Trần Tiến Dũng: 50 năm những người ở lại Sài Gòn
Bà con Việt Kiều từng sống ở Sài Gòn có dịp trở lại thủ đô VNCH, hẳn là dạo phố từ nơi chốn họ rời đi nửa thế kỷ trước, họ sẽ tự hỏi phải chăng đô thị này hầu hết cảnh quan không còn thân thuộc nữa? Cảm giác mình là người tự xa lạ, lạc lõng, bị quên lãng hay cảm giác bị lấy mất, cướp mất đô thị máu thịt của mình là có thật!


Và cảm giác đó không chỉ đúng với cộng đồng người Việt lưu vong khắp thế giới mà đúng cả với nhiều thế hệ người Miền Nam- Sài Gòn đang ở lại trong nước và mất quyền được chọn một chính thể tôn trọng các quyền con người cơ bản, vốn mặc định hiển nhiên bởi Thương Đế.
Ai đó luôn ca ngợi: “Nhớ về thời chiến tranh chi, dù sao thì đất nước cũng có hoà bình!” 50 năm hoà bình! Thật tốt biến bao nếu thật sự ở một đất nước, đô thị này, nơi các thành lính, các khu quân sự, các trại gia binh hầu biến mất như chưa hề có hơn 20 năm chiến tranh; nhưng không phải vậy, khắp các khu quân sự nửa thế kỷ trước, những ngôi nhà mới của người chiếm hữu mới mọc lên với vẻ phô trương mang hình tướng chiến lợi phẩm, và những nơi này của Sài Gòn thành các đăc khu thể hiện quyền lực không tiếng súng của bên thắng cuộc sẵn sàng các công cụ tiền- quyền chiếm hữu.
Nửa thế kỷ, có người đi qua cầu Hậu Giang, quận 6 hay một góc đường Lê Đại Hành quận 11 và vài nơi khác ở Gò Vấp họ bắt gặp các lô-cốt còn sót lại thời chiến tranh. Các biểu tượng phòng thủ chống giặc này của VNCH còn sót lại, đó đâu phải để là dạng tượng đài của bên thua cuộc, không ai cố ý giữ lại nó để nhắc nhớ nỗi đau buồn hay sự anh dũng tự vệ; có khi đơn giản nó không đủ diện tích để bị chiếm thành tài sản; và nhờ đó không bị đập phá. Giờ đây, suốt 50 năm các lỗ châu mai- lô cốt như các đôi mắt đầy bóng tối, chỉ có đôi mắt của bóng tối của các anh linh người lính không thắng cuộc đã khuất mới thật sự trao cho ánh sáng chờ đợi- hy vọng.

Lịch sử, nơi các sự kiện lớn đã diễn ra, hơn hết, dù là thuộc về người không thắng cuộc; vẫn không bao giờ và không gì có thể xoá các kỷ vật, dấu tích và ký ức về họ.
***
Có một trí thức Việt Kiều Mỹ, được biết ông ta được chọn trong chương trình học bổng Colombo có mục tiêu đào tạo trí thức nhằm tái thiết Viêt Nam sau chiến tranh. Ông ta rời Sài Gòn khoảng cuối thập niên 1960 của thế kỷ trước đến Mỹ và trở thành một trong những du học sinh nồng cốt tích cực của phong trào cánh tả phản chiến- chống chiến tranh Việt Nam. Sau biến cố 30/4/ 1975, ông ta thuộc nhóm Việt Kiều Mỹ đầu tiên được chế độ Cộng sản ưu ái và cho phép về nước như một cách thưởng công. Ông ta kể: Lúc máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, nhìn ra, ông ta vô cùng bất mãn khi tận mắt chứng kiến cảnh hai bên phi đạo “người ta” cuốc đất trồng rau muống, khoai mì… ông không dám dùng từ: cán bộ Cộng sản mà dùng từ: người ta, dù ông thừa biết chỉ có cán bộ mới được phép chiếm đất phi trường “lao động cải thiện”. Nhưng cuối cùng ông cũng nói được một câu: Dân đói, thiếu ăn đến mức này sao! Ông dùng từ “dân đói” là bao biện cho chế độ nhẹ tội, bởi ông thừa biết chỉ có dân Sài Gòn đói lương thực, rau xanh, chớ không phải cán bộ. Đó là những năm kinh tế bao cấp đày đoạ người Sài Gòn.
Kể chuyện này của ông trí thức Việt Kiều phản chiến Mỹ, không phải chỉ để nhấn mạnh về cái thời nền kinh tế phồn vinh của Sài Gòn – VNCH bị đánh tư sản, dùng kinh tế bao cấp phá nát nền móng và thành tựu kinh tế xã hội của chính thể VNCH; mà câu chuyện này kỳ quặc ở chỗ ông Việt kiều Mỹ “ phản chiến yêu nước” chứng kiến hai bên đường băng Tân Sơn Nhứt hoá thành ruộng rau, khoai, nuôi heo, gà… còn biết bao những thảm cảnh kinh khủng khác đồng bào ông phải gánh chịu, vậy mà ông làm ngơ giả mù, điếc. Suốt nửa thế kỷ qua, ông ta và một số sinh viên xuất sắc của chế độ VNCH được trao học bổng du học cho kế hoạch tái thiết hậu chiến của dân tộc, vẫn luôn miệng tự hào thành tích phản chiến trong lòng nước Mỹ tự do-giàu có nhằm “chống đế quốc Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn.”
***
Lạ! Mới đầu tháng Tư năm 2025 mà Sài Gòn đã có vài cơn mưa, hẳn là để nhắc, người miền Nam, ai cũng có những chuyện để nhắc trong cái tháng đặc biệt này; năm mươi năm rồi còn gì, vậy các câu chuyện ký ức thức giấc chi, mà chuyện gì? Nhiều quá không nhớ đủ, cứ tới tháng Tư là chuyện cứ kéo nhau về, từng câu chuyện biết trò chuyện với các thế hệ sống dưới chính thể VNCH còn ở lại Sài Gòn
Tuần trước, khi nghe tiếng máy bay phản lực của chế độ bay lượn ầm ầm, hù doạ, thao túng, chuẩn bị cho chế độ duyệt binh “toàn thắng”; trong một hẻm nhỏ ở quận 3 Sài Gòn, bà bán nước giải khát tuổi ngoài sáu mươi vừa ngồi lặt rau vừa nói, bà nói vừa đủ để người khách đang ngồi uống trà đá nghe. Bà nói gì? Ồn quá, tôi chỉ nghe rõ được hai tiếng:
” Ngày tiếp thu…” Tôi hỏi bà: Sao bà không gọi là ngày giải phóng như người ta? Bà cười nét mặt nhăn nhúm: “Tiếp thu ráo nạo hết rồi chớ có giải phóng cái gì đâu!”. Chẳng phải hai tiếng: ngày tiếp thu mà thế hệ người bình dân miền Nam- Sài Gòn tận mắt chứng kiến số phận tang thương , chia lìa… của họ và bà con hàng xóm của họ là rất đủ nghĩa đó sao!
Tất nhiên, vẫn có đông người, cả trí thức lẫn bình dân sau biến cố 30/4/ 1975 cố đào bới, mò tìm các liên hệ với người tham gia cách mạng nằm vùng, trong khu về hoặc miền Bắc mới vô để họ được yên thân thì ít mà để được đu bám, ăn theo thì nhiều. Đô thị này đã có các thế hệ đu bám, a dua, hùa và họ có ký ức đỏ lè khác với người dân cố cựu, đó là chuyện ai cũng biết. Vẫn còn y đó các kẻ trí thức của thế hệ được sinh ra và sống tự do –dân chủ đúng nghĩa; ngày nay lại mừng húm với nửa cái vé đậu xe ở bến xe lịch sử của chế độ hiện hành. Sau biến cố 30/4/1975 chế độ có áp từ: lưu dung lên những trí thức của chế độ VNCH. Coi như cho họ nửa cái vé, vậy mà họ cũng lên mặt khoe của, khoe thế lực, khoe danh với nơi chốn cũ đã sinh dưỡng, giáo dục họ nên người. Họ đem phẩm giá, liêm sỉ làm người ra nhận nửa cái vé rồi hiu hiu tự đắc mua danh, trục lợi.
Nếu so sánh với hàng trăm ngàn người lao động từ miền Bắc XHCN tìm vào Sài Gòn sau năm 1975 làm đủ thứ nghề lao động chân tay, dịch vụ cấp thấp, nhưng bà con xứ Bắc này, nếu có dịp trò chuyện với họ, hẳn sẽ nhận ra họ ít hoặc không hề nhận mình có thân thuộc làm cán bộ cách mạng hoặc kể công dòng tộc, gia đình có công lao với chế độ XHCN. Không ai dám kết luận là họ có liêm sỉ hơn các người miền Nam đào bới cho ra mối liên hệ với chế độ, nhưng điều có thể khẳng định rằng, biến cố 30/4/ 1975 đã cho bà con miền ngoài cơ hội vào Nam rộng đường kiếm sống đúng kiếp người cần an phận mưu sinh.
Người Sài Gòn thế hệ trước 1975, ai cũng có không gian Sài Gòn lưu giữ trong ký ức; không cần đánh thức vẫn thường phục sinh giữa cảm xúc, làm thành bầu trời, mặt đất, không khí, ánh sáng, nước… cho sự chuyển hoá đồng hành với nhịp sống hiện tại.
Miền Nam, Sài Gòn của người cùng thế hệ với tôi, coi biến cố 30/4/1975 chỉ là một giai đoạn lịch sử đau buồn, đúng rất đau buồn chính vậy cũng là động lực để hy vọng. Trong hai cánh thời tiết xứ nhiệt đới, mùa mưa và mùa nắng, vậy mà không ai gọi trống không, mưa và nắng, ai gắn bó cuộc đời với đô thị này đều gọi: mưa Sài Gòn, nắng Sài Gòn… do màu nắng, vị mưa ở đây khác ư? Xin thưa, quả là khác, rất khác vì so với miền Bắc trước 1975, chỉ miền Nam và Sài Gòn có cả không gian tự do đích thực rộng mở suốt hơn 20 năm với hai nền Đệ Nhứt và Đệ Nhị Cộng Hoà, người dân được sống Tự Do và Nhân Quyền được tôn trọng. Sài Gòn nơi chốn không gian ký ức này luôn trùng trùng kỷ niệm cá nhân, chính bởi vậy luôn khác, luôn đặc biệt, luôn hơn hẳn, luôn là một với từng người và cùng từng người đi suốt cõi sinh và cùng nhau mãi sau cửa tử.
50 năm sau cuộc chiến, Sài Gòn- Miền Nam, không thuộc về người thắng hay người không thắng cuộc chiến. Sài Gòn thuộc về hành trình lịch sử chính nghĩa tự do nhân phẩm và liêm sỉ của người Sài Gòn.
SG 25-4-2025
Trần Tiến Dũng