Tạ Duy Anh: Nơi ấy không có nỗi sợ
Tôi biết tin anh Nguyễn Khắc Trường qua đời khi đang điều trị trong bệnh viện. Tôi từng có bài viết chân dung anh, có tên: “Ông anh Nguyễn Khắc Trường”, được anh chọn là bài duy nhất khi đưa vào Tuyển tập cuối đời.
Anh bị ốm từ lâu và tôi cũng đã kịp thăm anh vài lần, lúc trong bệnh viện, lúc tại nhà riêng. Mỗi lần anh đều khen tôi giọng oang oang thế là còn sung sức lắm, rồi vỗ đùi cười ầm lên. Chỉ sau chưa đầy chục năm, chắc anh cũng không ngờ, giờ đây để viết vài dòng về anh, với tôi cũng vô cùng khó khăn.
Vĩnh biệt anh, tôi chỉ có thể nói ngắn gọn thế này: Nguyễn Khắc Trường là người mở ra một thay đổi rất quan trọng của NXB Hội nhà văn. Nhờ anh, gần 60 tác phẩm bị ách tắc từ nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm do vấn đề nội dung đã được xuất bản hoặc tái bản chỉ trong vòng 2-3 năm. Đó là hàng loạt tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Trần Bạt; một số tác phẩm xuất bản lần đầu của Trần Dần, Phạm Quỳnh cùng nhiều tác giả khó nhằn như Hoàng Minh Tường, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Trần Đức Tiến…và nhiều người khác mà tức thời tôi chưa kịp nhớ hết. Đáng kể không kém là một danh sách dài những tác phẩm bị coi là “có vấn đề” đã được tái bản sau hàng chục năm. Có thể kể nhanh: “Những mảnh đời đen trắng” của Nguyễn Quang Lập, “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà, “Lão Khổ” của Tạ Duy Anh, “Những đứa trẻ chết già” của Nguyễn Bình Phương, Tập truyện ngắn của Lê Minh Khuê…
Kể từ khi có Nguyễn Khắc Trường, một cuộc “phá rào”, hoặc nói như nhà thơ Hữu Thỉnh là một quá trình “nới trần” cần thiết về kiểm duyệt, đã khiến NXB Hội nhà văn trở thành “điểm nóng” về vấn đề xuất bản nhưng nhờ thế đã giúp ngành xuất bản có những thành tựu thực sự.
Tôi vinh hạnh được sát cánh và chịu trận cùng anh trong mọi việc và tôi luôn nhớ lời anh nói: “Khi mình không làm gì sai, thì chả có gì phải sợ”.
Giờ anh đã về với cõi tự do tuyệt đối, nơi trong vốn từ vựng không có từ NỖI SỢ.
Xin cúi đầu kính tiễn người anh mà tôi kính trọng cả về tài năng và nhân cách.