Trần Trung Đạo: Lòng nhẹ như tơ

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.
Tranh Đinh Trường Chinh

(Kính Tưởng Niệm Thầy Tuệ Sỹ nhân Tuần Chung Thất, 11 tháng Giêng năm 2024)

Chúng ta thường nghe sự viên tịch của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là “một mất mát vô cùng to lớn”. Nhưng mất mát gì? Mất mát gì tùy thuộc người trả lời là ai. Một người có thể cảm thấy mất rất nhiều nhưng người khác có thể chẳng mất gì cả.

Cá nhân tôi cảm thấy mất mát quá nhiều.

Hôm lễ Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tại Tu Viện Đại Bi, Chúc Tiến là một trong số các Phật tử phụ trách phần chụp hình. Chúc Tiến ở Bắc California nhưng bay sang Nam California để lo phụ chụp hình. Anh em chúng tôi mới gặp mặt nhau đây nhưng khi kể ra mới biết chúng tôi biết nhau từ lâu lắm. 

Dưới một bức ảnh tôi đứng sau bàn thờ Ôn, Chúc Tiến ghi chú: “Trong buổi Lễ Tưởng niệm Ôn Tuệ Sỹ nhìn thấy Anh Đạo ngẩn ngơ như người mất hồn, ít ai để ý nhưng tôi biết, vì Anh quá thương Ôn và anh vẫn chưa tin sự thật là Ôn đã ra đi.” 

Cho đến khi các em Huynh trưởng Gia đình Phật tử  giục tôi ra chỗ bàn tiếp tân để ký tên vào Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thay mặt cho Ban Biên Tập, tôi đứng sau lưng bàn thờ Ôn gần hết chiều dài của lễ tưởng niệm với cây bút và tờ chương trình trong tay. Sau khi phân chia công việc, mỗi người lo phần hành của mình. Trong suốt chương trình tôi không cầm tới cái ‘micro’ ngoại trừ khi phát biểu về sự ra đời của Kỷ Yếu Tri Ân. 

Đúng như Chúc Tiến viết, rất ít khi tinh thần tôi đầy tâm trạng như thế. Sống hồn nhiên là bản tính của tôi dù về tuổi tác tôi không còn trong tuổi hồn nhiên nữa. Nhưng hôm đó tôi đứng sau bàn thờ Ôn với dáng thẫn thờ, lo âu, ngơ ngác. Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng dù ngày mai là Chung Thất Ôn rồi. 

Khi Thầy viên tịch, những người kính quý Thầy dù là Phật tử hay không phải là Phật tử đều cảm thấy mất mát. 

Chúng ta mất đi một nhà văn hóa dân tộc hiếm hoi trong dòng lịch sử dài hàng ngàn năm. 

Chúng ta mất đi một trí thức yêu nước chân thành và can đảm.

Chúng ta mất đi một bậc Thầy đạo đức xứng đáng làm gương cho nhiều thế hệ Việt Nam. 

Chúng ta mất đi một nhà thơ chân tài. 

Chúng ta mất đi một bậc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất giữa lúc con thuyền đạo pháp đang vướng trong mỏm đá. 

Chúng ta mất đi một một dịch giả nhiều kinh điển cao siêu. Chúng ta mất đi tiếng cười giòn hoan hỉ của một thiền sư sau khi đàn xong một bản dương cầm. 

Tóm lại, khi Thầy ra đi chúng ta mất mát nhiều thứ. 

Mỗi người tùy theo trình độ nhận thức và góc nhìn sẽ cảm thấy mất mát một phần nào đó, còn tôi, tôi cảm thấy mất hết mọi phần.

Trước ngày Thầy ra đi tôi viết một bài dành cho Kỷ Yếu Tri Ân Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Là một trong những cư sĩ Phật tử có may mắn được cập nhật tin tức về bịnh tình của Thầy khá thường xuyên, chúng tôi biết là Thầy sẽ ra đi. 

Trong bài viết, mặc dù tôi không dùng chữ Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ hay Ôn Tuệ Sỹ thân kính vì khi viết Thầy còn tương đối khỏe. Nhưng nếu viết đúng, đoạn văn đó sẽ là: 

“Không một bậc cao tăng thạc đức nào thật sự ra đi. Hành trạng của Hòa thượng Tuệ Sỹ vẫn in dấu sâu đậm trong lòng Dân Tộc và Đạo Pháp. Tác phẩm Hòa thượng viết, những lời dặn dò của Hòa thượng sẽ còn mãi mãi. Tiếng dương cầm vẫn réo rắt chảy theo dòng Suối Từ Bi. Đời người “như sương mai, như ánh chớp, mây chiều” nhưng ngọn lửa tin yêu và hy vọng mà Hòa thượng Tuệ Sỹ thắp lên sẽ không bao giờ tắt cho đến khi nào dân tộc Việt Nam còn tồn tại trên mặt đất này.”

Dù đó là sự thật nhưng khi nghe tin Hòa thượng viên tịch lòng tôi vẫn rối như tơ vò. 

Bốn ngày sau khi Hòa thượng viên tịch, đài VOA hỏi tôi di sản nào của Hòa thượng Tuệ Sỹ tôi cho là quan trọng nhất, tôi phát biểu với đại ý: “Hôm qua khi Quốc Phương hỏi tôi di sản của Hòa thượng để lại là gì, tôi có làm một xấp thẻ, mỗi thẻ tôi ghi một điểm nổi bật của Hòa thượng. Tôi phân tích từng thẻ một và sau khi phân tích xong tôi tự quyết định để lại hay rút ra. Và cứ thế tôi rút thẻ cho đến khi chỉ còn hai tấm thẻ là thẻ văn hóa và thẻ tầm nhìn. Tôi chọn cả hai.”

Hòa thượng đã xác minh trong Thư Khánh Tuế: “Bản thân tôi trước sau vẫn chỉ là nhà giáo dục, sự nghiệp suốt đời chỉ giới hạn trong những việc trước tác, phiên dịch kinh điển. Những khi cần đến kiến thức hàn lâm, Chư tôn Trưởng lão triệu tôi đến để thông diễn tôn ý cho bốn chúng đệ tử. Khi không cần thiết, tôi được phép trở về bản vị trong các giảng đường và thư viện.” 

Văn hóa là điểm nổi bật trong hành trạng của Hòa thượng. Hơn ai hết Thầy biết văn hóa là sức sống của dân tộc.

Tôi là một mẫu người nặng tình cảm đang lang thang trong cõi ta bà. Hòa thượng khác tôi. Tình cảm của Hòa thượng dành cho dân tộc, cho Đạo Phật và cho con người. Hòa thượng xem việc đến hay đi đều nhẹ như tơ. Hòa thượng làm hết những gì có thể làm được nhưng không vương vấn đối với những việc chưa làm xong. Sông sẽ chảy và nước sẽ trôi. Mọi sự vật đến và đi đều có lý do, đừng quá nặng lòng.

Cách nhìn mọi việc nhẹ như tơ của Hòa thượng đã được chứng nghiệm không phải một lần mà nhiều lần.

Năm 1973, Thầy là Giáo sư Phân khoa Phật Học kiêm thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng kiêm Chủ bút Tạp Chí Tư Tưởng của Đại Học Vạn Hạnh. Trong thời điểm này Tạp chí Tư Tưởng được xem như là một “think tank” (trung tâm nghiên cứu và định hướng chiến lược) không chỉ của Phật Giáo và mà còn cả văn hóa Việt Nam. Nhưng vị Đại đức trẻ tuổi đã chọn để rời vị trí được trọng vọng trong giới hàn lâm thời đó để ra Nha Trang làm một chức vụ khiêm nhượng là Giám học của Phật Học Viện Hải Đức. Tại đó, Đại đức có nhiều thời gian hơn để giảng dạy, nghiên cứu và dịch thuật kinh điển thay vì bị cuốn hút vào hệ thống và cơ chế dù là hệ thống hay cơ chế giáo dục. 

Sau 1975, khi dân tộc Việt Nam sắp bị treo cổ, vị Đại đức trẻ tuổi Thích Tuệ Sỹ lại dấn thân vào đường tranh đấu để thay đổi vận mệnh dân tộc. 

Thầy biết tranh đấu sẽ dẫn đến thành công? Chưa chắc, nhưng Thầy chẳng ngại gì sống chết. 

Một người sống có lý tưởng là người làm những việc cần phải làm, không tránh né và không chờ ai khác. Thành công hay thất bại không phải là việc Thầy quan tâm mà đánh lên một tiếng chuông thức tỉnh dân tộc và nhân loại dù bằng mạng sống của mình là việc đáng làm. 

Như mọi người đều biết Thầy và Thầy Mạnh Thát bị kết án tử hình. Nhiều lãnh đạo quốc gia phản ứng. Đức Đạt Lai Lạt Ma phản ứng. Dưới áp lực của quốc tế và đấu tranh của đồng bào trong cũng như ngoài nước, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã hạ án tử hình xuống chung thân. 

Chưa hết. Năm 1988, riêng Thầy Tuệ Sỹ đã bị tách ra khỏi khối tù chính trị ở trại Xuân Lộc, Đồng Nai và chuyển riêng ra trại A-20 tỉnh Phú Yên. Tháng 10 năm 1994, Thầy lại bị nhà cầm quyền tách ra lần nữa và đưa ra trại giam Ba Sao, miền Bắc khắc nghiệt hơn nhiều. Một mình trong xà lim nhưng Thầy vẫn đấu tranh, tuyệt thực và không hề xin xỏ. Khi Cộng sản Việt Nam trả tự do, Thầy thanh thản ra về lo dịch kinh tiếp, xem chuyện tù đày nơi rừng sâu nước độc Ba Sao là một giấc chiêm bao. Thầy chẳng có một lời than vãn hay thù oán.

Sau khi được tự do trong nhà tù nhỏ, 1998, Thầy lại dành thời gian dịch kinh sách, không trực tiếp tham gia công việc điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mãi cho tới khi Đại Lão Hòa Thượng Quảng Độ mời vào chức vụ Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Sau đó là đại hội bất thường Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Tu viện Nguyên Thiều 2003. Hòa thượng Tuệ Sỹ không phải là mẫu người của bộ máy hành chánh nhưng làm những việc phải làm. 

Năm 2008, khi Giáo Hội tương đối ổn định, Hòa thượng Tuệ Sỹ lại trở về với mục đích chính của mình là “dành hết thời gian và sức lực cho công việc trước tác, phiên dịch Phật ngôn, và đào tạo từng nhóm tăng ni đủ trình độ nghiên cứu Phật học, phiên dịch kinh điển sau này. Trong thời gian này Hòa thượng đã hoàn thành phiên dịch, hiệu đính 4 bộ kinh A-hàm, kinh Duy-ma-cật sở thuyết, bộ Luật Tứ phần, các bộ Luận Thành Duy Thức, A-tì-đạt-ma Câu-xá, và nhiều trước tác khác”. (Tiểu sử chính thức của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ do Hội Đồng Hoằng Pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công bố ngày 24 tháng 11, 2023) 

Rồi một ngày cuối thu 2011, Thầy quảy gánh ra đi, lang thang vô định. Che Thầy là mây, ru Thầy là gió. Chuỗi thơ 13 bài Thiên Lý Độc Hành ra đời trên những bước chân Thầy. 

Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu

Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi

Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu

Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi.

(Đoạn 8 trong chuỗi thơ Thiên Lý Độc Hành, Tuệ Sỹ, 2011-2012)

Viết để thấy, Thầy đến khi cần và ra đi khi không còn được cần. Lòng Thầy bao giờ cũng nhẹ nhàng, thanh thản, không vướng mắc bởi hình tướng, lợi danh. 

Người tu đạo Phật nào cũng biết những gì cầm trên tay dù chặt bao nhiêu cũng sẽ rơi, chiếc áo mặc sẽ rách và sắc đẹp khuynh thành cũng sẽ tàn phai. Nhưng biết là một việc, sống trọn vẹn trong sự hiểu biết đó vô cùng khó, ngoài Thầy Tuệ Sỹ.

Khác với thời điểm 1998 và 2003, năm 2019 còn bức thiết hơn vì Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ biết mình sắp sửa ra đi. Ngài nhìn lại chung quanh thế hệ lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước và sau 1975 chỉ còn lại Hòa thượng Tuệ Sỹ, một bậc danh tăng có đủ đức tính văn hóa và tầm nhìn. 

Tháng 03 năm 2019, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ mời Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đến gặp tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn để phú chúc di ngôn và ấn tín của Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ủy nhiệm Hòa thượng Tuệ Sỹ lãnh đạo, xử lý thường vụ Viện Tăng thống sau khi Ngài viên tịch. 

Trong thời gian đó, Hòa thượng Tuệ Sỹ biết chính bản thân mình cũng đang lâm trọng bệnh. Hòa thượng có thể từ chối lời đề nghị của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Nhưng một lần nữa Hòa thượng Tuệ Sỹ ý thức trách nhiệm và bước ra gánh vác. 

Thay vì đi lại con đường mà nhiều bậc tôn đức đã đi qua, Hòa thượng Tuệ Sỹ chọn con đường mới thích hợp với không gian và thời gian của thời đại tin học. Hòa thượng không lập ra những ban bộ cồng kềnh trong nước và hải ngoại như đã từng được lập và cũng từng đổ vỡ. Lần này, Hòa thượng lập ra những hội đồng với trách nhiệm cụ thể về hoằng pháp và phiên dịch. Hòa thượng tận dụng mọi phương tiện khoa học kỹ thuật và khả năng của từng bậc tôn đức tăng ni cho tới từng cư sĩ. 

Hòa thường làm việc mỗi ngày, cười nói kể chuyện vui như không có gì nghiêm trọng. Nhiều khi vui quá hàng đệ tử tưởng lầm Thầy mình hết bịnh. Không Thầy bịnh mỗi ngày càng nặng cho tới khi ống trợ thở được gắn vào. 

Chiều ngày 24 tháng 11, 2023 Thầy ra đi lòng nhẹ như tơ.

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo