Tâm Nhãn: Tuệ Sỹ và Lý Hạ – “Cô đơn, nỗi cô đơn sâu thẳm bên trong”

Lý Bạch, tiên tài, cho một thế giới thần tiên, ngoài cuộc thế. Đỗ Phủ, nhân tài, giữa những người cùng khốn. Lý Hạ, quỷ tài, cho những oan hồn chứa đầy u hận, hay chỉ là xảo thuật ma quái của vần điệu?

Cũng có thể, quỉ tài được hiểu như là một thiên tài quái dị, mà ngôn ngữ được sử dụng trên mức độ ma thuật, ngụy quyết. Đó là tư chất thiên phú, với những tưởng tượng đầy tính siêu thực. Sử dụng thi ca y như thủ pháp ma thuật không phải chỉ là một kỹ xảo. Đằng sau từ điệu huyễn hoặc còn ẩn chứa một thế giới huyễn hoặc; thế giới của thần mộng và cô liêu, có thể gọi như vậy. Trong tận cùng sâu thẳm đó là gì; có lẽ chúng ta không thể tìm đến chỉ do sự thúc đẩy của bản tính hiếu kỳ, mà phải đến bằng tất cả những lời kêu gọi thống thiết của định mệnh nhân sinh (Tuệ Sỹ)

***

(Tưởng niệm Ân sư rời cõi tạm – tuần bốn chín)

Trong văn học Phật giáo Nguyên thủy, kinh văn diễn tả một vị tỳ-kheo, trước khi đạt đến chân lý tuyệt đối của sự sống là phải nỗ lực cho một cuộc đời “lẻ bóng”. Một sự từ bỏ như vậy có nghĩa là một sự rút lui khỏi cấu trúc có tổ chức của xã hội thế tục, sống như một con tê giác trong rừng thẳm. Và khi đó, họ sẽ nếm được mùi vị cô liêu, đồng thời cũng nếm được hương vị của Chánh pháp. Nhưng, có một tỳ-kheo luôn lánh xa phồn hoa đô hội, không vào rừng sâu mà giấu mình trong ‘hương thất’, vui với sự tịch tĩnh, chìm trong sách vở thư tịch – trở thành kẻ cô đơn, “cô đơn, nỗi cô đơn sâu thẳm bên trong” (Einsamkeit, grosse innere Einsamkeit). Cái sâu thẳm ấy tạo nên kẻ sáng tạo và tài hoa.

Tôi say sưa văn chương và những dòng thơ của thầy từ dạo còn học Tăng, làm “Quản thủ thư viện” ở trường Phật học Nha Trang (1994-2002); không riêng gì tôi mà cả sinh viên Tăng cùng khóa thời ấy đều mẩn mê… Những năm ấy, vào dịp tết đến, lòng tôi hay trượt theo tiết xuân tràn về, hứng thú vẽ vài bức tranh, trên tranh luôn điểm tô ít câu thơ, tả mai, tả đào, có én, có xuân… Vì lòng thích thơ Tuệ Sỹ, cứ tìm câu nào hợp cảnh, thì viết vào. Song, thơ của thầy lại dị thường, thâm viễn, u buồn:

“…Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu giữa đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn.
Mười năm đó anh quên mình sậy yếu
Đôi vai gầy từ thủa dựng quê hương
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông phương…”

Bởi thơ của thầy, tâm trạng của người không đi cùng “đoàn người lần theo duyên hải, định hướng chân trời, đâu là phương sinh nhai cho tròn cõi nhân sinh”, mà ở lại, chịu cùng nỗi đau trên quê hương… Một người lạc loài trên đất Mẹ, chứng kiến quê hương bến quạnh thì làm gì có:

“…Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy,
Kinh kỳ bụi quá xuân không đến…”

Về sau, tôi biết thầy rất thích thơ Lý Hạ (李賀), có lẽ thầy thấy bóng mình trong cuộc đời và thơ ca của Lý Hạ. Lý Hạ sống vào thời Trung Đường (790-816), ngoại hình ốm yếu, mảnh khảnh, nội tâm lại sâu thẳm tận cõi âm, khiến thơ của ông phơi bày ra văn tự kỳ quái, ma quỷ, siêu nhiên, nên ông có biệt hiệu “Quỷ làm thơ” (Thi quỷ 诗鬼), hay “Tài năng của ma quỷ” (Quỷ tài 鬼才). Ông còn được mệnh danh là “nhà thơ Đường lập dị nhất… trong toàn bộ nền thi ca Hoa ngữ”, bởi lối làm thơ và cách sử dụng hình ảnh vô cùng khó hiểu và mặc sức cho trí tưởng tượng tung hoành. Ngữ từ ta thán, hương hồn, ma, quỷ, mộ, máu, … xuất hiện nhiều trong thơ Lý Hạ, về điểm này tôi cũng thấy tương đồng trong thơ của Tuệ Sỹ. Bài “Thu lai” (秋来) của Lý Hạ:

“桐風惊心壯士苦,
衰燈絡緯啼寒素。
誰看青簡一編書,
不遣花虫粉空蠹?
思牽今夜腸應直,
雨冷香魂吊書客。
秋墳鬼唱鮑家詩,
恨血千年土中碧”.

(Đồng phong kinh tâm tráng sĩ khổ,
Suy đăng lạc vĩ đề hàn tố.
Thuỳ khan thanh giản nhất biên thư,
Bất khiển hoa trùng phấn không đố.
Tư khiên kim dạ trường ưng trực,
Vũ lãnh hương hồn điếu thư khách.
Thu phần quỷ xướng Bảo gia thi,
Hận huyết thiên niên thổ trung bích).

Dịch nghĩa: 

Ngọn gió thổi qua cây ngô đồng làm lòng người kinh sợ, tráng sĩ thêm khổ tâm.
Bên ngọn đèn hiu hắt, tiếng con vạc sành (hay tiếng con dế, châu chấu) gợi nhớ đến áo mùa lạnh.
Có ai xem thấy một cuốn sách,
Chẳng có người đọc để cho mối mọt ăn nát thành bột.
Đêm nay, (khi nghĩ đến cảnh đó) mà thêm đau lòng.
Mưa lạnh, mảnh hồn thơm viếng điếu người làm ra sách.
Trên nấm mộ mùa thu, tiếng quỷ ngâm nga thơ Bảo gia,
Máu hận ngàn năm thấm vào đất và biến thành ngọc đá.

Bài “Tiếng nhạc vọng”, thầy Tuệ Sỹ sáng tác năm 79. 

“Ta nhớ mãi ngày Đông tràn ruợu ngọt
Ngày hội mùa ma quỷ khóc chơi vơi
Trưa phố thị nhạc buồn loang nắng nhạt
Chìm hư vô đáy mắt đọng ngàn khơi.
Đây khúc nhạc đưa hồn lên máu đỏ
Bước luân hồi chen chúc cọng lau xanh
Xô đẩy mãi sóng vàng không bến đỗ
Trôi lênh đênh ma quỷ rắc tro tàn.
Vẫn khúc điệu tự ngàn xưa ám khói
Ép thời gian thành ruợu máu trong xanh
Ruợu không nhạt mà thiên tài thêm cát bụi
Thì ân tình ngây ngất cõi mong manh.
Ôi tiết nhịp thiên tài hay quỉ mị
Xô hồn ta lảo đảo giữa tường cao
Trưa dài lắm ta luân hồi vô thủy
Đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao.”

Lý Hạ, bảy tuổi đã biết làm thơ, tuổi nhỏ đam mê đọc sách, lầu thông Thi kinh, Sở từ, tiểu thuyết cổ, Chư tử bách gia… Mười lăm tuổi vang danh khắp nước, thơ văn sánh ngang với danh sỹ tiền bối Lý Ích (李益) v.v… Ở tuổi mười tám, đầy lý tưởng và hy vọng, Lý Hạ từ biệt người thân, rời bỏ quê hương, dấn thân vào con đường tìm kiếm danh vọng và thực hiện hoài bão của mình. Tuổi hai mươi tham gia khoa cử nhưng những kẻ đố kỵ tài năng đã ngăn cản không cho thi. Một người dành cả cuộc đời cho việc đọc sách và coi trách nhiệm gia đình, đất nước như trách nhiệm của chính mình lại không có được địa vị xã hội tương ứng. Tài năng của Lý Hạ không được đánh giá cao, ông chỉ giữ chức quan nhỏ (Phụng lễ lang 奉禮郎, trông coi về nghi lễ) trong 3 năm, sau đó Lý Hạ từ quan về quê. Vì bệnh tật, sống cảnh nghèo túng, ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc tuổi đời mới 26 (có thuyết nói 27).

Tuệ Sỹ và Lý Hạ như những chiếc lá rơi lộn mùa, những thiên tài sinh nhầm thời – trưởng thành và lớn lên trong thời cuộc chính trị bất ổn, xã hội loạn lạc, nhưng nhờ đó, khổ đau khiến họ hóa thân, trở thành kẻ sáng tạo huyền thoại. Thơ họ để lại, đọc không đượm chút vị kỷ “làm để thấy mình danh toại”, mà hoàn toàn trong sạch, đầy đủ và cao cả.

Năm 2014, khi thầy Tuệ Sỹ an cư ở Nha Trang, thầy nói với tôi tính viết thêm về Lý Hạ, bổ túc vào bản thảo “Lý Hạ – bàn tay của quỷ” mà thầy đã biên soạn năm 75, nhưng thầy buồn, lại thôi. Bởi sự kiện năm ấy (vào ngày 1 tháng 5 năm 2014) người Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 891 vào khu vực biển Đông, gần đảo Hoàng Sa, chính phủ Việt Nam lên tiếng phản đối…

Thầy không nhỏ nhen gì với Lý Hạ, mà muốn thể hiện tâm can vì đại cuộc, vì dân tộc. Cho nên “Lý Hạ – bàn tay của quỷ” mãi đến giờ vẫn là cảo bản.

Tất cả những ai sống biệt lập, với nỗi ưu tư về thân phận, đất nước, con người, chính nghĩa… đều có nỗi đau của tâm hồn và cô đơn. Song, “cô đơn là chất liệu của cảm hứng”, những tác phẩm mà họ lưu truyền cho nhân thế đều có bóng dáng uy nghi của cô đơn, một nỗi cô đơn sâu thẳm bên trong họ lại là niềm khát khao cho nhân loại kiếm tìm, khám phá.

Ngày 3 tháng 01 năm 2024
Tâm Nhãn

Hoằng Pháp

————-

Tài liệu tham chiếu:

  1. vi.wikipedia.org/wiki/Lý_Hạ & thivien.net
  2. zh.wikipedia.org/wiki/李贺