Song Chi: Còn lại gì cho mai sau?

Từ các công trình cổ ở nước người…

Châu Âu thường vẫn được mệnh danh là lục địa cũ/cổ, lục địa già. Tại nhiều quốc gia ở châu Âu, không hiếm những công trình kiến trúc cổ xưa có tuổi đời hàng trăm, hàng ngàn năm. Và vương quốc Anh, nơi tôi đang sống, cũng vậy.

Trên khắp xứ sở này có rất nhiều ngôi nhà, lâu đài, những di tích cổ, hoặc đã hoàn toàn thuộc về quyền quản lý của nhà nước, hoặc vẫn còn là công trình tư nhân, nhưng đều mở cửa cho du khách vào tham quan, lấy tiền đó chăm sóc, bảo dưỡng, trùng tu công trình. 

Ở Anh có tổ chức “The National Trust for Places of Historic Interest or Natural Beauty”, gọi tắt là National Trust, là một tổ chức từ thiện và độc lập, được thành lập để bảo tồn môi trường và di sản ở Anh, Wales và Bắc Ireland. Tổ chức này sở hữu hơn 500 di sản, bao gồm nhiều ngôi nhà và khu vườn, di tích công nghiệp và các di tích lịch sử xã hội; được tài trợ bởi các thành viên, phí vào cửa, doanh thu từ các cửa hàng bán đồ lưu niệm và nhà hàng trong các bất động sản đó. Nếu bạn đăng ký làm thành viên của National Trust, trả tiền hàng năm, bạn sẽ được tham quan miễn phí mọi công trình thuộc quyền sở hữu của tổ chức này.

Lâu đài Richmond ở thị trấn Richmond, Bắc Yorkshire, được xây dựng bởi Alan Rufus từ năm 1071 trở đi. Vào thế kỷ 12, cháu trai của ông là Conan đã mở rộng lâu đài và xây dựng thêm pháo đài. Ảnh: SC.

Với tất cả những ai quan tâm đến kiến trúc cổ, hay muốn tận mắt nhìn thấy đời sống của giới quý tộc Anh cách đây vài ba thế kỷ…thì không thể bỏ qua việc tham quan những lâu đài, hay các ngôi nhà cổ–thường là sự kết hợp giữa tòa nhà, với những khu vườn hoặc trang trại, hồ, đền, tượng đài…tuyệt đẹp bao quanh; còn mọi thứ bên trong 

các tòa nhà này đều được bảo quản vô cùng tốt, từ những bức tượng được điêu khắc từ hàng chục thế kỷ trước, những chi tiết chạm trổ trên trần, tường, hoa văn lót tường cho tới từng đồ đạc trong nhà, kể cả những cái quạt, những món đồ dùng để trang điểm, dụng cụ nấu ăn dưới bếp v.v…Người xem có cảm giác như những con người cách đây hàng trăm năm vẫn đang sống cùng chúng ta, với quyển nhạc để mở trên cây đàn piano, những món đồ trang điểm trên bàn phấn, chén bát muỗng nĩa cho bữa ăn tối sang trọng đã được bày biện trên bàn, chỉ chờ người ngồi vào là thức ăn sẽ được mang lên…

Bên ngoài tòa nhà Kedleston Hall, nằm ở Kedleston, Derbyshire, được xây dựng vào năm 1759 bởi Nathaniel Curzon và được thiết kế bởi Robert Adam
Sảnh lớn bằng đá cẩm thạch
Phòng ăn. Ảnh: SC.

Đó là những công trình kiến trúc còn nguyên vẹn. Nhưng ngay cả những kiến trúc đã đổ nát vì lý do thời gian hay chiến tranh, chỉ còn lại một phần, cũng được chăm sóc chu đáo với những bản vẽ đầy đủ, những ghi chú, diễn giải….giúp chúng ta hình dung được những công trình ấy trước kia ra sao.Còn những ai yêu thích văn học nghệ thuật, quan tâm đến nơi các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ…nổi tiếng đã quá cố, từng sinh sống, làm việc như thế nào, thì cũng không lo. Bản thân người viết bài này đã từng tham quan thị trấn và hai ngôi nhà nơi Shakespear ra đời và nơi Shakespear sống nhiều năm sau; ngôi nhà của Charles Dicken; của 3 chị em nhà Brontë-Charlotte, Emily, Anne; trung tâm lưu giữ kỷ vật, hình ảnh của Lewis Carroll – tác giả cuốn Alice in Wonderland v.v…

Ngôi nhà nơi kịch tác gia William Shakespeare ra đời và trải qua thời thơ ấu, nằm tại thị trấn Stratford-upon-Avon, quận hạt Warwickshire. Ảnh: SC.

Mà không cần phải công trình kiến trúc cổ hay một địa chỉ tham quan đặc biệt, trên khắp vương quốc Anh có rất nhiều ngôi làng, thị trấn cho tới những quán rượu, quán trọ, đấu trường…được xây dựng cách đây hàng trăm, hàng ngàn năm và được bảo quản, không thay đổi.

Đến những ngôi làng, thị trấn như vậy, đi trên những con đường lát đá từ thời Trung cổ hoặc ngồi trong một cái quán rượu mà hàng trăm năm trước con người thời đó đã ngồi ăn uống, tán gẫu với nhau, chúng ta sẽ cảm nhận được dòng chảy liên tục của lịch sử từ quá khứ đến hiện tại.

***

Không chỉ riêng nước Anh mà rất nhiều quốc gia khác ở châu Âu, người ta đều có những chính sách giữ gìn, bảo quản cẩn thận và giới thiệu với công chúng từ những công trình kiến trúc cổ có giá trị cho tới nhà của các danh nhân, giúp cho các thế hệ sau có cơ hội tìm hiểu tận mắt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, đời sống của các thế hệ đi trước, từ đó có thêm lòng tự hào, ý thức biết trân trọng những di sản mà cha ông để lại.

Và khi một công trình cổ bị hủy hoại vì một lý do nào đó thì mọi người đều đau xót. Còn nhớ vào ngày 15/4/2019 Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris), một công trình kiến trúc hơn 850 năm tuổi, một di sản nổi tiếng của nước Pháp bị cháy, không chỉ người Pháp mà bao nhiêu người dân nước khác đã bàng hoàng, đau buồn. Hàng loạt tờ báo lớn từ Mỹ cho tới châu Âu, châu Á, kể cả Việt Nam, đều đưa tin. Nhưng ngay lập tức, mọi người cũng tin rằng người dân Pháp và chính phủ Pháp sẽ bằng mọi cách sửa chữa, xây dựng lại ngôi nhà thờ đã trở thành biểu tượng của Paris và là tài sản chung của nhân loại này. Quả đúng như vậy. Những lời kêu gọi quyên góp để phục dựng công trình được đưa ra và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hàng loạt tỷ phú của nước Pháp và trên thế giới.

Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy, ngọn lửa có thể nhìn thấy từ xa.

Như François-Henri Pinault, người giàu thứ hai nước Pháp, với số tiền quyên góp 100 triệu euro (112 triệu USD). Ngay sau đó, là Bernard Arnault, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của LVMH, công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, ủng hộ 200 triệu euro (224 triệu USD). Arnault là tỷ phú giàu nhất châu Âu và là người giàu thứ tư trên thế giới v.v…

Cho đến nay, sau gần 5 năm sửa chữa, phục hồi, việc mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà ở Paris được công bố vào ngày 8 tháng 12 năm 2024. Thánh lễ tạ ơn Chúa Te Deum được tổ chức ngày 15 tháng 4 năm 2024, đúng 5 năm sau vụ hỏa hoạn. Được biết, ngôi thánh đường sẽ được xây dựng lại giống hệt như cũ, kể cả phần chóp.

…nhìn lại Việt Nam

Nhìn người ta gìn giữ tài sản của cha ông, nghĩ lại nước mình và chỉ biết thở dài.

Năm 2019 khi Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy và mọi người đang đau xót, báo Tuổi Trẻ đăng bài “Khóc nhà thờ Đức Bà Paris lại thương nhà thờ Bùi Chu, Trà Cổ” (về sau bài này đổi tựa thành “Đó là sự mất mát của nhân loại”) của tác giả Martin Rama mà theo ghi chú của báo “Ông là cố vấn cao cấp tại Ngân hàng thế giới và giám đốc dự án tại Trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam”. Ông Martin Rama viết:

“Những nhà thờ và thánh đường được xây ở Việt Nam thời Pháp thuộc là những viên ngọc kiến trúc. Sự xuống cấp hay hủy hoại những công trình này là một mất mát cho nhân loại.

…Ngày 5-8-2017, nhà thờ Trung Lao (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) cũng đã bị bốc cháy. Không giống như Nhà thờ Đức Bà Paris được cứu những phần kiến trúc quan trọng, nhà thờ Trung Lao đã bị sụp đổ hoàn toàn.

Trước đó, tháng 3-2017, nhà thờ Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã bị đập bỏ để nhường chỗ cho một công trình lớn hơn, hiện đại hơn. Đây được coi là nhà thờ đẹp nhất ở vùng Đông Bắc, đã hơn 120 tuổi.

Theo tôi biết, chỉ có một nhà thờ ở Việt Nam, nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, được xếp hạng Di tích quốc gia, được bảo vệ theo Luật di sản Văn hóa.

Không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc và di sản, nhưng tôi tin rằng một tập hợp các tòa kiến trúc đáng chú ý như các nhà thờ công giáo ở miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể khát vọng lọt vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Nếu chúng được bảo vệ và cải tạo đúng cách, chúng sẽ trở thành một mạch du lịch hấp dẫn và mang lại thu nhập cao hơn cho người dân địa phương.”

Nhà thờ Bùi Chu, thuộc tỉnh Nam Định, một công trình kiến trúc ra đời năm 1885 lúc đầu dự tính bị hạ giải vào ngày 13.5.2019 với lý do đã quá cũ, cần xây một ngôi nhà thờ mới khang trang hơn, sau một thời gian tạm hoãn lại vì báo chí vào cuộc, dư luận lên tiếng, rồi cũng bị phá dỡ để xây mới. Được biết, cho dù kiến trúc ngoại thất tương tự kiến trúc cũ nhưng vật liệu mới, màu sắc khác, nội thất khác thì cũng không còn là công trình kiến trúc cổ/cũ nữa. Còn việc trùng tu theo kiểu xây mới toàn bộ “từ ngàn năm tuổi thành một tuổi” không phải là hiếm. Cứ lâu lâu, giới trí thức, khoa học, những người làm văn hóa, yêu văn hóa lại kinh hoảng lên khi phát hiện thấy một công trình giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nào đó bị phá đi dưới danh nghĩa là trùng tu, nhưng thực chất là làm mới hoàn toàn.
Như trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội năm 2010, người dân Hà Nội và cả nước đã từng bất bình trước những sự việc như tháp nước chùa Đậu ở Hà Nội, công trình kiến trúc hơn 100 năm tuổi hay di tích lịch sử Ô Quan Chưởng bị tân trang làm mất hết tất cả nét rêu phong cổ kính; một số ngôi đền, chùa trong khu phố cổ và cả bộ mặt khu phố cổ, điển hình là Hàng Ngang, Hàng Đào, hàng Trống đều được làm mới v.v…
Hà Nội là thành phố thuộc loại có nhiều công trình kiến trúc cổ, di tích văn hóa lịch sử nhất ở Việt Nam, và rất nhiều trong số đó đã bị phá hoại như vậy bởi sự thiếu hiểu biết, hoặc vì tham lam của những cá nhân, tập thể có trách nhiệm.
So với Hà Nội, Sài Gòn ít di tích hơn, nhưng không phải vì vậy mà không bị phá. Báo chí đã nhiều lần lên tiếng, như năm 2019 báo Tiền Phong có bài “TPHCM: Hàng loạt di sản kiến trúc biến mất, hơn 500 biệt thự cổ bị xóa sổ”, báo Tuổi Trẻ: “Cả hội thảo ‘choáng váng’ khi biết 18 di sản nổi tiếng Sài Gòn biến mất” như Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, Công viên Chi Lăng, Thương xá Tax, Nhà đèn Chợ Quán, Cầu Nhị Thiên Đường, vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn…

Có khi chỉ là những quán café nhưng tồn tại đã bao năm, một thời gắn liền với diện mạo Sài Gòn cũ trước 1975 như café Givral, Brodard, La Pagode… nằm trên đường Tự do tức Đồng Khởi bây giờ, cũng đã bị xóa sổ không thương tiếc. Trong đó, quán café Givral, từng là nơi các ký giả trong và ngoài nước ngồi săn tin, gặp gỡ, suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đã bị phá bỏ cùng với khu thương xá Eden nổi tiếng để xây một công trình mới.
Đối với nhiều người dân Sài Gòn, đây là một địa danh văn hóa lịch sử. Khi bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” (“A quiet American”) quay ở Sài Gòn, đoàn làm phim đã cho phục chế quán café này và một góc đường Đồng Khởi trở thành con đường Catinat-Tự do vào những năm 60-70 để quay một vài phân đoạn.
Và còn biết bao nhiêu ví dụ khác nữa, chỉ tính riêng từ năm 1975 đến nay? 

Tất nhiên mọi thành phố đều cần phải tiến lên, phải xây mới, hiện đại, nhưng nên cân nhắc, những cái gì thuộc loại di tích, kiến trúc cổ, địa danh văn hóa lịch sử… thì tìm cách giữ lại, hoặc chỉ giữ lại một phần bên cạnh cái mới để con cháu đời sau còn biết.
Có cảm giác như trong tư duy của những người lãnh đạo và những cá nhân, tập thể các ban ngành khác nhau chịu trách nhiệm về bộ mặt của các thành phố lớn, nhỏ ở Việt Nam nói chung và Hà Nội, Sài Gòn nói riêng, chỉ nhăm nhăm nghĩ đến tiền! Đập bỏ, xây mới thì quan chức mới có cớ để mà chi tiền, mà “xà xẻo”, ăn “hoa hồng”, còn người dân bình thường cứ thấy mới, đẹp là thích, có mấy ai quan tâm đến khía cạnh lịch sử, di tích, di sản?

Nếu cứ như Việt Nam, thì chẳng bao giờ những công viên chiếm cả một khu đất vàng giữa lòng thành phố như công viên Luxembourg ở Paris hay những khu đất mênh mông chỉ để một vài cái cột gãy đổ, một vài khoảng tường đổ nát chứng tích của một cổng thành xưa như ở Roma…có thể tồn tại.
Cứ hễ có khoảng đất trống, đất vàng nào là người ta chiếm ngay xây những khu trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê hoặc mở quán nhậu, quán café, nghĩa là những thứ ra tiền! Còn các di tích thì cứ bị lấy cớ tân trang, trùng tu… để lấy tiền từ ngân sách nhà nước, cũng chính là tiền thuế của dân.

Phải có một chính sách nhất quán từ trên xuống dưới là quyết tâm gìn giữ mọi di sản có giá trị của cha ông để lại; lập danh sách tất cả mọi công trình từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, có một ban chuyên môn đánh giá giá trị và mức độ hư hỏng của từng công trình và thường xuyên theo dõi; tìm cách có những nguồn tiền khác nhau để có thể giữ gìn, trùng tu, sửa chữa…khi cần thiết (ví dụ, mở cửa cho khách du lịch tham quan lấy tiền như các nước làm, là một cách) v.v…

Nhưng trước hết phải có ý thức trân trọng, yêu quý những gì có giá trị do cha ông để lại. Mà muốn có ý thức trân trọng di sản thì chúng ta phải được giáo dục từ nhỏ và thường xuyên được nhắc nhở. Sở dĩ người dân các nước tự do, dân chủ, phát triển, có ý thức đó là do họ được giáo dục. Cũng giống như ý thức bảo vệ môi trường, ý thức về đảm bảo an toàn sức khỏe trong đời sống. Đó là trách nhiệm của nhà nước và của ngành giáo dục. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam thì ngược lại, lại là những “kẻ” phá hoại nhiều nhất, như đã nói, vì ham tiền, vì thiển cận, vì tư duy “nhiệm kỳ” muốn vơ vét cho đầy túi khi còn tại chức mà không quan tâm đến cái gì khác. Còn nền giáo dục Việt Nam dưới “thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ” thì từ lâu đã quá nát bét.

Con người sống cần phải có ký ức. Một dân tộc cần phải có quá khứ. Quá khứ đó bao gồm tất cả những gì vô hình và hữu hình do tổ tiên, ông bà xây dựng, gìn giữ và để lại cho con cháu, trong đó có những công trình kiến trúc cổ. Mặt khác, đối với bất kỳ một thành phố nào, lịch sử, ký ức, bản sắc văn hóa dân tộc… được lưu giữ qua thời gian rất quan trọng. Điều đó tạo nên cái hồn của thành phố, nuôi dưỡng tình yêu đất nước, lịch sử, văn hóa dân tộc… nói chung và tình yêu thành phố đó nói riêng trong lòng người dân.
Đến những thành phố như Paris, London hay Roma chúng ta nhìn thấy rất rõ những điều này. Lịch sử không biến mất, dòng thời gian không biến mất mà vẫn còn đó trên từng viên gạch đá lót đường cũ kỹ, từng góc phố, quán café cổ, từng ngôi nhà có những con người cụ thể đã từng sống từng thở từng góp phần làm nên tên tuổi cho thành phố, cho đất nước.
Di sản ông cha để lại cho chúng ta vốn đã khiêm tốn so với nước người, nếu không biết trân trọng, cứ hễ xây mới là đập bỏ cái cũ, hoặc tân trang theo kiểu từ ngàn năm tuổi thành một tuổi, thì chả còn gì. 

Song Chi