Trùng Dương: Tu Chính Án 19: Quyền phụ nữ bỏ phiếu và cuộc tranh đấu không ngừng cho dân quyền tại Mỹ
Vào đầu mùa hè năm nay, một nhóm với đa phần là phụ nữ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa và gồm các thành viên trong giới báo chí, nghệ thuật trình diễn, nhà viết truyện phim, cố vấn chính trị, sử gia, và chuyên viên nhiều ngành khác đã họp nhau lại thành lập tổ chức chính trị có tên gọi là Dự án Seneca (Seneca Project).
Dự án Seneca có mục đích vận động cử tri đi bầu trong kỳ bầu cử ngày 5 tháng 11 năm nay để đòi lại, đồng thời bảo vệ, nhân quyền của nữ giới, trong đó có quyền bỏ phiếu và quyền làm chủ thân xác mình đang bị giới lãnh đạo phe bảo thủ quá khích đe dọa hoặc đã lấy đi, như quyền phá thai ảnh hưởng tới nhiều vấn đề sức khỏe khác của nữ giới, qua phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hai năm trước bãi bỏ án lệ Roe v. Wade, một án lệ đã thành luật từ cả trên nửa thế kỷ.
Tại sao đặt tên nhóm là Seneca? Bởi vì, “176 năm trước [vào năm 1848], hội nghị đầu tiên về quyền phụ nữ tại Seneca Falls, New York đã bùng lên một phong trào. Lòng dũng cảm và sức mạnh của những người phụ nữ tiên phong đó là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta,” ban chủ trương Seneca Project tuyên bố trong một video tuyên ngôn về sự ra đời của nhóm. “Ngày nay, chúng ta tôn vinh di sản của họ bằng cách kiên cường chống lại […] cuộc chiến chống lại phụ nữ của [giới bảo thủ]. Chúng ta sẽ không quay lại. Không bây giờ. Không bao giờ.”
Lịch sử dường như đang tái diễn, khi nữ giới đang bị phe bảo thủ và cuồng tín nỗ lực đẩy họ trở lại quá khứ, qua việc tước dần những quyền tự do căn bản của mình, trong đó có quyền tự quyết về sinh sản kể cả phá thai, dù là trong trường hợp bị hãm hiếp hoặc bào thai khó sống sót hoặc ngay cả khi bị xẩy thai. Họ muốn người phụ nữ sống trong vòng tòng phục, chỉ biết có gia đình, bị lệ thuộc, không có cơ hội phát triển các tiềm năng để góp phần xây dựng xã hội. Cấm phá thai là một trong những nỗ lực đó, và là bước đầu để kiểm soát nữ giới.
Ngày 18 tháng 8, 1920 là ngày Quốc hội Hoa Kỳ ban hành Tu Chánh Án 19 công nhận quyền đầu phiếu của phụ nữ Mỹ sau khi tiểu bang thứ 36 là Tennessee phê chuẩn Tu Chính Án 19, hội đủ số ba phần tư tiểu bang cần có theo Hiến pháp.
Nhân ngày kỷ niệm này, những người di dân như chúng ta, bất kể nam hay nữ, đã nhận nơi này làm quê hương vì không thể sống dưới chế độ độc đảng độc tài cộng sản, hãy cùng nhìn lại cuộc tranh đấu kéo dài 72 năm của phụ nữ Mỹ để giành cho bằng được quyền bỏ phiếu, là quyền đương nhiên của người dân trong một nước dân chủ. Và tại sao đi bầu không chỉ là quyền công dân mà còn là bổn phận để duy trì nền dân chủ quý báu ta hiện có, mà đồng chủng của ta ở quê nhà không có được cùng với nhiều dân và cả nhân quyền khác.
Tổng quan về Tu chính án thứ 19
Năm 1848, khoảng 300 người gồm nhiều phụ nữ và nam giới đã gặp nhau tại Seneca Falls ở tiểu bang New York để thúc đẩy cuộc tranh đấu cho quyền đầu phiếu của phụ nữ. Hội nghị do các bà Elizabeth Cady Stanton, Lucretia Mott, Martha Wright, Mary Ann M’Clintock và Jane Hunt và nhiều người nữa tổ chức đã đánh dấu sự khởi đầu của phong trào đòi quyền bầu cử chính thức cho phụ nữ. Các tham dự viên gồm cả đàn ông và phụ nữ của phong trào đã ra tuyên ngôn, sau đó gửi đơn thỉnh cầu lên Quốc hội, gây áp lực buộc các quan chức chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.
Báo chí thời đó đã phản ứng sôi nổi đối với Hội nghị Nữ quyền Seneca Falls, chống cũng có mà bênh cũng đáng kể. Bình luận gia Horace Greely, biên tập viên có ảnh hưởng của tờ The New York Tribune thời ấy, lặp lại ý kiến của nhiều người vào thời điểm đó. Trong khi hoài nghi về việc trao cho phụ nữ quyền bầu cử, ông lập luận rằng nếu người Mỹ thực sự tin vào Hiến pháp, thì phụ nữ phải có được quyền bình đẳng ở mọi phương diện kể cả chính trị. Ông viết, “Khi một công dân chân thực của một nước cộng hòa được yêu cầu nói một cách nghiêm túc về lý do thích hợp mà anh ta có thể đưa ra, để từ chối yêu cầu của phụ nữ tham gia bình đẳng với nam giới trong các quyền chính trị, anh ta chỉ có thể trả lời, ‘Không có lý do gì hết.’ Dù cho có thiếu khôn ngoan và lầm lẫn đến đâu trước đòi hỏi [quyền đi bầu cho nữ giới], anh ta cũng chỉ có thể nhìn nhận đó là một quyền tự nhiên [được Hiến pháp công nhận], và anh ta phải thừa nhận là như vậy thôi.”
Các bà tiên phong của phong trào đòi quyền phụ nữ đầu phiếu như Stanton, Mott và Susan B. Anthony—một người đã dành trọn đời vận động cho quyền bầu cử–đã không sống để chứng kiến phụ nữ có được quyền bầu cử.
Tuy nhiên, các vị nữ lưu này cũng đã giúp mở đường cho những người ủng hộ quyền bầu cử trong các thế hệ kế tiếp như Alice Paul, Ida B. Wells và Mabel Ping-Hua Lee. Cuộc tranh đấu của họ đã gặp nhiều khó khăn cam go, nhạo báng, chống đối và cả tù tội. Đài truyền hình PBS có một bộ phim tài liệu dài 4 tiếng với nhiều thông tin chi tiết và hình ảnh về cuộc tranh đấu dài 72 năm cho quyền bỏ phiếu của phụ nữ tại https://www.pbs.org/wgbh/americanexperience/films/vote/
Dù vậy, hồi ấy, những người phụ nữ lãnh đạo phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ không phải lúc nào cũng thống nhất. Một số người ủng hộ quyền bầu cử cho rằng chỉ phụ nữ da trắng mới được thi hành quyền bầu cử của mình. Những người khác như Charlotte Forten Grimke, Mary Ann Shadd Cary và Mary Church Terrell cho rằng phụ nữ da màu cũng có quyền tham gia bầu cử các viên chức chính phủ.
Tu chính án hiến pháp đầu tiên nhằm đảm bảo quyền bỏ phiếu cho phụ nữ đã được trình lên Quốc hội vào năm 1878. Nhưng dự luật này đã thất bại. Đến năm 1919, những người ủng hộ quyền bầu cử đã đưa ra một tu chính án khác trình lên quốc hội nhằm đảm bảo quyền bỏ phiếu của phụ nữ. Tu chính án thứ 19 đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua. Các tiểu bang sau đó đã phê chuẩn Tu chính án thứ 19 vào năm 1920, chính thức công nhận quyền bỏ phiếu của phụ nữ.
Trái, bích chương tựa là “The Awakening” (Tỉnh thức) của họa sĩ Henry Meyer, 1915. Phải, bất kể mùa đông lạnh giá, các nhà vận động cho quyền đầu phiếu đốt lửa biểu tình trước Tòa Bạch Ốc, 1918. (Ảnh Library of Congress)
Trái, biểu tình đòi quyền bỏ phiếu là một trong những chiến thuật được phong trào áp dụng từ bước sang thế kỷ 20, thay vì đòi hỏi trong thầm lặng, lịch thiệp. Phải, những người đàn ông đứng đọc các bích chương chống lại quyền đầu phiếu của phái nữ trước tổng hành dinh của hội Quốc gia Chống lại Quyền Đầu phiếu của Phụ nữ. (Ảnh Library of Congress)
Trước khi Tu Chính Án 19 trở thành luật vào năm 1920, phụ nữ thuộc một số tiểu bang miền Tây, trong đó có California, đã có quyền bỏ phiếu. Trên là cuộc biểu tình biểu lộ tinh thần đoàn kết hỗ trợ của các phụ nữ thụộc các tiểu bang này trong cuộc biểu dương tại Greenich Village, N.Y., khoảng năm 1912. Các hàng chữ trên bích chương là: “Chúng tôi là các cử tri từ Miền Tây! Tại sao miền Đông lại từ chối quyền đầu phiếu của chúng tôi?” (Ảnh Library of Congress)
Không phải phụ nữ nào cũng có quyền bỏ phiếu
Mặc dù nhiều phụ nữ có thể đi bỏ phiếu, nhưng TCA 19 không trao quyền bỏ phiếu cho tất cả phụ nữ. Phụ nữ da màu, người nhập cư và phụ nữ có lợi tức thấp thường bị ngăn cản bỏ phiếu do luật pháp và áp lực xã hội. Ví dụ, phụ nữ gốc bộ lạc Mỹ không được coi là công dân Hoa Kỳ cho đến năm 1924 và không được phép bỏ phiếu. Phụ nữ bị kết án phạm tội cũng không được phép bỏ phiếu, ngay cả khi họ đã hoàn thành bản án.
Sau khi TCA19 được phê chuẩn vào năm 1920, những người ủng hộ quyền bầu cử cho phụ nữ như Alice Paul biết rằng công việc của họ vẫn chưa hoàn thành. Mặc dù chính phủ công nhận quyền bỏ phiếu của phụ nữ, nhưng nhiều phụ nữ vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Bà Paul và các thành viên khác của Đảng Phụ nữ Quốc gia đã soạn thảo Tu chính án về Quyền bình đẳng (Equal Rights Amendment). Nếu được phê chuẩn, tu chính án này sẽ đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả mọi người bất kể giới tính. Tu chính án về Quyền bình đẳng đã được cả hai viện của Quốc hội phê chuẩn vào những năm 1970 nhưng không nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ các tiểu bang. Tu chính án này cho tới nay vẫn chưa được phê chuẩn vào Hiến pháp.
Vào cuối thập niên 1960 và thập niên 1970, Phong trào Giải phóng Phụ nữ bác bỏ quyền trưởng tộc và tranh đấu chống lại các bất bình đẳng giới tính. (Ảnh Library of Congress)
Dù vậy, giới ủng hộ quyền phụ nữ đã đạt được tiến bộ trong việc thông qua các luật khác sau năm 1920. Quốc hội đã thông qua Đạo luật Bình đẳng tiền lương (Equal Pay Act) năm 1963, khiến việc trả lương cho phụ nữ ít hơn khi làm cùng công việc với nam giới nay trở thành bất hợp pháp. Một năm sau, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Dân quyền (Civil Rights Act) năm 1964. Đạo luật này thường gắn liền với Phong trào Dân quyền vì nó cấm các nhà tuyển dụng phân biệt đối xử với một cá nhân dựa trên chủng tộc của họ. Đạo luật này cũng nêu rõ rằng các nhà tuyển dụng không được phân biệt đối xử với người xin việc dựa trên giới tính của họ. Trước khi có Đạo luật Dân quyền năm 1964, các nhà tuyển dụng có thể chọn không tuyển dụng một người phụ nữ vì giới tính của họ.
Cuộc tranh đấu cho dân quyền tiếp tục
Tu chính án thứ 19 không đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và cả nam giới ở Hoa Kỳ đều có thể bỏ phiếu. Việc đảm bảo quyền thiết yếu này là một cuộc đấu tranh lâu dài, và đối với một số sắc dân, điều đó vẫn tiếp tục cho đến hiện đại. Như vào năm 1924, Đạo luật Công dân Da Đỏ (Indian Citizenship Act—Indian ở đây không có nghĩa là Ấn độ) công nhận các người gốc bộ lạc, tức Native American, là công dân Mỹ. [Sở dĩ người Da Dỏ được gọi là Indian vì sự lầm lẫn của nhà thám hiểm Columbus trong khi tìm đường đi Ấn Độ vào cuối thế kỷ 15, khi tầu lạc tới Bắc Mỹ, ông tưởng là Ấn Độ, nên người Da Đỏ thành Indian từ đó.]
Năm 1943, Đạo luật Magnuson công nhận người Hoa ở Mỹ là công dân và do đó được quyền bầu cử. Đạo luật loại trừ người Hoa năm 1882 trước đây đã ngăn cản điều này. Và mãi tới năm 1962, tiểu bang Utah mới chịu trả lại quyền cho người Mỹ gốc bộ lạc.
Trước năm 1965, người Mỹ gốc Phi châu, tức Da đen, và người Mỹ gốc bộ lạc tiếp tục phải đối mặt với việc bị loại khỏi quyền bầu cử do các cơ chế như thuế thăm dò ý kiến, kiểm tra khả năng đọc và viết và cả đe dọa. Đạo luật về Quyền bầu cử năm 1965 đã loại bỏ nhiều cản trở trong số này.
Dù vậy, ta hiện vẫn thấy các tiểu bang với đa số trong giới lãnh đạo thuộc phe bảo thủ quá khích, phần lớn là người Da trắng, vẫn tìm mọi cách để ngăn cản cử tri đi bầu. Như thế đủ biết quyền bỏ phiếu quan trọng như thế nào. Và chúng ta càng cần biết ơn những nhà tranh đấu bảo vệ quyền quan trọng này của người dân bất kể giới tính của một nền dân chủ, và trân quý giữ gìn cũng như thực thi quyền bầu cử.
Nguyên văn nội dung của TCA 19:
Quốc hội Hoa Kỳ khóa 66;
Tại Phiên họp đầu tiên, Bắt đầu và tổ chức tại Thành phố Washington vào Thứ Hai, ngày mười chín tháng Năm, năm một nghìn chín trăm mười chín.
NGHỊ QUYẾT CHUNG
Đề xuất sửa đổi Hiến pháp mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ.
Được giải quyết bởi Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ tại Quốc hội họp (hai phần ba của mỗi Viện đồng ý), rằng điều khoản sau đây được đề xuất như một sửa đổi Hiến pháp, có hiệu lực về mọi mặt và mục đích như một phần của Hiến pháp khi được cơ quan lập pháp của ba phần tư các Tiểu bang phê chuẩn.
“ĐIỀU ————. “
Quyền bỏ phiếu của công dân Hoa Kỳ sẽ không bị Hoa Kỳ hoặc bất kỳ Tiểu bang nào từ chối hoặc hạn chế vì lý do giới tính.
Quốc hội sẽ có thẩm quyền thực thi điều khoản này bằng luật pháp phù hợp.”
[Đồng ký tên:
Chủ tịch Hạ viện, Phó Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Thượng viện]
Phụ nữ Việt đã từng có quyền bầu cử
Bỏ phiếu là một yếu tố quan trọng của sự tham gia của công dân và là một phần quan trọng của quá trình dân chủ. Như cố Dân biểu Hoa Kỳ John Lewis đã nói, “Quyền bỏ phiếu là quý giá. Nó gần như thiêng liêng. Đó là công cụ bất bạo động mạnh mẽ nhất mà chúng ta có trong một nền dân chủ.”
Một trong những lợi điểm của quyền đi bầu là với lá phiếu trong tay ta có thể buộc các quan chức được bầu phải chịu trách nhiệm về hành động của họ. Nó buộc họ phải lắng nghe ta và những vấn đề mà ta quan tâm nhất. Phiếu bầu của mỗi cử tri là bản duyệt xét của ta về các nhà lập pháp. Nếu không hài lòng với công việc mà một quan chức được bầu đã làm, ta có thể sử dụng phiếu bầu của mình để loại bỏ quan chức đó khỏi quốc hội.
Bước vào thế kỷ 20, đặc biệt kể từ sau hai trận đại chiến thế giới, lần lượt nhiều quốc gia đã công nhận quyền bỏ phiếu, tức quyền có tiếng nói trong các vấn đề quốc gia, cho phụ nữ.
Riêng tại Việt Nam, phụ nữ thuộc mọi tầng lớp đã có quyền bỏ phiếu cùng với nam giới trong thời Cộng Hòa từ 1955 tới 1975. Cuộc bỏ phiếu được coi là khá công bằng và tài liệu về kỳ bầu cử này đã được lưu trữ khá đầy đủ, đó là cuộc bầu cử Tổng thống và Thượng nghị viện vào năm 1967, với sự tham dự của 70 phần trăm cử tri, tức 5 triệu 853 ngàn người, và đã được giới quan sát cho là tương đối sòng phẳng, theo một tài liệu lưu trữ tại Đại học Michigan.
Có thể xem lại một số hình ảnh vể một thời không chỉ nam giới mà cả phụ nữ Việt Nam đã có dịp thực thi quyền có tiếng nói của mình ở ở đây:
1967 – Cuộc bầu cử Tổng Thống và Thuợng Nghị Viện VNCH ngày 3-9-1967
VIETNAM ELECTIONS September 3, 1967 – by Co Rentmeester – LIFE Photo Collection
https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/albums/72157651237373908
Trùng Dương
2024/08