Tạ Duy Anh: Ván cờ ba…mươi đời
Tôi không nhầm tên sách đâu. Đấy là do tôi đọc ra cái mạch ngầm bên trong câu chuyện của Phạm Lưu Vũ.
Nếu lấy mốc từ năm sinh của cụ Trạng Trình (1491) đến nay thì cũng ngót 600 năm. Tính tròn ba mươi đời đâu có gì quá đáng.
Đã đọc của họ Phạm khá nhiều, nhưng phải đến “Ván cờ ba họ”, mới thực thấy sướng. Trước hết ở nội lực người viết. Nó như nham thạch phun ra từ núi lửa. Và nó chảy vô định. Ý tôi muốn nói, đọc họ Phạm xin đừng uổng công truy tìm xem cuốn sách nói gì, nói về thời nào, chuyện trần gian hay cõi ma, chuyện trên trời hay dưới âm phủ?…Bởi nếu chỉ chăm chăm tìm những thứ ấy, thì đọc xong cũng coi như chưa đọc, phải đọc lại từ đầu và cứ thế cho đến khi thốt lên: Chả biết đằng nào mà lần với lão quái này.
Phạm Lưu Vũ viết “Ván cờ ba họ” để nói chuyện gì?
Trước hết để lão chơi, có lúc khá mạo hiểm như kẻ điêu luyện trong nghề xiếc tung hứng con dao sắc.
Tuy nhiên chả có ai chỉ viết để chơi, ngay cả khi ông ta bà ta nói ra mồm như vậy. “Ván cờ ba họ” cũng thế. Căn cứ nội dung hiện qua mặt chữ, thì nó là câu chuyện ba họ Trịnh, Mạc, Nguyễn, với họ Lê làm “con tin”, chơi với nhau một ván cờ quyền lực đẫm máu. Với họ này thì cờ sắp tàn, với họ kia thì cờ đang độ gay cấn, còn với họ kia nữa thì cờ mới bắt đầu. Tình thế có lúc họ nào cũng muốn xóa cờ đi bày lại. Có lúc lại cùng muốn đập nát bàn cờ. Nhưng rút cuộc, nói họ nào thắng, họ nào thua đến khi khép sách vẫn chưa rõ. Lịch sử cho biết họ Mạc thua trận phải rút về vùng Cao Bằng, cộng với thời gian nắm quyền ở Thăng Long, cả thảy tồn tại ngót trăm năm. Họ Trịnh có công diệt Mạc, biến vua quan Triều Lê ở vào lúc rã đám thành lũ rối, nhưng bị nhà Tây Sơn một trận quét khỏi bàn cờ thế cuộc không để lại mảy may. Họ Nguyễn (Đàng trong) rồi ra là họ ở lại lâu hơn cả, ít nhất cho đến 1945. Nhưng lâu hay mau, thì đều biến mất. Cuối cùng người chơi cờ và bất tử hóa ra là cụ Trạng Trình.
Thực ra cuốn sách này, họ Phạm của hơn 500 năm sau viết chỉ nhằm tôn vinh cụ Trạng Trình đến tột đỉnh. Mà không chỉ cao vời ở trời Nam. Những kẻ tự nhận mình là “Thánh sống” phương Bắc cũng nem nép sợ cụ một phép! Và hơn 500 năm sau, có một kẻ cũng rắp tâm cắp tráp theo gương cụ. Kẻ đó chính là tác giả chứ còn ai nữa. Toàn bộ nội dung cuốn sách là cuộc bày đặt một thứ “con tạo” tưởng tượng, do họ Phạm làm chủ và giật dây.
Gớm thật. Kiêu đến thế thì cũng nhờn nhân gian lắm đấy. Lão dùng quyền năng của văn học để xóa nhòa giữa ma và người, trộn người vào ma, để xoa đầu vua, búng tai chúa, mắng đám quan lại, lũ nịnh thần, bọn giá áo túi cơm mọi thời còn hơn cả mắng chó? Lũ trí thức phải chăng vì thế mà thời nào cũng bị quyền lực canh chừng?
Nhưng như thế đâu chỉ nói chuyện ba họ?
Lịch sử vào tay Phạm Lưu Vũ liền bị lão xé nát thành trăm mảnh, rồi chắp lại theo ý thích của lão. Các nhân vật lạc thời cứ loạn cả lên tìm về gốc gác của mình. May mà lão còn biết dụng từng mảnh chứ chưa quăng tuốt đi. Lịch sử ghi một mẩu, thì lão biến thành cả một câu chuyện li kì. Với lịch sử, các thứ bậc rất rõ ràng. Trên dân là quan, trên quan là chúa (thời cuối Lê), trên chúa là vua. Trong “Ván cờ ba họ”, cái thứ bậc đó chỉ đáng để lũ phàm nhân tranh đoạt. Còn một ván cờ khác, cao cấp hơn, tranh giành thứ ghê gớm hơn, đó là ván cờ của các Thần linh với bầy bầy ma quỷ. Thứ mà họ tranh đoạt là quyền luân chuyển thời vận, xoay vòng thời gian, sắp xếp lại sông núi! Nó có vẻ hoang đường. Nhưng hóa ra nó rất hiện thực. Cảnh các ông vua, lũ độc tài mọi thời khi đã có tột bực quyền lực, bèn nghĩ ra muôn trò quái đản, kinh thiên động địa, quỷ khốc thần sầu với cái kết trò bao giờ cũng là trộn thịt dân với bùn đất…đâu có hiếm! Ấy là khi lũ ma quỷ thắng ván cờ và chiếm quyền điều hành chăng?
Phạm Lưu Vũ viết “Ván cờ ba họ” theo cái thủ pháp không nói gì mà nói tất cả, không định gì mà muốn và được tuốt tuột. Nó như cuốn, nhốt người đọc vào một trận đồ bát quái chữ nghĩa, với không gian vừa thực vừa ảo và tại đó không biết ai là ma ai là người, ai đã chết ai đang sống…rồi bỏ mặc họ tự tìm lấy đường mà ra. Kẻ nào may thì cười ha hả, kẻ nào không may thì cứ việc vật mình vật mẩy, than trời, chửi bậy hoặc đập phá lung tung cho bõ ghét. Lão khoanh tay mặc kệ, như một kẻ vô can.
Tôi đọc “Ván cờ ba họ” trong trạng thái vừa phấn khích vừa sợ. Nó đáng khen nhất ở khả năng tưởng tượng. Nó đáng ngại nhất ở cách nhìn thế cuộc. Và cuối cùng, nó khiến tôi không yên tâm một chút nào với vốn kiến thức lịch sử của mình.
Giờ thì ta phải trở lại với đầu đề bài viết: Không biết họ Phạm viết về cuộc tranh đoạt thiên hạ ba mươi đời trước của BA HỌ, hay về cái sân khấu quyền lực muôn đời, có khi lôi kéo tới MẤY CHỤC HỌ?
Cũng đáng suy ngẫm lắm!
Tạ Duy Anh