Sách mới: Quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực trong xã hội, Lê Anh Hùng

Lời giới thiệu

Cuốn sách Quyền lực và vấn đề kiểm soát Quyền lực trong Xã hội của Lê Anh Hùng là một công trình tổng quan học thuật rất công phu, đáng quý và đáng đọc.

Vấn đề quyền lực là vấn đề mấu chốt của chính trị. Và chính trị liên quan đến bất kỳ ai, kể cả những người khăng khăng rằng họ không dính líu gì đến chính trị cả. Như bản thân chính trị, quyền lực là một vấn đề phức tạp, đa chiều, khó hiểu và trong cuốn sách này tác giả giúp chúng ta hiểu dễ hơn, tốt hơn về quyền lực, về tầm quan trọng của quyền lực và vì sao cần kiểm soát quyền lực trong xã hội cũng như nhiều cách để kiểm soát quyền lực.

Trong công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng, người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “phải nhốt quyền lực trong ‘lồng’ cơ chế, luật pháp…”. Cụm từ này được báo chí Việt Nam nhắc đến vào trung tuần tháng 4 năm 2016. Nói cách khác, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cập đến vấn để kiểm soát quyền lực ít nhất từ tháng 4 năm 2016. Kể từ đó, nhất là vài năm gần đây, báo chí chính thống cũng như các nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam đã viết rất nhiều về việc “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Nói thế để thấy những người cầm quyền của Việt Nam cũng thấy vấn đề kiểm soát quyền lực là quan trọng như nhiều người khác đã thấy và được Lê Anh Hùng trình bày trong cuốn sách này.

Tuy nhiên, các dữ liệu do báo chí chính thống cung cấp, nhất là về các vụ kỷ luật (với 7 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, tức là gần 40% ban lãnh đạo chóp bu khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng nhiều ủy viên trung ương, tướng lĩnh, cán bộ cao cấp ở trung ương và các địa phương, đã bị kỷ luật, thậm chí bị mất chức hay bị vào tù), cho thấy dường như việc “nhốt” quyền lực này chưa có hiệu quả.

Vì sao?

Vấn đề là hiểu quyền lực như thế nào, “nhốt” quyền lực vào những cơ chế nào và “nhốt” ra sao? Về các vấn đề quan trọng này các nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tham khảo cuốn sách này của Lê Anh Hùng để hiểu kỹ hơn và có thể tư vấn các chính sách hữu hiệu hơn cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam để “nhốt” quyền lực vào lồng cơ chế, luật pháp và quan trọng hơn là để cho người dân hiểu và tìm ra những câu trả lời cho câu hỏi vì sao đó.

Tôi sẽ không giới thiệu nội dung của cuốn sách vì bạn đọc không quá tốn thời gian để đọc cuốn sách tương đối ngắn này (nhưng sẽ tốn thời gian để suy ngẫm và tìm hiểu kỹ nội dung).

Trong phần còn lại tôi muốn giới thiệu thêm một chút về tác giả vì ở cuối cuốn sách tác giả giới thiệu mình chỉ thuần túy như một nhà nghiên cứu.

Trước khi bị bắt ngày 5 tháng 7 năm 2018, Lê Anh Hùng bị người ta cho là người “mắc bệnh tâm thần hoang tưởng” do anh đã công bố rộng rãi lời tố cáo (với nhiều phiên bản khác nhau có phiên bản dài gần 100 trang) một số lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam về những tội động trời. Anh đã bị tạm giữ nhiều lần trước năm 2018 và đến ngày 5 tháng 7 năm 2018 Lê Anh Hùng bị bắt theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì “Lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Chưa nói đến tính vi hiến của Điều 331 (cũng như vài điều khác) trong Bộ luật Hình sự, người “lợi dụng” trong trường hợp này là Lê Anh Hùng, còn những người bị xâm phạm có thể là Nhà nước, các tổ chức hay cá nhân khác. Trong quá trình điều tra và tố tụng không thấy bên “bị hại” nào đưa ra những lời xác nhận họ là các “bị hại” hay bất kể bằng chứng nào rằng họ bị Lê Anh Hùng xâm phạm những lợi ích nào của họ.

Ngày 6 tháng 5 năm 2019, Lê Anh Hùng bị đưa vào Viện Pháp y Tâm thần Trung ương trong thời gian hơn ba năm và trở lại nơi tạm giam vào ngày 10 tháng 5 năm 2022.

Sau hơn 4 năm giam giữ, ngày 30 tháng 8 năm 2022 Lê Anh Hùng bị kết án 5 năm tù, và mãn hạn tù ngày 5 tháng 7 năm 2023.

Trong phần Dẫn nhập, tác giả ghi ngày 5 tháng 7 năm 2024, không chỉ cho thấy ngày 5 tháng 7 có tính chất đặc biệt đối với tác giả đến thế nào, mà còn cho thấy chỉ trong vòng một năm sau khi ra tù ông đã hoàn tất cuốn sách này. Một người bị coi là mắc bệnh tâm thần mà chưa đầy một năm sau khi ra tù đã viết được cuốn sách này thì quả đáng khâm phục.

Tôi chân thành giới thiệu cuốn sách Quyền lực và vấn đề kiểm soát Quyền lực trong Xã hội của Lê Anh Hùng với các bạn đọc Việt Nam, nhất là các bạn trẻ và đặc biệt với 5 triệu đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam cùng các nhà lý luận và các cán bộ cao cấp của nó.

Nguyễn Quang A

***

Sách mới!!!

Hôm nay là ngày 5/7/2024, tròn 6 năm kể ngày tôi bị bắt (5/7/2018) và tròn 1 năm kể từ khi tôi được trả tự do (5/7/2023). Để kỷ niệm sự kiện đáng nhớ này, hôm nay tôi xin được công bố tác phẩm mới của mình – cuốn sách mang tên “Quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực trong xã hội”.

“Vấn đề quyền lực ở Việt Nam hiện nay đang rất nóng, rất cần có sự lý giải cặn kẽ và hướng giải quyết đúng đắn. Tôi thấy cuốn sách ‘Quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực trong xã hội’ có nội dung bao quát, có tính hệ thống rất cao. Tôi chưa thấy ở Việt Nam, sách tiếng Việt mà có được sự tổng hợp hệ thống như vậy” – đó là nhận xét của nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, một trong những người đã đọc và bày tỏ cảm tưởng về cuốn sách.

Đây là bản PDF của tác phẩm, còn bản in của nó thì phải vài ngày nữa mới ra mắt. Tôi xin dâng tặng cuốn sách này cho những ai đã quan tâm, ủng hộ và đồng hành với tôi suốt mười mấy năm qua, và đặc biệt là cho tất cả những người Việt Nam yêu nước cả trong lẫn ngoài hệ thống vẫn đang ngày đêm trăn trở, ưu tư với vận mệnh nước nhà. Trên tinh thần đó, với bản PDF này, ai cũng có thể download tự do tại địa chỉ:

https://drive.google.com/file/d/1XhgQqZf_HULQRqEa0wl9sd6OWbwtLFT0/view

Rất mong quý vị cùng chung tay phổ biến để tác phẩm đến với càng nhiều độc giả càng tốt.

Trân trọng cám ơn quý vị!

Lê Anh Hùng

Nhà báo, dịch giả, cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng

***

Dẫn nhập

Nhà xã hội học Amos H. Hawley (1910–2009) [1] từng viết: “Thiết tưởng không cần phải nói rằng, tương tự như năng lượng trong thế giới vật lý, quyền lực trong địa hạt xã hội cũng hiện diện khắp mọi nơi. Giống như năng lượng, quyền lực cũng xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau. Mọi hành vi xã hội là một sự thực hành quyền lực, mọi mối quan hệ xã hội là một phương trình quyền lực, và mọi nhóm hay hệ thống xã hội là một tổ chức quyền lực.” [2]

Nhà thần học Bernard MacDougall Loomer (1912–1985) [3] thì nhận định, vấn đề quyền lực nẩy sinh ngay từ khi con người xuất hiện trên trái đất. Theo ông, quyền lực hiện hữu rõ rệt ở bất cứ nơi nào có hai hoặc hơn hai người tập hợp lại với nhau và giữa họ có bất kỳ mối quan hệ nào.[4]

Michel Foucault (1926–1984) [5], người được coi là triết gia về quyền lực, cho rằng quyền lực không tập trung mà hiện hữu khắp mọi nơi và đến từ mọi ngóc ngách của xã hội; quyền lực phân tán (dispersed) và nhập thể (embodied) trong diễn ngôn (discourse), trong tri thức (knowledge) và trong khái niệm mà ông gọi là “chế độ chân lý” (regime of truth). Theo ông, quyền lực hiện diện trong mọi định chế (institution), cấu trúc (structure) và tương tác (interaction) xã hội – quyền lực làm nên chúng ta.

Nhà xã hội học Michael Mann (1942 – ) [6] thì bắt đầu công trình nghiên cứu của mình về lịch sử quyền lực xã hội bằng lời khẳng định: “Các xã hội được cấu thành bởi nhiều mạng lưới quyền lực có tổ chức.”[7]

Trong tác phẩm “Quyền lực trong các xã hội hiện đại” (Power in Modern Societies [8]), hai nhà xã hội học Marvin E. Olsen và Martin N. Marger đã nhận xét, quyền lực là “một quá trình động, không phải là một sự sở hữu tĩnh, lan toả khắp mọi ngóc ngách của đời sống xã hội”.

Hơn một thế kỷ trước, nhà kinh tế học người Anh Edwin Cannan (1861–1935) đã viết trong tác phẩm Kinh tế chính trị học cơ sở (Elementary Political Economy) xuất bản năm 1888: “Việc phải có một cơ quan quyền lực nắm quyền phán xử đối với mọi người mọi vật tồn tại trong một lãnh thổ nhất định là điều tuyệt đối cần thiết cho việc duy trì bất kỳ hình thức xã hội văn minh và ổn định nào.” [9]

Nhà xã hội học Amitai Etzioni (1929–2023) [10] thì nhận xét: “Việc hiện thực hoá phần lớn các mục tiêu xã hội, ngay cả trong trường hợp người thực hiện có quyết tâm và hiểu biết đáng kể, cũng đòi hỏi phải áp dụng quyền lực.” [11]

Nhà xã hội học Robert S. Lynd (1892–1970) [12]còn nhìn nhận vấn đề xa hơn thế. Trong bài “Quyền lực trong xã hội Mỹ: nguồn lực và vấn đề” (“Power in American Society as Resource and Problem”, 1957) [13], ông viết: “Điều gì đã biến quyền lực, ở dạng thức này hay dạng thức khác, thành một hiện tượng phổ quát trong xã hội đến vậy? Đó không phải chủ yếu là vì ước muốn của một số người trong việc kiềm chế người khác; đúng hơn, đó là sự cần thiết của mỗi một xã hội – nếu nó muốn trở thành một xã hội chứ không phải là một đám đông lộn xộn – trong việc thiết lập trật tự cho các mối quan hệ của con người cùng những cách thức mang tính thể chế (institutional ways) giúp họ đạt được mục tiêu cần thiết của mình.”

Trong khi đó, trong “Luận cương thứ sáu về Feuerbach” (“Sixth Treatise on Feuerbach”) viết năm 1845, triết gia Đức Karl Marx lại khẳng định con người là sự tổng hoà của các mối quan hệ xã hội.

Vậy thì, không còn nghi ngờ gì, quyền lực là một khái niệm bao trùm và vô cùng phức tạp – nó là quá trình căn bản nhất của đời sống xã hội loài người, như nhà xã hội học Marvin E. Olsen đã nhận xét một cách xác đáng [14].

Tại sao lại phải đặt vấn đề kiểm soát quyền lực? Câu trả lời xem ra rất đơn giản. Quyền lực làm nên mỗi chúng ta, trong khi bản thân chúng ta ai cũng có mặt tốt mặt xấu. Quyền lực vì thế cũng có tính hai mặt. Ở mặt tích cực, quyền lực chính là động lực phát triển của xã hội loài người. Ở mặt tiêu cực, quyền lực lại là thủ phạm đằng sau mọi vấn đề nhức nhối mà xã hội phải đối mặt. Nhiệm vụ của chúng ta, vì thế, là làm sao phát huy tính tích cực của quyền lực, đồng thời kiểm soát, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của nó trong xã hội.

Quyền lực vốn dĩ phức tạp và luôn thay hình đổi dạng đến mức, dù được xưng tụng là “triết gia về quyền lực” ảnh hưởng nhất từ trước tới nay, Foucault vẫn luôn khước từ việc xây dựng một lý thuyết tổng quát về quyền lực.

Trong bối cảnh như thế, việc thai nghén một cuốn sách với tựa đề “Quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực trong xã hội” quả là một tham vọng không dễ hiện thực hoá. Dù vậy, thiết nghĩ ngay cả một người lùn cũng có thể nhìn được xa hơn khi đứng trên vai những người khổng lồ. Đó chính là lý do khiến tác giả, với kiến thức hạn hẹp của mình, mạnh dạn viết một cuốn sách về quyền lực, một chủ đề vốn ít nhiều “nhạy cảm” và “đụng chạm” ở Việt Nam, bởi chính thứ quyền lực vẫn đang ngự trị trên dải đất hình chữ S này suốt hơn ¾ thế kỷ qua.

Tác giả, vì thế, rất mong nhận được sự chỉ giáo, phê bình, góp ý, bổ sung của quý vị độc giả gần xa để tác phẩm được hoàn thiện hơn. Mọi thư từ, liên lạc xin gửi về địa chỉ leanhhungpoc@gmail.com.

Xin trân trọng cám ơn!

Hà Nội, ngày 5 tháng 7 năm 2024

Lê Anh Hùng

——————

[1] Amos H. Hawley (1910–2009): giáo sư xã hội học người Mỹ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dân số Hoa Kỳ và Chủ tịch Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ.

[2] “Community Power and Urban Renewal Success” | Amos H. Hawley | American Journal of Sociology, Vol. 68, No. 4 (tháng 1.1963)

[3] Bernard MacDougall Loomer (1912–1985) là giáo sư và nhà thần học người Mỹ, nguyên Hiệu trưởng Học viện Thần học thuộc Đại học Chicago.

[4] “Two Conceptions of Power” | Bernard Loomer | Process Studies | Vol. 6, No. 1, Spring, 1976 | https://www.religion-online.org/article/two-conceptions-of-power/

[5] Michel Foucault (1926–1984): triết gia, sử gia, nhà văn, nhà hoạt động chính trị, nhà phê bình văn học người Pháp.

[6] Michael Mann (1942 – ): Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Anh, Giáo sư Danh dự Xã hội học tại Đại học California (Mỹ) và Đại học Cambridge (Anh).

[7] The Sources of Social Power: Volume 1, A History of Power from the Beginning to AD 1760 | Michael Mann | Cambridge University Press | 1986. ISBN 0-521-30851-8 | http://lib.ysu.am/…/f362d6096731335291d37c0f48cfc636.pdf

[8] Power in Modern Societies | Marvin E. Olsen và Martin N. Marger | Westview Press; 2nd edition | 17.1.1993

[9] Elementary Political Economy | Edwin Cannan | Henry Frowde, London | 1888, trang 119

[10] Amitai Etzioni (1929–2023): Giáo sư xã hội học Mỹ, nguyên cố vấn cao cấp của Nhà Trắng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ.

[11] The Active Society, Amitai Etzioni, NXB Collier-Macmillan Ltd., 1968

[12] Robert Staughton Lynd (1892–1970): Giáo sư xã hội học của Đại học Columbia, New York; ông từng tham gia một số uỷ ban và ban cố vấn cho chính phủ Mỹ.

[13] Bài luận được in trong cuốn Problems of Power in American Democracy (“Các vấn đề về quyền lực trong nền dân chủ Mỹ”, Arthur Kornhauser biên tập, NXB Wayne State University) | Power in Modern Societies, Marvin E. Olsen & Martin N. Marger | Westview Press | 2nd edition, 1993 | trang 7.

[14] Power in Socieities | Marvin E. Olsen | NXB Collier-Macmillan Limited, London | 1970, trang 2.