Trần Doãn Nho: Chất tùy bút trong chính luận Trần Trung Đạo

(Nhà văn Trần Doãn Nho, ảnh của Trần Trung Đạo)

(Bài viết này của nhà văn Trần Doãn Nho được dùng làm tựa cho tác phẩm Chính Luận Trần Trung Đạo II “Tuyên Truyền Và Tẩy Não” trong bộ chính luận 4 cuốn của tác giả Trần Trung Đạo vừa được phát hành tại Boston, Hoa Kỳ)

Trong suốt hơn bốn thập niên định cư ở hải ngoại, Trần Trung Đạo miệt mài hoạt động và miệt mài viết. 

Trước hết, anh làm thơ. Đã một thời, tiếng thơ Trần Trung Đạo cũng là tiếng lòng của những người con lưu lạc xứ người. Phát biểu trong lần ra mắt tập thơ của anh tại Boston vào năm 1996, tôi nhận định, “Thơ Trần Trung Đạo tràn trề đời sống. Anh đưa những mảnh đời vô cùng cụ thể, bình thường, tầm thường mà ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy, thậm chí có thể sờ mó được, vào thơ. Ðọc anh, ai cũng cảm thấy có một chút gì của mình trong đó, rất gần, rất đậm, rất thân, tưởng như không phải đang đọc thơ, mà như đang nói, đang tâm sự với mình.”

Bắt đầu từ cuối thập niên 1990, anh cho biết, anh “ngưng làm thơ” để “tập trung viết bình luận chính trị cho các báo Việt Ngữ tại hải ngoại.” [1] Từ đó, anh trở thành một nhà chính luận. Các tác phẩm  của anh xuất hiện đều đặn, liên tục trên các tạp chí mạng và giấy trong suốt hơn hai thập niên, bây giờ được tập hợp lại trong bộ “Chính Luận Trần Trung Đạo” bốn tập dày dặn, với hơn 220 bài, trải dài trên hai ngàn trang. Được viết dưới dạng, hoặc là những tiểu luận chuyên môn hoặc là những tạp bút hay bút ký, tập chính luận tâm huyết này đề cập đến nhiều đề tài khác nhau: từ các sự kiện thời sự nóng hổi cho đến các nhân vật và biến cố lịch sử; từ các cuộc tranh chấp hay chiến tranh cho đến các vấn đề tư tưởng; từ những vấn nạn quốc gia đại sự cho đến các sinh hoạt đời thường; từ những sự kiện xã hội cho đến các bi kịch cá nhân. 

Có gì khác nhau giữa thơ và chính luận? 

Khác nhiều, tất nhiên. Thơ dựa vào xúc cảm; chính luận dựa vào lý trí. Thơ sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh; chính luận sử dụng tài liệu và sự kiện. Thơ lan man, chính luận chặt chẽ.

Thế nhưng, ở chính luận Trần Trung Đạo, dường như cảm hứng thơ của anh không hề biến mất. Có lẽ do ở chỗ anh đã sống, đã làm người tình với thơ quá lâu, ngay từ thời thơ ấu. Chính vì thế, trong một số bài, tôi tìm thấy dấu vết và âm hưởng – cách này hoặc cách khác – của những bài thơ da diết tình người tình nước của anh dạo nào, như “Em bé Việt Nam và viên sỏi”, “Thương Paris như nỗi nhớ Sài Gòn”. “Con sinh ra trên đất Mỹ”…Đọc, tưởng như anh ngồi viết chính luận trong tâm cảm của một nhà thơ. Trong một số bài khác, tuy tính chính luận bao trùm qua các dữ kiện và số liệu tham khảo, nhưng cách diễn đạt không hoàn toàn khô khan, duy lý như một nhà nghiên cứu tháp ngà chỉ biết chăm chăm đi một mạch từ tiền đề đến phản đề rồi kết luận. Ngược lại, anh biến những gì sưu khảo được thành những “sinh thể”,  những “sự vật’ có liên quan đến đời sống và tâm tư tình cảm chính mình. Có vẻ như anh không tìm cách lập thuyết để trở thành một học giả, muốn hoàn tất các công trình học thuật để đời. Cũng không băn khoăn suy gẫm về những vấn đề triết lý xa vời như hư vô-tồn tại, như chuyện tử sinh, như “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”, như chuyện thành bại hay những dằn vặt hơn thua cuộc đời. Thay vào đó, anh hoàn toàn tập trung vào một cùng đích: đất nước Việt Nam. Dù nói chuyện Nelson Mandela Nam Phi, Tập Cận Bình Trung Quốc, Jawaharlal Nehru Ấn Độ hay Pavlik Morozov Liên Xô, dù nói đến hội nghị Geneve, chuyện Tiệp Khắc, Latvia, Estonia, dù kể chuyện người nông dân xứ Sierra Leone hay chuyện người Mỹ bỏ phiếu bằng gì, anh đều quay về với nỗi niềm quê hương. Chuyện lớn hay chuyện nhỏ, tất cả đều chỉ là cái cớ. Ngừng đèn đỏ ở thành phố Nara bên Nhật, anh suy ngẫm về tinh thần tôn sư trọng đạo thời VNCH; nhân chuyến viếng thăm Việt Nam bốn ngày của hàng không mẫu hạm Mỹ “USS Carl Vinson”, anh nghĩ đến “con thuyền không bến” của nước Việt Nam hiện nay; nghiên cứu bài học “thoát Nga” của quốc gia  Lithuania, anh tìm thấy những tiền đề thích hợp mà Việt Nam có thể áp dụng để đương đầu với Trung Cộng. Không đâu thiếu vắng bóng dáng Việt Nam.

 Nói cho đúng, chính luận Trần Trung Đạo không hoàn toàn là chính luận, mà tiềm ẩn trong đó là những ray rứt và thao thức. Thao thức Việt Nam. Trong lời tựa ở tập I, anh quả quyết:

Mỗi chúng ta tuy có hoàn cảnh sống khác nhau, quá khứ khác nhau, tôn giáo khác nhau và có thể mang trên thân thể những thương tích khác nhau nhưng đất nước chỉ có một tương lai. Không ai có quyền bắt đất nước phải đau giống cái đau của cá nhân mình hay bắt cả dân tộc phải chịu đựng, phải hy sinh từ đời này sang đời khác cho quyền lợi của đảng phái mình. Sinh mệnh của dân tộc Việt Nam không nằm trong tay thiểu số người, dù là đảng CS hay là ai, mà phải do chính nhân dân Việt Nam quyết định.”

Trong một bài tưởng niệm tháng Tư, anh ngậm ngùi:

Nhìn viên đạn của Nga và Tàu, tôi nghĩ đến trái tim của người lính trẻ miền Nam, giống như khi nhìn chiếc chiến đấu cơ của Mỹ cất cánh tôi chợt nghĩ đến các anh lính từ miền Bắc xấu số đang di chuyển bên kia sông Thu Bồn. Vũ khí là của các đế quốc. Không có khẩu súng nào chế tạo ở miền Nam hay miền Bắc. Các bà mẹ Việt Nam chỉ chế tạo được những đứa con và đóng góp phần xương máu.” 

(Câu hỏi tháng Tư).

Chính ở điểm này, tôi tìm thấy một đặc điểm trong lối viết chính luận Trần Trung Đạo: chất tùy bút. 

Tính cách này xuất hiện rất rõ ở những tạp bút, bút ký và thấp thoáng xuất hiện – cũng có khi chen khá sâu vào – trong những trang nghiên cứu có tính cách chuyên môn. Chất tùy bút hầu như đóng vai trò chính trong một số ít bài nằm lai rai ở tập này tập kia, nhiều nhất là ở tập hai (II). Chưa vội nói đến nội dung, chỉ cần đọc các tựa đề là ta thấy rõ: Tiếng hát Lộc Vàng, Khi bài hát trở về, Số phận một loài chim, Thời sinh viên ở Sài Gòn, Nửa thế kỷ một dòng sông, Đoàn xe tang trên đường phố Hội An, Suy nghĩ bên đèn đỏ ở Nara, Không phải nước mắt nào cũng mặn, Sông Gianh chảy giữa lòng Hà Nội, Xin đừng bắn sau lưng, Nỗi đau chưa thấm, vân vân. 

Thử đọc bài viết về Nguyễn Văn Lộc, một người Hà Nội, phải ngồi tù cộng sản đến mười năm vì phạm tội…hát nhạc vàng:

Boston, nơi tôi ở, trời đã cuối thu. Những cơn mưa đêm tuốt đi những chiếc lá cuối cùng. Lá rơi đầy trên những con đường trong xóm, trên mặt hồ và hàng cây trước mặt nhà chỉ còn những cành trơ trụi. Sáng thức dậy là nghe tiếng chổi vọng về từ phía sân thiền viện bên kia đường. Những cánh chim Cardinal màu đỏ thắm, Blue jay màu xanh mới hôm nào nhộn nhịp đã không về nữa. Bầy ngỗng không còn kêu trên mặt hồ lạnh giá. Khu vườn chỉ còn là một thảm lá dày. Cô con gái út lặng lẽ đem cất bình đựng thức ăn dành cho chim vào trong kho đựng đồ đạc góc vườn và bảo chúng đã di cư về miền nam, hy vọng sang mùa nắng ấm chúng sẽ nhớ đường về.” (Tiếng hát Lộc Vàng)

     Đoạn dạo đầu nghe chẳng khác gì một đoản văn nói trên sẽ lần lượt dẫn người đọc đến nhiều suy gẫm qua suốt bài viết về số phận Lộc Vàng, một “nạn nhân/tù nhân văn hóa” của chế độ miền Bắc:

  “Trong những bài phỏng vấn anh mà tôi được đọc, không ai hỏi anh hay vì không muốn gây khó cho anh, có bao giờ anh đã hát tình ca trong tám năm sống trong tù. Chắc là có dù có thể không hát lớn. Anh hát khi đứng nhìn những chiếc lá vàng bay qua cửa sổ nhà tù. Anh hát khi thức dậy nửa đêm nhìn ánh trăng thu soi bóng trong sân nhà tù vắng lặng. Và anh hát vì biết ngoài kia có một người con gái đang vượt qua bao nhiêu khổ đau để chờ đợi anh về. Ngày đó anh chị chưa cưới nhau nên những bản tình ca, ngoài ước mơ về một mái ấm gia đình còn mang nhiều mơ mộng phiêu du của hai trái tim son trẻ.”

     Một trích đoạn khác nói về thời thơ ấu ở quê nhà:

Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, nơi đã từng diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt. Phần lớn các ông anh họ của tôi, ra đi theo bên này hay bên kia, đều không trở lại. Những ngày còn bé, tôi thường đứng xem những chuyến trực thăng tải thương hạ cánh trong sân trường cấp một của tôi. Trong số những người chết trên đường đến bệnh xá, có người bên này và cũng có cả người ở phía bên kia. Họ có thể khác nhau khi còn sống vì khẩu súng họ mang, chiếc áo họ mặc, chiếc mũ họ đội, nhưng lại rất giống nhau khi đã chết, vẫn mái tóc đen, vẫn màu da vàng sạm nắng, và ở một nơi nào đó trên đất nước mình, những người mẹ Việt Nam vẫn ngày đêm mong ngày họ trở về trong căn nhà tranh, bên ngọn đèn dầu hiu hắt. Cánh cửa nhà mẹ cũng như cánh cửa tâm hồn mẹ vẫn mở, vẫn đợi chờ và đợi chờ.” (Nỗi đau chưa thấm)

Giọng văn và hơi văn như thế, dù trong chuyện nhỏ hay chuyện lớn, đều nghe khắc khoải nỗi niềm, nghe da diết ưu tư, đậm đà tính cách tùy bút.

  Tùy bút là gì? 

             Nhà văn Trịnh Y Thư tóm gọn: “Tùy bút là một thể tài văn xuôi không đề tài nhất định, theo dòng cảm hứng mà viết, tùy hứng mà phóng bút. Nó tựa như nghị luận mà không phải nghị luận, bởi nó tùy hứng và đầy cảm xúc chủ quan (…)  không cao kỳ, mà hấp dẫn, thân mật như câu chuyện tâm tình giữa hai người tri kỷ. Vì đề tài phóng túng, tùy cảm hứng mà viết nên Tùy bút rất thích hợp với những tâm hồn văn chương yêu chuộng tự do, không thích cái cương tỏa của hàn lâm, cái chiết tỏa của giáo điều.” [2]

  Tính cách đó khiến ngôn ngữ tùy bút thường khá gần gũi với ngôn ngữ thơ. Tùy bút đưa hơi thở đời sống vào thế giới khô khan của lập luận, thổi cái động vài cái tĩnh. Nó vừa làm cho các con số và sự kiện “mềm” đi, đồng thời tăng cường thêm sức thuyết phục. Chính đó là một trong những yếu tố khiến các bài chính luận của Trần Trung Đạo thường có sức lôi cuốn đối với nhiều thành phần độc giả, nhất là những độc giả ưu tư thời cuộc và mặn mà tình quê hương. 

Anh không chỉ viết cho cá nhân anh, mà cho cả nhiều thế hệ khác cùng lớn lên và được hưởng thụ cuộc sống tự do của xã hội miền Nam trước 1975. Trong một số bài của anh, tôi tìm thấy chính mình ở trong đó: đọc anh, tôi cứ tưởng như đọc bài viết của mình. Chẳng hạn khung cảnh của Sài Gòn trong hai năm cuối cùng của chế độ VNCH:

Sài Gòn ngày tháng đó buồn như một đám ma. Những cụm mai vàng chào đón xuân sang không làm phai đi màu đen tang chế đang phủ trùm lên cả miền Nam. Những cuộc biểu tình rầm rộ từ Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ không làm vơi đi nỗi buồn nhược tiểu trong lòng những người đang ưu tư cho vận nước. Những bản hùng ca xen lẫn với những tiếng kèn truy điệu của các chương trình phát thanh quân đội đã làm người dân rơi nước mắt xót thương cho số phận hẩm hiu của tổ quốc mình. Hạm đội thứ bảy hùng hậu của Mỹ khóa súng an toàn nhìn hải quân Trung Cộng đổ bộ Hoàng Sa, hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam từ chối lời kêu gọi của phái đoàn Việt Nam Cộng hoà tố cáo Trung Cộng xâm lăng. Đồng minh dửng dưng, đồng bào ngoảnh mặt. Có nỗi xót xa nào lớn hơn nỗi xót xa của số phận một tiền đồn và có vết thương tâm linh nào sâu hơn, đau hơn vết thương của một người mẹ bị bỏ rơi bởi chính những đứa con yêu quý của mình.” (Tuổi trẻ việt nam, học lịch sử để làm lịch sử)

Một khung cảnh càng hiếm thấy hơn: các sinh viên học sinh nằm vùng của cộng sản hoạt động ở các trường đại học Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫm, Trịnh Đình Ban, Trần Thị Lan, Lê Văn Nuôi, Võ Như Lanh, Nguyễn Xuân Lập…đang chờ đợi để được trao trả về phía bên kia như những tù binh, sau hiệp định Paris 1973. Tôi đã có lần chứng kiến cảnh trao đổi tù binh, những người lính chiến của hai bên, ở bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị, nhưng chưa bao giờ biết đến loại “tù binh” đặc biệt – những con ngựa thành Troy (Trojan horses) – này. Anh ghi lại cảm nghĩ của mình như sau:

Thời sôi nổi trong giảng đường đại học, trên đường phố Sài Gòn đã là dĩ vãng, giữa rừng cao su Lộc Ninh họ là những thanh niên thành phố đang bước vào một cuộc đời mới ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Như những con cá bị vớt khỏi sông và bỏ vào trong chậu, ngơ ngác, rụt rè, sợ hãi. Họ không còn là bè bạn của nhau, không còn gọi nhau bằng tên, bằng thứ mà sẽ là đồng chí. Đồng chí cũng đồng nghĩa với nghi ngờ, kiếm soát và dò xét lẫn nhau. Họ hối hận không? Họ thật sự có phải là Cộng sản không? Họ có phân biệt được, dù chỉ là căn bản, những điểm khác nhau giữa xã hội mà họ vừa bỏ lại và xã hội mà họ đang tìm đến không? Không ai hỏi và họ cũng sẽ không trả lời thật với lòng. Có những tâm sự, sống giữ kín chết mang theo, chứ không bao giờ chia sẻ với ai. Hồi xưa tôi cũng có cái nhìn khắt khe về những người bỏ đi. Các anh có quyền biểu tình, có quyền chống độc tài, chống tham nhũng, chống độc diễn nhưng khi bỏ đi sang hàng ngũ của những người ném lựu đạn vào quán ăn, pháo kích vào trường học, đặt mìn trên quốc lộ, các anh đã phản bội quyền sống trong hòa bình của nhân dân miền Nam. Giống như những đứa con lớn lên trong một gia đình nghèo, có bà mẹ bịnh tật, có người cha say rượu hay đánh đập con cái và còn một bầy em nhỏ dại. Thay vì khuyên răn người cha, săn sóc người mẹ, che chở cho đám em khờ, các anh lại bỏ đi, và chẳng những đã bỏ đi mà còn dắt kẻ gian về đốt phá nhà mình.” (Thời sinh viên ở Sài Gòn).

Cảm nghĩ này phản ảnh đúng tâm trạng phổ biến của người miền Nam khi nhìn về những người khác chiến tuyến: “giận” thì giận lắm nhưng “thù hằn” đến độ phải tàn sát, thì không. Viết về cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một đảng viên cộng sản trẻ được điều vào công tác ở chiến trường miền Nam, anh nhận xét:

     “Chị Thùy Trâm phấn đấu để được vào Đảng, vì đơn giản đó là nơi duy nhất chị được dạy để tin vào, để dựa vào, để vươn lên và đó cũng là chiếc thang xã hội mà mọi người, trong đó có chị, phải tìm cách trèo lên chứ chưa hẳn phát xuất từ tình yêu giai cấp. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy chị viết về tình yêu, tình người, tình chị, tình em tự nhiên, ngọt ngào hơn nhiều khi viết về tình đảng. Cái nhiệt tình, đúng ra là háo hức mang tính thời thượng của một người trẻ mong được trở thành đảng viên cộng sản cũng nguội lạnh dần ngay khi chị đưa tay tuyên thệ làm một đảng viên. Nhật ký của chị trong ngày gia nhập Đảng 27-9-68: “Còn niềm vui, sao nhỏ nhoi quá so với ý nghĩa của ngày vui. Vì sao vậy hả Thùy? Phải chăng như hôm nào Thùy đã nói như một đứa con khát sữa mẹ khóc đã mệt rồi, miếng sữa nuốt vào không còn nguyên hương vị thơm ngon và cái thú vị của nó nữa.”

Riêng đối với cá nhân tôi, một trong số nhiều nhân vật Trần Trung Đạo viết sâu và viết kỹ (đến hai bài) mà tôi rất mến mộ là Nelson Mandela, nguyên tổng thống Nam Phi, một chính gia mà cũng là một nhân cách lạ thường, hiếm có. 

           “Hãy tưởng tượng, Nelson Mandela, người bị tù hơn 27 năm và đã có thời gian chọn lựa phương pháp đấu tranh bằng võ lực, không chủ trương hòa giải mà nhất định trả thù cho bằng được thiểu số da trắng một thời đã áp đặt những chính sách bất công, phân biệt chủng tộc lên trên số phận của đa số người da đen rồi nước Cộng hòa Nam Phi ngày nay liệu có thể là quốc gia ổn định và phát triển hay không? Chắc chắn là không.” 

Với giọng văn lẫn lộn vừa tự sự vừa bày tỏ tâm tình, anh đã dựng nên hình ảnh Mandela, không như một vĩ nhân, không như một bậc thánh, cũng không như một anh hùng “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, mà như một người sống trong, sống bằng và sống với nghịch cảnh và vượt lên nghịch cảnh để tồn tại và đi tới. Ngoài sự chịu đựng bi kịch chung của đất nước, Mandela còn chịu đựng một bi kịch hoàn toàn cá nhân, bi kịch tình yêu: 

  “Khi còn ở trong tù, Nelson Mandela đã biết vợ mình đang ngoại tình với Dali Mpofu, một luật sư nhỏ hơn bà 27 tuổi. Việc ngoại tình giữa Winnie Mandela và Dali Mpofu còn lén lút kéo dài ngay cả sau khi Mandela được tự do. Bà Winnie gặp Nelson Mandela khi chỉ mới 23 tuổi và Mandela đã gần 40 tuổi. Họ yêu nhau và cưới nhau trong vội vàng. Ba năm sau, Mandela rút vào hoạt động bí mật cho đến ngày bị bắt và vào tù. Winnie Mandela viết trong hồi ký “Tôi có rất ít thời gian để yêu chồng”. Khi biết vợ ngoại tình, Mandela dĩ nhiên đau xót nhưng cảm thông và tha thứ. Ông chỉ viết thư yêu cầu bà Winnie đưa tình nhân ra khỏi nhà.” (Bước đường dài đến tự do của Nelson Mandela).

  Viết về nhân vật này, Trần Trung Đạo dường như có ý thả lỏng ngòi bút của mình, tự do bay nhảy trong thế giới suy gẫm và cảm xúc cá nhân. Rốt cuộc, theo anh, một trong những thành tựu lớn nhất của Mandela, chính là sự hòa giải: hoà giải với xã hội, với đất nước, với kẻ thù và với chính mình.      

        “Người kêu gọi hòa giải trước hết phải hòa giải được với chính mình, nếu không, đó chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền chính trị được dùng để lừa gạt người khác. Nelson Mandela đã hòa giải được với một Nelson Mandela trong lòng chất chứa hận thù chủng tộc, với một Nelson Mandela từng chủ trương khởi nghĩa võ trang như con đường duy nhất để xóa bỏ ách thống trị của thiểu số da trắng, với một Nelson Mandela 27 năm sống trong xà lim chật hẹp đầy bóng tối, với một Nelson Mandela đang bị vi trùng lao đục phá hai lá phổi, với một Nelson Mandela thân cộng sản, trước khi hòa giải cả đất nước Nam Phi.” (Nelson Mandela và tiến trình hòa giải tại Nam Phi)

 Hiếm có nhận định nào chính xác hơn! 

 Nghĩ đến Nelson Mandela, tôi tự hỏi: biết bao giờ Việt Nam ta mới có được một “nhân cách” lớn lao như thế, để hàn gắn lòng người.

*

Tôi quen với Trần Trung Đạo chỉ một thời gian ngắn sau khi đến định cư ở Boston vào giữa thập niên 1990. Cùng chia xẻ một cái nhìn về đất nước và về cuộc sống, hai chúng tôi sát cánh bên nhau trong hơn hai thập niên vui buồn đủ kiểu, qua nhiều loại sinh hoạt khác nhau: văn hóa, nghệ thuật, chính trị, xã hội, tôn giáo…Tại địa phương và tại nhiều nơi khác. Chúng tôi cũng còn có chung một sở thích: viết. Tuy mỗi người một cách, một người một hướng, nhưng tựu trung, được viết là hạnh phúc. Còn sống là còn viết. Viết là bày tỏ, là nói lên, là gửi gắm, là giữ lại…

Chúc mừng Chính Luận Trần Trung Đạo!

Trần Doãn Nho

(Đầu Xuân Ất Tỵ – 2025)

——————-

[1] Tiểu sử TTĐ, Chính Luận tập I.

[2] Văn Việt