Nguyễn Viện: Cư sĩ Minh Đạt, nghệ thuật như một pháp hạnh tu trì

Họa sĩ, cư sĩ Minh Đạt

Với danh xưng Cư sĩ Minh Đạt, ý nghĩ đầu tiên của tôi về hội hoạ của ông sẽ tràn đầy phong vị của thiền định hay thuỷ mặc, trầm lắng cả về màu sắc và nhịp điệu. Nhưng không, đập vào mắt chúng ta lại là những màu sắc rực rỡ và sự chuyển động mạnh mẽ như những mảnh vỡ của một vụ nổ trong thiên hà. Và tôi cảm nhận được đó là những mảnh vỡ của ý thức tìm kiếm cả trong nghệ thuật lẫn chân lý. 

Nếu chúng ta biết Cư sĩ Minh Đạt trước khi trở thành một hành giả tìm đạo, như một lý lịch trích ngang, rằng ông đã từng là một giảng viên đại học, một nhà khoa học với những đề tài nghiên cứu cấp quốc gia và đã có những công trình đáng tự hào như nhà nổi Trường Sa DK 1-2… thì việc Cư sĩ Minh Đạt dấn thân vào nghệ thuật có thể coi như một kiểu đốn ngộ trên con đường tu tập. Nghệ thuật ở đây sẽ không chỉ là phương tiện truy cầu chân lý mà nghệ thuật biểu đạt chân lý. 

Cuộc triển lãm lần này (tại Gallery Maii 72/7 Trần Quốc Toản, Quận 3, Tp. HCM, ngày 26/2 – 4/3/2025) của Cư sĩ Minh Đạt với chủ đề “Thổn thức thời gian” phần nào cho chúng ta thấy, thời gian là một biểu hiện của sự sống, một chiều kích của thực tại. Và vì thế, chẳng thể nào chúng ta sống mà không “thổn thức” vì nó. 

Theo Minh Đạt, qua thiền quán ông đã chạm tới:

– Tiếng vọng thời gian

– Nhịp điệu thời gian

– Thổn thức thời gian

– Nỗi đau thời gian 

– Nếp gấp thời gian

– Kỳ dị thời gian

– Cánh cổng thời gian

– Không thời gian

– Thời gian của số…

Nếu không có thời gian thì sẽ chẳng có gì cả. Nhưng làm thế nào, chúng ta vẽ được thời gian hay mô tả được một linh hồn? Câu trả lời này chỉ có tìm thấy trong thiền quán và nghệ thuật. Và may thay, Minh Đạt hội đủ cả hai yêu tố đó. Tuy nhiên, điều kiện ắt có và đủ không phải lúc nào cũng đến cùng lúc. Vì thế, hành trình của nghệ thuật hay thiền quán mãi mãi vẫn là một con đường vô tận. Và cũng có khi vô định. 

Đôi khi tôi tự hỏi, cứu cánh của thiền quán hay tu đạo là giải thoát, hoặc an lạc trong tính không của thường tại, thì việc một hành giả dấn thân vào nghệ thuật hay bất cứ việc gì khác liệu có phải là một chấp niệm về ngã? 

Đến đây tôi chợt nhớ đến Chí tôn ca hay còn gọi là Bhagavad Gita, nỗi dằn vặt muôn thuở của con người về hành động và nghiệp của nó. Phải chăng, giữa hành giả và nghệ sĩ, cái đẹp của suy tưởng, chiêm nghiệm… nhờ nghệ thuật mà hành động được giải nghiệp? 

Thật ra, tôi viết những điều này cũng chỉ để cho vui. Tôi đã được xem tranh của Cư sĩ Minh Đạt nhiều lần, trước khi có cuộc triển lãm này, và tôi thấy hình như hội hoạ của ông không chỉ là cách ông kể lại những chiêm nghiệm của mình về vũ trụ, về không thời gian, mà còn là một pháp hạnh tu trì. 

Thiện tai. 

Nguyễn Viện 

2/2025

(*) Cư sĩ Minh Đạt, tên thật Hoàng Anh Dũng, sinh năm 1956

MỘT SỐ TRANH CỦA HỌA SĨ/CƯ SĨ MINH ĐẠT TẠI CUỘC TRIỂN LÃM: