Nguyễn Thị Minh Ngọc: Tác giả Linh Bảo – sầu viễn xứ và… Tôi
Được tin cô Linh Bảo ra đi qua facebook của Phan Thanh Hảo, cháu gọi cô bằng Dì. Hảo viết:
“DÌ ƠI! Vậy là Dì chúng tôi, bà Võ Tá Diệu Viên – nhà văn Linh Bảo, đã ra đi sau khi con cháu tổ chức lễ sinh nhật 98 tuổi được một tuần. Dì đang gặp lại chị gái Võ Tá Tuyết Phiến, và hai em gái Võ Tá Băng Thanh và Võ Tá Hoài Trinh ở thế giới bên kia”.
Cách đây không lâu, tôi đã có viết một bài về cô Linh Bảo, một người tôi được “biết” từ thuở xa xưa lắm, và may mắn làm sao, tôi đã may mắn được gặp cô, với tư cách một độc giả đi tìm gặp một nhà văn có dấu ấn sâu đậm với mình.
Bài viết được mở đầu bằng một đoạn trích truyện ngắn “Chuyện búp bê” của cô:
“…Đàn ông thì thích người đàn bà phải là phái yếu, phái đẹp, để cho họ bao bọc che chở, vênh vang với bạn bè; và nhất là phần học thức, đàn bà phải thua họ, để họ thấy họ cao hơn, giỏi hơn, thỏa mãn cái tính háo thắng không ai là không có. Vì thế, cô xây cái tháp cô đơn của mình càng ngày càng cao hơn, cách biệt hẳn với giống đàn ông phàm phu tục tử, tuy là cô thích cái giống ấy vô cùng…”
(Trích truyện ngắn “Chuyện búp bê” của Linh Bảo)
Sau gần hai mươi đầu sách xuất bản ở Việt Nam, lần đầu tiên tôi mới được tổ chức buổi ra mắt sách. Đó là tập kịch “Cô Đào Hát” do nhà xuất bản Sân Khấu thuộc Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu Việt Nam ấn hành.
Vừa về đến Việt Nam, tôi đến ngay Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre… rồi ra Trường Hope ở Đà Nẵng, nơi có 300 em học sinh mồ côi sau đại dịch covid. Ba tuần ở Việt Nam qua nhanh sau khi số tiền bán sách nhỏ nhoi được trao tận tay những nghệ sĩ khó khăn. Kế đó tôi chỉ có một tuần ở California để tham gia chương trình Huyền Thoại Ngọc đánh dấu 15 năm hoạt động của Ngọc Trong Tim, một nhóm hỗ trợ những tài năng khuyết tật trong và ngoài nước. Nhờ vài đồng nghiệp, tôi còn được ghé qua Việt Film Festival (VIFF) để được ngồi chung với khán giả Mỹ -Việt xem mình đóng vai bà mẹ trong phim ngắn Supermarket Affairs của Nguyễn Lương Hằng đạo diễn. Nhiều cái hẹn tôi đành phải bỏ lỡ. Tiếc nhất là không còn giờ để ghé thăm cô Linh Bảo, người mà cách đây hơn bốn năm, tôi may mắn được Trương Kim Anh, ái nữ nhà văn Nguyễn Thị Vinh, là bạn thời cơ hàn bán hàng rong trên vỉa hè Sài Gòn sau 1975 với tôi, đưa đến thăm cô. Lúc ấy tôi mới được diện kiến “thần tượng”, người truyền cảm hứng viết lách cho mình và còn được cô tặng sách.
***
Nhà tôi trữ nhiều sách đông tây kim cổ nên chúng tôi được đọc các loại sách sớm lắm. Những cuốn sách đầu tôi đọc cho ông ngoại nghe là những pho Tam Quốc, Tây Du. Ba tôi mua các loại tạp chí giai phẩm văn hóa văn nghệ tuần san, nguyệt san trong đó có Bách Khoa, Phổ Thông, Văn Hóa Ngày Nay, Tân Phong, Sáng Dội Miền Nam, Nhân Loại, sau này có thêm Văn, Vấn Đề, Ý Thức. Những năm 60, 70 nổi lên các cây bút nữ, còn từ những năm 50, tạo dấu ấn lớn về bút lực có các cô Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh. Tôi được đọc truyện của Linh Bảo ở tuổi lên mười. Vài mươi năm sau, có cơ duyên được gặp bà Băng Thanh, người em kế của cô Linh Bảo sống ở Hà Nội (1927-2017), là mẹ của Phan Thanh Hảo, bạn tôi.
Một truyện ngắn của Linh Bảo đăng trên giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay ám ảnh chị em tôi mãi đến giờ là truyện “Áo Mới”. Chuyện xảy ra trong một gia đình nơi kinh đô Huế cổ xưa với bối cảnh là thời vang bóng của một triều đại phong kiến đang suy tàn. Truyện ngắn khởi từ sự tích một chiếc áo do mẹ vua ban mà bà mẹ đem về cho các con. Do gốc tích cao sang, chiếc áo được giữ gìn chuyền qua tay những đứa con từ lớn xuống bé và chỉ được dùng trong những dịp giỗ tết. Nhà con đông, tiền của trong nhà phải cung phụng một cách vô lý cho các nhân vật “sống ảo” đó, lại thêm những cái tang dồn dập nên khi đến phiên Hoa – đứa con gái nhỏ nhất được sử dụng tấm áo, đã khóc trong ngày Tết năm đó vì chiếc áo ấy đã bị mục nát. Rồi khi cô lớn lên, có khả năng mua áo tặng mẹ thì bà đã không còn.
Gia đình tôi gốc Huế nên không xa lạ với bối cảnh có những nhân vật hoàng tộc, dù thất thế cỡ nào vẫn cố giữ cái gốc con vua cháu chúa của mình, mặc kệ điều này có thể gây di hại đến những người quen biết khác. Hai truyện ngắn “Chờ Duyên” và “Cạn Duyên” của tôi được nhiều nữ độc giả thích đã được tạo cảm hứng từ truyện này.
Từ yêu thích sang cảm phục rồi thấy mình bị ám ảnh, tôi tìm đọc những gì cô viết, và cũng đọc những gì người ta viết về cô. Linh Bảo, tên thật Võ Thị Diệu Viên sanh năm 1926, là chị của Minh Đức – Võ Thị Hoài Trinh (sanh năm 1930). Thân phụ của hai cô là Võ Chuẩn, Tổng Đốc tỉnh Quảng Nam, ông nội là Xuân Hòa Hầu-Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ của triều Nguyễn, mẹ cũng gốc hoàng tộc. Cả hai cô đều được du học. Riêng Linh Bảo thì du học rất sớm, sống qua các thành phố Nam Kinh, Quảng Châu, Hồng Công, Anh, Pháp, Mỹ. Minh Đức-Hoài Trinh du học ở Pháp, và làm việc cho đài truyền hình ORTF của Pháp, được độc giả Việt biết nhiều qua bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau đã được Phạm Duy phổ nhạc.
Trong các truyện ngắn của Linh Bảo như “Quà Tết”, “Chuyện Búp Bê”, “Cái Thảm” thường nhắc đến hai chị em cùng xa quê hương, thỉnh thoảng lại gặp nhau và có dịp sống cùng nhau ở xứ người. Hai truyện dài của Linh Bảo cũng thấp thoáng nét tự truyện. Khi nhận bản thảo truyện dài đầu tay Gió Bấc của Linh Bảo, nhà văn Nhất Linh đã viết trong thư ghi ngày 29/05/1953, “Chị đã có cốt cách nhà văn, cứ thế mà tiến, yên tâm mà tiến, còn nhiều rực rỡ về sau đợi chị”.
Hai tác phẩm biểu lộ hết tài năng của Linh Bảo chính là truyện dài Những Đêm Mưa (1961) và tập truyện Tầu Ngựa Cũ (1961).
Trong cuốn “Các nhà văn nữ tại miền Nam Việt Nam (1954-1975)” Nguyên tác Anh ngữ: “Women Writers of South Vietnam (1954-1975)” của Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang (Đoàn Thanh Liêm dịch), Linh Bảo được ghi nhận: “…tác phẩm của Linh Bảo đưa ra sự cần thiết phải đánh giá lại tính cách vững bền lâu đời của cái lối chịu đựng như vậy, có tác dụng kéo dài sự thất bại của nữ giới để mong đạt được hạnh phúc chân thực… Bà sử dụng loại ngôn ngữ thường do phụ nữ khôn ngoan, tinh tế phát biểu…”
Được biết cô ngưng viết đã lâu lắm rồi, hình như từ 1975. Lạ một điều là đọc những truyện cô viết từ những năm xưa vẫn thấy sao mà gần gũi, thiết thân. Như truyện “Văn nghệ trốn đâu rồi”, nhà văn nữ đành dắt con rời nước đúng vào dịp Tết chỉ vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Hãy nghe tác giả luận về danh tiếng:
“…Tên tuổi! Hai mươi năm sau nữa, những cái tên và cái mà người đời nay gọi là “tác phẩm” sẽ thành lạc hậu, không hợp thời; thế mà người ta vẫn tưởng chừng như một nghìn năm sau, đời vẫn còn ca tụng mình. Thực ra có ai biết thị mẹt nào là cái thị mẹt nào!…”
Một “thị mẹt” viết văn như tôi, có tiếng đó, nhưng nhiều khi chỉ muốn ngâm thơ Tú Xương “van nợ lắm khi tràn nước mắt”… đọc đoạn này, khá thấm thía.
Này là “Chuyện Búp Bê” được Linh Bảo viết ở Mỹ vào năm 1966.
“…Đàn ông thì thích người đàn bà phải là phái yếu, phái đẹp, để cho họ bao bọc che chở, vênh vang với bạn bè; và nhất là phần học thức, đàn bà phải thua họ, để họ thấy họ cao hơn, giỏi hơn, thỏa mãn cái tính háo thắng không ai là không có. Vì thế, cô xây cái tháp cô đơn của mình càng ngày càng cao hơn, cách biệt hẳn với giống đàn ông phàm phu tục tử, tuy là cô thích cái giống ấy vô cùng…”
Với kẻ kết hôn lần đầu ở tuổi 51 như tôi, có lúc nghĩ không ra, sao mình lại “ế” khi tạm tự cho điểm mọi thứ trên trung bình (sức khỏe, thu nhập, học vấn, cả nhan sắc), thấy người viết trước mình là Linh Bảo đã giải đáp được những thắc mắc mà mình vướng một thời.
Tác giả Linh Bảo (thứ hai từ phải sang)
Tác giả nhìn mỗi con búp bê lại nhớ tới từng khoảng đời của mình. Một trong những con búp bê ấy gợi nhớ tới bà bạn bị sống cảnh chồng chung cho tới ngày ngộ ra:
“… Một hôm, bà vác một con dao phay đưa cho ông chồng, bảo giết bà đi, nếu không thì phải làm giấy tờ đưa bà về nước. Nếu còn giữ bà mà cư xử không ra gì, bà sẽ chém cả nhà rồi tự tử. Nhà chồng sợ quá, vì thấy bà bây giờ không còn cô đơn nữa, sau lưng có một hậu thuẫn hùng hậu, nhỡ bà chết thì chắc không yên với cái bọn cách mệnh Việt Nam, bèn xử hòa…”
Bạn xem, có khác gì những tin trên báo về các cô dâu Việt ngày nay đang lấy chồng xứ lạ, bị ép làm việc quần quật và đối xử tệ bạc trong kiếp chung chồng.
Năm 1959, trong truyện “Cung Chúc Tân Xuân”, Linh Bảo đã viết về nỗi đau của những người xa xứ sau một đời nhìn lại, trống rỗng chẳng có gì, về vật chất lẫn tinh thần. Cuối năm, ông nha sĩ quân y Mỹ gần tuổi hưu lại trắng tay vì ly dị, bị tống ra khỏi căn nhà-tổ ấm do chính tay mình gầy dựng, về ký túc xá độc thân sống chung với trai trẻ mới lớn, hoặc trai già chướng kỳ mà mình thì đà cạn kiệt sinh lực. Ông cứ tưởng người phụ nữ gốc Việt dùng bữa chung ở Câu Lạc Bộ của cơ quan mình sẽ được vui với cộng đồng trong dịp Tết Nguyên Đán tới. Ngờ đâu cô cũng đang lo bị bất đắc kỳ tử, nếu không kiếm luật sư lo sớm, có thể bảo hiểm nhân thọ sẽ lờ đi, nhà bị xiết và con sẽ phải ra đường. Ông khuyên cô nên nhờ người thân hơn là luật sư, không ngờ đã chạm phải nỗi đau dấu kín của cô khi những tình thân ruột rà lợt lạt với nhau.
“…
– Họ có viết thư cho bà thường không?
Vốn thực thà, Mai định nói thực, nhưng nghĩ đến một câu – không biết của danh nhân nào – đã nói ra: “Người đàn bà nào, mỗi ngày nói dối chưa đến 5 lần, thì đó là người rất thực thà và có thể tin cậy được”; ngày hôm ấy, Mai chưa có dịp nói dối lần nào, nên quyết định nói dối để giữ thể diện:
– Vâng, thường luôn….”
Ở tuổi 42, Linh Bảo viết truyện “Một đêm mơ” (1968) kể lại chuyện tình một đêm của cô gái độc thân lớn tuổi và cậu thanh niên nhỏ tuổi hơn mình. Hiếm hoi lắm mới có lúc ngòi bút của Linh Bảo đá động tới chuyện chăn gối, nhưng mọi chuyện với Lý lại cứ xảy ra và trôi đi như một giấc mơ.Rồi Minh về nước vì cha bịnh nặng, không kịp từ giã ai. Nhà văn kết chuyện bằng đoạn này:
“…Để tự an ủi, Lý mừng thầm Minh đã đi một cách bất thình lình. Nếu Minh còn ở đây, và nếu sau đêm ấy, Minh lại nhìn nàng thẳng thắn, nói chuyện phớt tỉnh và vô tư như đối với một người bạn thường, thì Lý sẽ còn xót xa nhiều hơn là chỉ được thật gần nhau trong một lúc như thế, để rồi nhớ đến và quên đi như người ta thường nhớ và quên một giấc mơ…”
Tôi tìm ra một điểm tình cờ giống nhau giữa cô và tôi. Truyện của tôi cũng bị nhiều độc giả phê là thiếu những cảnh sex giựt gân và táo bạo, chẳng giống chút nào người mang tiếng viết từ trước 1975.
Trong “Tỉnh và Điện” (1969), Linh Bảo vẽ bức tranh tổng quát về những người tứ xứ trở thành láng giềng của nhau trên đất Mỹ, ai cũng có tâm tình, trăn trở, khát vọng riêng: Bà già gốc Nhật, tay chân run lập cập, ngày ngày đợi cuối tuần con và rể đến cắt cỏ, đợi cơ hội về lại đảo Hokkaido xa vời. Chàng sĩ quan gốc Việt vật lộn khó khăn với tiếng Anh, đợi ngày bị đuổi như một cái án tử hình treo trên đầu. Ông người Đức với bà vợ theo gái và cô Kim, nhân vật chính, gốc Korea, góa chồng, nhân một đêm cúp điện nhìn ra chân lý:
“…cái bọn máy móc kia phải có điện mới làm việc được thì con người phải có tình. Tình yêu là luồng điện, là nguồn sống cho nhân loại. Nếu không có tình yêu thúc đẩy thì loài người cũng sẽ lì ra đấy, sống một cách uể oải, không muốn làm gì nữa…”.
Tương tự, truyện “Cái Thảm” (1970), lại tiếp tục mượn hình ảnh những con búp bê để phác họa những hình mẫu thật cô đã gặp ngoài đời như:
“…Anh đã học xong nhưng không muốn về nước vì đến tuổi đi lính, sợ phải chết cho đất nước Việt Nam. Anh ở lại Mỹ, mà vào quốc tịch Mỹ thì có thể lại bị gọi sang chiến trường Việt Nam, vì thế anh đành giữ giấy thông hành ngoại quốc, mỗi sáu tháng phải xin chiếu khán mới, và mỗi lần như thế, thiên hạ lại nghe anh chửi ầm lên vì phải trả vài đô la thuê lưu trú một kỳ. Không ai biết làm thế nào để chiều lòng anh được…”
Với cái nhìn dí dỏm, soi thấu tâm can người đời như vậy, không biết cô Linh Bảo có lúc nào phải đối mặt với những người thật, việc thật ấy không. Đọc truyện này, tôi cứ nhớ có lần tòa soạn báo S. cho tôi hay một độc giả cầm dao tới tòa soạn muốn kiếm tôi để xin “tí huyết” vì sao dám đưa đời anh vào truyện, dù chỉ vài dòng.
Không phải mọi truyện của Linh Bảo, tôi đều tìm ra điểm tương đồng. Người không có hạnh phúc làm mẹ như tôi chắc cũng khó trải qua nỗi đau của Mai, khi Liên, con gái mình tuyên bố trước bao khách khứa:
“…Tôi ao ước được…. đừng ra đời…”
trong truyện “Ảo tưởng” (1971). Ở cuối truyện, nhân vật Mai đã nhẹ nhàng hơn:
“…Bây giờ là lúc Mai không bận với đời nữa, có đủ thì giờ dành cho gia đình, nhưng nhìn lại, bên mình Mai chỉ còn khói hương, khói thuốc và cánh cửa phòng con đóng chặt, cho Mai cái ảo tưởng là tất cả những người thân còn lẩn khuất đâu đây…”
***
Về đến nhà, tôi mới biết phim ngắn Supermarket Affairs đó được giải khán giả bình chọn của VIFF. Trong phim, có một đoạn sau khi có những bất đồng với cô con gái, bà mẹ tóc trắng – do tôi thủ vai- ngồi một mình trên chiếc xe bus vắng. Đạo diễn nói lúc đó chẳng có lời thoại nào, nhưng ngó mắt cô thấy chất chứa một nỗi niềm khó tả thành lời. Chợt nhớ trong tùy bút ngắn “Những cánh diều”, cô Linh Bảo đã ghi:
“…Có bao nhiêu người Việt tha hương thấy cô đơn ở giữa những người đồng hương của mình?… Chỉ phải tình cảm ấy bị chôn cất sâu kín lâu năm quá không hề được khai thác, nên người ta chỉ thấy những nét lạnh nhạt bao phủ bên ngoài. Mà tình cảm thì cũng như hoa cỏ, muốn cho xanh tốt, phải săn sóc, chăm tưới, nó mới khai hoa kết quả…”
Rời nước, không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thành đạt. Và nếu thành đạt thì không phải lúc nào cũng đồng hành với hạnh phúc. Người Việt xa xứ, có nhiều niềm vui, đáng tự hào, nhưng cũng có những nỗi buồn không thể tỏ lộ. Cũng trong tùy bút đó, cô từng trăn trở:
“…Cái cảnh mất gốc này, có người đau khổ mà chịu, có người tự tạo ra; cũng có người lấy làm hãnh diện về sự mất gốc của mình và cố tranh đấu để xóa tan những tàn tích còn vương lại. Có người còn liên lạc với gia đình, với quê hương, nhưng liệu tình yêu gia đình và quê hương có mạnh hơn lòng tham thụ hưởng những sung sướng vật chất và an nhàn ở xứ người? Họ còn có thể cắn răng dứt bỏ được mọi quyến rũ vật chất để đem về cho quê hương những gì quí lạ họ thu thập học hỏi được trên con đường viễn du không?…”
Ngày nào đến thăm cô Linh Bảo phau phau tóc bạc, tóc tôi còn xanh. Nay tôi cũng trắng tóc, biết còn có ngày hạnh ngộ?!
Lại nhớ đến nỗi truân chuyên từ năm 1991 đến nay khi thành tâm muốn chuyển tiểu thuyết Khung Rêu (1971) của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, một chị bạn vong niên, sang phim bộ truyền hình mà chị Vũ cứ nhắn “cố cho chị được xem trước khi chị mất”. Cuốn đó cũng được trao Giải thưởng Văn chương Toàn Quốc (của Miền Nam) như cuốn Tàu Ngựa Cũ của cô Linh Bảo (1961). (Chị Thụy Vũ từng bị hàng xóm cầm lựu đạn qua nhà đe dọa buộc phải ngừng viết vì tưởng truyện dài Cho Trận Gió Kinh Thiên của chị muốn ám chỉ gia đình họ). Đành cáo lỗi với các tiền bối bằng bốn chữ “Lực bất tòng tâm” thôi!
***
@ Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa” có lẽ là ấn phẩm cuối cùng của ba chị em Linh Bảo- Diệu Viên, Băng Thanh và Minh Đức Hoài Trinh. Ở bìa trong, một ghi chú cho biết những dòng văn dù có vẻ hư cấu hay phi hư cấu…trong cuốn này, đều được dựa trên cuộc sống của gia đình.
Đó là một cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình của bạn, nếu bạn muốn biết rõ hơn một thời đất nước điêu linh và những người phụ nữ Việt Nam đã đương đầu với những sóng gió riêng chung như thế nào. Là con gái yêu của một thống đốc, nhà văn Linh Bảo cùng các chị em của mình đã để lại cuộc đời này những ghi chép đầy xúc cảm, và trên tất cả là nét đẹp của một tâm hồn nhân ái và cũng không kém phần dí dỏm thông minh của một người phụ nữ Việt Nam.
Nguyễn Thị Minh Ngọc
23/11/2023 – 23/4/2024.