Nguyễn Thị Minh Ngọc: Gội Nước Thời Gian

Nhà văn-biên kịch-đạo diễn sân khấu Nguyễn Thị Minh Ngọc.

@ Hai năm Covid ít tiếp xúc ai, nhiều người không nhuộm tóc nữa, trong đó có tôi. Ở Mỹ, nhiều người tưởng tôi tóc bạch kim, chào hỏi bằng tiếng Anh; về đến Việt Nam, các thanh niên trên dưới hai chục tuổi, khen: “Bà ơi, tóc bà đẹp quá” cứ làm tôi nhớ đến câu chuyện Cô Bé Choàng Khăn Đỏ và câu thơ trong bài Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ “Nước thời gian gội tóc trắng bạc phau phau

@ Cách đây hơn 20 năm, tôi định soạn một vở dài hai tiếng tặng Thành Lộc, bạn tôi, khi chứng kiến cái kiểu diễn cứ trút sức vào trên mức cần thiết cho các vai diễn của Lộc. Nhiều người chỉ dùng 50% sức, Lộc thì nhiều khi phải 110, 120 % mới chịu. Trong vở đó, nhân vật chính được thông báo chỉ còn được sống 120 phút nữa, bèn chia ra: 30’ thực hiện các lời hứa dở dang với học trò, công việc; 30’ cho ân oán bạn bè, người thân; 30’ dành cho mẹ và 30’ cho những mơ ước của mình. Thực tế cho thấy ba phần đầu lấn hết giờ dành riêng cho mình, nên thần chết tặng thêm cho nhân vật chính sống thêm một khúc, và khúc đó dài ngắn tùy theo khán giả của đêm đó. Chẳng nhà sản xuất nào hào hứng với ý tưởng nầy. Ngay lúc đó, tôi đã nhận là chính mình cũng mãi làm theo yêu cầu của người khác bên sân khấu và điện ảnh mà không để giờ viết những điều tôi thích rồi “đặt hàng” cho chính mình. Ngày má tôi mất, tôi đã tự hứa sẽ viết một cái gì đó, coi như để thay hương hoa cúng bà. Rồi hơn mười năm qua, má tôi đi trước, má Lộc mới đi đây, vẫn chỉ là những bản thảo bôi xóa tạm gác vì những deadline khác.

@ Trong mớ bản thảo kia, có cái, tôi đã nhắc tới câu mở đầu một truyện ngắn. Tác giả băn khoăn, liệu một phụ nữ lớn tuổi như bà mà kể chuyện tình của tuổi mới lớn có buồn cười không. Chuyện xảy ra ở Đà Lạt, cô thiếu nữ lên đó nghỉ mát, nhặt được tấm hình một chàng trai đẹp ở nhà kho trong ngôi biệt thự mình trú tạm, bèn bịa với bạn bè rằng X là người yêu của mình. Đến cuối, ra khu vườn sau lưng biệt thự, cô gặp ngôi mộ khắc đúng tên X với tấm hình kia, mới hay đó là một người có thật nhưng chàng mất đã lâu. Gần đây, được xem phim “Bí Mật Của Gió” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, có cốt truyện hao hao, thấy ghi tên tác giả là Võ Băng Thanh, cũng là bà ngoại của đạo diễn. Tiếc là cô Băng Thanh đã qua đời trước khi phim công chiếu. Lần đầu gặp cô, tóc của người đàn bà thông tuệ, dáng dấp thanh mảnh, mang một vẻ đẹp bất biến ấy đã ngã màu sương tuyết, và hạnh phúc biết bao khi những lần gặp sau, tôi thường được cô gọi một cách cưng chìu là “người yêu”.  Vừa rồi, tôi mới được Phan Thanh Hảo, con gái của cô, tặng tôi cuốn “Lời Thì Thầm của ba người con gái Huế xưa”, trong đó có truyện của chị cô là Võ Thị Diệu Viên (tức nhà văn Linh Bảo), em gái của cô là Võ Thị Hoài Trinh (tức nhà văn, nhà báo Minh Đức Hoài Trinh). Riêng tôi, lại thích nhất những ghi chép “phi hư cấu” của cô về những sự kiện cải cách ruộng đất, thăng trầm lý lịch, oan khuất tù đầy mà chính cô chứng kiến, để mãi hơn nửa thế kỷ sau, mới được con cháu của các cô sưu tầm, in ấn. Tiếc là trong tập này đã không ghi một chữ nào về mối tao ngộ giữa cô với Phạm Duy, vì trong các tiểu thơ của tổng đốc Quảng Nam Võ Chuẩn, Võ Tá Băng Thanh chính là người mà nhạc sĩ tiếp cận đầu tiên.

Nhà văn Minh Ngọc-nhà văn Linh Bảo.

@ Chuyến đi Việt Nam vừa rồi, ngoài ngày cuối là đám giỗ anh Nguyễn Sĩ Đức của tôi ở Sài Gòn, còn thì tôi cố đi tìm dấu vết nhân vật của mình. Ra đến Hà Nội, tôi nghe xúi dại, lấy chuyến xe giường nằm lên Điện Biên, tưởng là dùng mười tiếng để ngủ, gọi là tiết kiệm thời gian. Như thế kỷ trước, để xem vở “Thế đấy, thế đấy” của cô bạn Ea Sola, tôi đã ngồi xe bus từ 6 giờ chiều ở Berlin để 6 giờ sáng có mặt ở Paris. Nhưng tôi quên là lúc đó tôi mới trên 40 tuổi, và đó là bus ngoại. Và cũng không ai nhắc tôi nhớ có những chiếc xe vùng Tây Bắc dồn chuyến, dồn người đưa tới tai nạn thảm khốc. Hết chỗ, xe vẫn nhận khách rồi trải mền nằm dọc hai lối đi, các anh lơ muốn di chuyển phải bước trên thành tay vịn như những chú kinh kong. Một hậu quả của việc nhồi người là suốt đêm đó tôi không ngủ nổi vì cảm giác không còn oxy để thở, đành ngồi dậy ngó xe uốn lượn trong khuya bên đỉnh, bên vực. Xuống được bến xe, việc đầu tiên tôi làm là kiếm ngay vé để chiều bay về, không dám liều lần nữa, trao cái thân vốn đang được bó lại bằng chiếc nịt cột sống vừa mua ở nơi bán dụng cụ y khoa tại Nha Trang. Trong vài tiếng ngắn ngủi sau lưng chiếc hai bánh của một bạn trẻ ở Điện Biên, may mà tôi cũng tìm được để thắp nhang trước bàn thờ và trước mộ của cô sinh viên Cao Mỹ Duyên, cũng như đến nơi mà cô đã bị vất xác sau đêm 30 Tết, đi giao gà cho mẹ.(1)

Mộ Cao Mỹ Duyên  

@ Trước khi về, dự định dùng vài ngày để về vùng Mekong Delta, nhưng rốt rồi tôi chỉ tới được hai nơi là xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và thành phố Cần Thơ. Ở điểm một, tôi gặp chú Việt Thường, con trai của soạn giả Trần Hữu Trang. Cũng gặp ở đó Thúy Diệp, con của chú Việt Thường, là học viên khóa diễn viên mà tôi làm chủ nhiệm và dạy kỹ thuật biểu diễn, cùng lớp với Diệp có Hồng Đào, Quang Minh, Hữu Châu, Hữu Nghĩa, Lương Mỹ…. Chú giao trước không được chụp hình thu âm, nhưng tán thành dự án tôi định làm. Xưa, Hội Sân Khấu giao chú quản lý nhóm Câu Lạc Bộ đạo diễn trẻ khi vở kịch thể nghiệm Dư Luận Quần Chúng của chúng tôi đi vào doanh thu. Biết tôi thăm chú, bạn bè cũ trong nhóm nhờ tôi gởi “quà” tặng chú nhưng suốt bao nhiêu năm từ Mỹ về thăm quê nhà, tôi chưa thấy ai quyết liệt từ chối “quà” như chú. Trên đường về, định dúi cho Thúy Diệp nhưng Diệp cũng không dám cầm, nói em mà nhận là ba rầy đó cô ơi.

Điểm hai, tôi thăm Nguyễn Sĩ Cẩm, ông anh họ của tôi, trước là Trung Tá Công Binh. Bà xã anh là chị Linh Chi, con gái của nhà văn Trần Thanh Mại. Anh Cẩm đứng chủ hôn cho các đám cưới trong nhà tôi, trong đó có cả đám cưới của tôi. Khi anh Đức của tôi mất, anh Cẩm ở Cần Thơ lên ôm bàn thờ khóc và xin được thắt khăn tang, anh luôn cám ơn thời gian anh Đức học Y khoa ở Huế, trúng Tết Mậu Thân, đã cõng mệ nội tôi chạy từ cầu Đông Ba sang bên An Cựu, coi như thay anh Cẩm trả hiếu cho ôn và mệ. Anh chị nay đã ở tuổi trên dưới chín mươi, con cái ở trong và ngoài nước đều thành đạt. Hiện anh chị được người con gái đơn thân nay về sống chung để chăm sóc, mà tóc cô ấy cũng điểm bạc ít nhiều.

@ Có một ngày ở Hà Nội, tôi được dự khán buổi nói chuyện của một cô bạn – tên trùng với tôi hết ba chữ – tại lớp nâng cao nghiệp vụ đạo diễn trẻ, khoảng mươi học viên. Giờ nghỉ, cả lớp nhốn nháo trước việc những lời nói chuyện trên lớp hôm qua của đạo diễn G. từ “các nhà lý luận Âu Châu Thế Kỷ 19 đặt cho nghề đạo diễn những mỹ từ cao đẹp” lại bị cắt xén, bóp méo rồi đăng trên báo thành: “đạo diễn là trí thức tầng bậc cao“. Trên facebook, nhiều người dựa theo bài báo, nhân danh những nghề khác, viết thành những status và bình luận dài, “dạy” và mắng anh G. không thương tiếc.

Đạo diễn Nguyễn Đình Thi.

@ Bài nói chuyện của bạn tôi nhấn nhiều tới những nguyên tắc làm nghề của một đạo diễn lừng danh của phía Bắc là Nguyễn Đình Nghi (con của nhà thơ Thế Lữ). Cô nhắc lại những cái chết độc đáo mà cô chứng kiến, của nghệ sĩ Thành Tôn, thân phụ của Thành Lộc và của ông Nghi. Đám tang của bác Thành Tôn thì tôi có dự. Đúng như Minh Thái kể, đám tang đó đầy tiếng cười vui, vì họ làm theo ước nguyện của bác Thành Tôn trước khi mất. Chỉ có một chi tiết, Thái chứng kiến, mà tôi không biết, đó là đã có một lúc, Thái tình cờ thấy Lộc lẻn đi kiếm một góc khuất để khóc tức tưởi nỗi mất cha. Còn chi tiết này Thái không kể cho học viên nghe, nhưng tôi nghe nhiều người có uy tín cho hay, ông Đình Nghị trối, chẳng cần phải kê ra nào Nghệ Sĩ Nhân Dân, nào đảng viên kèm với tên ông, chỉ ghi giùm nghề nghiệp chính là Nguyễn Đình Nghi – đạo diễn, thế thôi. Nhớ một lần được trò chuyện với ông, ông nói lên nỗi đau trước việc nghề này bị biến dạng theo các nhu cầu phi nghệ thuật, và ông nhấn mạnh để kết luận, Minh Ngọc ạ, thái độ của tôi với các kiểu làm đó, đơn giản lắm, tôi KHÔNG LÀM.

@ Một đồng nghiệp tôi mới quen trong chuyến này đến từ Nhật Bản. Anh đã dựng Cậu Vania của Chekov, và vừa dựng Hedda Gabler của Henrik Ibsen cho Nhà Hát Tuổi Trẻ. Anh ngạc nhiên khi biết tôi đã dịch vở Friends của Kobo Abe – tác giả truyện Người Đàn Bà Trong Cồn Cát, tiếc là các sân khấu xã hội hóa trong Sài Gòn không làm. Còn The Visit (tức Der Besuch der alten Dame) của Friedrich Dürrenmatt thì Hà Nội duyệt bản dịch của người khác chớ Hồ Chí Minh City không duyệt bản dịch của tôi. Các bạn trẻ ở Hà Nội đang định khuyên Tsuyoshi Sugiyama thử xem qua vở Người Trong Cõi Nhớ của Lưu Quang Vũ. Lúc xem phim Coco, tôi liên tưởng ngay đến vở này của anh Vũ, khi Mama Coco kể người bà của mình luôn cho là cái chết không tồn tại, với bà, chúng ta chỉ mất đi, khi bị những người khác lãng quên mình.

Nhà văn Minh Ngọc-đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama

@ Cười nhiều nhất trong chuyến đi là khi gặp chú Mạc Can cùng ca sĩ Hà Phương và đạo diễn Mộng Long. Chú cùng Mai Thanh Dung, bạn học chung lớp đạo diễn của tôi đã đóng chung phim Đêm Hoa Đăng do chú viết kịch bản và anh Long đạo diễn. Hiện truyện Tấm Ván Phóng Dao của chú đã được Linh Đan, cháu cố của cô Băng Thanh đang chuẩn bị làm phim. Anh Long kể chú đã viết cho mình một khúc độc thoại: “Lúc vào đời, tui chọn một nghề, làm mãi vẫn không ra sao, có người nói, nghề này không phải nghề của ông. Chọn nghề khác, rồi cũng chẳng ra gì, chung quanh lại nói, nghề này cũng không phải nghề của ông, chuyển nghề mãi đâm chán, nhặt mấy quả banh tung liệng chơi, có một rồi vài người ghé coi, lại còn được họ liệng tiền cho, thấy sống được bằng việc đó, riết tui thành anh hề đi làm trò vặt diễn ảo thuật cho thiên hạ coi…”. Phần tôi về ngẫm mãi, nhớ những “đứa con” không được ra đời rồi thất tán, nghĩ về những nhân vật còn nằm chen chúc trong đầu chưa được cho ra, rồi tự hỏi, cái nào mới thật sự là nghề của mình ở tuổi gần thất thập này?!

Từ trái qua: Đạo diễn Mộng Long-Ca sĩ Hà Phương-Nhà văn Minh Ngọc-Nghệ sĩ Mạc Can.

@ Suốt mấy tiếng nói chuyện của bạn tôi với những người đạo diễn trẻ, đọng lại nhất trong tôi khi Thái nhắc tới đại án Việt-Á(2) và lưu ý: “Một trong những việc người đạo diễn phải làm là đối thoại với những vấn đề của cuộc sống đương thời”. Lưu Quang Vũ là một tác giả hiếm hoi vẫn còn được phục dựng nhiều, phải chăng vì anh luôn chạm vào được điều này. Và phải chăng vì như anh từng bày tỏ về chủ trương sáng tác: Nếu đã tìm ra năm điều đáng ghét, hận thì phải cố kiếm ra được mười điểm khiến ta thương yêu. Chuyến đi này tôi mới biết, vở Tô Ánh Nguyệt của soạn giả Trần Hữu Trang khi đang công diễn thời hậu chiến, bỗng có lệnh ngưng vì cho là thiên về tình cảm bi lụy. Nghe kể ngay cả ông Võ Văn Kiệt cũng chưa đủ lực can thiệp, mà phải đến ông Nguyễn Văn Linh đến xem và phán tốt, vở mới được cấp giấy phép diễn lại.

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc – PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

@ Đã chích xong 4 mũi, tôi mới dám về. Khi vướng phải cơn ho nhiều ngày, tôi, kẻ chưa bị “ngoáy mũi” bao giờ, đi kiếm các nhân viên bảo vệ ở đây, đưa que xét nghiệm mang về từ Mỹ, nhờ họ giúp thử nhưng từ trẻ tới trung niên, ai cũng lắc đầu. Có lẽ ám ảnh những ngày qua, lẫn lộn que thiệt giả đưa đến những hậu quả khốc hại khiến họ chùn tay. Rốt, một cô gái “ra tay”. Kết quả đẹp. Chuyến đi này tôi cũng được nghe bà con trút kể về những ngày Sài Gòn nguy khốn, chết dịch một phần, còn phần nữa, chết đói, chết oan. Suy cho cùng, như nghề viết và một số nghề khác, nghề đạo diễn – cái nghề mà tôi đã được học lẫn hành – cũng là một nghề cực kỳ nguy hiểm, nếu ta sống chết trọn lòng với nó, và với ý nghĩa đối thoại cùng đời sống, mà bạn tôi, Nguyễn Thị Minh Thái, đã nhấn mạnh trong buổi nói chuyện có mươi mái tóc đen xanh cùng một mái tóc vừa gội sạch nước thời gian.

Nguyễn Thị Minh Ngọc

Bismarck, Oct 24, 2022

——————————————————-