Nguyễn Hoàng Văn: Nỗi buồn Nobel và nỗi sợ ông hàng xóm

Một vài tác giả “hàng xóm” trong khu vực Đông Á, đã được giải Nobel Văn chương: Từ trái qua: nhà văn Nhật Yasunari Kawabata (Nobel Văn chương năm 1968), nhà văn Nhật Kenzaburō Ōe (Nobel Văn chương 1994), nhà văn Trung Hoa quốc tịch Pháp Cao Hành Kiện (Nobel Văn chương 2000), nhà văn Trung Hoa Mạc Ngôn (Nobel Văn chương 2012), nhà văn Hàn Quốc Han Kang (Nobel Văn chương 2024)

Nhà văn Han Kang của Nam Hàn được trao giải Nobel Văn Chương 2024 và, ngoài những thông tin – bình luận bình thường, người Việt chúng ta… lại nhốn lên, ray rứt và cay đắng. [1] Người thì tự vấn tại sao chúng ta vẫn chưa, kẻ lại đau đớn khi nào đến lượt v.v. [2] Sự nhốn nháo này, tôi lấy làm nghi ngờ, chưa hẳn là do thôi thúc văn chương mà, có vẻ như, nói theo Lâm Ngữ Đường, là “nỗi sợ ông hàng xóm”.

Lâm Ngữ Đường kể chuyện Càn Long du Giang Nam, đứng trên ngọn núi cao nhìn xuống biển, thắc mắc hàng trăm chiếc thuyền dưới chân đang giong buồm đi đâu và một đại thần giải thích, rằng dẫu đến hàng trăm chiếc, kết lại chỉ có hai thôi, chiếc Danh và chiếc Lợi. Nghĩa là bất luận làm gì, chúng ta cũng chỉ bị chi phối bởi hai thứ danh – lợi nhưng Lâm Ngữ Đường cho là chưa đủ bởi vẫn còn đó ông hàng xóm. Nếu Democritus mơ tưởng đến một cống hiến vĩ đại cho nhân lọai bằng cách giải thoát con người ra khỏi nỗi sợ trước Thượng Đế và cái chết thì, dẫu có tin theo Friedrich Niezstch là “Thượng Đế đã chết rồi”, chúng ta vẫn phải tiếp tục khổ sở sống dưới sự chi phối của ông “Thần Thời Thượng”: hàng xóm có cái gì thì phải chạy theo cho bằng được, không theo không chịu nổi. [3]

Tâm lý này từng thể hiện vào năm 2000 khi Cao Hành Kiện, một nhà văn Trung Quốc lưu vong, nhận giải Nobel Văn Chương. Lúc đó Nguyễn Thanh Sơn, mau mắn và kịp thời trong tư thế một “nhà phê bình trẻ và sắc sảo” theo lời giới thiệu, đã xẹt ra như chớp sao băng với dự án “Tiếp thị cho một giải Nobel văn chương Việt Nam”:

“Con rắn ghen tỵ quả đã mổ trúng sống lưng của chúng ta khi nghe tin giải Nobel văn chương năm 2000 được trao cho Cao Hành Kiện, mặc dù không ai trong chúng ta biết ông ta là ai.” [4]

Lẽ nào? Chuyện văn chương mà trông như những thiếu niên đua đòi, tức tối trước những đời xe hay iphone mới nhất của bạn bè cùng trang lứa? Mà nhìn chung hết thì, dẫu nói về giải Nobel Văn Chương, chúng ta lại nhấp nhổm như thể học trò tiểu học chờ thầy xoa đầu cho điểm tốt, không cần biết mình có làm bài tốt hay không. Chúng ta mơ tưởng giải thưởng quốc tế nhưng chẳng buồn xây dựng thế giá cho một giải thưởng quốc gia, chỉ những giải nhếch nhác với những tiêu chí xét duyệt nhếch nhác, người trao kẻ nhận nhếch nhác và, dĩ nhiên, là những tai tiếng nhếch nhác. [5]

Có thấy vậy thì mới hiểu là tại sao, đến nay, sau gần một phần tư thế kỷ, cái dự án tiếp thị kia vẫn chưa có.. thị trường mà, thậm chí, tròn một giáp sau đó, khi Mạc Ngôn – một nhà văn Trung Quốc sống tại Trung Quốc – đoạt giải Nobel Văn Chương 2012, tác giả cũng chẳng buồn cập nhật. Phải chăng tác giả, lúc đó cũng như bây giờ, đã… miễn dịch với “nỗi sợ ông hàng xóm” và dự án nóng hổi năm xưa chỉ hòn đá ném xuống cái giếng không có đáy?

Nobel là một giải thưởng cao qúy nhưng đó không phải là tất cả hay tối thượng mà, xét cho cùng, mục tiêu của nền văn học quốc gia hay bất cứ lĩnh vực nào khác đâu nhất thiết là hướng tới giải Nobel? Mahatma Gandhi đã năm lần bị bác giải Nobel Hoà Bình nhưng so với một Henry Kissinger hí hửng ôm nửa cái giải ấy vào năm 1973, ai đáng ngưỡng mộ hơn ai? Tuyên ngôn Nobel Văn Chương 1938 vinh danh nhà văn Mỹ Pearl Buck về những tác phẩm “diễn tả xác thực đời sống của nông dân Trung Hoa” nhưng, so với Lỗ Tấn cùng thời, nhà văn không chỉ diễn tả xác thực đời sống mà cả tâm não của người Trung Hoa, ai để lại dư âm lâu dài hơn ai? [6] Hơn nữa, nói theo Lâm Ngữ Đường, thì việc một trường học đào tạo được một vài nhà quán quân môn quần vợt hay túc cầu cũng không quan trọng bằng việc “tập cho toàn thể học sinh biết chơi hai môn đó”, việc một dân tộc sản sinh được một thiên tài như Auguste Rodin không quan trọng bằng việc “dạy dỗ để cho tất cả trẻ em và thanh niên trong lúc nhàn rỗi sáng tác được cái gì để tiêu khiển”. [7]

Từ nét đẹp của thể lực, của tinh thần thượng võ và đồng đội đến cái đẹp tạo hình: còn trẻ mà biết yêu quý cái đẹp thì lớn lên sẽ sống đẹp nên xã hội, do đó, cũng sẽ tốt đẹp hơn. Và văn chương, với cái đẹp toát lên từ hiện thực của đời sống mà người viết tái tạo trong tác phẩm theo phong cách riêng của mình. Từng vẻ đẹp riêng như thế sẽ giúp chúng ta nhìn lại cuộc sống này bằng những cảm nhận khác hơn để thấy nó đẹp hơn và, do đó, sẽ có một đời sống tinh thần phong phú hơn. Nhưng vai trò thẩm mỹ này, có lúc, trở thành tai nạn của một quan chức văn nghệ, theo hồi ức của Tô Hoài khi dự khóa chính trị cao cấp tại Trưởng Đảng Nguyễn Ái Quốc:

“Thầy triết Nga Xéptôlin khóa trước giảng chức năng mỹ học là tiêu chuẩn hàng đầu của văn nghệ rồi mới đến chức năng giáo dục vân… vân… Đến thầy dạy tôi bảo chức năng giáo dục mới là số một. Nguyễn Văn Bổng tha cái chức năng mỹ học ấy vào khu giải phóng trong chiến trường B, thế là bị tai nạn. Tôi thì chức năng giáo dục, chính qui quá, nhưng tôi cũng chẳng phát huy được hơn câu giảng”. [8]

Tô Hoài không nói rõ nhưng, rõ ràng, tai nạn “sai quan điểm” này, ngày ấy, thực sự là một tai họa. Mà Nguyễn Văn Bổng – Phó Tổng thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam ở Hà Nội rồi Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam – không phải là một nhân vật nhẹ cân. Thời chiến, với bút danh Trần Hiếu Minh, chính là một trùm văn nghệ ở miền Nam để những cây bút nằm vùng, như Vũ Hạnh, có viết gì, cũng phải viết theo chỉ đạo của ông ta. Câu chuyện cho thấy nhận thức của những nhà lãnh đạo văn nghệ, bất quá, cũng chỉ ở mức “phát huy câu giảng”, thậm chí còn thay đổi xoành xoạch theo bài giảng, vốn được biên soạn theo những mệnh lệnh hay nghị quyết, cũng thay đổi xoành xoạch.

Quan trọng hơn, câu chuyện còn cho thấy một nền văn nghệ như thế đã mất quá nhiều thì giờ cho những chuyện không đâu. Đầu thập niên 1960, trong những năm tháng cuối đời, nhà văn Nhất Linh – người dẫn dắt chủ trương triệt để hiện đại hóa của Tự Lực Văn Đoàn vào đầu thế kỷ 20 – đã “ngộ” ra nhiều sai lầm khi nhìn lại hành trình hiện đại hóa nền văn chương ấy. Nhất Linh ngộ ra tính vớ vẩn của cuộc tranh luận “Nghệ thuật vì nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” tưởng là “hàn lâm” lắm, một thời. Nhất Linh ngộ ra sự ấu trĩ của quan niệm “văn dĩ tải đạo” – một cách hiểu khác của “chức năng giáo dục” – mà bao nhiêu thế hệ đã tâm niệm, thậm chí tâm niệm cho đến tận bây giờ. [9]

Đây, có lẽ, là những yếu tố đã đè nền văn học của chúng ta thấp xuống do đã phung phí tài nguyên và tài năng cho những việc vớ vẩn. Đã vậy, bây giờ chúng ta còn phung phí cả… tiếng mẹ của mình.

Ngôn ngữ là chất liệu của văn chương và, trong khi mơ tưởng một giải Nobel Văn Chương, chúng ta lại rẻ rúng và, thậm chí, phá hoại ngôn ngữ của mình. Tôi sống tại một nước nói tiếng Anh và chứng kiến đất nước mới của mình bảo vệ thế giá tiếng nói của mình và, do đó, thế giá của người giữ lửa, những giáo viên môn này, khi xem đó là một trong những chìa khóa chính để giới trẻ mở cửa tương lai. Với chủ trương giáo dục này thì những ngành nghề hàng đầu — y khoa, luật khoa hay các ngành khoa học, kỹ thuật đắt giá — đều đòi hỏi ở thí sinh ứng tuyển khả năng Anh ngữ hàng đầu và căn cớ cũng dễ hiểu thôi. Để trở thành một chuyên gia giỏi thì, ngoài việc giỏi các vấn đề chuyên môn, người làm nghề còn phải giỏi cả khả năng tư duy nên, do đó, phải giỏi cả tiếng nói của nước mình, như là công cụ của tư duy.

Nhưng công cụ đó của chúng ta đang chịu thân phận… lưu đày ngay trên chính đất nước của mình trong khi người truyền lửa, những giáo viên văn Việt và tiếng Việt, thì long đong phận bên lề ngay giữa cộng đồng chức nghiệp. Vừa không đóng một vai trò quan trọng trong việc mở cửa tương lai, vừa bị xả rác một cách vô tội vạ trên các phương tiện truyền thông, tiếng Việt ngày càng bị khinh rẻ, xuống cấp.

Năm 1906, khi viết lời tựa cho Việt Nam Vong Quốc Sử bằng chữ Hán của Phan Bội Châu, nhà cải cách Trung Quốc Lương Khải Siêu – trong tư cách đồng tác giả – đã “phân bua” với độc giả Trung Hoa rằng Hán văn của tác giả Việt Nam có đôi chỗ “chưa được nhã thuần” nhưng ông phải tôn trọng nguyên tác. [10] Thì đó là người Việt viết chữ Hán nhưng bây giờ lại là tình trạng tiếng Việt “chưa được nhã thuần” của chính người Việt, trên báo chí, trên văn bản pháp luật, và trên các bài diễn văn chính trị.

Khả năng ngôn ngữ của người Việt đang kém đi, kiến thức văn học và năng lực cảm thụ văn chương đang đang giảm sút và đây, hẳn nhiên, là hệ quả của của nền giáo dục, đặc biệt với cách dạy môn văn. Đề tài này đã gây nên nhiều tranh cãi và hiện vẫn còn tranh cãi nhưng, đáng chú ý hơn cả, là phân tích của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc hơn hai mươi năm trước trong “Chuyện học văn và dạy văn”. [11]

Theo nhà phê bình này thì thiếu sót mang tính chiến lược trên khía cạnh sư phạm và thẩm mỹ của chương trình môn văn là “nguyên tắc thiết kế theo trình tự thời gian”: từ cấp trung học đến đại học, văn học dân gian luôn được dạy trước, văn học viết được dạy sau và, trong văn học viết, học văn học trung đại được dạy trước, sau mới đến văn học hiện đại rồi, cuối cùng, là văn học đương đại. Đây là một cách dạy cực kỳ phản sư phạm bởi không đi từ dễ đến khó, không đồng bộ và không nắm bắt đời sống văn học – ngôn ngữ đương đại:

“Có lẽ ai cũng đồng ý là, trừ một số ngoại lệ nào đó, với học sinh và sinh viên, một bài thơ của Xuân Diệu hay Nguyễn Bính hẳn nhiên là dễ hiểu và dễ cảm hơn một bài thơ của Tú Xương hay của Nguyễn Khuyến; và một bài thơ của Tú Xương hay của Nguyễn Khuyến hẳn nhiên là dễ hiểu và dễ cảm hơn một bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi hay của Lê Thánh Tông, v.v.”

Nhưng, ít ra là cho đến năm 2018, học sinh – sinh viên phải trợn mắt ra học ngược như thế và việc này dẫn đến một tác hại khác với nhiều hệ lụy phát sinh khi tính chất văn chương của bất cứ tác phẩm nào cũng bị tính lịch sử của nó lấn át:

“Ưu thế của tính lịch sử cũng có nghĩa là ưu thế của các mối quan hệ tương tác chung quanh tác phẩm văn học trên chính bản thân các tác phẩm văn học ấy. Nói cách khác, khi nhấn mạnh vào tính lịch sử của vấn đề, người ta – ở đây là các thầy cô giáo – sẽ dễ có khuynh hướng tập trung vào việc giải thích tính quy luật trong quá trình phát triển của văn học hơn là chỉ tập trung phân tích những đặc điểm ngôn ngữ và thẩm mỹ của từng tác phẩm. Một khuynh hướng như thế khiến người ta tách khỏi tác phẩm như một văn bản cụ thể để sa đà vào các yếu tố ngoài văn bản như tác giả hoặc bối cảnh chính trị, xã hội và văn hoá chung quanh tác giả. Ðó cũng chính là thói quen giảng dạy phổ biến nhất ở các thầy cô giáo môn Văn: vào lớp, người ta thường nói rất nhiều, nói thao thao về tiểu sử và lịch sử và ngược lại, nói rất ít và rất hời hợt về các tác phẩm văn học.

[…] Ðiều này lại dẫn đến rất nhiều hậu quả nghiêm trọng: thứ nhất, về phương diện trí thức, chúng ta dạy cho học trò thói quen nô lệ, chỉ dựa vào lời kể của thầy cô giáo thay vì phải cố gắng tiếp cận với các nguồn tài liệu gốc; thứ hai, về phương diện đạo đức: chúng ta dạy cho học sinh nói dối; dạy cho chúng thói quen nói một cách đầy thẩm quyền về những gì, thật ra, chúng chưa từng đọc; thứ ba, về phương diện văn học, chúng ta làm cho chúng hiểu lệch hoàn toàn về cái gọi là… văn học.

[…] Một nền giáo dục và một sinh hoạt phê bình, nghiên cứu văn học như thế góp phần củng cố một thứ văn hoá văn chương ở đó văn bản hoàn toàn bị khinh rẻ vốn đã mọc rễ trong truyền thống đề cao cái “ngôn ngoại” phổ biến ở Việt Nam ngày xưa. Trong văn hoá văn chương ấy, người ta không cần đọc từng chữ mới hiểu thơ văn; không cần dựa vào chữ nghĩa khi cãi nhau; và cuối cùng, không cần dùng chữ và đặt câu đúng khi muốn làm nhà thơ và nhà văn.”

Mơ giải Nobel Văn Chương, chúng ta mơ về một nền văn chương lớn nhưng chúng ta quên bẵng vai trò của những độc giả lớn, là điều mà, từ thời tiền chiến, từ Thạch Lam đến Vũ Bằng và Nhất Linh đều ao ước, theo cách diễn đạt của họ là những “độc giả xứng tầm”. [12] Với cách dạy văn và cách rẻ rúng tiếng Việt nói trên thì sự hiếm hoi của những độc giả như thế là điều dễ hiểu.

Dĩ nhiên là vẫn còn có nhiều yếu tố khác nữa, thí dụ như nỗi sợ cố hữu của chúng ta trước những cái mới để ngăn trở những tiến trình hiện đại hóa, tiến trình cập nhật và hấp thụ những giá trị mới mẻ của nhân loại v.v. Tuy nhiên, ở đây, qua những điều đã bàn ở trên thì, trước khi mơ đến một giải Nobel Văn Chương, hãy nghĩ đến những việc nằm trong tầm tay.

Hãy mơ về một thứ tiếng Việt trong sáng và “nhã thuần” trên báo chí, trên các văn bản pháp luật, trên mồm mép của những nhà truyền thông và những nhà lãnh đạo.

Hãy mơ về thứ tiếng Việt như một tín chỉ hàn lâm được tôn trọng như là công cụ của tư duy, bình đẵng với các môn học đắt giá khác trong thang điểm đại học với những ngành nghề cao quý hay thế giá nhất.

Hãy mơ về những cuộc tranh luận ở đó người tham dự hơn thua nhau bằng tri thức và chữ nghĩa.

Hãy mơ về một nền văn chương với những người làm nhà văn và nhà thơ biết “dùng chữ và đặt câu đúng”.

Mà để có được những điều như thế thì, đầu tiên, phải có một môn văn thực sự dạy… văn.

Nhưng như thế thì vấn đề lại thuộc về chính sách giáo dục, nghĩa là chuyện chính trị và, đến đây, sự thể cũng giống như câu ca dao diễu Lục Vân Tiên:

Vân Tiên cõng mẹ chạy ra

Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô

Vân Tiên cõng mẹ chạy vô

Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra

Cõng cái giấc mơ Nobel chạy ra, chúng ta đụng cái cột chính sách giáo dục. Rồi cõng giấc mơ đó chạy vô, chúng ta đụng cái bồ chính sách văn nghệ, khăng khăng rằng văn nghệ phải có chức năng giáo dục. Thế nên, tự dưng, tôi nhớ lại cảnh Vân Tiên cứu Nguyệt Nga:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,

Bẻ cây làm gậy, nhằm làng xông vô.

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ!

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”

Như có thể thấy, chủ đề chính bài viết này không phải là chuyện chính trị, chuyện dân bị hại mà là “Nỗi buồn Nobel” nên, do đó, đích ngắm chỉ là “thói hồ đồ” hại văn chương…

Nguyễn Hoàng Văn

—————–

Chú thích:

1. Mới đây một anh bạn liên lạc, đề nghị tôi nên viết một bài về sai lầm của một số người khi viết “Nobel Văn Học”. Việc này không đủ lớn đến mức phải viết hẳn một bài nên, nhân đây, tôi xin lưu ý rằng giải “Nobel Prizes in Literature” phải gọi là Nobel Văn Chương. Văn chương (Literature) là các sáng tác văn, thơ nói chung, nó khác với “văn học” (Literary hay Literature Study), là bộ môn nghiên cứu văn chương.

2. Người Việt và giấc mơ Nobel Văn chương

3. Lâm Ngữ Đường (1964), Một quan niệm về sống đẹp, nguyên tác Anh ngữ The Importance of Living, xuất bản năm 1937 tại New York, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, dịch giả tự xuất bản tại Sài Gòn. Tôi trích theo bản in lại tại California, trang 92.

4. Nguyễn Thanh Sơn, “Tiếp thị cho một giải Nobel văn chương của Việt nam”, bài viết ký ngày 7.12.2000, đăng lần đầu tiên trong tạp chí Văn Học năm 2000, sau in lại trong Phê Bình Văn Học Của Tôi – nhà xuất bản Trẻ 2002.

5. Thí dụ nhà thơ Hữu Thỉnh được giải thưởng của Hội Nhà Văn giữa lúc đang giữ chức Chủ tịch Hội nhà văn. Hoặc trường hợp Ly Hoàng Ly từ chối giải thưởng: “Vì sao Ly Hoàng Ly từ chối tặng thưởng của Hội Nhà văn?”

http://nld.com.vn/168387P0C1020/vi-sao-ly-hoang-ly-tu-choi-tang-thuong-cua-hoi-nha-van.htm

Hay một giải thưởng nhỏ hơn nhưng không kém ồn ào là Giải thưởng Văn học Đồng bằng Sông Cửu Long và bài thơ “Trăng Nghẹn” của Hoài Tường Phong

http://www.tienphong.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=192049&ChannelID=7.

6. Dẫn theo Mike Meyer, “Pearl of the Orient”, The New York Time, May 5th, 2006.

http://www.nytimes.com/2006/03/05/books/review/05meyer.html?_r=2&pagewanted=all&oref=slogin

7. Lâm Ngữ Đường, sách đã dẫn, tr. 260 – 261

8. Tô Hoài (2013), Cát bụi chân ai, Hội nhà văn – Công ty sách Phương Nam, chương 7, trang 129.

9. Nhất Linh, “Viết và đọc tiểu thuyết”, in trong cuốn Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 do Vương Trí Nhàn biên tập, (2003) , NXB Hội Nhà văn, trang 349 – 351 và tr. 339

10. Từ “phân bua” là của Phan Khôi. Phan Bội Châu soạn VNVQS nhưng Lương Khải Siêu đồng đứng tên tác giả, do đó Lương Khải Siêu “phân bua” là không sữa chữ những chỗ văn không nhã thuần nhưng không sữa chữa để “còn có chơn tích của tác giả.”

Phan Khôi, “Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta”, Tao Đàn, số 2, số ra ngày 1/4/1939.

Dẫn theo Luận về quốc học, Mai Quốc Liên biên soạn (1999), Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 338.

11. https://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1343&rb=0102

Bài này Nguyễn Hưng Quốc viết năm 2003, qua trao đổi riêng, nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng cho tôi biết cách dạy văn trên đã thay đổi triệt để từ năm 2018.

12. Vương Trí Nhàn biên tập, sách đã dẫn, trang 320, 397