Trần Lệ Bình: Nhân dịp 49 năm 30-4-75
Theo sự hiểu biết thiển cận của tôi, hai chữ “giải phóng” có nghĩa là, được giải thoát khỏi một sự gì hoặc giải thoát khỏi một cái gì đó. Liên tưởng tới sự kiện 30-4-1975, với những gì xảy ra trong gia đình chúng tôi, và điều bản thân tôi đã từng trải, khiến tôi luôn đi tìm giải đáp cho câu hỏi: Miền Bắc và miền Nam, ai đã giải phóng ai? Và giải phóng khỏi cái gì?
Hai chữ “họ hàng” sau sự kiện 30-4 -75 đã có thêm một nghĩa mới : miền Nam đi tìm họ, miền Bắc đi tìm hàng. Hằng ngày ngùn ngụt đám dân Bắc vào Nam, và khi quay ra, trên tàu hỏa và tàu thủy chất đầy những thứ hàng mà nhiều người Bắc lúc đó chưa nhìn thấy bao giờ. Tivi trắng đen tivi màu, tủ lạnh tủ đá đủ cỡ, xe máy các kiểu, máy dệt len gọn nhẹ, những dàn máy nhạc Akai, máy cassette. Kể cả những rổ rá, xô thùng chạu bằng nhựa đủ màu sắc… Ai cũng tấm tắc khen: “Ôi, sao đẹp thế !”
Anh cả và anh hai của chồng tôi vào Sài Gòn từ trước năm 54, một anh là hoa tiêu và một anh là thuyền trưởng làm việc tại cảng Sài Gòn. Sau khi Sài Gòn bị tiếp quản, để đảm bảo cho hoạt động ở cảng, và nhất là nhu cầu rất lớn cho sự đi lại bằng tàu thủy giữa Sài Gòn và Hải Phòng, rất cần những người có kinh nghiệm để hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng an toàn. Nên theo yêu cầu của Ban Quân Quản lúc đó, hai anh phải tiếp tục làm việc tại cảng, may không bị đi học tập cải tạo.
Khi được phép là các anh đã đón ngay bố vào Sài Gòn. Trong cuộc cải tạo tư sản ở miền Bắc, nhà máy, cửa hàng, nhà cửa của gia đình bị tịch thu, và ông chủ tư sản là bố chồng tôi bắt buộc phải đi làm công nhân trong nhà máy gạch. Cụ bị máy cán mất một chân, từ đó mấy chục năm cụ chỉ toàn chống nạng. Sau bao năm gặp lại, các anh ôm bố khóc nức nở như đứa trẻ. Ngay lập tức, các anh đưa bố đi làm chân giả. Ông chủ cửa hàng chân giả đã biếu không cho bố hai chiếc để cụ thay nhau. Ông nói: “Mai mốt rồi cửa hàng tôi sẽ bị đóng, và những chiếc chân này rồi sẽ vào sọt rác thôi.” Chỉ đúng tuần sau cửa hàng ông bị tịch thu. Khi thấy cụ sau bao năm đã bỏ được chiếc nạng khốn khổ, có thế đi lại thẳng lưng với chiếc chân giả nhẹ nhàng, trông cụ trẻ ra hàng chục tuổi, không ai có thể cầm nổi nước mắt.
Tất cả anh chị em chúng tôi cũng lần lượt được các anh đón vào Sài Gòn chơi, và được các anh cho xe máy, tivi, tủ lạnh, tủ đá. Trong lúc cả phố chưa nhà nào có tủ lạnh, với chiếc tủ đá chúng tôi làm đá bán để thêm thu nhập. Cô em được chiếc máy dệt gọn nhẹ, và cô có thể làm gia công dệt áo thêm đồng ra đồng vào. Cảm giác lúc đó của chúng tôi khi nhận những món qùa nhìn thấy lần đầu là: sững sờ không tin vào mắt mình, và rồi sung sướng đến không sao tả xiết. Cái mà khiến chúng tôi mê li nhất là dàn máy Akai với cả bộ thùng loa mà chúng tôi chưa bao giờ được biết đến.
Tối tối mỗi khi có điện, đám bạn đến đầy nhà để nghe bài nhạc Pháp: “Bang Bang”. Khi đó chúng tôi chẳng biết tên bài hát là gì, tác giả và ca sĩ đang hát là ai. Sau đoạn lời tếng Pháp mà chúng tôi mù tịt, thật may cô ca sĩ hát cả tiếng Việt, nên chúng tôi cũng hiểu mập mờ nội dung bài hát. Khi sống trong cảnh cả ngày chỉ nghe đài phát thanh phát ra những bài hát như thét như gào ‘bang bang, không cho chúng nó thoát,không cho chúng nó thoát…’ quen tai, bây giờ được nghe hai tiếng ‘ bang bang’ với âm điệu du dương đến mê hồn, khiến chúng tôi không ngờ trên đời này lại có những loại nhạc làm lay động lòng người đến như vậy.
Khi xưa đôi ta bé ta chơi
Đôi ta chơi bắn súng khơi khơi
Chơi công an đi bắt quân gian
Hiên ngang anh giơ súng ngay tim: Bang! bang!
Anh bắn ngay em: Bang! bang!
Em ngã trên sân: bang! bang!
Tiếng súng khi xưa:bang!bang!
Ta sẽ không quên bao giờ ….
Đôi ta theo nhau lớn lên mau
Đôi ta luôn thân thiết bên nhau
Ta yêu nhau như lũ bé con
Nhưng anh ham chơi bắt nhau luôn: bang! bang!
Anh thích lăng quăng: bang! bang!
Em cũng theo anh: bang! bang!
Tiếng súng khi xưa: bang! bang!
Ta sẽ không quên bao giờ…
Đám con gái đàn bà chúng tôi cứ như bị thôi miên, ôi sao nhạc du dương đến mê hồn, hai tiếng “bang bang” êm dịu, ngọt ngào, đằm thắm như nụ hôn ban đầu.
Không chỉ riêng nhà tôi, mà cả phố Hàng Bông Hà Nội như được thay hình đổi dạng. Tất cả các cửa hàng bày la liệt hàng từ trong Nam buôn ra, muôn màu muôn vẻ, dân chúng đến ngắm như chảy hội.
Gia đình chồng tôi bị kết tội là nhà tư sản, nên ngôi nhà duy nhất còn lại, do mồ hôi công sức bố mẹ làm nên, cũng bị liệt vào diện tịch thu. May có mấy người làm chứng, vì bố đã dấu mấy anh Việt Minh trong nhà khỏi bị lính Pháp bắt, nên gia đình vẫn được sống ở phần trong của nhà đó, còn phần cửa hàng mặt phố thuộc về nhà nước cho thuê.
Bà chủ thuê cửa hàng trước đó chỉ bầy bán giây điện, bóng đèn linh tinh. Sau 30-4, bà bán các máy dàn nhạc, cassette cũ từ trong Nam buôn ra. Cứ mỗi khi có điện, là con cái bà mở nhạc Abba vang ầm cả phố. Dù cho nắng mùa hè nóng chảy mỡ, nhưng tiếng hát vẫn cứ véo von: “Happy New Year, Happy New Year…” Bà chủ mồ hôi dòng dòng trên trán, nói với các con, mà ngoại ngữ cũng mù tịt như bà, rằng: “Chẳng biểt nó hát gì, nhưng nghe cũng hay hay.”
Tôi đi chợ đầu phố Hàng Da, chị bán rau cứ mời chào: “Em ơi, mua mướp tươi đi, chị sẽ gọt vỏ cho.” Nghe vậy tôi bèn ngồi xuống trước gánh rau của chị. Tôi rất ngại gọt vỏ qủa mướp, dù dao có sắc mấy, khi gọt vẫn bị nham nhở và mất sâu phần thịt. Vì vậy người bán cũng chẳng bao giờ gọt hộ người mua. Lúc này chị cầm trong tay chiếc dao gọt tôi chưa thấy bao giờ, tay chị lướt nhẹ nhàng từ trên xuống dưới quả mướp, vỏ mỏng như tờ giấy cứ đều đều chui từ giữa kẽ dao rơi xuống vẫn đúng chiều dài của qủa mướp. Chỉ trong tích tắc, qủa mướp hết vỏ vẫn tròn trịa như nguyên. Với nét mặt thật sung sướng chị nói: “Cái thứ dao của bọn ngụy hay thật.” Mấy chị đang đứng chờ mua cũng xen vào: “Thế đấy, cái dao đơn giản và thuận tiện thế mà miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng không làm nổi…”
Và trên đường người ta cũng chứng kiến những anh bộ đội được về nhà, khi bước ra khỏi tàu Thống Nhất, trên lưng ba lô căng đầy và trong tay ôm con búp bê mắt to mặc váy đầm đẹp tuyệt về làm qùa cho con. Ngay cả những đồ chơi cho thiếu nhi của ‘bọn ngụy’ mà sao cũng đẹp tuyệt, đã là những câu cửa miệng của mọi người.
Như vậy là, sau 30-4-75, dân của thủ đô Hà Nội đã được tiếp cận văn minh tủ lạnh, đã được biết trên thế giới này, ngoài nhạc cách mạng Việt Nam, còn có thứ nhạc hay đến thôi miên con người đến chừng nào. Và nhờ con dao đơn giản made in Sài Gòn mà chị hàng rau cảm thấy sung sướng vì bán được nhiều hàng hơn.
Thật may cho chúng tôi, sau khi nhận qùa của các anh cho không lâu, thì nhà các anh cũng bị quân quản đến khám, tất cả những gì còn lại trong kho bị tịch thu hết. Nhà to của các anh, kể cả phần có bể bơi cũng bị trưng thu mất một nửa. Khi những ‘chuyên gia’ Nga xuất hiện tại cảng Sài Gòn, biết là khi kẻ thắng không cần đến mình nữa, rồi cũng sẽ bị vào tù, các anh đã bắt buộc phải ra đi. Các anh phải bí mật ra đi, chia tay không lời chào với người cha sau bao năm mới gặp lại, và rồi chưa biết có được gặp lại nhau nữa không. Lần đầu tiên tôi thấy bố chồng khóc, nước mắt dàn dụa, và từ đó nụ cười đã biến khỏi trên khuân mặt nhăn nheo của cụ, còn lại chỉ là những vết hằn của nỗi đau vô tận.
Sau vài tháng 30-4-75, là một làn sóng di cư ầm ầm từ Bắc vào Nam của những gia đình cán bộ cách mạng vào tiếp quản những vila, căn nhà lớn nhỏ của những kẻ thua cuộc, và họ tận hưởng trong niềm vui với những chiến lợi phẩm mà họ giành được.
Tất cả những gì tôi kể trên là sự thật trăm phần trăm. Và cũng chính bởi vậy, nên khiến tôi cứ đi tìm giải đáp cho câu hỏi: Sự kiện 30-4-75, miền Bắc và miền Nam, ai đã giải phóng ai? Và giải phóng khỏi cái gì? Một sự thật mà bất kỳ ai còn có lòng trung thực đều không thể phủ nhận là: 30-4-75 đã giải phóng miền Bắc khỏi sự nghèo nàn lạc hậu, đã cho dân Bắc được tiếp cận tới sự văn minh của nhân loại.
Trần Lệ Bình