Phạm Trọng Chánh: Nguyễn Thông (1827 – 1884) : thám hiểm khẩn hoang và việc khai phá vùng thượng du
Ngày xưa các nhà nho nước ta học hành thi cử, đỗ đạt ra làm quan. Khi làm quan, vì dân cho khai khẩn vùng hoang vu, bãi bồi thành ruộng đất Kim Sơn, Tiền Hải như Nguyễn Công Trứ đã là việc hiếm, nhưng dẫn đoàn thám hiểm đi dọc theo dòng sông con suối, lội qua rừng già đầy hổ báo, qua các man sách vùng thượng du các dân tộc thiểu số như Nguyễn Thông tìm đất canh tác di dân, thì không có mấy người. Bài viết này nói cuộc đời Nguyễn Thông thám hiểm vùng Sơn quốc, là một người bài bác sách Toát yếu của ông nghè Bùi Huy Bích, học tủ để thi cử và Nguyễn Thông chủ trương thực nghiệp, thám hiểm, khẩn hoang, di dân lập khu dinh điền, mở đường cho các con ông về sau chủ trương Chấn hưng Công Thương nghiệp phong trào Duy Tân.
Nguyễn Thông tự là Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, người xã Tân Thịnh, tỉnh Gia Định, nổi tiếng văn chương, nhưng khi thi bài viết bị lấm mực, nên chỉ đậu cử nhân năm Tự Đức thứ 2 (1849), bạn bè khuyên nhủ ông chờ đợi thi khoa sau, nhưng vì gia cảnh ông nhận chức huấn đạo huyện Phong Phú, tỉnh An Giang, sau đổi về nội các biên soạn sách « Nhân sự niên giám ». Sách chép xong được thăng thưởng hàm trước tác. Năm Tự Đức thứ 12 (1861), tỉnh Gia Định có việc binh, ông xin tòng quân. Năm Tự Đức thứ 14 (1861) Kinh lược sứ là Phan Thanh Giản đề cử ông là người có văn học, nên ông được thăng chức đốc học tỉnh Vĩnh Long. Thân sĩ Lục tỉnh dựng văn miếu thờ Khổng Tử nhân đó dựng phía đông lầu Tụy Lâu để làm nơi ông giảng dạy. Một thời gian khá lâu ông được thăng hàm Thị giảng học sĩ, lãnh chức án sát tỉnh Khánh Hòa. Năm Tự Đức thứ 22 (1860) nhân việc Phan Thanh Giản vì nước bỏ mình có quan hệ với phong giáo, ông tâu vua ban thưởng để khích lệ người sau, lời tâu không được chấp nhận. Năm Tự Đức 23 (1870) ông được đổi về làm biện lý Bộ Hình. Mùa đông năm ấy được thăng hàm Quang Lộc tự khanh, thự bố chánh Quảng Ngãi. Ông có sớ trình bày việc làm thủy lợi và trồng cây, xin định rõ việc sử học, ban cấp sách học cho các trường. Các lời tâu ấy được vua chuẩn y. Buổi ấy tỉnh Quảng Ngãi đất xấu, dân nghèo Nguyễn Thông đến đây mới hơn một năm mà đào kinh ngòi, đắp đê đập, trừ nạn lại tệ, trị cường hào, dân sự được nhờ. Nhưng việc làm đang dở dang thì xử một án mạng sai lầm, bị cách chức, binh lính và dân chúng nghe tin khác nào mất sự nương nhờ cha mẹ. Nhân lúc ấy có ông khâm sai Nguyễn Bình đi công cán qua Quảng Ngãi, họ kêu xin cho Nguyễn Thông ở lại để làm xong các công việc dang dở. Ông Nguyễn Bình đề đạt lời tâu đó lên vua. Vua y cho tạm lưu để trù liệu công việc cho xong. Sau đó được triệt về làm kiểm biện ở lầu Tàng Thư để gắng sức chuộc tội. Nhân mắc bệnh ông cáo về nghỉ ở sơn trang núi Tà Dôn, tỉnh Bình Thuận, kết bạn thi xã ngâm vịnh làm vui.
Năm Tự Đức 27(1874) Nguyễn Thông được khôi phục hàm tư vụ, lĩnh chức chủ sư, Bộ Lễ. Sau đó triều đình thấy ông là người giỏi văn học đề cử cho thăng lĩnh chức Tư nghiệp Quốc tử giám cùng với các ông Bùi Ước và Hoàng Dụng Tân duyệt lại bộ « Khâm định Việc sử thông giám cương mục ».
Năm Tự Đức thứ 30 (1877), ông dâng sớ xin về lập đồn điền khẩn vùng thượng du tỉnh Bình Thuận và được thăng hàm thị giảng học sĩ, sung chức dinh điền sứ. Sau lại đổi làm Quang Lộc tự thiếu khanh, lĩnh chức bố chánh tỉnh Bình Thuận. Chưa bao lâu ông mắc bệnh cáo về. Năm Tự Đức thứ 32 (1879) địa phương có dân Mọi nổi lên, vua sai ông cùng Điển nông sứ Phan Trung xử trí. Khi việc yên ông được thăng hàm Hồng lô tự khanh giữ chức điển nông phó sứ, kiêm việc học chánh. Sau đó ông mất năm 58 tuổi.
Nguyễn Thông học vấn sâu rộng, những điều tâu tỏ ra là người có kiến thức, các quan trong triều đều quí trọng. Ông trước thuật các sách : Việt sử thông giám khảo lược. Ngọa Du Sào văn thi tập. Kỳ Xuyên văn sao, Kỳ Xuyên công độc. (Theo Đại Nam chính biên liệt truyện tập II. Q37 tờ 13b. Thư viện KHXH số A2771)
Nguyễn Thông bắt đầu lưu ý việc dinh điền khẩn hoang vùng Thượng du từ năm 1867, khi Nam Kỳ lục tỉnh trở thành thuộc địa Pháp. Khi Pháp chiếm sáu tỉnh miền Đông, Nguyễn Thông và các bạn như Trần Thiện Chánh, Trương Gia Mô, Trà Quý Bình…ra tị địa tại Bình Thuận vùng đất còn thuộc Triều Đình Huế, họ thành lập Đồng Châu Xã qui tụ những người đồng hương từ Nam Kỳ ra.
Năm 1877, sau khi dâng sớ tâu trình lên triều đình được bổ nhiệm Dinh Điền Sứ Bình Thuận, kiêm Đốc Học Bình Thuận. Từ ngày 11 tháng năm đến 8 tháng sáu âm lịch Nguyễn Thông cùng Trương Gia Hội, Tuần phủ Thuận Khánh (Bình Thuận và Khánh Hoà) mang bản đồ đi thám hiểm vùng cao nguyên Đồng Nai Thượng. Lúc đó chưa có Đà Lạt và vùng Tây Nguyên, biên giới Bình Thuận giáp giới với Lào còn mơ hồ là rừng già, triều đình Huế chưa ghi chép và chưa quan lại nào lên đến vùng đất dân tộc Chăm di dân các bộ lạc thiểu số định cư và du cư. Tỉnh Bình Thuận theo địa bạ Triều Nguyễn gồm địa giới Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, và một phần Đắc Lắc ngày nay.
Cuộc thám hiểm, nhân sự gồm có : 1 viên Chánh cửu phẩm, một viên thư lại, một viên tùy phái Chánh cửu phẩm thuộc sở Dinh điền, 5 học sinh, 1 viên Chánh đội trưởng quyền sung Suất đội, 2 viên y sĩ, 55 người lính ở tỉnh. 40 người theo Trương Gia Hội, 15 người theo Nguyễn Thông.
Bài Sớ xin lập đồn điền khẩn hoang vùng Thượng du. (Nghĩ thỉnh Thượng du đơn khẩn sợ nghi sớ) cho biết hành trình đoàn thám hiểm như sau :
Ngày 11 tháng 5 theo phía Đông Bắc Phủ Hàm Thuận ra đi, qua ấp Phú Khê suối Đàn Linh đến Việt Sách.
Ngày 12 mưa lớn trú lại.
Ngày 13 qua rặng Núi Ông đến thành cũ Chiêm Thành. Từ suối Đàn Linh trở lên đều đi trong rừng già, hai bên cổ thụ tre nứa che khuất cả ánh mặt trời. Đến đây thì mở ra cánh đồng lớn, bắt đầu bước vào địa giới vùng La Ngư. Đất La Ngư phía đông bắt đầu từ rặng núi Ông, phía tây đến núi Cà Tong, phía bắc đến bờ sông La Ngư, phía nam đến núi Ông, ruộng khai khẩn ước chừng 3000 mẫu.
Ngày 14, đi theo chân núi Ông vòng lên vùng phía bắc, đến thôn mới Tánh Linh, đem hỏi các địa danh viết ra chữ Hán trong tấm bản đồ cũ nước ta như Lũng Cam, Tranh Tinh, núi Xương Thành, Cao Tứ, Lãnh Quốc… các nơi nhưng không có người nào biết rõ.
Ngày 18 đi theo chân núi Cà Tong về phía nam rồi vòng lên hướng đông bắc đến cánh
đồng Lạc Dã (Người Nam Kỳ đến đấy ở có 15 nhà). Cánh đồng này vòng về phía nam biển Lạc, gọi chung là Lạc Dã chạy song song theo sông La Ngư.
Ngày 19 qua biển Lạc, chổ giáp giới có thể trông thấy thôn Man Dã An (trước kia thôn người Châu Ro) thuộc tỉnh Biên Hoà. Biển Lạc vốn là cái đầm lớn, mùa hè thu chứa nước lũ các suối miền thượng du dồn về, thế nước mênh mông, cá tôm đầy rẫy, đầu mùa xuân nước cạn, dân ở đó đánh bắt về làm khô, tháng 4 mưa xuống mới thôi, thật là kho nuôi dưỡng dân sinh không bao giờ hết của đất ấy vậy.
Ngày 20 chia ra thủy bộ hai đường đi khám, Trương Gia Hội từ thôn Tánh Linh đi về phía nam đến suối Gia Phú. Nơi đây mấy năm trước đi khám có dựng một tấm bảng gỗ đến nay vẫn còn.
Ngày 26 qua sông La Ngư đến Ngoại Bác.
Ngày 27 đến Nội Bác
Ngày 28 đến cánh đồng Chu Lư (lau sậy đỏ)
Nguyễn Thông theo phía tây sông La Ngư xuống bờ phía bắc qua Bác Dã, bờ phía nam qua cửa biển Lạc xuống thượng lưu sông La Ngà, lại qua Chu Lư, Ba Kế, Côn Hiên, Đại Đồng xuống sông Thang tiếp giáp xã Cao Cương, tổng Bình Tuy của họ. Sông Thang ớ phía bắc sông La Ngà, còn gọi là sông Trại Xã, bờ phía tây có núi Đồng Sơn cao khoảng 10 trượng, chiều dài gấp đôi, sắc đá đen thẳm, không có cây cỏ, bốn bên thác nước đổ xuống, người Man thờ cúng, gọi là Tà Mâu Tà Dịch, phía dưới là nơi hợp lưu sông La Ngà và Thần Quy làm thành sông Phước Long tỉnh Biên Hòa.
Ngủ đêm lại thôn Canh Man, họp viên phó tổng Bình Tuy báo cáo tình hình và địa thế vùng. Nơi đây có nhiều đầm hồ khe suối khi hạn hán có thể trữ nước dùng làm ruộng, nơi đây cá tôm đầy dẫy có thể nuôi sống dân cư.
Ngày 3 tháng 5 lại qua Biển Lạc đến thôn Man Dã An. Một dãi rừng già phía nam sách Võ Xu, phía bắc đến bờ sông La Ngà.
Ngày 4 tháng 5 qua hai sách Võ Xu và Võ Mang đến sách Cầm Hưng.
Ngày mùng 5 từ sách Cầm Hưng đến nơi có tấm bảng gỗ suối Gia Phú chỗ giao suối Oanh Tuyền, bờ nam thuộc tỉnh Biên Hòa, bờ bắc thuộc đất rừng cao sách Võ Mang, tổng Cam Dịch, tỉnh Bình Thuận, giáp với địa hạt thôn Trà Tân, lại quanh về phía đông bắc đến chỗ sach Võ Xu giáp thôn Dã An. Từ Biển Lạc qua Võ Xu, Võ mang, Cầm Hưng một mạch mất một ngày ba giờ, đều là đường trong rừng già cả.
Ngày mùng 7 từ thôn Tánh Linh qua rặng núi Bà (còn có tên núi Bà Già).
Ngày mùng 8 về đến phủ Hàm Thuận.
Nguyễn Thông đã viết nhiều bài thơ trong chuyến đi thám hiểm này :
Bài Dẫn đoàn đi khảo sát địa giới La Ngư, lưu biệt các bạn hữu trong kinh. Ông viết :
Tam Phan tây giáp đất rừng hoang,
Bờ cỏ xanh rờn, trời sắc vàng.
Đồng trụ thuở nào chia đất Hán,
Sông không giới hạn đất dân Man.
Đất rừng địa giới dân thưa thớt,
Được cử vào Nam ân thấm tràn.
Ơn đội bạn bè công cất cử,
Mũ nho chẳng ngại việc canh tang.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
HỘI KHÁM LA NGƯ ĐỊA GIỚI
ĐỒN KHẨN LƯU BIỆT KINH TRUNG CHƯ CÔNG
Tam Phan tây khứ tiếp cùng hoang,
Đồng trụ kỷ thời tiêu Hán giới
Khung gian tùng cổ hạn Man phương.
Địa lâm tuyệt khiếu nhân yên thiểu,
Thiên nhập nam chu vũ lộ trường.
Thâm hạ quần công thôi cốc ý,
Khẳng từ chương phủ lão canh tang.
Chú thích :
Tam Phan là Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang.
Bài thơ Cùng các người ở trong Nam ra đến La Ngư tính việc làm ruộng, ông viết :
Bài tiểu dẫn như sau :
Từ phủ Hàm Thuận đi về phía tây hai ngày, qua núi Bà Lĩnh. Ở phía đông núi ấy, nước đều chảy về đông, ở phía tây núi ấy nước đều chảy về tây. Từ phía tây núi ấy đi một ngày đến sông La Ngư, phát nguyên từ ngoài tỉnh Bình Định, Phú Yên chảy về tây nam, tắt qua phủ hạt quay về nam thành một cái phá, rồi lại chảy về đông nam gọi là sông La Nha. Đến xã Thanh Sơn hợp vào hạ lưu sông Thần qui, tức là sông Phước Long, tỉnh Biên Hòa.
Khe Bà từ mây lại,
Quanh co như rắn bò.
Dãy núi bàn tay tỏa,
Đường ấy khách đi qua.
Phải lội sang ngọn khe,
Quanh co bãi cỏ rậm
Cây dày mặt trời che,
Lội qua khe nước mạnh.
Ngày thường lạnh âm u,
Hổ đói đi sát cạnh,
Đầu rừng vang khỉ kêu,
Nếu không sự cần thiết
Gian hiểm ai dám liều.
Chúng ta miền Nam ra,
Sao vin cây lần đá ?
Huống chi nghe sông La,
Dân cư Chiêm, dân Thượng.
Nhạc Thiều gảy tai điếc,
Chưa dễ làm họ vui,
Việc biên cương đầy đủ
Chưa thể hứa chắc gì.
Khai dân bỏ hủ tục,
Việc khó tài khổ chi,
Lời « Cư di » thánh Khổng.
Bùi ngùi phải thở dài.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
DỮ NAM LAI CHỦ NHÂN VÃNG LA NGƯ MƯU HƯNG ĐIỀN CHÍNH
Bà khê vân trung lai,
Cật khuất tư xà bàn.
Quần sơn loạn như chưởng,
Khách lộ hành kỳ gian.
Xuyên khê độ hồi bạc,
Thiệp giản lăng kinh thoan.
Mật thụ tế phù dương,
Bạch trù thường âm hàn.
Ngã hổ giáp lộ hành,
Ai nhao hào làm đoan.
Tự phi hữu sở cầu,
Thùy khẳng lý hiểm gian ?
Ngã bối Nam lai giả,
Hồ vi cầu tê phan ?
Huống văn La giang thượng,
Hoàn cư giải Chiêm, Man.
Thiều Hộ tấu lung tục,
Cự năng đắc sở hoàn ?
Thực biên vị khả kỳ,
Hóa lậu thành diệc nan.
Cư di niệm thánh ngữ,
Vị niệm phát tráng than.
Chú thích :
*Khe Bà : phát nguyên phía Đông núi Bà chảy thành sông Mường Mán qua Phan Thiết.
*Thiều Hộ : khúc nhạc thời thái bình vua Nghiêu vua Thuấn.
*Cư di : Lời Khổng Tử trong sách Luận Ngữ : « Tử dục cư cửu Di » nghĩa là Thầy muốn đến ở nơi chín rợ.
Bài SƠN TRUNG MỘ VŨ. Trong núi gặp mưa, ông viết :
Mặt trời lặn vào hang,
Sương mây che lũng hốc,
Mưa từ Đông chảy tràn,
Đuổi theo nhau cơn lốc.
Lá bay múa cây rừng.
Khe chảy ầm ầm núi,
Sóng bạc khắp nơi tuôn,
Như biển mênh mông nước.
Cùng đi hăm ba người,
Núp lều tranh khỏi ướt,
Trời lạnh không ngủ được,
Củi to đốt ngồi quanh.
Nửa đêm mưa gió tạnh,
Trăng sáng giọi nóc tranh,
Muôn hốc hang lặng ngắt,
Núi ướt như tắm xong.
Sáng mai ra xuống núi,
Lá rụng đầy khắp rừng,
Ánh thu thơm hương cỏ,
Cành thu thấm giọt sương.
Nước suối trong mát lạnh,
Có thể rửa chân ta.
Bình tâm ngồi nghĩ lại,
Sao ràng buộc mãi a ?
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
SƠN TRUNG NGỘ VŨ
Bạch nhật hạ mông ty,*
Âm vân tế nhai cốc,
Sậu vũ tùng đông lai,
Hồi phong cạnh tương trục.
Quần lâm tự phi vũ,
Hống động* chấn sơn lộc*,
Ngân đáo tán bất thu,
Phất* kiến thương minh phúc.
Đồng hành nhị tam tử*
Phụ mao tý triêm mộc.
Hàn đa bất thành my,
Hoàn tọa thiêu cự mộc,
Trung dạ phong vũ yết.
Minh nguyệt quải mao ốc,
Vạn khiếu tích vô thanh,
Chúng sơn nhược tân mộc.
Minh triêu xuất sơn khứ,
Truy điệp tán lâm khúc,
Thu quang phát u phương,
Dư nhuận đái hàn trúc,
Thủy tuyền thanh thả liệt,
Diệc khả trạc ngô túc,
Truy niệm bình sinh tung,
Hồ vi tự ky thúc ?
Chú thích :
*Mông ty : nơi mặt trời lặn.
*Hống động : nước chảy mau.
*Sơn lộc : chân núi.
*Phất : chốc lát.
*Cùng đi theo Nguyễn Thông có 23 người, các bản dịch cũ viết hai, ba người.
Bài CHẬP TỐI VÀO LÀNG MỌI BÀ DẦN
Cỡi ngựa xuyên rừng thưa,
Rừng sâu không người qua.
Xa gà kêu chó sủa,
Biết làng Mọi gần nhà.
Xuyên bụi theo khe suối.
Mây thu tối la đà,
Ngoảnh lại đường xa tới,
Cổ thụ rậm rừng già.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
BẠC MỘ ĐẦU BÀ DẦN MAN SÁCH
Tịnh mã xuyên lâm khích,
Lâm thân đoạn nhân tích.
Dao vân khê khuyển thanh,
Tri hữu thổ man sách.
Phi đằng xuất hồi khê,
Thu vân đạm tương tịch.
Hồi vọng cựu lai xứ.
Cổ thụ mê không bích.
Chú thích :
Bà Dần tên một làng người thượng.
Trước khi lập Ngọa Du Sào, cụ Nguyễn Thông cư ngụ tại Chùa Phật Quang ngôi chùa xưa nhất Phan Thiết, nay phường Hưng Long, Phan Thiết. Chùa cổ ngày xưa xây dựng từ đời Lê trung hưng, có nhiều mộ tháp (từ oanh) các nhà sư viên tịch. Chùa này gần đây tìm được những bản ván khắc kinh cổ đời Lê Nguyễn. Thuở ấy chung quanh chưa có làng xóm nhìn thẳng ra sau rặng trúc là bãi biển cát vàng. Phan Thiết có thành hình tròn nên gọi là Côn Thành. Cụ Nguyễn Thông đi du ngoạn, làm việc nhiều nơi, ngày xưa các nhà nho đi xa nhà, thường dừng chân cư trú nơi các cảnh chùa, nửa đời cụ cư trú trong các cảnh chùa. Nơi tiểu viện có tranh ngài Bồ Đề Đạt Ma ngồi bích quán nên không có gậy thiền trượng.
Bài PHẬT QUANG TỰ DI NGỤ TẠP VỊNH
Biển tan khí chướng bụi trần xa,
Bãi cát vàng sau rặng trúc già.
Nghĩ lại những lần du lãm cảnh,
Nửa đời khuây khỏa chốn thiền gia.
Cỡi trâu, xuống ngựa vào Côn Thành,
Đất tốt thông đường đi phẳng bằng.
Dường biết bầy chim, khi khách đến,
Quanh rừng ba tiếng hót kêu thanh.
Hoa rơi mặt đất cỏ tươi bông,
Tiểu viện hương nồng sạch chiếu chăn.
Đối vách gậy sư đà biến mất,
Tháp sư mây Phật khói hương quanh.
Trước chùa mộ tháp liền san sát,
Kiểng vàng đâu mất, tháp hồ tan,
Phù sinh muốn giữ tròn nhân quả,
Trước gió qua thăm thoáng chạnh lòng.
(Nhất Uyên dịch thơ)
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
PHẬT QUANG DI NGỤ TẠP VỊNH
Thị trần bất đáo hải phân trầm,
Vọng đoạn hoàng sa trúc thụ thâm.
Truy ức bình sinh du lãm xứ,
Vọng hoài đa bán tại thiền lâm.
Trừu trâm hạ mã bộ Côn Thành,
Phúc địa y y giác lộ bình.
Đại điểu tự ưng tri khách chí,
Nhiễu lâm đề khiếu lưỡng tam thanh.
Nhàn hoa táp địa thảo trừu anh,
Tiểu viện hương nùng chẩm đạm thanh.
Diện bích hà niên phi tích niễu.
Pháp vân do vị hộ từ oanh.
Môn tiền cao trủng tự luy luy,
Kim thiệt tiêu trần cổ tháp nguy.
Tổng vị phù sinh doanh phúc quả,
Lâm phong bằng tiếu kỷ hưng ty.
Cuộc thám hiểm Nguyễn Thông trùng hợp với một đoàn thám hiểm người Pháp, đi vùng chung quanh Bà Rịa, nhưng phải bốn năm sau họ mới vào tận vùng sâu Bình Thuận đến cao nguyên Lâm Viên.
ĐOÀN THÁM HIỂM BÁC SĨ PAUL NÉIS NĂM 1880
Bác sĩ Paul Néis thuộc Hải quân Pháp là người đầu tiên dẫn một đoàn thám hiểm đi sâu vào các vùng núi phía đông Nam Kỳ và phía nam An Nam.
Sau khi thám hiểm các vùng chung quanh Bà Rịa vào tháng 5, tháng 6-1880, ông còn thực hiện hai cuộc thám hiểm phía nam An Nam.
Cuộc thám hiểm thứ nhất từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 11-1880. Vùng đất dọc sông La Ngà, Đồng Nai và Đa Houai. Chuyến đi này trùng hợp với đoàn thám hiểm Nguyễn Thông. Vượt núi Tion Lay (hay Crong Laë) gần đèo B́ Lao (Bảo Lộc), ông muốn đến cao nguyên Lang Bian (Lâm Viên) nơi sông Đồng Nai phát nguồn. Nhưng do đoàn có nhiều người bị sốt rét, nên dự định phải ngừng lại, bác sĩ Paul Néis đi đến Bình Thuận và đi đường biển trở lại Sài Gòn.
Báo cáo phái đoàn được viết xong năm 1881 và in cùng năm. Nhờ báo cáo này chúng ta biết được hành trình như sau :
Sau khi qua núi Tion Lay họ gặp dãy núi với hai đỉnh Delmann (còn gọi Dam Han hay Quan Du) và Mnil. Là chỗ giao tiếp các đồi rừng già, vùng đông bắc cao nguyên một loạt các dãy đồi trọc cao trung bình 30 đến 40 m, đó là cao nguyên Lâm Viên (Lang Bian) nơi khởi nguồn sông Đồng Nai. Bác sĩ Néïs cho đoàn dừng lại tại làng Late từ 16 đến 20-1881, ông mô tả cách làng 10km một thác nước 4 đến 5m cao bề ngang trung bình 10m, sâu 1m. Làng Late ở cạnh Dankla-Ankroët chứ không phải Đà Lạt hiện nay.
Đoàn thám hiểm bác sĩ Néïs và trung úy Septans mở đường cho các đoàn thám hiểm về sau như A. Gautier (1882), L. Nouet(1882), Humann (4-2 đến 15-3 năm 1884). Bác sĩ Yersin đã trích dẫn trong nhật ký những chỉ dẫn của đoàn Néïs và đoàn Humann. Trong sách “Bảy tháng nơi người Mọi”, ông đã nói đến bản đồ do Humann vẽ. Việc đánh chiếm cai trị Tonkin, Annam, Lào và Cao Miên với nhiều công việc bận rộn làm các cuộc thám hiểm này nhanh chóng rơi vào quên lãng. Phải 12 năm sau việc Đông Dương ổn định, đoàn thám hiểm bác sĩ Yersin cung cấp cho Toàn quyền Paul Doumer những dữ kiện để thành lập thành phố Đà Lạt, một nơi nghỉ mát và dưỡng bệnh lao, khí hậu ôn đới như Âu Châu.
ĐOÀN THÁM HIỂM BÁC SĨ YERSIN NĂM 1893
Alexandre John Emile Yersin sinh ngày 22-9-1863 tại Lavaux gần Aubonne, Canton de Vaud Thụy Sĩ. Yersin là người được nhân dân Việt Nam tôn kính và biết ơn, ông sống và chết tại Việt Nam. Ông là người du nhập cây cao su và cây ký ninh trị bệnh sốt rét trồng và tổ chức thành lập những đồn điền cao su đầu tiên tại Việt Nam. Nhân dân thành phố Nha Trang thân mật gọi ông là “Ông Năm” và lập đền thờ nơi mộ phần ông, như mọi danh nhân Việt Nam, những con đường Pasteur, Yersin trong các thành phố không hề bị đổi tên qua những biến chuyển chính trị.
Trước khi được biết tới là một bác sĩ danh tiếng, có nhiều công trạng trong việc chống dịch và là Khoa Trưởng Trường Đại Học Y Khoa Đông Dương, Hà Nội, Giám Đốc Viện Pasteur, ông đặt nền móng hình thành nền Y tế hiện đại Việt Nam. Yersin là một nhà thám hiểm có công khai phá và lập nên thành phố Đà Lạt.
Trong nhật ký « Sept mois chez les Moi » Bảy tháng ở nơi người Mọi. Có nói đến hai cuộc gặp gỡ hai nhóm người : Tống Vit Ca một vị quan thu thuế vùng cao nguyên, và một nhóm người nổi loạn Thouk. Yersin cho biết đã gặp những người thu thuế, người buôn bán, đảng cướp, người tù lưu đày tại các cao nguyên chung quanh Đà Lạt độ cao 900m, 1000m. Điều này chứng tỏ người Việt đã lên buôn bán trao đổi hàng hoá trên vùng này, mua các sản phẩm, mật ong, gỗ quí, nông sản và bán sản phẩm cá khô, muối, các dụng cụ canh tác, dao, rựa sản xuất từ vùng đồng bằng.
Năm 1897 Paul Doumer nhậm chức Toàn Quyền Đông Dương. Vừa nhậm chức ông đã cùng vài người tùy tùng không ngại gian khổ cỡi ngựa đi từ bắc chí nam. Ông gửi thư cho các khâm sứ, công sứ cho biết ông muốn tìm kiếm một nơi có độ cao hơn 1200m, có nước, đường xá thuận tiện, khí hậu tươi mát như Âu Châu, dự kiến thành lập một thủ đô cho Đông Dương. Bác sĩ Yersin đề nghị chọn lựa Đà Lạt-Dankia.
Paul Doumer gửi một đoàn thám hiểm do đại úy Thouard để tìm con đường từ Nha Trang lên cao nguyên Lâm Viên. Sau 11 tháng dò đường Thouard chứng minh khó có thể làm con đường trực tiếp từ Nha Trang. Ông thảo ra một con đường từ Phan Rang, và đề nghị một con đường khác đi trực tiếp từ Sài Gòn. Năm 1898 trước khi nhóm Thouard hoàn thành công việc. Một phái đoàn khác dưới sự điều khiển của Garnier, Odhéra, Bernard đã thám hiểm khảo sát một con đường khác từ Phan Thiết – Di Linh (Djiring) – Đà Lạt. Missigbrodt, một nhân viên phái đoàn Thouard, sau cuộc thám hiểm đã chọn định cư tại nơi này, ông khai khẩn vườn tược trồng rau quả, chăn nuôi và tạo ra một thí điểm khuyếch trương nông nghiệp và một trạm nghiên cứu thủy văn khí hậu.
Năm 1899 đích thân Toàn quyền Doumer đi đến cao nguyên Lâm Viên cùng bác sĩ Yersin. Ông gửi một phái đoàn điều khiển bởi đại úy Guynet, làm một con đường tráng nhựa từ bờ biển Ninh Chữ, Phan Rang đến Lâm Viên. Tháng giêng 1899 Paul Doumer ký sắc lệnh thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng gồm hai đơn vị hành chính Tánh Linh và cao nguyên Lâm Viên. Champoudry trở thành « thị trưởng Đà Lạt » lúc đó chỉ có vài chục người dân.
Paul Doumer khi làm Toàn Quyền Đông Dương, là người có công lớn trong việc mở mang Đông Dương. Ông là người lập đề án người xây dựng thiết lập đường xe lửa Nam Bắc Việt Nam từ Hà Nội- Sài Gòn, đến Mỹ Tho, Từ Hà Nội đến Vân Nam, một phần đất Trung Quốc, thuộc Pháp thành lập Quảng Châu Loan, gia nhập Đông Dương. Ông mở mang những con đường qua những vùng còn hoang vu… Ông để lại những công trình xây dựng lớn của công ty Eiffel tại Việt Nam : Cầu Paul Doumer bắt ngang sông Hồng khánh thành bởi vua Thành Thái, nhà Bưu Điện Sài Gòn, Dinh Toàn Quyền Đông Dương nay thành Phủ Chủ Tịch, các nhà hát thành phố… Ông chủ trì cải tổ tài chánh, ngân khố, nông nghiệp làm cho Đông Dương trở thành một vùng độc lập tài chánh, sung túc, đồng bạc Đông Dương trở thành giá trị hơn cả đồng Franc Pháp.
Joseph Athanasse Doumer sinh ngày 22-3-1857 tại Auriac, làm Tổng Thống nước Pháp từ ngày 13-6-1931, bị một người Nga Trắng nhập cư, Gorguloff ám sát chết tại Paris ngày 7-5-1932 vì cho rằng ông « thiên vị bolcheviks ». Paul Doumer sinh trong một gia đình nghèo, cha làm thợ đặt đường rầy xe lửa công ty hỏa xa Paris-Orléans, mẹ làm giúp việc nội trợ để sinh sống. Cha mất sớm, ông làm việc từ năm 12 tuổi, từ việc giao hàng đến thợ khắc bản kẻm làm huy chương. Sinh sống tại một khu phố nghèo Paris đường Ramey quận 19, ông là người có chí lớn và nhẫn nại, ngày làm việc, ban đêm ông theo học tại Conservatoire d ́Art et Métiers, ông đậu tú tài năm 1877, và sau đó đậu cử nhân Toán được bổ làm dạy Trung Học Phổ Thông. Ông viết báo và trở thành Chủ bút báo Tribune de l ́Aisne. Ông đắc cử Dân Biểu và trở thành Bộ Trưởng Tài Chánh năm 1895. Ngày 28-12-1896 ông được cử làm Toàn Quyền Đông Dương cho đến năm 1902.
Trở lại Pháp ông được bầu làm nghị sĩ, và làm Chủ tịch Ủy Ban Tài Chánh Quốc Hội. Ông được bầu làm Thượng Nghị Sĩ đảo Corse năm 1912. Trong Đệ Nhất Thế Chiến ông có bốn người con trai hy sinh trên chiến trường. Ông làm Bộ Trưởng Tài Chánh năm 1921-1922, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện năm 1927 và Tổng Thống nước Pháp ngày 13-5-1931 cho đến khi bị ám sát.
Khác với những Toàn Quyền sống kín cổng cao tường trong dinh thự, Paul Doumer là một người sống gần gũi với nhân dân người Pháp đến người Việt, có thể nói Paul Doumer là người có công lớn trong việc hiện đại hóa Đông Dương.
Thời đại Toàn Quyền Paul Doumer, Bác sĩ Yersin, Vua Thành Thái, Dinh điền sứ Nguyễn Thông cùng gặp gỡ nhau trên một hành trình xây dựng tiến bộ tốt đẹp : người khai khẩn vùng hoang vu, người trồng rừng cao su, trồng cây kí ninh, đặt căn bản cho nền y tế Đông Dương hiện đại, người cải tổ tài chánh, kinh tế làm hưng thịnh cho đất nước, mở mang đường bộ, đường hỏa xa, xây dựng thành phố Đà Lạt, trải qua bao gian khó, thực hiện tốt đẹp lợi ích cho nhân dân. Thời Paul Doumer đã thay đổi hẳn cảnh quan Việt Nam. Khác với thời xưa con đường cái quan chỉ là những con đường đất cho ngựa chạy trạm, sắt thép Việt Nam chỉ là con ngựa sắt trong huyền thoại Thánh Gióng, Paul Doumer đã đưa công ty Eiffel đến Việt Nam với những công trình cầu cống, những dinh thự hiện đại như Nhà Bưu Điện Sài Gòn, như dinh Toàn quyền, phố xá, kiến trúc hiện đại, nhà thương, Viện Đại học Đông Dương tại Hà Nội, các viện Pasteur. Paul Doumer mở đầu những công trình xây dựng quan trọng còn tồn tại đến ngày nay.
Cùng thời đại vua Thành Thái cũng như Hàm Nghi, Duy Tân đã để lại một tấm lòng son cho lịch sử. Nguyễn Thông nhà nho yêu nước, chăm lo cho dân làm tròn nghĩa vụ kẻ sĩ của mình. Tiếc thay Paul Doumer bị ám sát, một hy vọng hợp tác mở mang, từ những người có thiện chí thay đổi lịch sử đã bị dập tắt.
Paris 10-1-2024
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris Sorbonne
——————–
TÀI LIỆU THAM KHẢO
THƠ VĂN NGUYỄN THÔNG nxb Văn Hóa Hà Nội 1962
NGUYỄN THÔNG. Con người và tác phẩm. Nxb TP HCM 1984.
ĐÀ LAT Ville d ́altitude. Comité Populaire de Dalat. Eds Ho Chi Minh ville. 1993
TÁC PHẨM NGUYỄN THÔNG. Sở VHTT Long An xb 1884
NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU. Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn : Bình Thuận (Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắc Lắc.) Nxb TP HCM.1996.