Trần Gia Phụng: Phan Châu Trinh và việc giáo dục
Trong chúng ta, hầu như ai cũng đã từng nghe hai câu thơ đã được phổ nhạc: “Rằng xưa có gã từ quan / Lên non tìm động hoa vàng ngủ say…” Thơ nhạc là chuyện văn chương văn nghệ. Trong đời thường, tại Quảng Nam, cũng có người từ quan, nhưng “không lên non tìm động hoa vàng ngủ say”, mà lại dấn thân hoạt động văn hóa, chính trị. Người đó chính là chí sĩ Phan Châu Trinh, người mà trường chúng ta được hân hạnh mang tên.
Là học sinh trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, chúng ta đã học, đã đọc nhiều về vị chí sĩ nầy. Hôm nay, nhân lễ giỗ thứ 98 của ông, chúng tôi xin nhấn mạnh ba điểm đáng chú ý về ông:
Thứ nhứt, Phan Châu Trinh từ quan năm 1904, hoạt động được bốn năm, thì ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt ở Hà Nội, và bị đày ra hải đảo Côn Lôn năm 1908.
Thứ hai, khi ra đi tranh đấu năm 1904, Phan Châu Trinh chủ trương bất bạo động. Tuy nhiên, khi nói đến bất bạo động, nhiều người lại nhắc đến Mahatma Gandhi ở Ấn Độ. Thực ra, Phan Châu Trinh tranh đấu bất bạo động sớm hơn Gandhi. Vì vây, với nguời Việt chúng ta, Phan Châu Trinh mới đúng là biểu tượng của chủ trương bất bạo động.
Thứ ba, Phan Châu Trinh đề nghị cải cách văn hoá chính trị thẳng đến dân chúng, không thông qua triều đình, nghĩa là bằng hành động cụ thể, Phan Châu Trinh chủ trương đề cao dân chủ ngay từ khi bắt đầu hoạt động.
Trong bốn năm hoạt động, Phan Châu Trinh đã vào Phan Thiết, ra Hà Nội và thăm các tỉnh lân cận, lên Yên Thế (1), qua Trung Hoa và đến Nhật Bản để tìm hiểu tình hình.
Tận mắt nhìn thấy sự tiến bộ và phát triển của Nhật Bản, khi về lại Việt Nam, Phan Châu Trinh diễn thuyết tại Hà Nội năm 1907, đã nhấn mạnh rằng: “Tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào: Không gì bằng học.” (Báo Tiếng Dân, Huế: số 613 năm 1933). Không gì bằng học có nghĩa là trước hết phải lo vấn đề giáo dục quần chúng, tức “giáo dân”, rồi mới tạo điều kiện cho dân làm ăn sinh sống tức “phú dân”. Điều nầy ngược lại kế hoạch trị quốc của Khổng Tử là “phú dân” trước rồi mới “giáo dân” sau. (2)
Nhà cầm quyền Pháp thấy rõ những hoạt động của Phan Châu Trinh tuy bất bạo động, nhưng về lâu về dài nguy hiểm cho sự thống trị của người Pháp. Vì vậy, nhân cuộc biểu tình xin xâu chống thuế của dân chúng Quảng Nam ngày 11-3-1908, thì Pháp bắt Phan Châu Trinh ngày 31-3-1908, dầu lúc đó ông đang ở Hà Nội, chẳng liên hệ gì đến biến cố ở Quảng Nam. Pháp đưa Phan Châu Trinh về Huế, giao cho triều đình Việt Nam xét xử.
Theo lệnh của khâm sứ Pháp ở Trung kỳ, triều đình tuyên án tử hình Phan Châu Trinh. Nhờ hội Nhân Quyền Pháp can thiệp, án tử hình đổi thành án khổ sai chung thân đày Côn Lôn (Côn Đảo). Tiến trình vụ án chỉ diễn ra trong ba tuần, từ 31-3-1908 đến 17-4-1908. Khi ra Côn Lôn, Phan Châu Trinh còn bị cách ly, sống riêng biệt, không bị giam chung với các chính trị phạm khác. (3) Tất cả những điều nầy cho thấy người Pháp rất quan ngại hoạt động của Phan Châu Trinh, nên gấp rút cô lập ông ngoài hải đảo xa xôi.
Hội Nhân Quyền Pháp tiếp tục can thiệp, nên hai năm sau, Phan Châu Trinh ra khỏi tù năm 1910, và bị chỉ định cư trú tại Mỹ Tho (Nam kỳ), thuộc địa do người Pháp cai trị. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người biết tin và thăm viếng ông, nên Pháp đưa Phan Châu Trinh ra khỏi nước, theo phái đoàn dạy Hán văn qua Pháp năm 1911(4), sống trong một xã hội xa lạ, tách ông khỏi hẳn quần chúng Việt Nam.
Đến Pháp, Phan Châu Trinh viết ngay bài “Trung kỳ dân biến thỉ mạt ký”, tố cáo chế độ thực dân hà khắc, khiến dân chúng đói khổ, nổi lên biểu tình chỉ để xin giảm xâu hạ thuế.
Khi thế chiến thứ nhứt (1914-1918) bùng nổ, chính quyền Pháp nghi ngờ Phan Châu Trinh liên lạc với Đức, nên bắt giam ông vào ngục thất La Santé ở Paris tháng 9-1914. Tuy nhiên, vì không có bằng chứng, Pháp trả tự do cho ông vào tháng 7-1915. Thơ văn ông sáng tác trong thời gian ở Pháp góp chung thành Santé thi tập. Ngoài ra, Phan Châu Trinh còn phỏng dịch một trường thiên tiểu thuyết bằng thơ, dài trên 7,000 câu, nhan đề là Giai nhân kỳ ngộ diễn ca. (5)
Cuối cùng già yếu và bệnh tật, Phan Châu Trinh trở về Việt Nam năm 1925. Người Pháp đưa ông về Sài Gòn, vì Sài Gòn là thủ phủ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, do người Pháp trực tiếp cai trị. Sau hai cuộc diễn thuyết ở Sài Gòn, Phan Châu Trinh từ trần ngày 24-3-1926.
Tóm lại, Phan Châu Trinh là một phó bảng Nho học, vận động bãi bỏ cựu học, cổ xuý tân học. Ông hoạt động trong 4 năm (1904-1908) thì khi bị tù và bị đưa ra nước ngoài. Tuy những hoạt động của ông không mang tính bùng nổ vang dội, nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển biến xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Trần Gia Phụng
(Nhân dịp Lễ Giỗ thứ 98 chí sĩ Phan Châu Trinh tại Santa Ana, California do Hội Cựu Học Sinh Trung Học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng tổ chức ngày Thứ Bảy 23-3-2024.)
—————-
CHÚ THÍCH
- Phan Châu Trinh nhờ Ông Ích Đường hướng dẫn lên Yên Thế thăm Hoàng Hoa Thám cuối năm 1905 đầu năm 1906. Ông Ích Đường là con của Ông Ích Kiền, và Kiền là con của Ông Ích Khiêm. Tại Yên Thế, đưới quyền của Hoàng Hoa Thám có Ông Ích Thọ, con của Ông Ích Khiêm với một người vợ Hà Đông và là em củng cha khác mẹ với Ông Ích Kiền, nghĩa là Thọ là chú của Ông Ích Đường. Vì vậy, khi Phan Châu Trinh và Ông Ích Đường đến Yên Thế, Ông Ich Đường đem theo gia phả để Ông Ích Thọ nhận ra bà con (chú-cháu), và giới thiệu hai bên Hoàng Hoa Thám với Phan Châu Trinh. (Theo lời kể của cụ Ông Ích Bật, con của Ông Ích Đường cho người viết tại Đà Nẵng vào cuối thập niên 60 thế kỷ trước.) Nhân câu chuyện nầy, người viết có hỏi cụ Ông Ích Bật về tuổi của Ông Ích Dường qua câu ca dao Quảng Nam: “Cậu Đường mười tám tuổi đầu/ Dẫn dân công ích xin xâu dưới toà.” Cụ Ông Ích Bât cho biết câu nầy không đúng. Cụ Ông Ích Bật theo lời kể của các chú bác trong gia đình, khi Ông Ích Đường bị Pháp xử tử năm 1908, Ông Ích Đường 25 tuổi, và Ông Ich Bật đã được 6 tuổi.
- Khổng Tử, Luận ngữ, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb. Văn Nghệ, California, 1994, thiên 13, tr. 163, có đoan viết như sau: “Khổng Tử tới nước Vệ. Nhiễm Hữu [học trò] đánh xe [xe ngựa]. Khổng Tử nói: “Dân đông nhỉ.” Nhiễm Hữu hỏi: “Dân đông rồi thì phải làm gì thêm nữa?” Đáp: “Làm cho dân giàu”. Hỏi: “Dân đã giàu rồi, phải làm gì thêm nữa?”. Đáp: “Giáo hoá dân.” [Ý nghĩa: “phú dân” trước, “giáo dân” sau.].
- Mời xem Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, Sài Gòn, Nxb. Nam Cường 1951.
- Theo nghị định ngày 31-10-1908, chính phủ Pháp quyết định thành lập ban giảng huấn chữ Hán tại Pháp. Năm 1911, phủ toàn quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục chữ Hán ở Việt Nam qua Pháp, Phan Châu Trinh cùng con là Phan Châu Dật đi trong phái đoàn nầy.
- Giai nhân kỳ ngộ diễn ca nguuyên gốc là một tiểu thuyết Nhật Bản, được Lương Khải Siêu (Trung Hoa) dịch qua Hán văn bằng văn xuôi. Phan Châu Trinh theo bản dịch của Lương Khải Siêu, viết lại câu chuyện bằng thơ lục bát, dài trên 7.000 câu. Tác giả Lê Văn Siêu ấn hành tác phẩm nầy tại Sài Gòn năm 1958.