Nguyễn Viện: Tô Thùy Yên giữa nhân quần thoi thóp

Nhà văn Nguyễn Viện. Photo: Nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Nói về thơ Việt Nam hiện đại, theo tôi có ba người đáng kể nhất tính từ sau 1945, đó là Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên. Họ là những thi sĩ đã đặt dấu chấm hết cho thơ văn tiền chiến. Và mở ra một chân trời khác cho thi ca Việt Nam. 

Cũng theo tôi, Việt Nam chỉ có hai thiên tài thi ca là Nguyễn Du và Bùi Giáng. Điều thú vị là họ rất trái ngược nhau. Tiêu biểu cho tính cách thời đại mà họ sống. Một Nguyễn Du trau chuốt trang trọng với số phận con người và một Bùi Giáng buông thả bông phèng giữa thời thế gùn ghè gây cấn của ý thức hệ phân tranh. Cả hai đều phong lưu chữ nghĩa và dồi dào nội lực sáng tạo. 

Tương tự như thế, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên tuy cùng thời cùng một bối cảnh xã hội, nhưng họ lại có hai hướng đi khác nhau. Một Thanh Tâm Tuyền khai phá, làm mới từ chữ nghĩa tới hình tượng và thể loại. Thanh Tâm Tuyền đã mở ra một không gian mới cho thi ca Việt Nam đầy màu sắc của tự do và ý thức tự do, lịch sử và tâm thức thời đại. 

Bên cạnh đó một Tô Thùy Yên lại bảo thủ cổ phong với thể hành bi tráng một cõi người trầm thống. Sâu lắng và lẫm liệt. Vượt qua oán hờn và những cảm xúc nhất thời giữa những đổ vỡ của xã hội.  

Có lẽ vì thế, khi càng nhiều trải nghiệm, càng chất chồng thời gian, người ta càng có khuynh hướng đến với Tô Thùy Yên. Chia sẻ một ý vị của thi tứ và một đồng cảm nhân sinh, mang tính truyền thống. 

Nhưng tôi cũng rất ngạc nhiên, khi Tô Thùy Yên đang trở thành thời thượng trong thị hiếu thi ca của người thời nay, từ Nam ra Bắc. Đặc biệt, nhiều người rất trẻ, như tôi biết, mới bước vào ngưỡng cửa đại học cũng mê thơ Tô Thùy Yên. 

Tôi còn biết một điều khác, các bạn trẻ bây giờ có khuynh hướng truy lùng tác phẩm của các tác giả miền Nam cũ. Và tôi cũng bất ngờ, ngoài Tô Thùy Yên hay Thanh Tâm Tuyền, họ còn thích cả Đinh Hùng, trữ tình và ma mị. 

Điều này giải thích thế nào? 

Trong một dịp gần đây, tôi và hai người bạn già ngồi café “tám”, chúng tôi cùng nhận ra, thỉnh thoảng Tô Thùy Yên cũng rất “sến” Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
(Ta về)

Cái “sến” của một tấm lòng bao dung. Ta về, bởi vì ta đã đi. Tô Thùy Yên không chỉ đi tù, mà ông đã đi hết cuộc lữ với tất cả bình sinh như trong bài thơ định mệnh “Cánh đồng con ngựa chuyến tầu”: Trên cánh đồng hoang thuần một mầu
Trên cánh đồng hoang dài đến nỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a! Cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.

Ông đi như một hành giả thấu cảm cuộc tử sinh.

Với khẩu khí nhân dân, thơ của Tô Thùy Yên lớn không chỉ vì sâu sắc, mà thơ ông còn đẹp ở ngôn từ và ở cái cốt cách quân tử. Cái tâm độ lượng của đất trời. Cái bi hùng trong số phận con người.

Thành công của Tô Thùy Yên là đã chia sẻ được nỗi người của mình với nhân quần. Và nhân quần thoi thóp tìm thấy trong thơ ông nỗi niềm và khát khao của họ.

5/2023