Nguyễn Xuân Thọ: Ký ức tháng 4 – Huế 1975
Sau 30.4.1975 tôi được đài Tiếng nói Việt Nam cử vào tiếp quản đài Truyền hình Huế. Tuy chỉ ở Huế một năm, nhưng thành phố này đã cho tôi, chàng trai 24 tuổi, nhiều nhận thức mới.
Ngày đó tôi chỉ là một công nhân quèn, quèn nhất trong một cơ quan mà đa số là các kỹ sư tốt nghiệp ở những trường đại học nổi tiếng nhất của phe XHCN. Nhờ có lý lịch miền Nam tập kết và cái chất thợ, vừa biết cơ khí, vừa biết điện tử nên tôi được giao nhiệm vụ này.
Cho đến tận giữa năm 1976 cầu Hiền Lương vẫn là giới tuyến giữa hai miền Nam-Bắc, chỉ ai có giấy phép của Ban Thống nhất Trung uơng mới được qua lại. Trong suốt 12 tháng đó tôi phải ra vào nhiều lần, lúc thì lấy phim ảnh, máy móc, lúc thì phải ra Đại học Bách khoa học tại chức.
Vì ba tôi có nhiều bạn bè ở Ban Thống nhất nên mỗi lần ra vào Huế, tôi lên Quốc Tử Giám làm giấy tờ rất nhanh. Hồi đó chưa có tệ tham nhũng, sách nhiễu như ngày nay nên không có chuyện vòi tiền. Nhưng bệnh khệnh khạng cửa quyền thì đã ngấm vào da thịt, quan hệ vẫn cần thiết. Ban Thống nhất cũng là cơ quan kết nối giữa quân đội và dân chính nên tôi thường chia sẻ các chuyến xe tải với bộ đội ra vào Huế.
Hà Nội – Huế cách nhau chỉ 650 km, nhưng chiến tranh mới kết thúc, đường xấu, xe cộ tồi tàn, lại vướng hàng chục trạm kiểm soát nên mỗi chuyến đi mất gần một ngày đêm. Chúng tôi thường phải nghỉ đêm ở Quảng Bình hay Hà Tĩnh. Mỗi người lính khi ra Bắc thường mang theo một con búp bê nhựa để làm quà. Nhờ thế tôi học được câu nói phân định khối lượng của cải mang theo ra Bắc của nhà lính: Tướng tấn, tá tạ, úy yến, lính lạng.
Những thị trấn tôi đi qua như: Vĩnh Linh, Đông Hà, Quảng Trị là những bãi tro tàn đúng nghĩa. Nhưng Huế là một đô thị đẹp, cổ kính và yên tĩnh mà tôi chưa hề biết đến.
Qua khỏi Cầu Mới (nay là cầu Phú Xuân), ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là khu Bệnh viện Trung ương Huế do Tây Đức xây dựng. Hồi đó ở Hà Nội chưa có bệnh viện nào hiện đại và sạch sẽ như vậy. Tôi thích thú ngắm các thùng rác xi măng hình gốc cây với dòng chữ “Cho tôi xin rác“ xây trên vỉa hè. Các cô nữ sinh mặc áo dài trắng toát, đôi nón lá bài thơ thướt tha trên những đế guốc cao làm cho chàng trai Hà Nội không khỏi nghĩ đến các cô gái áo bông chần ngoài Bắc.
Đài Truyền hình Huế nằm bên góc đường Lê Thánh Tôn (nay là đuờng Hà Nội), tiếp giáp đường Lý Thường Kiệt, trên một mảnh đất hơn 1000 mét vuông là một sự ngạc nhiên nữa cho tôi. Bằng một thiết kế gọn nhẹ và hiện đại kiểu Mỹ, hơn 20 nhân viên của đài đảm bảo mỗi ngày phát sóng từ 5-6 giờ cho một vùng lãnh thổ từ Gio Linh vào đến Đà Nẵng. Trạm tiếp sóng trên đèo Hải Vân phủ sóng Đà Nẵng, hầu như không cần người quản lý.
Truyền hình miền Nam lúc đó đi trước miền Bắc khá xa. Bốn đài: Sài Gòn, Cần Thơ, Quy Nhơn và Huế cho phép 80% dân chúng được xem TV hàng ngày. Ở ngoài Bắc cho đến 1977 chỉ có khu vực Hà nội được xem TV và không phải ai cũng được mua TV.
Việc tiếp quản đài thực ra không có gì khó khăn. Các nhân viên cũ của đài và những người vào truớc tôi đã khôi phục mọi hoạt động kỹ thuật. Việc lớn nhất là thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật truyền hình giữa hai hệ của Mỹ và của các nuớc XHCN cũng không phải là khó khăn gì cho anh em chúng tôi.
Điều làm cho tôi áy náy nhất là kho phim tư liệu đã bị anh em bộ đội phá tanh bành. Mặc dù tôi có ý muốn cứu những cuộn phim tư liệu 16mm này, nhưng chúng bị coi là “văn hóa phẩm đồì trụy“ nên không ai quan tâm đến ý kiến của tôi. Vả lại tôi chỉ là thằng tép riu nhất trong tất cả những ai tham gia tiếp quản đài Huế khi đó. Sau một chuyến ra Bắc trở về, tôi thấy kho phim đã biến mất và thành phòng làm việc cho bà phó giám đốc phụ trách tổ chức.
Nỗi vui mừng của tôi khi được tiếp xúc với kho âm nhạc và văn chương miền Nam hoặc sự mê mẩn của tôi đối với những dàn Akai-Stereo, máy ảnh Canon, đồng hồ Seiko v.v. chỉ là niềm vui của con cá từ một vũng nước được may mắn xuống ao. Nhưng ấn tượng đầu tiên của tôi về người Huế (và miền Nam) lại là chị điện thoại viên bên Sở Văn hóa Thông tin.
Đài truyền hình Huế lúc đó do Ban Quân quản và Sở Văn hóa Thông tin quản lý. Mỗi lần tôi có việc phải gọi điện thoại sang sở, lúc thì gặp chị công chức cũ phụ trách tổng đài, lúc thì gặp một o bộ đội thông tin mới ở chiến khu về.
Các o bộ đội thường có giọng nói khô khan gắt gỏng: Ai đấy? Muốn gặp ai? Đi vắng rồi nhé! Cúp máy.
Ngoài đời các o hay tết hai đuôi sam, hay cười ngặt nghẽo, cũng dễ thương như các bạn gái ngoài Hà Nội.
-Thói quen nghề nghiệp mà anh – Một o bẽn lẽn nói vậy khi gặp tôi.
Mỗi lần gặp chị viên chức cũ với giọng nói ngọt ngào: “Dạ, anh chờ chút, để em nối máy“ thì gã công nhân quèn, quen nghe giọng dùi đục chấm mắm cáy lại cảm thấy ít ra mình cũng là thằng nào đó. Trai chưa vợ, được một giọng phụ nữ ngọt ngào gọi anh xưng em, bằng tiếng Huế, thật khó quên.
Những ngày đầu tiên truớc khi cô Mùi về nấu bếp cho đài chúng tôi hàng ngày sang Sở Văn hóa ăn cơm trưa. Tôi tìm cách gặp bằng được người phụ nữ với giọng Huế ngọt ngào đó. Chị lớn hơn tôi gần chục tuổi, có khuôn măt dễ ưa. Trong khi “lương cách mạng” cấp cho chị không đủ 10 ngày ăn của gia đình, nhưng chị vẫn đánh phấn nhẹ, mặc áo dài, đi guốc cao gót để hàng ngày làm một công việc không cần đến ngoại hình, không cần trang điểm. Thì ra đó là nếp sống. Giữa những o bộ đội dễ thương kia và nguời phụ nữ Huế này là một khoảng cách văn hóa không nhỏ!
Cứ như vậy, tôi lần lượt vấp hết cú sốc văn hóa này đến cú khác. Từ những nụ cuời chào đón và tiễn khách hàng, đến cốc nuớc chè sau mỗi bữa ăn, đến gói hàng xếp vào túi ny-lon đều là những điều xưa nay tôi không bao giờ được hưởng, kể cả ở các cửa hàng “Thanh niên làm theo lời Bác“.
Miền Nam mới hòa bình, cơ quan nào cũng chịu cảnh bè phái giữa các nhóm: Cán bộ tập kết ở Bắc trở về, cán bộ hoạt động nội thành (nằm vùng) và lực luợng ở chiến khu xuống (gọi là cán bộ R = rừng). Cán bộ tập kết trở về mang theo lối sống XHCN và tham vọng sẽ đòi lại những gì họ đã mất 20 năm qua nên rất thích đấu đá, hội họp, và sính lý luận. Tuy cùng hội ngoài Bắc vào, tôi rất sợ các vị này, vì họ chỉ thích hội họp, bình bầu, bới móc.
Ban Quân quản bổ sung cho đài vài thanh niên hoạt động nội thành. Anh Định, tốt nghiệp văn khoa, giới thiệu với tôi một số sản phẩm văn học “ngụy“ như “Vòng tay học trò“, “Loan mắt nhung“, “Đừng gọi anh bằng chú“… Cậu Đê, tú tài bán phần thì thích nghe anh Thọ kể chuyện Hà Nội, chuyện nuớc Đức. Tuy được ưu ái, nhưng xem ra họ không hòa nhập với nếp làm việc mới nên sau đó ít lâu cả hai đều bỏ đi.
Quân khu Trị Thiên-Huế điều một số anh chị em bên cục tuyên huấn từ A-Lưới về tăng cường cho đài. Tôi quý anh Tuyến, thợ chiếu phim và anh Huế, biên tập văn nghệ, vì họ là những người lính đã giáp mặt với cái chết, vẫn mang sự chất phác của người nông dân Việt. Cũng như tôi, họ không lao vào các cuộc tỷ thí quyền lực, chỉ tận hưởng không khí hòa bình bên bờ sông Hương và khám phá những nét văn hóa chưa từng biết đến. Anh Huế hay nói chuyện văn học với tôi, tuy tôi kém anh đến cả chục tuổi.
Nhóm còn lại, đông nhất, nhưng lép vế nhất là anh em “ngụy“. Trong số hơn 20 công chức cũ của đài, có 10 người, chủ yếu là các kỹ thuật viên, được chính quyền mới giữ lại làm việc. Lương bổng thì không thể so với thời truớc, nhưng họ mừng lắm và luôn hy vọng sẽ có tương lai trong chế độ mới.
Tuy được căn dặn phải cảnh giác với họ, nhưng tôi thấy đa số họ dễ ưa, có tư cách và không hề “phản động“ tý nào. Nhiều người trong số họ cũng kết thân với tôi, như anh Vũ Chí Đạo, kỹ sư truởng, anh Như, đạo diễn phát sóng, bác Sáu Trí, thợ âm thanh hay anh Mai, thợ điện.
Gần gũi những con người này tôi bỗng cảm thấy có điều gì hơi ác khi nhận được chỉ thị: Phải mau chóng nắm toàn bộ công việc để rồi sẽ dần dần đuổi họ ra khỏi cơ quan.
Hình như một số người đoán ra được kế hoạch này nên ngay trong thời gian tôi còn ở đó, anh Thịnh, kỹ thuật viên video, anh Phước, đạo diễn đã lần lượt xin thôi, đi tìm việc nơi khác. Năm 1980, tôi quay lại Huế, không ai trong số đó còn làm việc ở đài. Tuy tôi luôn tử tế với họ, nhưng vẫn cảm thấy có gì đó ân hận.
Bao nhiêu năm qua tôi vẫn luôn nhớ những người bạn Huế, từ cô bé Mùi cấp dưỡng, hay đỏ mặt khi anh Thọ trêu, đến chú Đê, anh Tuyến, anh Mai, những người đã cùng tôi vật lộn trong cơn lũ lịch sử mùa thu 1975.
TB: Sau bài viết này, nhiều bạn đọc đã giúp tôi gặp lại anh Vũ Chí Đạo, anh Nguyễn Phước và cô Mùi cấp dưỡng. Xin cảm ơn.
Nguyễn Xuân Thọ