Trần Gia Phụng: Những học thuyết chính trị Hoa Kỳ thời chiến tranh Việt Nam (1946-1975)

Hoa Kỳ ở Bắc Mỹ, Việt Nam ở Đông Nam Á.  Tuy xa xôi, nhưng trong thời gian chiến tranh từ 1946 đến 1954, Hoa Kỳ là nước viện trợ cho Quốc Gia Việt Nam, và sau đó tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam trong chiến tranh 1954-1975. C:\Users\Toronto\Documents\TBD.png

Hoa Kỳ ở Bắc Mỹ – Việt Nam ở Đông Nam Á

Để tìm hiểu vì sao Hoa Kỳ giúp đỡ và viện trợ cho Quốc Gia Việt Nam, rồi Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Viet Nam, và vì sao quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Nam Việt Nam, tốt nhứt là sơ lược lại những học thuyết chính trị đã ảnh hưởng đến dân chúng Hoa Kỳ và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ thời chiến tranh Việt Nam.

1.- HỌC THUYẾT MONROE:  

     HỌC THUYẾT NỀN TẢNG TRƯỚC 1945
https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/d4/James_Monroe_White_House_portrait_1819.jpg

Tổng thống James Monroe (28 tháng 4 năm 1758 – 4 tháng 7 năm 1831)

Sau cuộc cách mạng kỹ nghệ (khoảng 1784-1840), các nước Âu châu đổ xô tìm kiếm thuộc địa tại các châu lục khác, vừa khai thác tài nguyên, vừa tiêu thụ sản phẩm.  Khi các nước Âu châu nhắm đến các nước Mỹ châu, thì tại Hoa Kỳ, tổng thống James Monroe (hai nhiệm kỳ 1817-1825) trình bày ngày 2-12-1823 trước quốc hội Hoa Kỳ rằng các nước Âu châu không nên can thiệp vào nội bộ các nước Mỹ châu, và ngược lại Hoa Kỳ cũng sẽ không can thiệp vào các nước Âu châu, kể cả vấn đề thuộc địa của các nước Âu châu (1). Chủ trương biệt lập nầy về sau được gọi là học thuyết Monroe (Monroe doctrine), tóm gọn trong câu “American Land Belongs in American Hands”. (Châu Mỹ của người Mỹ châu).  

Tuy nhiên, qua thế kỷ 20, dầu Hoa Kỳ biệt lập ở Mỹ châu, nhưng trong việc giao thương với các nước Âu châu, Hoa Kỳ bị địch thủ của các nước mà Hoa Kỳ giao thương, tấn công trong cả hai thế chiến, nên Hoa Kỳ ở thế phải bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ, chống trả các nước đã tấn công các hải thuyền của Hoa Kỳ (2). Vì vậy, Hoa Kỳ tham dự vào cả hai thế chiến.

Trong khi đó, cho đến cuối thế chiến hai, Việt Nam vẫn còn bị Pháp thuộc.  Tuy quân đội Nhật đến Đông Dương càng ngày càng đông từ đầu thập niên 40, nhưng Nhật vẫn duy trì nhà cầm quyền Pháp thuộc ở Đông Dương, vì liên minh với Nhật tại Ân châu là Đức Quốc Xã đang khống chế Pháp, nên Nhật không sợ Pháp phản ứng ở Đông Dương.  Tuy nhiên, ngày 25-8-1944, Paris được giải phóng khỏi tay Đức.  Charles de Gaulle trở về Paris và lập chính phủ lâm thời ngày 10-9-1944.

Khi Nhật bắt đầu yếu thế vào cuối thế chiến, chuẩn bị rút quân về nước, Nhật quan ngại tân chính phủ Pháp ở Paris sẽ ra lệnh cho nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương trở tay chống Nhật, nên bất ngờ, ngày 9-3-1945 quân đội Nhật đảo chánh nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương, tuyên bố trao trả độc lập cho các nước Việt, Miên, Lào.  Tại Việt Nam, vua Bảo Đại (trị vì 1926-1945) mời Trần Trọng Kim lập chính phủ kiểu tây phương ngày 17-4-1945. 

Trước đây, nguồn tin tình báo chống quân Nhật bên trong Đông Dương do người Pháp cung cấp cho đồng minh.  Nay nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương bị Nhật đảo chánh, nguồn tin trên bi tê liệt. Cơ quan OSS (Office of Strategic Services) tức Sở tình báo chiến lược Hoa Kỳ muốn tìm một nguồn tin mới, nhưng OSS không liên hệ với các đảng phái Việt Nam theo chủ trương dân tộc vì khi Nhật (địch thủ của Hoa Kỳ) lật đổ Pháp (đồng minh của Hoa Kỳ) tại Đông Dương ngày 9-3-1945, Nhật giúp vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim, nên OSS quan ngại những đảng phái Việt Nam ở trong nước theo chủ trương dân tộc chống Pháp, nếu không thân Nhật, thì cũng không chống Nhật.

Trong khi đó, mặt trận Việt Minh do đảng Cộng Sản Đương điều khiển, theo Liên Xô, mà Liên Xô nằm trong khối đồng minh chống khối trục (Đức, Ý, Nhật).  Vì vậy, cơ quan OSS cho rằng Việt Minh cũng chống Nhật, nên quyết định hợp tác với Việt Minh và Hồ Chí Minh, để Việt Minh cung cấp tin tức tình báo chống Nhật bên trong Đông Dương, mặc dầu OSS biết Hồ Chí Minh là đảng viên cộng sản (3)  

Cơ quan OSS huấn luyện cán bộ Việt Minh để chống Nhật, nhưng sau khi huấn luyện xong toán Việt Minh nầy, thì quân đội Nhật đầu hàng ngày 14-8-1945, toán Việt Minh hết công việc với phía OSS Hoa Kỳ.  Hồ Chí Minh và Việt Minh nhờ hợp tác với cơ quan tình báo OSS, nên sớm biết tin Nhật đầu hàng, liền sử dụng toán quân đã được OSS huấn luyện, cướp chính quyền vào cuối tháng 8-1945, và ra mắt chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hà Nội ngày 2-9-1945.

Lúc đó, có thể do ảnh hưởng của học thuyết Monroe, Hoa Kỳ chủ trương biệt lập, không can thiệp váo công việc nội bộ của các nước khác, kể cả vấn đề thuộc địa, và cũng có thể do Hoa Kỳ tôn trọng tối hậu thư Potsdam gởi cho Nhật ngày 26-7-1945, giao cho Anh và Trung Hoa Dân Quốc phụ trách giải giới quân đội Nhật ở Đông Dương, nên sau buổi lễ Hồ Chí Minh ra mắt chính phủ tại Hà Nội ngày 2-9-1945, thiếu tá Archimedes Patti cùng toán OSS Hoa Kỳ liền rời khỏi Việt Nam.  

Xin chú ý là cả hai thế chiến đều diễn ra ở bên ngoài Mỹ châu.  Trong khi các nước Âu châu bị chiến tranh tàn phá, kinh tế suy sụp, thì bản địa Hoa Kỳ hoàn toàn không bị thiệt hại.  Nền kinh tế Hoa Kỳ có cơ hội phát triển, gia tăng sản phẩm để cung ứng cho nhu cầu các nước Âu châu.  Từ đó, Hoa Kỳ trở thành cường quốc phồn thịnh nhứt thế giới sau thế chiến thứ hai.

2.- HỌC THUYẾT McCARTHY:  CHỐNG CỘNG TRIỆT ĐỂ

Sau thế chiến thứ hai (1939-1945), ngoài các nước miền đông châu Âu bị Liên Xô áp đặt chế độ cộng sản (Bulgaria, Checoslovaquia, Hungary, Poland, Romania, Ukraina…), thì tại miền đông châu Á, ba chế độ cộng sản xuất hiện là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (2-9-1945), Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, còn gọi là Bắc Triều Tiên hay Bắc Hàn (9-9-1949), và Cộng Hỏa Nhân Dân Trung Hoa (1-10-1949).


https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/8/8b/Joseph_McCarthy_adjusted.jpg

Joseph Raymond McCarthy (14/11/1908 – 2/5/1957)
(Thượng nghị sĩ tiểu bang Wisconsin từ 1947 đến 1957)

Trước sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới, nhứt là tại châu Á, dân chúng Hoa Kỳ quan ngại chủ nghĩa cộng sản có thể xâm nhập vào xã hội Hoa Kỳ.  Vì vậy, tại Hoa Kỳ sau thế chiến thứ hai, phong trào chống cộng càng ngày càng lên cao.  Tháng 2-1950 tại quốc hội Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa là Joseph Raymond McCarthy (1908-1957), bang Wisconcin, đưa ra chủ trương chống cộng triệt để, thịnh hành đến nỗi được gọi là McCarthyism.

Chiến tranh Việt Minh-Pháp bùng nổ tối 19-12-1946, nhưng Hoa Kỳ không giúp Pháp, có thể dân chúng Hoa Kỳ còn bị ảnh hưởng của học thuyết biệt lập Monroe.  Mãi cho đến khi học thuyết McCarthy xuất hiện tại Hoa Kỳ vào tháng 2-1950 và ảnh hưởng đến dư luận Hoa Kỳ, thì ngày 1-5-1950, tổng thống Hoa Kỳ là Harry Truman mới quyết định viện trợ Đông Dương 10 triệu Mỹ kim về quân phí, và 750,000 Mỹ kim về kinh tế (4)

Bắc Triều Tiên xâm lăng Nam Triều Tiên ngày 25-6-1950.  Nam Triều Tiên cầu cứu Liên Hiệp Quốc.  Ngày 7-7-1950, Liên Hiệp Quốc thành lập bộ tư lệnh liên quân do đại tướng Douglas MacArthur (Hoa Kỳ) làm tư lệnh, trong đó thành phần chủ lực là quân đội Hoa Kỳ.  Phản ứng của Hoa Kỳ trong vụ nầy cho thấy lúc đó học thuyết McCarthy rất thịnh hành ở Hoa Kỳ, thúc đẩy Hoa Kỳ chống cộng ở bên ngoài Hoa Kỳ để ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới.

Cũng trong năm 1950, Hoa Kỳ gởi phái đoàn “Military Assistance and Advisory Group” (MAAG), tức phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ đầu tiên gồm 35 người đến Việt Nam ngày 30-8-1950 để huấn luyện quân đội Quốc Gia Việt Nam sử dụng võ khí Hoa Kỳ (5). Ngày 23-12-1950, Hoa Kỳ ký thỏa ước viện trợ và phòng thủ hỗ tương với Pháp và Quốc Gia Việt Nam, Cambodia và Lào.  Sau đó, số viện trợ năm 1951 tăng lên đến nửa triệu Mỹ kim (6). Do việc Hoa Kỳ càng ngày càng quan tâm đến tình hình Việt Nam, đài phát thanh Voice of America (VOA) bằng tiếng Việt bắt đầu từ 1-3-1951, tức đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, hoạt động hàng ngày cho đến ngày nay.

Như thế, học thuyết chống cộng triệt để McCarthyism xuất hiện tháng 2-1950, ảnh hưởng khá mạnh đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và đưa Hoa Kỳ dần dần can thiệp vào Việt Nam.

3.- HỌC THUYẾT DOMINO:  NGĂN CHẬN CỘNG SẢN

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/6/63/Dwight_D._Eisenhower%2C_official_photo_portrait%2C_May_29%2C_1959.jpg/220px-Dwight_D._Eisenhower%2C_official_photo_portrait%2C_May_29%2C_1959.jpg

Tổng thống Dwight Eisenhower (14/10/1890 – 28/3/1969)

Bổ sung thêm vào McCarthyism là học thuyết domino (domino theory), do tổng thống Dwight Eisenhower (hai nhiệm kỳ 1953-1961) đưa ra vào tháng 4-1954.  Học thuyết nầy cho rằng khi một nước bị cộng sản xâm chiếm, thì các nước lân bang sẽ bị cộng sản đe dọa và có thể sẽ dần dần bị lọt vào tay cộng sản, như một quân cờ domino sụp đổ, thì các quân cờ domino khác cũng sẽ sụp theo.  

Vì vậy theo học thuyết nầy, Hoa Kỳ chủ trương giúp đỡ các nước trên thế giới bị cộng sản đe dọa, để ngăn chận làn sóng bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á.

Sau hiệp định Genève về Đông Dương ngày 20-7-1954, Hoa Kỳ vận động ký kết Southeast Asia Collective Defence Treaty (Hiệp ước Hỗ tương Phòng thủ Đông Nam Á) tại Manila, Philippines, ngày 8-9-1954, thành lập tổ chức Southeast Asia Treaty Organization, viết tắt là SEATO (Tổ chức Liên Phòng Đông Nam Á) nhằm ngăn chận sự bành trướng của cộng sản xuống các nước ở đông nam châu Á.  

Tổ chức SEATO gồm các nước (thứ tự ABC) Australia, France, New Zealand, Pakistan, Philippines, Thailand, United Kingdom (Vương Quốc Liên Hiệp Anh), và United States of America (USA), trong đó chỉ có hai nước thực sự nằm ở Đông Nam Á là Philippines (Phi Luật Tân) và Thailand (Thái Lan).  

Các nước Đông Nam Á khác như Malaysia (Mã Lai Á) được khối Commonwealth (Liên Hiệp Anh) giúp đỡ, Indonesia (Nam Dương) và Birmania (hay Myanmar) tức Miến Điện, theo khối “không liên kết”.  

Riêng Quốc Gia Việt Nam, Cambodia và Lào bị ràng buộc vào điều 19 chương 3 của hiệp định Genève (20-7-1954) (7), nên ba nước nầy không tham gia Hiệp ước Hỗ tương Phòng thủ Đông Nam Á, mà được sắp vào nhóm lãnh thổ được bảo vệ trong phần phụ bản của hiệp ước nầy. 

Dựa vào phụ bản trên, từ năm 1954, Hoa Kỳ tích cực giúp Quốc Gia Việt Nam giải quyết những vấn đề hậu chiến, quan trọng nhứt là: 1) Thực hiện cuộc di cư khoảng gần 900,000 người Việt từ bắc vào nam.  2) Thay Pháp viện trợ cho Quốc Gia Việt Nam.  3) Giúp thủ tướng Ngô Đình Diệm ổn định tình hình Nam Việt Nam, dẹp yên cuộc chống đối của các phe phái thân Pháp.  4) Giúp tổng thống Ngô Đình Diệm xây dựng chính thể Việt Nam Cộng Hòa theo tổng thống chế kiểu Hoa Kỳ.

4)   HỌC THUYẾT ĐỊA LÝ CHÍNH TRỊ:  

      XÁC ĐỊNH ĐỊCH THỦ THỰC SỰ CỦA HOA KỲ

Trong khi chiến tranh ở Việt Nam càng ngày càng ác liệt, tháng 10-1962 Hoa Kỳ phát hiện Liên Xô bí mật giúp Cuba thiết lập dàn hỏa tiễn nhắm vào Hoa Kỳ, làm cho dân chúng Hoa Kỳ rất quan ngại.  Cuba là một quốc gia hải đảo nằm trong vùng biển Caribbe. ở phía nam tiểu bang Florida của Hoa Kỳ.  

Sau đó ngày 16-10-1964, Cộng Hòa Nhận Dân Trung Hoa thử nghiệm thành công bom nguyên tử, và trở thành cường quốc có bom nguyên tử thứ năm trên thế giới sau Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, Pháp.  Sự kiện nầy lại càng làm cho dân chúng Hoa Kỳ lo lắng về hiểm họa cộng sản.

Có thể vì sự quan ngại nầy, năm 1965, Hoa Kỳ bắt đầu đem quân giúp Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ chủ trương chiến tranh giới hạn, không đưa bộ binh tấn công Bắc Việt Nam như đã từng “đánh bắc thủ nam” ở Nam Triều Tiên.

Chiến tranh ở Việt Nam càng ngày càng ác liệt.  Phong trào phản đối chiến tranh  bùng nổ dữ dội, nhứt là ở Âu châu.  Riêng tại Hoa Kỳ, sinh viên và những gia đình có thân nhân nhập ngũ theo nghĩa vụ quân sự được gởi qua Việt Nam chiến đấu, nổi lên tổ chức và tham gia những cuộc biểu tình phản chiến mạnh mẽ.  

Lúc đó, giới chính trị gia và các wise men (8) Hoa Kỳ thảo luận trở lại học thuyết “geopolitics” (địa lý chính trị) đã xuất hiện tại Âu châu vào đầu thế kỷ 20.  Từ ngữ “geopolitics” do một người Thuỵ Điển đưa ra, là giáo sư tiến sĩ Johan Rudolf Kjellén (1864-1922).

undefined

Giáo sư Johan Rudolf Kjellén (13/6/1864– 14/11/1922)

Các chính trị gia và các wise men Hoa Kỳ cho rằng chiến tranh chống Bắc Việt Nam không quan trọng bằng việc bang giao với các chế độ cộng sản Liên Xô và Trung Hoa, là hai cường quốc có võ khí nguyên tử, có thể tấn công và tàn phá Hoa Kỳ từ xa (9), và nhứt là ảnh hưởng của hai nước nầy đối với các nước cộng sản và  các nước trong khối thứ ba trên thế giới.

Trong khi đó, tại Liên Xô, sau khi Joseph Stalin chết ngày 5-3-1953, tân bí thư thứ nhứt đảng cộng sản Liên Xô là Nikita Khrushchev đưa ra chủ trương “chung sống hòa bình” (peaceful coexistence) giữa các nước không cùng chế độ chính trị.  Chủ trương nầy gây phản ứng mạnh mẽ về phía Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.  Lúc đầu, chỉ là lời qua tiếng lại giữa hai đảng cộng sản, sau đó giữa hai nhà nước cộng sản, và cuối cùng hai nước thực sự đánh nhau dọc biên giới vùng đông bắc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, trên sông Ussuri (Ô Tô Lý) vào tháng 3-1969.

Từ nay, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tự xem có hai kẻ thù là Hoa Kỳ và Liên Xô, trong đó về địa chính trị, Liên Xô ở gần Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nên nguy hiểm hơn Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ ở xa Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, cách nhau một đại dương.  Vì vậy Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa kiếm cách bắt tay với Hoa Kỳ để cân bằng với Liên Xô.  

Hoa Kỳ cũng muốn liên lạc với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, vừa gây chia rẽ giữa hai cường quốc cộng sản, vừa có thể nhờ nước nầy giúp Hoa Kỳ giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam, nhằm làm yên lòng giới phản chiến tại Hoa Kỳ.

5)  HỌC THUYẾT NIXON: 

     VIỆN TRỢ – KHÔNG VIỆN QUÂN

Richard Nixon là phó tổng thống Hoa Kỳ thời tổng thống Dwight D. Eisenhower từ 1953 đến 1961.  Sau khi Dwight D. Eisenhower mãn nhiệm, Nixon ứng cử tổng thống năm 1960 nhưng thất bại trước John F. Kennedy.  Tổng thống Kennedy bị sát hại năm 1963, phó tổng thống Lyndon Johnson lên thay.  Johnson đắc cử thêm một nhiệm kỳ, cầm quyền cho đến năm 1968.

Trước cao trào phản chiến trên khắp Hoa Kỳ, tháng 11-1968 Richard Nixon ứng cử tổng thống lần nữa với lời hứa sẽ đem lại “hòa bình trong danh dự” cho Hoa Kỳ và rút quân đội Hoa Kỳ về nước.  Nhờ thế, Nixon đắc cử nhiệm kỳ 1969-1972.
Portrait of Richard M. Nixon, the 37th President of the United States

Tổng thống Richard Nixon (9/1/1913 – 22/4/1994)

Trong một chuyến công du khi mới cầm quyềm, dừng chân tại đảo Guam, ngày 25-7-1969 tổng thống Nixon tuyên bố rằng từ nay Hoa Kỳ sẽ yểm trợ võ khí, quân nhu cho các nước chống phiến loạn, nhưng các nước nầy phải tự lo phần nhân sự để tự bảo vệ mình, và Hoa Kỳ không gởi quân Hoa Kỳ đến giúp nữa (10)  

Từ đó, Nixon thi hành kế hoạch “Việt Nam hóa” (vietnamization), giảm thiểu sự tham dự của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam, rút quân đội Hoa Kỳ về nước, cắt giảm viện trợ cho Nam Việt Nam còn mức tối thiểu.  Chủ trương của tổng thống Nixon về sau được gọi là học thuyết Nixon (The Nixon doctrine).  

Trong khi đó từ đầu năm 1975, Liên Xô tăng viện quân sự gấp bốn lần so với trước cho Bắc Việt Nam (11). Kết quả chiến tranh Việt Nam thì ai cũng đã biết.

KẾT LUẬN

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam từ 1946 đến 1975, chính sách của Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam dựa trên nền tảng các học thuyết Monroe (biệt lập), McCarthy (can thiệp), domino (chiến lược toàn cầu), địa lý chính trị (ảnh hưởng đối với Hoa Kỳ), và học thuyết Nixon (rút lui). 

Trong số những học thuyết nầy, chỉ có học thuyết địa lý chính trị (geopolitics) du nhập từ Âu châu nhưng được người Hoa Kỳ ứng dụng để đưa Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến ở Viêt Nam.  

Có thể nói những học thuyết nầy xuất phát từ dân chúng Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến dân chúng Hoa Kỳ, dựa vào đó dân chúng Hoa Kỳ bầu lên chính quyền.  Vì vậy, chính quyền Hoa Kỳ chỉ phục vụ quyền lợi của của dân chúng Hoa Kỳ, nều sai đường sẽ không được dân chúng chọn lựa.  

Như thế, Hoa Kỳ đến Việt Nam hay rời Việt Nam hoàn toàn do Hoa Kỳ chủ động theo quyền lợi của dân chúng Hoa Kỳ, phản ảnh qua những học thuyết chính trị Hoa Kỳ thời chiến tranh Việt Nam.  Hoàn toàn không có chuyện Hoa Kỳ đến Việt Nam vì Hoa Kỳ là “đế quốc Mỹ xâm lược” hay “sen đầm quốc tế”, hay đến Việt Nam để giúp dân tộc Việt Nam chống cộng sản; và cũng không bao giờ có chuyện Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam vì bị cộng sản “đánh cho Mỹ cút”, như cộng sản tuyên truyền.  Cuối cùng, xin tóm gọn lại là quân đội Hoa Kỳ đến hay đi hoàn toàn do quyền lợi của người Hoa Kỳ.

Trần Gia Phụng 

(Trình bày tại Viện Việt Học, California

Ngày 24-3-2024)

—————–

CHÚ THÍCH

  1. United States Department of State, Basic Readings in U.S. Democracy: The Monroe Doctrine -1823.
  2. Khi thế chiến thứ nhứt bùng nổ tại Âu châu vào cuối tháng 7 đầu tháng 8-1914, Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc chiến, chi lo việc giao thương.  Tuy nhiên, khi các thương thuyền Hoa Kỳ bị hải quân Đức tấn công trên biển Manche (giữa Pháp và Anh) và nhứt là khi bản địa Hoa Kỳ bị đe doạ từ phía Mexico, Hoa Kỳ tham chiến ngày 6-4-1917 về phía liên minh chống Đức.  Cuối cùng, khối đế quốc Đức, Áo, Hung thất bại và đầu hàng vào tháng 11-1918.  Thế chiến thứ hai bắt đầu ở Âu châu vào tháng 9-1939 giữa khối trục gồm Đức, Ý và Nhật với khối đồng minh gồm Anh, Pháp, Liên Xô và một số nước nhỏ khác.  Cũng như lần trước, lúc đầu Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc tranh chấp, và vẫn giao thương, trợ giúp các nước Âu châu.  Bất ngờ quân đội Nhật tấn công Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) tại quần đảo Hawaii ngày 7-12-1941, tàn phá hạm đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và giết hơn 2,400 người Hoa Kỳ.  Hawaii lúc đó là một dominion (lãnh thổ tự trị), chưa gia nhập Liên Bang Hoa Kỳ.  Hoa Kỳ liền tuyên chiến với Nhật ngày 8-12-1941, rồi tuyên chiến với Đức và Ý ngày 11-12-1941, tức Hoa Kỳ bắt đầu tham gia thế chiến thứ hai, và gởi quân ngoài giúp các nước đồng minh. (Hawaii trở thành tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ ngày 21-8-1959.)
  3. R. Bartholomew-Feis, The OSS and Ho Chi Minh, Unexpected Allies in the War against Japan, University Press of Kansas, 2006, tt. 154-155.
  4. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, tập B, Houston, Nxb. Văn Hóa, 1997, tr. 79.
  5. Nguyễn Đình Tuyến, Những biến cố lớn trong 30 năm chiến tranh tại Việt Nam, Houston: Nxb. Đại Học Đông Nam, 1995, tr. 18.
  6. Bowman, John S., The Vietnam War Day by Day, New York: Nxb, Mallard Press, 1989, tr. 11. [Theo Google, năm 1953, 1 USD = 35 đồng Đông Dương.][
  7. Nguyên văn điều 19 chương 3 của hiệp định Genève (20-7-1954): “…Hai bên cam đoan rằng vùng thuộc về họ không gia nhập một liên minh quân sự nào và không bị sử dụng để gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược…”
  8. Wise men: Tạm dịch “trưởng lão thông thái”, là những cựu quan chức lãnh đạo cao cấp, thông thái và có uy tín, theo dõi thời sự.  Khi có việc khó xử, tổng thống hay chức sắc Hoa kỳ thường tham khảo ý kiến của các wise men. 
  9. Roger Warner, Shooting at the Moon, Steerforth Press, South Royalton, Vermont, 1996, tt. 333-334.
  10. Xin chú ý, ngày nay Hoa Kỳ viện trợ cho Ukraine chống Liên Bang Nga, nhưng không gởi bộ binh qua giúp Ukraine, có thể do ảnh hưởng của học thuyết Nixon.

Henry Kissinger, Years of Renewal, New York:  Simon & Schuster, 1999, p. 481.