Nguyễn Hoàng Văn: Râu, tóc, dép, giày: đỏ rực và vàng chói

Mái tóc “chameleon” của ông Donald Trump mà báo chí Mỹ bàn tán mới đây làm tôi nghĩ đến một sơ suất của nhà văn Võ Phiến, nhỏ thôi, rất nhỏ, liên quan tới tóc. [1] Đó là việc Võ Phiến nhạo báng nền văn học cách mạng và hiện thực xã hội chủ nghĩa là thứ văn học “thương râu nhớ dép” trong khi nó, thực ra, “thương tóc” hơn là “thương râu”. 

Đánh giá một nền văn học thì bao giờ giới thẩm quyền cũng chỉ nhắm vào những tác giả và tác phẩm đỉnh cao, chẳng ai chăm chăm vào số liệu thống kê đầu sách – đầu tác giả, nhưng dẫu xét đến tiêu chí này thì phần “râu–dép” vẫn có phần thiệt thòi, lép vế. Thứ nhất, thường, nếu nhắc đến râu lãnh tụ, thể nào các tác giả cũng nhắc luôn tới tóc, nhưng khi động đến mái tóc thì chưa chắc đã đếm xỉa đến râu. Thứ hai, dẫu tất cả đều không hay, nói thẳng ra là kém, nhưng mấy “tác phẩm” dành cho tóc vẫn cao hơn tác phẩm về râu một bậc và, thậm chí, loại văn thơ dép–râu chỉ là loại đồ chơi cho trẻ nít!

Nói về “thương râu” thì có “Cháu nhớ Bác Hồ” của Thanh Hải, nhà thơ chẳng mấy tiếng tăm:

Đêm nay bên bến Ô Lâu

Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ

Nhớ hình Bác giữa bóng cờ

Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu

Bài thơ được sáng tác vào tháng Tám năm 1956 và, trong giai đoạn 1976-1979, được đưa vào sách giáo khoa với một trích đoạn ngắn, trong sách Tập đọc lớp hai.

Xin nói ngay là tôi không có ý miệt thị văn học thiếu nhi nhưng, thử nhìn xem, chúng ta đã có một nhà văn viết cho thiếu nhi nào đạt tầm cỡ và ảnh hưởng như Mark Twain đối với văn học Mỹ? Như có thể thấy qua hàng loạt tác phẩm viết cho thiếu nhi của Twain, tất cả đều đúng như lời khẳng định trong lời nói đầu của The Adventure of Tom Sawyer rằng tác phẩm của ông không chỉ dành cho trẻ em mà còn dành cả cho bất cứ ai “từng là trẻ em”. [2] Trong cách diễn đạt này thì bài thơ về chòm râu và chỏm tóc kia là thứ dành cho trẻ con tập đọc, không hề dành cho người lớn chúng ta, những kẻ… từng tập đọc. 

Tương tự, nói về dép ai cũng nhắc đến “Đôi dép thần kỳ” của Phạm Hổ, cũng sáng tác năm 1956:

Cụ già râu tóc bạc

Mang đôi dép thần kỳ

Em có biết là ai?

Là Bác Hồ mình đó!

cũng chỉ là đồ chơi cho con trẻ. Nó trẻ con không chỉ ở cái giọng “thơ” nói trên mà ở cả trong tên của tập thơ, Chú bò tìm bạn, do Kim Đồng, nhà xuất bản cho trẻ con, thực hiện năm 1970.

“Người lớn” hơn một chút thì có “Đôi dép bác Hồ”, một ca khúc của Văn An, thế nhưng, cái chất nịnh trong này vẫn non non, không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa là người lớn:

Đôi dép đơn sơ đôi dép Bác Hồ

Bác đi từ ở chiến khu Bác về, Bác đi từ ở chiến khu Bác về.

Phố phường trận địa nhà máy đồng quê đều in dấu dép Bác về Bác ơi.

Nếu râu và dép chỉ là những hình tượng thơ chưa trưởng thành của những tác giả nằm dưới mức trung bình thì tóc mới là đối tượng của những nhà thơ tầm cỡ hơn, Xuân Diệu hay Tố Hữu.

Đầu tiên, có thể kể đến “Thơ dâng Bác Hồ” của Xuân Diệu, hoàn tất ngày 19/5/1953, cái năm cải cách ruộng đất kinh hoàng:

Con ngồi trước Bác mênh mông,

Tội nhiều, chưa dám thẳng trông Cha già.

Bác cười, vẫn đỏ nước da,

Nhưng trên trán rộng tóc đà bạc hơn….

Trên đầu tóc Bác sương ghi,

Chắc đôi sợi đã bạc vì chúng con

Trơ trẽn, sống sượng đến thế là cùng. Đã hạ mình bợ đỡ đến mức này thì, nhất định, đến một lúc nào đó trong đời chứ không cần phải đến giờ phán xét cuối cùng với chút tàn hơi, tác giả sẽ ngượng với chính mình, cũng như đã từng phát ngượng khi có người nhắc lại chuyện viết bài đấu tố Văn Cao. [3]

Nhưng cái chính ở đây là là tóc. Xuân Diệu chú ý đến tóc hơn là râu nên, xét ra, nền văn học đó, của giới “tinh hoa”, đã “thương tóc” hơn là “thương râu”.

Một bằng chứng khác là Tố Hữu, như là thi sĩ công huân của chế độ. Nói về tính “thương tóc” thì, trong nền văn học ấy, chẳng ai có thể qua mặt Tố Hữu.

Nào là:

Cho con hôn mái đầu tóc bạc

Hôn chòm râu mát rượi hòa bình

(Sáng tháng 5-1951)

Nào là:

“Bạc phơ mái tóc người cha

Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người”

(30 năm đời ta có Đảng)

Nhưng chưa hết:

Bác về tóc có bạc thêm

Năm canh, bốn biển có đêm nghĩ nhiều?”

(Cánh chim không mỏi)

Hay đủ cả, có râu, tóc và dép:

Tôi viết bài thơ cho các con

Mai sau được thấy Bác như còn

Phơ phơ tóc bạc, chòm râu mát

Đôi dép mòn đi, in dấu son.

(“Theo chân Bác”, 1970)

Viết để hậu thế “được thấy Bác như còn” mà trông sao nhếch nhác, còm cõi, chỉ trần xì chỏm tóc trên đầu, chòm râu dưới cằm và đôi dép mòn, đến cái móng chân cũng không thấy đừng nói gì cái bàn chân!

Mất hết 15 năm nhưng, cho đến lúc này, hình ảnh lãnh tụ trong thơ Tố Hữu vẫn không khá hơn cái hình ảnh trong tập thơ Việt Bắc, từng bị Hoàng Cầm phê bình vào năm 1955 là chỉ “tả đúng một phần, hoặc tả bề ngoài hoặc thần thánh hóa, tách rời lãnh tụ với quần chúng, khiến lãnh tụ trở nên xa xôi và cách biệt, có lúc giống như một đạo sĩ đi nhàn du trong núi rừng”. [4]

Phải chăng, khi nôn nóng “tiến thẳng” từ chỏm tóc, chòm râu xuống… dép, Tố Hữu đã ngại, không muốn nhắc đến một lãnh tụ đầy đủ da thịt như một con người để, rốt cuộc, cái sản phẩm hình thành luôn luôn có sự thiếu hụt, bất kể nhìn từ phía nào?

Như tôi đã từng đề cập trong một bài viết trước đây, nếu con người bình thường chúng ta có bộ phận đảm nhiệm chức năng sinh lý và, qua đó, tiếp tục đời sống này với vai trò lưu truyền nòi giống thì, xem ra, lãnh tụ ấy có phần không may. [5] Theo tài liệu tuyên truyền thì ông giống như không có bộ phận này và cái lẽ ra là cơ quan sinh dục, thực chất, chỉ là một cơ quan bài tiết. Nhưng nếu nhìn theo các tài liệu phản tuyên truyền thì lãnh tụ vẫn có nhưng lại bị tước mất chủ quyền bởi tập thể lãnh đạo muốn ông ta giữ cho trọn vẹn vai trò của một biểu tượng thánh thần. Và đó là bi kịch của ông ta. Ông ta hô hào “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng không thể độc lập tự do với bản năng làm người của mình. Sự bất hạnh diễn ra ở chỗ ông ta vẫn là người, những lúc trống vắng vẫn cảm thấy “thiếu thiếu cái gì” nên, do đó, phải thậm thụt, lén lút, như bao nhiêu tài liệu đã phơi bày. [6] 

Trở lại với mái tóc ông Trump. Như đã nhắc, mới đây báo chí Mỹ lại xôn xao chuyện tóc ông cựu tổng thống đổi màu liên tục, từ màu đồng sẫm (dark blonde) đến những biến tấu khác nhau của màu cam (light — to bright orange). 

Cũng theo báo chí Mỹ thì, hơn lúc nào hết, hiện tại Trump rất chú ý đến bên ngoài, muốn tạo ra một hình ảnh trẻ trung, hiện đại, không chỉ để… rất trẻ so với Joe Biden mà còn để câu phiếu giới trẻ nên do đó phải… đầu tư vào mái tóc. Nhưng Trump là người thiếu kiên nhẫn, nhất là khi đang bị nhiều áp lực chính trị, pháp lý, nên sự đầu tư ấy luôn bị dở dang, thiếu hụt. Để có màu tóc như ý muốn thì phải ngồi yên cho thợ nhuộm làm việc ít nhất là 30 phút nhưng khi có chuyện thì Trump lại không thể ngồi yên. Như đầu hạ tuần tháng Giêng, khi xuất hiện trước tòa án liên bang ở Mahatan, chắc hẳn Trump đã cực kỳ lo lắng nên không thể ngồi yên, dẫn đến mái tóc… chín non khi xuất hiện trước tòa, dẫn đến sự bàn tán nói trên.

Vấn đề đặt ra là, với những tín đồ cuồng nhiệt của Trump, liệu có ai thương tóc… thành thơ, như những cây bút đã làm nên nền văn học “thương râu nhớ dép”?

Khó mà tin rằng những kẻ đỏ mặt tía tai hò hét khẩu hiệu MAGA là hạng người yêu thơ. Có chăng, là những tín đồ MAGA da vàng. 

Gần bốn năm trước, khi Trump lập đi lập lại (không có bằng chứng) về việc mất phiếu, đã có một nhà thơ kha khá tên tuổi ở Việt Nam lên mạng xã hội khoe rằng anh ta đã làm ra thơ rồi dịch thơ ấy ra tiếng Anh để gởi tặng Trump, dẫu biết rằng “người” bận trăm công ngàn việc, khó mà động mắt tới. Rồi cũng nhà thơ này, thậm chí, còn làm thơ sỉ vả Biden gian lận phiếu. [7]

Nghĩa là người Mỹ thì không thể nhưng người Việt rất có thể có, trong cái việc đi từ cái thứ văn chương “thương râu nhớ dép” đến văn chương “thương tóc nhớ giày”.

Dép phải thành giày vì Trump, hiện cũng làm thêm nghề bán giày, cái đôi giày bóng bẩy màu vàng với chữ T đại diện cho Trump và hình lá cờ Mỹ. Khi mà tóc và giày của Trump, đậm hay nhạt, cũng chủ yếu là vàng chói như nhau thì những nhà thơ MAGA của chúng ta sẽ pha màu như thế nào?

Nếu Tố Hữu, trong bài “Ta đi tới” chỉ pha toàn một màu đỏ:

Đã sáng lại trời thu tháng Tám 

Trên đường ta về lại Thủ đô 

Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ!

hay, trong “Sáng tháng Năm”, cũng chơi luôn chất đỏ:

Người rực rỡ một mặt trời cách mạng

Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng

thì cũng dễ hiểu thôi, bởi như Xuân Diệu đã giải thích cặn kẽ trong “Ngọn quốc kỳ”, viết năm 1945:

Một sắc đỏ lạ lùng như máu chảy.

Trong sắc đỏ, vàng hãy còn áy náy.

Như nhớ xưa là sắc những triều vua.

Nhưng lâu lâu cùng với đỏ chen đua,

Vàng vững lại, biến là màu dân tộc.

[..]

Có máu chảy, nên sắc này mới đỏ.

Đỏ vì huyết đám đem tung trước gió,

Đỏ vì căm, vì tức, đỏ vì sao?

Đỏ vì dân như thác lũ ào ào..

Ôi, đỏ là do… máu chảy. Nếu hình tượng thơ về lãnh tụ của Xuân Diệu và Tố Hữu đặc sánh một màu “máu chảy” thì Trump một màu…vàng từ đầu xuống chân sẽ hiện ra như thế nào, trong thơ? [8] 

Nguyễn Hoàng Văn

————

Chú thích, tài liệu tham khảo:

  1. https://www.skynews.com.au/lifestyle/donald-trumps-hair-colour-changes-with-his-mood-he-cant-sit-still-at-hairdressers-stylish-source/news-story/92c04b314f47636aac24075a8cc5ac0b
  2.  “Although my book is intended mainly for the entertainment of boys and girls, I hope it will not be shunned by men and women on that account, for part of my plan has been to try to pleasantly remind adults of what they once were themselves, and of how they felt and thought and talked, and what queer enterprises they sometimes engaged in.
  3. https://amnhac.fm/van-cao/4150-nhung-tu-tuong-nghe-thuat-cua-van-cao
  4. Hoàng Cầm, “Tập thơ Việt Bắc thiếu chất sống thực tế”, trong hồ sơ “Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc”

 http://vanviet.info/tu-lieu/tu-lieu-thao-luan-1955-ve-tap-tho-viet-bac-1/

  1. https://www.talawas.org/6962/
  2. https://tienphong.vn/ho-chu-tich-qua-nhat-ky-cua-mot-bo-truong-post161057.tpo

Trí Quân, “Hồ Chủ tịch qua “Nhật ký của một bộ trưởng”.

 Trong nhật ký của mình, Lê Văn Hiến kể lại lần tiếp xúc với Hồ Chí Minh:

 24.4.1948: “…. Cụ ân cần hỏi thăm gia đình của mọi người. Đến lúc chúng mình vui câu chuyện nhắc đến gia đình Cụ, Cụ phì cười và nói: “Mình chẳng phải thần thánh gì, cũng người như tất cả mọi người. Nhưng với hoàn cảnh này, còn điều kiện nào nghĩ đến gia đình, không phải đạo đức mà phải chịu đạo đức”. 

26.8.1949 – Hơn 11 giờ, chúng mình tạm nghỉ với Hồ Chủ tịch trên sàn nhà riêng… Cụ giới thiệu cảnh hữu tình trong những đêm trăng, thỉnh thoảng vừa cười vừa thổ lộ đôi câu: “Cảnh càng đẹp, mình cũng cảm thấy như thiếu thiếu cái gì!”

  1. https://baotiengdan.com/2020/11/12/hieu-sai-bieu-tuong-quy-goi/
  2. https://www.nbcnews.com/politics/2024-election/trump-launches-sneaker-line-rcna139334
  3. https://www.nytimes.com/interactive/2020/climate/trump-environment-rollbacks-list.html