau nhưng Lê Duẩn lấy cô vợ hai này cùng năm với Nguyễn Bính.

Không có tài liệu nào về đời tư của ông mai Lê Đức Thọ nhưng ông này là người thấu hiểu tầm quan trọng của sex với cách mạng hơn ai hết. Theo ông Nguyễn Văn Trấn, nguyên là Bí thư xứ ủy Nam kỳ thời kỳ tiền cách mạng, thì Lê Đức Thọ đã ra nghị quyết bất thành văn, cho phép những cán bộ công tác xa nhà trên 300 cây số được phép lấy thêm vợ. [7] Chuyện cũng được thiếu tướng, tư lệnh pháo binh Nguyễn Thế Lâm nhắc đến trong hồi ký của mình. [8] Mà ông Lâm này cũng được Hội phụ nữ mai mối cho một cô vợ, thành con rể của Bác sĩ Lê Đình Thám, về sau là một nhà Phật học có tiếng. 

Đâu khoảng 20 năm trước tôi về Việt Nam gặp dịp các hiệu sách tràn ngập hồi ký các tướng lĩnh và, đọc qua trang đầu với câu “Hưởng ứng phong trào viết hồi ký của đại tướng..”, tôi hiểu ngay đây là nỗ lực dành lại “quyền kể chuyện” của ông Võ Nguyên Giáp. Sau bao nhiêu năm bị bịt miệng hay bị át giọng, ông Giáp kêu gọi các tướng lĩnh dưới quyền viết hồi ký và, do đó, thể nào cũng lồng lộng hình ảnh của mình như là “người anh cả của quân đội”. Đọc nhẩn nha một mớ, tôi phát hiện cái công thức chung cho hàng loạt tướng lĩnh: họ tham gia cách mạng, trở thành cán bộ trẻ có năng lực, được kết nạp đảng, rồi được Hội Phụ Nữ “xây dựng” cho một “đồng chí – bạn đời”.

Có cô vợ trẻ đẹp níu chân, anh cán bộ trẻ nào nghĩ đến việc bỏ trốn, “dinh tê”?

Như vậy, bên cạnh các nhiệm vụ khác, cái hội phụ nữ nói trên còn đảm nhiệm một vai trò ít biết, ít được thừa nhận nhưng cực kỳ quan trọng là “bảo vệ quyền lợi giai cấp” bằng ràng buộc hôn nhân, nói trắng ra là ràng buộc sinh lý.

Nhân đây cũng nhắc lại một định nghĩa khác lạ về giai cấp của William Domhoff, một nhà tâm lý – xã hội học Mỹ. Nếu “giai cấp” được nhà xã hội học Đức Max Weber xác định qua những yếu tố như nghề nghiệp, địa vị, quyền lực chính trị; được Karl Marx phẩm định qua những khái niệm như “quan hệ sản xuất”, quyền sở hữu đối với các “tư liệu sản xuất” thì Domhoff lại nhìn qua cái lỗ khóa hôn nhân. “Giai cấp”, theo Domhoff, là một thành phần, một nhóm xã hội mà những thành viên có thể thoải mái kết hôn với nhau. [9] 

Xét ra thì giai tầng đặc quyền nào cũng lo lắng bảo vệ tình trạng hiện hữu của mình. Mà để làm như thế thì phải bảo vệ cho bằng được cấu trúc nội bộ qua việc truyền giống, kế thừa. Cùng san sẻ những lợi ích như nhau, những bậc thang giá trị như nhau, những mối đe doạ và nỗi sợ như nhau nên, theo bản năng sinh tồn, những cái “như nhau” này sẽ gắn kết các thành viên của cùng một giai tầng trong quan hệ truyền giống. Đây chính là một hành động tự vệ, do đó, những hành động xé lẻ với giai tầng cạnh tranh ở vị trí thấp hơn sẽ bị lên án. 

Phong tục “môn đăng hộ đối” của chúng ta là gì, nếu không là biện pháp tự vệ của tầng lớp xã hội bên trên? Phong tục tổ chức vũ hội hằng năm của giai tầng quý tộc Âu châu cũng không ngoài mục đích đó khi cốt ý tạo cơ hội mối mai ngay trong giai tầng của mình. Chẳng thế mà khi ông Nguyễn Tấn Dũng xé lẻ, gả con gái cho con trai một “sĩ quan ngụy”, lại có quốc tịch Mỹ, ông đã bị hệ thống chính trị loại bỏ, cho về nhà “làm người lương thiện”!

Cũng chính vì biện pháp “tự vệ giai cấp” này nên ông Cao Văn Khánh, do không phải gốc gác công–nông lại lấy vợ dòng dõi quan lại, suốt 23 năm bị cầm chân ở cấp bậc đại tá và luôn luôn là cấp phó dù “đánh giặc rất giỏi”, dù chiến công đầy người.

Nhưng đó không phải là vấn đề chúng ta đang bàn. Vấn đề là ông tướng này cũng có một ông anh tham gia Việt Minh tên Cao Văn Tường nhưng đã dinh tê về thành, về sau đắc cử Thượng nghị sĩ của thể chế VNCH. Không có gì trói chặt ông Khánh theo cách mà Lê Duẩn từng đề ra với Nguyễn Bính nên, khi ông mê cô y tá đồng hương, là cả hệ thống chính trị nhất loạt lao vào tán cho ông!

Nguyễn Hoàng Văn 

——————

Tài liệu tham khảo:

  1. https://thanhnien.vn/vo-tuong-cao-van-khanh-tham-dien-bien-nho-ky-uc-dam-cuoi-tai-ham-do-cat-185240402083242634.htm
  2. Cao Bảo Vân (2021), Tướng Cao Văn Khánh, NXBTri Thức, Hà Nội, trang 318. 
  3. Nguyễn Xuân Thu (2014), Hành trình từ trường làng đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, Người Việt Books, trang 83. 
  4. Nguyễn Mộng Giác, “Nghĩ về một số nhà văn nữ hiện nay”, Văn Học số 2, tháng 3 năm 1986, California.
  5. https://vanhoavaphattrien.vn/nhan-ky-niem-105-nam-sinh-cua-nha-tho-nguyen-binh-21918-22023-nguyen-binh-va-le-duan-a17641.html
  6. https://tuoitre.vn/ba-bay-van-yeu-manh-me-song-manh-me-20181028091651659.htm
  7. Nguyễn Văn Trấn (1995), Viết cho mẹ & Quốc hội, NXB Văn Nghệ, California. Trang 143. 
  8. Nguyễn Thế Lâm (2003), Ngược bắc xuôi nam, Nhà xuất bản Trẻ, trang 142.

Domhoff, G. William (1983). Who Rules America: Power, Politics, & Social Change, Touchstone Books, trang 28–37.