Trần Lê Bình: Trung Quốc – Cường quốc khẩu hiệu

Bìa chính của sách : Khẩu hiệu và Trung Quốc. Bìa sau cuốn sách.

Tôi có trong tay cuốn sách “Khẩu hiệu và Trung Quốc” của hai tác giả Trung Quốc  Chương văn Hòa, Lý Diệm. Cuốn sách hết sức lý thú, nên muốn chia sẻ với các bạn.

Trước hết xin trích một phần lời tác giả ghi sau bìa sách: “Người Trung Quốc thích hô khẩu hiệu và vẽ bản thiết kế. Nước cộng hòa trẻ của chúng ta chính là từ những tiếng vang của khẩu hiệu mà đã bước ra khỏi hôm qua và tiến tới tương lai. Mỗi một câu khẩu hiệu là một đoạn lịch sử không thể quên. Trung Quốc dưới những khẩu hiệu đó, vang lên những bài ca chiến thắng, hoặc điên cuồng động loạn, hoặc tái tạo huy hoàng. Mỗi một câu khẩu hiệu, đều là những đoạn nhân sinh khắc cốt ghi tâm. Người Trung Quốc dưới những khẩu hiệu đó, hoặc tự hào, hoặc tự phụ, hoặc tự sám hối. Từ đó, mỗi một câu khẩu hiệu, đã trở thành những bức tranh tường được khắc họa bằng dao và búa, được khắc vào những hòn đá tảng trải trên con đường của lịch sử, trường tồn cùng thời gian và không gian.”

Cuốn sách 513 trang ghi lại những khẩu hiệu và sự kiện cụ thể đã diễn ra ở Trung Quốc  theo năm tháng. Tôi chỉ xin tóm tắt theo thời gian, các khẩu hiệu của thời kỳ đó và hệ quả của những khẩu hiệu đó.

***

1949 Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời.

Khẩu hiệu chính của thời kỳ đó là:

Trái đất rung chuyển, bầu trời rực lửa.

Người khổng lồ, nhân đân Trung Quốc đã vùng dậy, cắm ngọn cờ hồng trên đất Á châu.

Đông phương hồng, mặt trời lên, Trung Quốc cho ra một Mao Trạch Đông.

Ủng hộ lãnh tụ của nhân dân Mao Trạch Đông.

Đi dưới ngọn cờ của Mao Trạch Đông.

Chung sức xây dựng nước Trung Hoa mới.

Cộng hòa nhân dân Trung hoa vạn tuế.

1950-1956 Công cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo tư bản tư doanh.

Khẩu hiệu chính của thời kỳ đó là:

Đả đảo địa chủ cường hào.

Kẻ bóc lột phải đền tội.

Người cày có ruộng, nông dân làm chủ.

Triệt để tiêu diệt giai cấp bóc lột.

Tiêu diệt tư hữu. Tiêu diệt giai cấp. Nhân tâm hoan lạc.

Cống hiến tài sản kiến thiết nước nhà xã hội chủ nghĩa.

Công tư hợp doanh, kiến thiết nước nhà.

Đánh trống gõ chiêng, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

– Trong giai đoạn cải cách ruộng đất, cải tạo tư bản tư doanh đó, những người bị kết là địa chủ, phú nông, và bọn tư sản… không những bị cướp hết nhà cửa tài sản, mà còn mất cả mạng sống. Chính Chu Ân Lai đã công nhận nạn nhân chết trong giai đoạn đó là 83 vạn, các học giả chuyên môn cho rằng con số đó phải là từ 100-500 vạn. Chỉ trong 4 tháng cải tạo tư sản đã có hơn 800 ông chủ tư sản nhảy lầu chết, và con số nạn nhân khác không ai thống kê nổi.

1956-1960 Phong trào trăm hoa đua nở, trăm nhà tranh tiếng.

Khẩu hiệu chính của thời kỳ đó là:

Nhất ngôn đường ( một tiếng nói ) không phải việc hay.

Một bông hoa nở chẳng phải xuân, trăm hoa đua nở xuân đầy vườn.

Trăm hoa đua nở, trăm nhà tranh minh.

Thúc đẩy sự phát triển của văn hóa nghệ thuật và khoa học kỹ thuật.

Cổ vũ lên tiếng.

Có hoa thơm, ắt có cỏ độc.

Người thắng cuộc không chấp nhận lời chỉ trích. (lời của Mao )

Nhử rắn ra khỏi hang, để chúng lộ chân tướng.

Không thể khoan nhượng với kẻ thù.

– Sau cuộc cải cách ruộng đất , cải tạo tư bản tư doanh đẫm máu, gây nên sư bất bình trong dân. Nhất là trong giới trí thức, họ bắt đầu phản ứng qua văn chương một cách kín đáo. Mao đã đưa ra phong trào “ Trăm hoa đua nở, trăm nhà tranh tiếng”, kêu gọi trí thức mạnh dạn đưa ra chính kiến của mình. Họ đã tin lời của Mao, các giáo sư viết bài đăng báo, chỉ ra những sai lầm của việc xóa tư hữu, các nhà văn đã viết sách nói về sự chết oan của những người địa chủ…Thế rồi “có hoa thơm, ắt có cỏ độc”. “ Nhử rắn ra khỏi hang…” Họ đã bị vào tròng, cả nước hơn 300 vạn người bị kết tội phần tử phái hữu phản động, bị đưa đi trại cải tạo. Trong đó hàng vạn người đã biệt vô âm tín. Từ đó cũng đã xuất hiện những loại ngạn ngữ dân gian như : Tin vào đảng cộng sản, không có hậu qủa lành; đi theo đảng cống sản, cả nhà vào lò thiêu.

相信共产党,没有好下场;跟着共产党,全家火葬场。

1958- 1960 Cuộc đại nhảy vọt để tiến nhanh lên thiên đường cộng sản chủ nghĩa.

Khẩu hiệu chính cuả thời kỳ đó là:

Cố mang hết sức, vượt lên hàng đầu, nhanh nhiều tốt rẻ, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Một ngày bằng 20 năm, thiên đường cộng sản ngay trước mặt.

Kiến thức càng nhiều càng phản động.

Người gan to bao nhiêu, đất sẽ ra sản lượng bấy nhiêu.

Ba năm vượt Anh, năm năm kịp Mỹ.

Đua tốc độ với tên lửa, đọ chiều cao với nhật nguyệt.

Trên trời không có Ngọc hoàng, dưới biển không có Long vương, hô mưa gọi gió chính là ta.

Ăn cơm không mất tiền, là thiên đường cộng sản.

Xã hội cũ biến người thành qủy, xã hội mới biến qủy thành người.

Ăn cắp có lý, ăn cướp vô tội, tinh thần kẻ cướp của cách mạng vạn vạn tuế.

Bếp ăn tập thể là nhà, cuộc sống phải tập thể hóa.

Công xã nhân dân là cái cầu vàng, đưa ta lên thiên đường cộng sản chủ nghĩa.

– Với những khẩu hiệu này, Mao phát động phong trào “đại nhảy vọt” phát triển công nghiệp, phong trào “công xã nhân dân” cho nông thôn, để đưa Trung Quốc  nhanh chóng tiến lên cộng sản chủ nghĩa. Tòan dân tham gia xây lò luyện thép, tất cả vách tường nơi công cộng đều bị phá để lấy gạch xây lò. Trường học, bệnh viện, khu phố, chỗ nào cũng bắt buộc phải có lò, thày trò, y bác sĩ, bộ đội đến các bà nội trợ đều là công nhân luyện thép. Nồi niêu xong chảo, bát đĩa…tất cà những gì bằng gang sắt đều phải nộp cho vào lò để luyện thép. Để rồi những lò luyện thép kiểu thời nguyên thủy sản xuất ra chỉ là “ những đống cứt trâu” .

Một xã hội không cửa hàng, không chợ búa. Cấm không được phép nấu ăn tại nhà, những ai đi làm sẽ vào bếp tập thể nhận xuất ăn và bắt ăn tại chỗ nơi làm việc. Con cái ăn theo bố, đến nơi bố làm việc nhận chỉ một bữa ăn cho một ngày. Nếu bố ốm nghỉ ngày nào là cả bố lẫn con mất ăn ngày đó.

Tất cả nông dân trẻ khoẻ đều bị bắt đi xây lò luyện thép, còn lại chỉ là nông dân già yếu, nghe gõ kẻng vác cuốc ra cánh đồng tan tác, tối về nhận bát cháo của công xã cho. Ai không còn đủ sức ra đồng, không làm thì không có ăn.

Kết qủa là liên tiếp ba năm mất mùa, kho trữ gạo nhà nước cạn kiệt, cả nước phải đổ cả thóc giống ra ăn. Số người chết đói thống kê thấp nhất cũng trên 15 triệu.

1966- 1976 Cuộc đại cách mạng văn hóa vô sản long trời lở đất.

Khẩu hiệu chính của thời kỳ đó là:

Cha thân mẹ thân, sao thân bằng Mao chủ tịch.

Mao chủ tịch vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.

Quyét sạch lũ quỷ quái . Tiêu diệt bọn chủ nghĩa xét lại.

Thiên hạ đại loạn, đạt tới thiên hạ đại trị.

Đánh, đập, cướp, phá, phá cũ xây mới.

Cách mạng không phải bữa tiệc, không phải vẽ hoa thêu gấm, không thể nhã nhặn được.

Cách mạng là bạo lực, là giai cấp này lật đổ giai cấp khác chỉ bằng bạo lực.

Hồng vệ binh là đội tiên phong của cách mạng.

Đại cách mạng văn hóa vô sản muôn năm.

– Với vô vàn khẩu hiệu kiểu này, là một cuộc bạo lọan kéo dài 10 năm ở Trung Quốc  , số người thiệt mạng khoảng hơn 20 triệu.

Nguyên nhân là: sau một loạt ý tưởng của Mao gây vô vàn thiệt hại cho dân, khiến nhiều quan chức trong đảng Cộng sản bất bình. Họ đã công khai phê phán Mao và muốn giới hạn quyền lực của Mao. Nhưng Mao đã lợi dụng giới tuổi trẻ, khích động sự cuồng tín cuả họ làm cái gọi là cuộc cách mạng văn hóa, để diệt đối thủ của mình.

Khởi đầu bằng phê phán những bài báo, tác phẩm văn học dám lên tiếng phê bình Mao, rồi tiến tới dùng bạo lực, nhiều quan chức tướng tá bị bức hại. Từ trên xuống dưới, tận các trường tiểu học khắp cả nước, thày cô giáo bị học sinh tra tấn, văn nghệ sĩ bị sỉ nhục, trí thức nào không ưa Mao bị sỉ nhục, đeo bảng trước ngực như tội phạm đi diễu ngoài phố, dọc đường bị ném đá tới máu me ngã gục…Những nhục hình đối với người bất đồng chính kiến ở mức tàn bạo tiền không khoáng hậu trong lịch sử loài người.

Sau khi Mao giữ được ghế của mình, nhận ra và lo về sức tàn phá của lũ hồng vệ binh, nên tìm thượng sách, cũng dùng những khẩu hiệu đẹp như thơ, như : “Nông thôn là nơi trời đất mênh mông, ở đó có thể làm nên biết bao việc lớn.” “Đến nơi đó để luyện trái tim hồng.”…v…v… Hàng vạn Hồng vệ binh bị tống lên nơi rừng rú hoang vu, để đói khát bệnh tật, chết dần chết mòn, để Mao giữ yên vị tới hơi thở cuối cùng.

***

Trên đây là những phần trích từ cuốn sách “ Khẩu hiệu và Trung Quốc” .

Cuối cùng tôi muốn giới thiệu một khẩu hiệu mới nhất của Trung Quốc , không nằm trong quấn sách này. Đó là khẩu hiệu của Trung Quốc thế kỷ 21.

Trung Quốc mới tự vẽ một bản đồ thiết kế về lãnh thổ lãnh hải của mình và công bố trước cả thế giới. Trong đó với đường lưỡi bò, vẽ từ Đài Đoan xuống tới đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và tất tần tật các đảo đều là lãnh hải của Trung Quốc. Hình đó được treo khắp mọi nơi kèm với khẩu hiêụ:

“ Trung Quốc, không thể sót một chấm.”

Trần Lê Bình