Nguyễn Quốc Khải: Kinh tế Mỹ đang phát triển vững chắc

Năm nay 2024 là năm bầu cử tổng thống. Như thường lệ, kinh tế luôn luôn là đề tài số 1 mà cử tri lưu tâm. Cuộc thăm dò của viện Gallup và Morning Consult / Bloomberg mới đây xác nhận rằng điều này và kinh tế sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới.

Một trong những thành quả đáng kể nhất của chính quyền Biden là đã phục hồi nhanh chóng khỏi tình trạng trì trệ do đại dịch gây ra vào 2020-2021. Tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm. Lương bổng tăng, thị trường chứng khoán đạt được những mức cao kỷ lục và Cục Dự Trữ Liên Bang có thể giúp nước Mỹ tránh được tình trạng suy thoái. Theo dự đoán, kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng vào khoảng 2% trong những năm tới. Một cái giá phải trả là lạm phát tương đối cao và là một điểm yếu của Biden. Tuy nhiên Cục Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve) đã thành công trong việc giảm lạm phát mà không đẩy lùi kinh tế. 

KINH TẾ PHÁT TRIỂN MẠNH HƠN LÀ DỰ ĐOÁN

Kể từ 2021 đến nay, kinh tế dưới thời Biden đã phát triển nhanh hơn là ước tính phần lớn nhờ sức tiêu thụ của công chúng và thành công của Cục Dự Trữ Liên Bang trong việc kiềm chế lạm phát mà không làm kinh tế trì trệ. 

Thước đo cơ bản nhất của nền kinh tế là độ tăng trưởng của tổng sản lượng nội địa (gross domestic product – GDP). Các dữ liệu chính thức từ Bureau of Economic Analysis (BEA) rất rõ ràng: GDP thực sau lạm phát, (real GDP) đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 3.4% kể từ khi Biden trở thành tổng thống, tụt dốc đáng kể với mức tăng trưởng trung bình 1.8% trong thời Trump. 

Nếu không kể năm suy thoái 2020 vì COVID 19, tính từ năm 2017 đến 2019, nền kinh tế tăng trưởng trung bình 2.8% mỗi năm, tốc độ vẫn chậm hơn 18% so với thời Biden.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của Biden không phải ngẫu nhiên: Ông và Đảng Dân Chủ trong Quốc Hội đã tích cực thúc đẩy điều đó bằng Kế Hoạch Giải Cứu Hoa Kỳ, gói kích thích tháng 3 năm 2021 được ban hành trước sự phản đối của Đảng Cộng Hòa và Đạo Luật Cơ Sở Hạ Tầng tháng 11 năm 2021 mà Trump đã nói đến nhưng chưa bao giờ thực hiện. 

Ngay khi nhậm chức, Tổng Thống Trump đã cho thi hành chính sách giảm thuế trị giá $1,900 tỷ. Quyết định này chỉ mang lại lợi ích lớn cho những người rất giàu có và các tập đoàn lớn nhất. Ông cam kết kinh tế sẽ phát triển từ 4% – 6% sẽ giúp chính phủ thu thuế nhiều hơn và sẽ cân bằng ngân sách quốc gia và giảm nợ công. Nhưng trong 4 năm, kinh tế chỉ tăng 2.5% (2017), 3% (2018), 2.3% (2019), và giảm 2.8% (2020).  Do đó ngân sách quốc gia thiếu hụt và nợ công nhiều hơn. 

VIỆC LÀM 

Thị trường việc làm là một điểm son của chính quyền Biden. 

Biden nhậm chức vào thời điểm hàng triệu người vẫn mất việc vì đại dịch. Mặc dù vậy,  mức tăng việc làm nhanh chóng trong những năm gần đây đã vượt xa kỳ vọng của các nhà kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Điều đáng chú ý hơn nữa là thị trường lao động vẫn khả quan, bất chấp những nỗ lực tích cực của Cục Dự Trữ Liên Bang làm nền kinh tế chậm lại để chống lạm phát. Chừng nào người Mỹ còn có việc làm, còn có thể chịu đựng được lạm phát và duy trì chi tiêu, họ sẽ giúp nền kinh tế phát triển.  

Hơn 14 triệu việc làm đã được tạo thêm dưới thời chính quyền Biden, với mức trung bình hàng tháng là hơn hơn 400,000 việc làm. Tuy nhiên, gần đây tốc độ tạo việc làm đã chậm lại, với 216,000 việc làm mới trong tháng 12, 2023.

Ngược lại, nền kinh tế đã chỉ tạo thêm trung bình 176,000 việc làm mỗi tháng trong ba năm đầu tiên của Trump, trước khi việc đóng cửa và sa thải liên quan đến Coronavirus dẫn đến hơn 20 triệu việc làm bị mất đột ngột.

Tỉ lệ thất nghiệp trong những năm của Trump tương đối thấp, tiếp nối thời kỳ Obama và đạt được mức kỷ lục 3.5% vào đầu năm 2020, trước khi có đại dịch. Biden làm tỉ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn nữa vào mức 3.4% vào 2023. 

LẠM PHÁT

Lạm phát là một thách thức dai dẳng đối với chính quyền Biden. Lạm phát chịu ảnh hưởng đáng kể của nhiều yếu tố ngoài quyền kiểm soát của tổng thống như hậu quả của đại dịch, chuối cung ứng địa phương và toàn cầu, chính sách sản xuất dầu thô của Tổ Chức Những Nước Sản Xuất Dầu (Organization of the oil Production Countries-OPEC).

Lạm phát cũng chịu ảnh hưởng của những biện pháp chi tiêu cứu nguy kinh tế mà cả hai ông Trump và Biden đều áp dụng như trợ giúp tiền mặt cho cá nhân và gia đình, tài trợ cho các cơ sở kinh doanh và nhân viên, những chương trình đầu tư và phát triển kinh tế. 

Giá cả tăng đáng kể sau đại dịch dẫn đến lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm ở mức 7% vào năm 2021. Người dân Mỹ đã phải chịu chi phí cao hơn về mọi thứ, bao gồm cửa hàng tạp hóa, xăng dầu, xe hơi và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

 

Từ 1975 chính phủ liên bang đã có chương trình điều chỉnh chi phí sinh hoạt (Cost of living Adjustment – COLA) cho những người được hưởng trợ giúp trong những chương trình an sinh xã hội. Những trợ giúp này được tăng lên theo chỉ số COLA dựa trên chỉ số giá tiêu thụ (Consumer Price Index) để người được thụ hưởng duy trì được sức mua mà không bị soi mòn bởi lạm phát. Nhiều cơ sở tư nhân cũng tình nguyện dùng chỉ số COLA để tăng lương bổng cho nhân viên và mức lương tối thiểu. 

Lạm phát gần đây đã giảm đáng kể so với cao điểm vào mùa hè năm 2022 nhưng giá cả vẫn cao hơn khoảng 3% so với mức trước đó cách đây một năm. Lạm phát làm giảm giá trị của đồng lương, làm cho người tiêu thụ vất vả và làm tăng lãi suất thế chấp (mortgage rate) khiến mua nhà khó khăn. 

GÍA XĂNG DẦU

Trên thực tế, tổng thống Hoa Kỳ chỉ có thẩm quyền giới hạn về giá xăng dầu. Theo New York Times, các chuyên gia về năng lượng nhận định rằng việc giá xăng dầu tăng là do các lực kinh tế và chính trị thế giới chi phối hơn là chính sách nội địa của Hoa Kỳ. Tổng Thống Biden đã liên tục chống lại việc tăng thuế xăng để lấy tiền tài trợ cho dự luật Phát Triển Hạ Tầng Cơ Sở như một số nghị sĩ Cộng Hòa và doanh nhân Hoa Kỳ đề nghị vì không muốn làm tăng thêm giá xăng. Chúng ta cần biết rằng một trong những trách nhiệm của Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve), môt cơ quan độc lập với hành pháp, là điều hành chính sách tiền tệ và kiềm chế lạm phát.  

Những trục trặc liên quan đến đại dịch, chiến tranh Ukraine và nhu cầu tăng đột biến đều khiến giá xăng lên xuống khủng khiếp kể từ năm 2020. Giá xăng đã tăng hơn gấp đôi từ tháng 4, 2020 đến tháng 4, 2022, từ $1.84/gallon lên  $4.11/gallon. Giá đạt mức cao kỷ lục là gần $5/gallon vào tháng 6, 2022 nhưng đã giảm kể từ đó. Các nhà phân tích cho rằng giá xăng có thể giảm xuống dưới $3/gallon trong những tuần tới, nhờ sự kết hợp giữa sản lượng tăng và nhu cầu giảm.

Giá xăng có ảnh hưởng trực tiếp đến cách người tiêu thụ Mỹ nhìn nhận nền kinh tế và giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng đến  đến sự bi quan kéo dài trong phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của Biden.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh chóng trong nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump ngoại trừ giai đoạn kinh tế trì trệ 2020 và tiếp tục đi lên dưới thời Tổng Thống Biden. Sau một thời gian chậm lại vào năm 2022 – với dự đoán chi phí vay cao hơn và biến động thế giới gia tăng – giá cổ phiếu đã tăng trở lại cho phép lạc quan rằng Cục Dự Trữ Liên Bang đã hoàn tất việc tăng lãi suất và nước Mỹ sẽ tránh được kinh tế trì trệ. Chỉ số trung bình Dow Jones và Nasdaq đạt mức cao nhất trong tháng 11, 2023 và tiếp theo sẽ là Standard & Poor’s 500.

Trong một  phỏng vấn với Lindell TV vào đầu năm nay, Trump dự đoán nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ sụp đổ nếu ông thất cử vào tháng 11 và hy vọng điều đó sẽ xảy ra trong năm tới và nói thêm “Tôi chỉ không muốn trở thành Herbert Hoover.” Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán xẩy ra vào năm 1929, năm đầu tiên của Tổng Thống Hoover, dẫn đến cuộc Đại Suy Thoái (Great Depression 1929-1939). 

Các trợ lý của Biden đã nắm bắt bình luận vô trách nhiệm này, cho thấy rằng Trump không quan tâm đến người lao động Mỹ bình thường mà chỉ quan tâm đến vận mệnh chính trị của mình.

Trong mùa tranh cử 2020, Tổng Thống Trump cũng đã liên tục cảnh cáo cử tri rằng nếu họ bầu Biden, thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ và họ sẽ “chứng kiến ​​tình trạng suy thoái”. Điều ngược lại đã xảy ra như báo chí đã tường thuật đầy đủ. Sau khi Biden nhậm chức vào 2021, thị trường chứng khoán không những chỉ đi lên mà còn đạt được nhiều kỷ lục. 

CHÍNH SÁCH THUẾ LỢI TỨC

Trong thông điệp “Tinh Trạng Liên Bang” vừa qua, Tổng Thống Biden đã đề cập đến chính sách thuế lợi tức hợp lý “Chúng ta có khoảng 1,000 tỷ phú ở Mỹ. Bạn có biết mức thuế liên bang trung bình của những tỷ phú này là bao nhiêu không? Chỉ có 8.2%! Ít hơn nhiều so với số tiền mà đại đa số người Mỹ phải trả. Tôi sẽ không cho phép tỷ phú nào phải trả mức thuế thấp hơn giáo viên, nhân viên vệ sinh, y tá! Đó là lý do tại sao tôi đề xuất mức thuế tối thiểu 25% đối với các tỷ phú. Điều đó sẽ huy động được $500 tỷ trong 10 năm tới.”

Theo hồ sơ thuế của ông Trump mà báo New York Times đã thu thập được vào 2020, ông chỉ trả $750 mỗi năm vào 2016-2017. Trong khi đó, theo IRS một người Mỹ trung bình trả $12,200 vào năm 2017, gấp 16 lần so với Tổng Thống Trump. Trong 15 năm trước đó, Trump đã không đóng một xu thuế lợi tức nào cho chính phủ liên bang trong10 năm. Đây là một trường hợp dân Mỹ ai cũng biết. Điều này thật vô lý và bất công. 

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã nỗ lực xây dựng hệ thống thuế công bằng hơn để thưởng cho công việc chứ không phải sự giàu có; yêu cầu những người Mỹ giàu nhất và các công ty lớn nhất phải trả phần công bằng của họ; và đòi hỏi tất cả người Mỹ phải chơi theo  các quy tắc tương tự và trả các khoản thuế họ nợ. 

Chính sách thuế của Tổng Thống Biden đã được bảo đảm bằng pháp luật, từ việc ban hành mức thuế tối thiểu cho doanh nghiệp để các công ty hàng tỷ đô không thể thoát khỏi việc trả đồng nào cho liên bang, cung cấp cho Sở Thuế Vụ (Internal Revenue Services – IRS) những công cụ cần thiết để bắt những người giàu có gian lận thuế phải trả số thuế họ nợ. Tổng thống Biden cam kết sẽ chiến đấu ngăn chặn các kế hoạch của Đảng Cộng Hòa nhằm tăng thêm hàng nghìn tỷ USD vào thâm hụt ngân sách bằng việc cắt giảm thuế những tập đoàn giàu có và lớn nhất như Tổng Thống Trump đã cắt giảm $1,900 tỉ vào 2017.

NGÂN SÁCH QUỐC GIA THIẾU HỤT

Thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ là số tiền mà chính phủ liên bang chi tiêu hàng năm nhiều hơn số tiền nhận được trong cùng khoảng thời gian đó. Thâm hụt ngân sách làm tăng thêm nợ quốc gia, có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khi tỷ lệ nợ so với GDP của một quốc gia trở nên quá lớn.

Trong nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump, ngân sách quốc gia thiếu hụt gia tăng liên tục và đáng kể vì chính sách giảm thuế trị giá $1,900 tỷ như đã bàn ở trên và đại dịch vào 2020-2021. Ngân sách thiếu hụt là $585, $665, $779 tỉ, $984 tỉ, và $3,132 cho các tài khóa 2016-2020. Tài khóa bắt đầu từ tháng 10 của năm trước và kết thúc vào tháng 9 năm sau. Chính quyền Biden đã giảm ngân sách thiếu hụt trong hai tài khóa 2021 và 2022 xuống còn $2,722 tỉ và $1,377 tỉ (including $379 tỉ nợ của sinh viên). Nhưng trong tài khóa vừa qua thiếu hụt ngân sách liên bang lại tăng 23% lên đến $1,690 tỉ (không kể $333 tỉ nợ của sinh viên). 

Sự gia tăng thâm thủng ngân sách vào tài khóa 2023 là do việc thu thuế lợi tức cá nhân thấp hơn và lượng kiều hối từ Cục Dự trữ Liên bang giảm cùng với các khoản thanh toán lãi suất, chi tiêu an sinh xã hội cao hơn và các yếu tố khác.

KẾT LUẬN

Larry Kudlow, cựu Giám Đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia dưới thời chính quyền Trump từ 2018 đến 2021 và hiện là người dẫn chương trình truyền hình của Fox Business Network. Vào 5-12-2023, trên truyền hình FOX Business, ông đưa ra một số dấu hiệu kinh tế tồi tệ như hoạt động sản xuất đã suy giảm trong 13 tháng liên tiếp, nguồn cung tiền đang bị thu hẹp, đầu tư kinh doanh sụt xuống, và cơ hội việc làm giảm nhanh chóng. Ông khẳng định rằng “Gần như chắc chắn, nền kinh tế đang hướng tới một cuộc suy thoái đáng kể. Nó đã trải qua một cuộc suy thoái lạm phát vào nửa đầu năm 2022 và có thể hướng tới một cuộc suy thoái giảm phát vào năm tới.”

Ông Larry Kudlow đã lập lại lời cảnh báo này nhiều lần trong nhiều dịp khác nhau.  Bây giờ là giữa tháng 3, 2024. Chúng ta đã bước vào gần nửa tài khóa 2024. Kinh tế vẫn hoạt động tốt đẹp như đã trình bầy ở trên. Rất may, mới đây ông Larry Kudlow đã tự thừa nhận rằng dự đoán của ông về một cuộc suy thoái sắp xảy ra là sai và thừa nhận nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt hơn nhiều so với dự kiến dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Phát biểu trên Fox News’ America Reports vào tháng 2, Kudlow đã nói “Lỗi của tôi”. Kudlow cho biết: “Tôi đã sai về sự chậm lại và suy thoái kinh tế. Toàn bộ cộng đồng dự báo cũng vậy”.

Từ lãnh vực phát triển, việc làm, đến đầu tư, tạo cơ hội kinh doanh, và giảm ngân sách thiếu hụt, nền kinh tế Hoa Kỳ đang hoạt động rất tốt. Hoa Kỳ đã phát triển nhanh hơn sau đại dịch Covid-19 so với bất kỳ quốc gia ngang hàng nào. Giá xăng, từng có thời trung bình trên $5/gallon, hiện đang đạt xuống mức $3.455 vào ngày hôm nay 16/3/2024 theo AAA. Cục Dự Trữ Liên Bang dự tính ​cắt giảm lãi suất ba lần vào năm 2024. Người ta hi vọng lạm phát sẽ giảm xuống dưới 3%.

Phần lớn những chuyên gia kinh tế gạt bỏ khuynh hướng chính trị sang một bên đều đồng ý rằng kinh tế hiện nay rất khả quan. Những chỉ số kinh tế đều xác nhận như vậy và những con số không biết nói dối như người ta thường nói. 

Bất chấp những con số mạnh mẽ đó, hầu hết người Mỹ, 68%, nói rằng nền kinh tế đang xấu đi, theo cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 12, 2023. Thật đáng lo ngại. Những người tiêu thụ lại không nhìn vào những chỉ số kinh tế mà chỉ nghĩ về số tiền mình phải tiêu ở các siêu thị thực phẩm, cửa hàng tạp hóa, vào tiền thuê nhà, tại trạm xăng. 

Linsay Owens, giám đốc điều hành của Groundwork Collaborative, một tổ chức nghiên cứu bất vụ lợi nói rằng Biden phải “sử dụng mọi công cụ có sẵn và đủ hiệu quả trong những tháng tới để giảm chi phí cho các gia đình và tôi nghĩ ông ấy đang làm điều đó.”

Cục Bảo Vệ Tài Chính Người Tiêu Thụ (Consumer Financial Protection Bureau – CFPB) đã đưa ra sáng kiến ​​nhằm tiết kiệm cho các hộ gia đình hàng tỷ đô la mỗi năm bằng cách giảm những lệ phí quá cao, bóc lột người tiêu thụ một cách bất chính (junk fees) do các ngân hàng và công ty tài chính đơn phương định đoạt như trễ hạn thanh toán thẻ tín dụng, thiếu tiền trong chương mục ngân hàng, lệ phí cho gia đình ngồi chung trên máy bay.

Vào ngày 5 tháng 3, 2024 CFPB đã ban hành quy định sẽ giảm phí trễ hạn thẻ tín dụng thông thường từ $32 xuống còn $8. Biện pháp này là sẽ tiết kiệm được hơn $10 tỷ hàng năm cho người dân khoảng 45 triệu người tiêu dùng bị tính phí trễ hạn.

Nguyễn Quốc Khải 

16-3-2024

—————

THAM KHẢO

(1) Abha Bhattara, “Biden’s economy vs. Trump’s, in 12 charts,” Washington Post, December 23, 2024.

(2) Russ Buettner, Susanne Craig and Mike McIntire, “Trump’s Taxes Show Chronic Losses and Years of Income Tax Avoidance,” The New York Times, September 27, 2020.

(3) Nicole Narea, “Biden’s vs. Trump’s economy, in 8 charts,” VOX, March 12, 2024.

(4) Rick Newman, “Biden vs Trump on the economy: And the winner is …,” Yahoo Finance, January 26, 2024.

(5) Michael Scherer, Marianne LeVine, Je Stein, Meryl Kornfield, Sabrina Rodriguez and Clara Ence Morse, “The economy is improving under Biden. But many voters aren’t giving him credit,” Washington Post, January 14, 2024.

(6) Robert J. Shapiro, “Data Don’t Lie: Biden’s Economic Record is Much Better than Trump’s,” Washington Monthly, January 26, 2024.

(7) White House, “Fact Sheet: The President’s Budget Cuts Taxes for Working Families and Makes Big Corporations and the Wealthy Pay Their Fair Share,” March 11, 2024.