Trùng Dương: Ra đi mang theo

Vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, dù còn đang dùng dằng với chuyện đi hay ở, tôi đồng thời cũng xếp sẵn một vali nhỏ hành lý phòng hờ. Ngoài vài bộ quần áo cho mình và các con và các giấy tờ tùy thân cần thiết, tôi mang theo ba món đồ. Đó là một hộp compass để vẽ kiến trúc, một cuốn sách dậy làm phim—vì nghĩ có thể sẽ học cho xong một trong hai môn đã không có cơ hội hoàn tất–, và pho tượng Phan Bội Châu bằng đồng thu nhỏ cao khoảng 12 cm, nặng 2 ký, do anh bạn diêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002) thực hiện. 

Mô phỏng từ pho tượng Phan Bội Châu chính bằng đồng cao 3.5 mét mà Nhơn tạc cho thành phố Huế vào năm 1972, Nhơn thực hiện pho tượng nhỏ này rồi cho đổ đồng 2,000 bức giao cho nhật báo Sóng Thần để bán gây quỹ, dự trù sẽ dùng để đổ đồng pho tượng Hà Thúc Nhơn cao khoảng 3.5 mét, mà anh tạc nhân cảm hứng về công trình chống tham nhũng của viên cố đại úy bác sĩ thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hoà này.

Gần nửa thế kỷ sau nhìn lại, hộp compass thì đã cho một cậu em kết nghĩa sau này ra trường kiến trúc, hành nghề và nay đã qua đời. Cuốn sách dậy làm phim bay theo với giấc mộng trở lại điện ảnh. Pho tượng Phan Bội Châu là kỷ vật tôi còn giữ và mang theo qua nhiều chuyến dọn nhà mặc bao vật đổi sao rời. Các con tôi thỉnh thoảng thắc mắc về sự hiện hữu của pho tượng hoặc đặt trên kệ sách hoặc trên bàn viết của tôi. Tôi giải thích cho con: nhân vật mà pho tượng biểu trưng là cụ Phan Bội Châu, một người đã bỏ cả đời tranh đấu giành độc lập cho Việt Nam từ tay thực dân Pháp. Các con tôi nghe, gật gù, không có ý kiến gì, nhưng có lẽ cũng hiểu đây chắc phải là là món đồ quan trọng lắm nên tôi mới mang theo bên mình qua cả chục lần dọn nhà đi nơi này nơi khác. 

Những năm gần đây, tuổi ngày một cao, tôi thu vén dần những giấy tờ tài liệu sách vở gom góp từ mấy chục năm qua, xem nên làm gì với chúng. Tôi đã cho đi nhiều sách vở, đã hủy bỏ nhiều giấy tờ không cần thiết giữ nữa, trong đó có một thùng banker’s box thư từ trao đổi từ những ngày còn ở trong trại tị nạn, một thùng phim âm bản và hình ảnh sau khi đã chụp một số hình cần giữ. 

Riêng pho tượng Phan Bội Châu vẫn ngự trị tên bàn viết hoặc kệ sách của tôi từ gần nửa thế kỷ qua. Các con tôi có thể không cảm thấy một gắn bó tình cảm nào với pho tượng này, tôi không thể trách chúng. Nên tôi không thấy an tâm giao lại cho chúng, có thể khiến chúng có lúc phải tự hỏi không biết phải làm gì với pho tượng đó.

Đắn đo mãi, và cuối cùng tôi tìm được nơi xứng đáng để giao pho tượng sau gần 50 năm gắn bó với nó, như một nhắc nhở về lịch sử đấu tranh cho sự tồn tại và độc lập đất nước của tiền nhân. 

Tưởng cũng nên nói qua về nguyên tác pho tượng Phan Bội Châu, mà dựa vào đó, anh bạn điêu khắc gia Lê Thành Nhơn đã nặn nên pho tượng nhỏ mà tôi mang theo, có lẽ là ấn bản duy nhất còn tồn tại, khi chạy khỏi Việt Nam. Vào đầu thập niên 1970, nhân đang giảng dậy tại trường mỹ thuật Huế, Nhơn, gốc miền Nam, với sự khuyến khích của bằng hữu, cảm thấy muốn để lại cho Huế một cái gì. Cái gì ấy không gì bằng cái tinh thần bất khuất của Huế qua chân dung của nhà ái quốc Phan Bội Châu (1867-1940), người đã từng bôn ba hải ngoại tìm phương cứu đất nước và dân tộc khỏi vòng ngoại nô, và là tác giả của cuốn Việt Nam Vong Quốc Sử mà người đời nay đọc lại vẫn không khỏi ngậm ngùi. Pho tượng được nặn bằng đất sét rồi đổ đồng. Pho tượng cụ Phan, cùng với các di tích cổ của Huế, hiện nằm trong danh sách Di sản thế giới UNESCO. 

Trái, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn bên pho tượng trong thời kỳ thực hiện ở Huế, 1972. Giữa, bên hông trái tượng là hình ảnh tượng trưng cho các thế hệ đã tranh đấu cho nền độc lập tự do của nước nhà. Phải, bên hông phải của tượng là biểu tượng của thế hệ tương lai với hình ảnh một gia đình trẻ. (Ảnh tư liệu TD & trích phim tài liệu “Sương Mù Trên Sông Hương”)

Pho tượng khi hoàn tất dự trù dựng ở một công viên bên bờ sông Hương ở Huế, nơi cụ Phan đã sống những ngày tháng cuối đời sau khi bị chính quyền Pháp bắt ở Hương Cảng giải về giam lỏng ở Huế. Cụ Phan qua đời năm 1940, trước khi Việt Nam được độc lập vào năm 1945, tiếp theo là những cuộc chiến chống Pháp 1946-1954, và cuộc huynh đệ tương tàn 1960-1975 do Việt cộng khởi xướng tấn công để chiếm Miền Nam. Sau biến cố 30 tháng 4, 1975, vì chính quyền của Cộng sản vốn không có mấy cảm tình với cụ Phan do sự xung khắc giữa cụ Phan và nhân vật Hồ Chí Minh của họ, do đấy pho tượng được đưa từ khuôn viên của Phường Đúc về lưu giữ tại tư gia của gia đình cụ Phan. Xin mở ngoặc ở đây để nói cho rõ hơn về xung khắc giữa cụ Phan và ông Hồ: Có dư luận cho là ông Hồ, lúc ấy có biệt danh là Lý Thụy, đã, cùng với một đồng chí của cụ Phan làm phản là Lâm Đức Thụ, âm mưu bán đứng cụ Phan cho Pháp, đồng thời thanh toán một đối tượng bất đồng ý thức hệ. Mãi tới năm 2012, tức 40 năm từ sau khi pho tượng được hoàn tất và 10 năm sau khi tác giả của pho tượng qua đời tại Úc nơi anh định cư từ năm 1975, các thân hữu của Nhơn mới xin được phép dời tượng ra dựng tại một công viên bên bờ sông Hương để mọi người cùng chiêm bái vị anh hùng dân tộc.

Lê Hưng (áo T-shirt trắng), con trai của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn hiện là cư dân Úc, thăm tượng Phan Bội Châu, một trong những công trình điêu khắc của bố tại Huế, cùng với các thân hữu của Nhơn, tại công viên số 19 đường Lê Lợi bên bờ sông Hương ở Huế. (Ảnh trích phim tài liệu “Sương mù trên sông Hương”)

Riêng về pho tượng cụ Phan thu nhỏ, có lẽ là ấn bản duy nhất còn sót lại, đã chia sẻ nửa thế kỷ lưu vong với tôi thì, vào mùa hè năm ngoái, 2023, tôi quyết định bàn giao lại cho hai người bạn thân quen biết từ cuối thập niên 1980, là Lý Thái Hùng và Trần Diệu Chân. Anh chị Hùng và Chân cùng là thành viên của Việt Tân, một tổ chức chính trị lâu nay vẫn không ngừng hoạt động cho một nước Việt tự do dân chủ thực sự, nối tiếp giấc mộng của tiền nhân.

Buổi trao tượng đơn giản, thân mật tại tư gia của hai anh chị, với sự góp mặt của vài người thân trong gia đình.

“Cám ơn chị rất nhiều đã tin tưởng tụi này để trao lại một kỷ vật đã mang theo suốt cuộc đời lưu vong của chị,” Hùng bảo tôi khi nhận tượng. “Hùng sẽ mang về Việt Nam để gửi lại kỷ vật này cho một viện bảo tàng quốc gia trong tương lai sau khi chế độ Việt cộng không còn nữa.”

Tượng Phan Bội Châu được gia đình Lý Thái Hùng và Trần Diệu Chân đặt trên bàn thờ cùng với di ảnh của cố Chủ tịch Việt Tân Hoàng Cơ Minh, người cùng mang ước vọng giải phóng Việt Nam khỏi cùm kẹp của các chủ nghĩa ngoại bang phi dân tộc và nhân bản. (Ảnh tư liệu TD)

Trùng Dương

[2024-04]