Trần Tiến Dũng: Từ ánh sáng chân thật của Thầy Thích Nguyên Chứng – Tuệ Sỹ

Sự viên tịch của một vị chân tu-học giả Phật Giáo, văn nhân Việt Thích Tuệ Sỹ đang tạo ra hiệu ứng dư luận tôn kính, thương tiếc cao, rộng, sâu trên mạng xã hội, trong đó đa phần là người lớn tuổi.

Đọc theo các dòng dư luận nhất là dòng trí thức Phật Tử, đa số người đồng thuận rằng sự viên tịch của ngài Thích Tuệ Sỹ là một mất mát lớn của Đạo Phật và Văn Hoá Việt Nam nhưng sự kiện ngài viên tịch lại là sự thức tỉnh của đại chúng về nhận thức chân chánh Đạo Phật, Văn Hoá Việt Nam. Thật vậy ư?Có người thật lòng tin rằng sự tròn vẹn phẩm cách tăng nhân, nhân cách trí thức, phận sự người Việt thì cái chết của ngài sẽ là ánh sáng soi đường phục hưng Đạo Phật chân chánh và Văn hoá – văn học – học thuật dân tộc tự do; thật đáng mừng vậy ư?

Hôm tôi đi viếng tang lễ ngài Thích Tuệ Sỹ, cùng vài người bạn tuổi ba mươi, bốn mươi, tất cả đều lần đầu biết đến danh ngài, tiểu sử hành pháp của ngài, lần đầu nhìn thấy các đầu sách của ngài. Với họ, ngài như vừa bước ra từ cõi vô danh và họ khó hoặc chưa kịp đọc ra nhận thức mới mẻ về ngài, cả cảm xúc dành cho người vừa khuất với tang lễ trang nghiêm được các thế hệ trước vô cùng kính trọng nhưng các bạn trẻ thì mơ hồ. Tại sao vậy?

Không nói về những bạn trẻ cầu học hoặc có may mắn gặp người dẫn dắt để tìm tới Phật học, văn chương của ngài, tôi chỉ muốn cùng mở ra sự đứt gãy trong dòng chảy truyền trao cho hậu thế các tinh hoa mà cả đời ngài và các vị tôn sư, danh nhân tự do khác đã sống, tu và làm việc.

Vậy sự đứt gãy đó đến từ đâu và quyền lực nào đã đập phá cây cầu truyền trao Đạo Phật và Văn hoá dân tộc chân chính. Tất nhiên các các ma tăng, bồi bút cũng là đội quân huỷ hoại nhưng nếu không có quyền lực từ quỷ vương thì họ chỉ làm hư tổn lặt vặt cây cầu truyền trao.

Vậy quyền lực của quỷ vương đã làm điều đó theo cách nào? Việc họ từng ra tay đập phá cầu truyền trao chỉ là sư nóng vội giai đoạn. Họ đã và đang làm từ đây và về sau là: hư vô hoá cây cầu truyền trao tinh hoa đạo Phật, “bác sĩ” trị liệu tâm lý hoá Pháp Phật, vô danh hoá các chân tu, chợ hoá giáo hội, phú thương, tiểu thương hoá các thầy chùa.

Hẳn nhiên sẽ có không ít người cho tôi bi quan quy chụp, thậm chí phỉ báng, tôi rất muốn điều họ cho là đúng vì tôi hết lòng mong Đạo Phật chân chính, văn hoá dân tộc được phục hưng không phải cho tuổi già của tôi mà rộng mở không gian lớn với trọn vẹn phẩm cách, tinh hoa cho các thế hệ trẻ đang khao khát được hướng đạo để hành trì hoàn thiện mình.

Ngài Thích Tuệ Sỹ viên tịch, với tôi đó là ngôi sao lớn với tròn đủ ánh sáng chân thật nhất, bừng sáng, như hằng hà sa số các vì sao lớn Đạo Phật chân chính và Văn hoá, văn nghệ tự do trước biến cố 1975, các thiên hà tinh tú ấy đã bừng sáng một lần cuối cùng ngay trên hố thẳm đứt gãy tăm tối của Đạo pháp và văn hoá Dân Tộc ngày nay.

Bài viết ngắn này chỉ là một cách nhìn của một người suốt cuộc sống hết lòng kính ngưỡng thầy Thích Tuệ Sỹ.

Núi xa, thầy về

như một người hành hương bé nhỏ.

Nguyên Hữu Trần Tiến Dũng
Sài Gòn
29-11-2023