Trương Nhân Tuấn: Hiệp định Paris 27 tháng Giêng năm 1973: 50 năm nhìn lại.

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn

1/ Hiệp định Paris 27 tháng Giêng 1973 về Chấm dứt chiến tranh và Thiết lập lại hòa bình (từ nay gọi là Hiệp định Paris 1973).

Nguyên thủy gồm hai bản được đánh dấu (a) và (b), nội dung hầu như không khác nhau. Cả hai bản được lưu trữ ở Liên Hiệp Quốc, do phía Mỹ đệ trình, ngày 13 tháng Năm năm 1974. 

Hiệp định được viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt, cả hai đều có giá trị tương đương như nhau.

Ngoài ra Mỹ còn đính kèm hồ sơ lưu trữ Liên Hiệp Quốc văn bản thứ ba, đánh dấu (ab), là bản tuyên bố chung cuộc Hiệp định Genève 1954 về vấn đề thiết lập nền hòa bình tại Đông Dương. 

Hiệp định Paris 1973 có 9 Chương và 23 Điều. 

Chương 1, gồm điều 1, nói về Quyền dân tộc cơ bản của nhân dân VN. 

Chương 2, từ điều 2 đến điều 7, nói về “chấm dứt chiến sự và rút quân”. 

Chương 3 gồm điều 8 nói về việc trao trả tù nhân.

Chương 4, từ điều 9 đến điều 14, nói về việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam.

Chương 5 gồm điều 15 nói về việc thống nhứt đất nước và vấn đề quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam.

Chương 6, từ điều 16 đến điều 19, nói về các Ban liên hợp quân sự, Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát, Hội nghị quốc tế.

Chương 7 gồm điều 20 nói về Campuchia và Lào.

Chương 8 gồm hai điều 21 và 22, nói về sự quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Chương 9, chương cuối cùng gồm điều 23, nói về “những điều khoản khác”.

2/ Ý nghĩa về sự khác biệt giữa hai văn bản (a) và (b).

So sánh nội dung và hình thức hai văn bản (a) và (b) ta thấy có 2 điều khác biệt: 1/ lời mở đầu và b/ chữ ký các bên.

Lời mở đầu bản (a), bản tiếng Anh :

“The Parties participating in the Paris Conference on Viet-Nam,

With a view to ending the war and restoring peace in Viet-Nam on the basis of respect for the Vietnamese people’s fundamental national rights and the South Vietnamese people’s right to self-determination, and to contributing to the consolidation of peace in Asia and the world, Have agreed on the following provisions and undertake to respect and to implement them:”

Tạm dịch: 

“Các bên tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam; 

Nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần cũng cố hoà bình ở châu Á và thế giới,

Đã thoả thuận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây:”

Phía dưới văn bản, bản (a), chữ ký của đại diện 4 bên tham gia Hội nghị. Ghi đúng theo thứ tự, gồm: Mỹ do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao William P. Rogers ký tên; Việt Nam Cộng hòa với chữ ký của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Văn Lắm; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và cuối cùng Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam với chữ ký của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn thị Bình. 

Về hình thức, Hội nghị Paris là một “hội nghị quốc tế”. Hiệp định Paris 1973 là một văn bản pháp lý có giá trị quốc tế, được lưu trữ ở Liên Hiệp quốc. Văn bản này do 4 bên (pháp nhân) ký kết, gồm Mỹ, Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền nam Việt Nam.

Dựa trên yếu tố “có khả năng ký kết một văn kiện quốc tế” và “có trách nhiệm trước một vấn đề thuộc phạm vi quốc tế”. Dựa trên các ý kiến của các luật gia về công pháp quốc tế, ta có thể kết luận rằng, ngoài Mỹ hiển nhiên có tư cách là “quốc gia”. Hai pháp nhân Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng có tư cách quốc gia. Riêng Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam được xem là một “chính phủ”.  

Sau khi Hiệp định ký kết, tư cách pháp nhân của 3 bên Việt Nam đều bị đặt lại, hay xét lại, dưới ảnh hưởng của điều 1. Ngoài ra điều 1 còn có mâu thuẩn với các điều ở Chương 4, về quyền “dân tộc tự quyết” của nhân dân miền Nam.

Nội dung lời mở đầu của văn bản (a) ta đã thấy có sự mâu thuẫn với điều 1 của hiệp ước. Việc này sẽ trở lại ở dưới.

Bản (b) – bản tiếng Việt : 

“Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với sự thỏa thuận của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam,

Chính phủ Hoa kỳ với sự thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà,

Nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hoà bình ở châu Á và thế giới,

Đã thỏa thuận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây:”

Bản đánh dấu (b) chỉ có chữ ký của hai bên: Mỹ do Bộ trưởng Bộ ngoại giao William P. Rogers ký và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký. 

Tức là Hiệp định Paris 1973 là hiệp định được ký kết “tay đôi”, giữa hai “quốc gia” Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Sự khác biệt giữa hai văn bản tuy nhỏ, nhưng hệ quả chính trị và pháp lý vô cùng bất lợi cho phía Việt Nam Cộng hòa. 

Trên thực tế, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ lưu trữ bản (b). Văn bản này cho thấy đâu là tác nhân chính và đâu là tác nhân phụ trong chiến tranh VN. 

Về chính trị Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xếp ngang hàng với Mỹ. Việt Nam Cộng hòa bị kéo xuống, trong khi Cộng hòa Miền Nam Việt Nam được đôn lên trên, đứng ngang hàng với Việt Nam Cộng hòa.

Hình thức bàn tròn (thay vì bàn vuông) được sử dụng trong lúc các bên hội nghị được nhiều phía diễn giải rằng có sự bình đẳng giữa các bên tham gia. 

Nhưng nội dung văn bản mới là điều quan trọng. Văn bản đánh dấu (b) cho thấy Việt Nam Cộng hòa “phụ thuộc” vào Mỹ và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam “phụ thuộc” vào Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng đây là một thất bại chua chát về mặt chính trị và ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa và của cả Mỹ. 

Bản (b) của Hiệp định, cũng như dư luận bất lợi trên trường quốc tế “chống Mỹ xâm lược” do tuyên truyền của khối cộng sản, có thể gây hiểu lầm rằng Việt Nam Cộng hòa là một “sản phẩm” của Mỹ, tức một “chính quyền tay sai do Mỹ lập nên”, thể hiện đúng như lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong suốt cuộc chiến là “đánh Mỹ cứu nước”. 

Hiệp định Paris 1973 trở thành “tờ khai tử” của Việt Nam Cộng hòa. Điều này được sự đồng thuận của hầu hết các nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. 

3/ Điều 1 ghi lại nguyên văn nội dung Hiệp định Genève 1954: “Hoa kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.

Nội dung này giải thích vì sao Mỹ lại đính kèm nội dung Hiệp định Genève 1954, văn bản đánh dấu (ab), vào chung hồ sơ Hiệp định Paris 1973 gởi lưu trữ ở Liên Hiệp Quốc. 

Về Hiệp định Genève 1954, sau khi đại diện quân đội Pháp tại Đông dương ký kết với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ và Quốc Gia Việt Nam phản đối, không nhìn nhận hiệu lực hiệp định. Sau 19 năm Mỹ (và Việt Nam Cộng hòa) bị buộc phải nhìn nhận hiệu lực Hiệp định Genève. 

Số phận Việt Nam Cộng hòa tùy thuộc vào Hiệp định Paris 1973 mà nội dung điều 1 là yếu tố quan trọng hơn hết. 

Điều 1 khẳng định rằng, từ năm 1954, trong nội bộ lãnh thổ Việt Nam (từ ải Nam Quan đến mũi Cà mau) chỉ hiện hữu “một quốc gia Việt Nam duy nhứt” mà thôi. Vấn đề là chính phủ nào đại diện cho quốc gia Việt Nam này ? 

Điều 1 vì vậy mâu thuẫn với điều 9 Chương 4, về “quyền tự quyết” của dân tộc miền Nam. Điều 9 gián tiếp nhìn nhận miền Nam đã là một “quốc gia độc lập, có chủ quyền”. Bởi vì quyền tối cao (chủ quyền) trong một quốc gia là dân tộc đó có quyền “dân tộc tự quyết”. 

(Ý kiến này cần giải thích thêm về các vấn đề liên quan pháp lý như ý nghĩa “đối tượng công pháp quốc tế” của “quốc gia”, “chủ quyền tối thượng và duy nhứt”, “biên giới được phân định và đường biên này được quốc tế nhìn nhận”, “lãnh thổ bất khả phân chia” v.v… Nhưng bài viết này chỉ nói về nội dung Hiệp định Paris 1973). 

Thắng lợi lớn lao về chính trị và ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là họ đã thành công đưa “chiến tranh Việt Nam”, theo lập trường của Mỹ là một “vấn đề quốc tế”, quốc gia này xâm lược quốc gia kia, trở thành một vấn đề thuộc “nội bộ” của Việt Nam. 

(Một dấu ngoặc để so sánh lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với lập trường hiện thời của Trung Quốc đối với Đài loan hay của Nga đối với Ukraine. Ta thấy cả Trung Quốc và Nga, trên phương diện pháp lý, cả hai đều rập khuôn kế hoạch của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày trước, là đưa vấn đề Đài Loan trở thành chuyện nội bộ của Trung Quốc cũng như Ukraine trở thành chuyện nội bộ của Nga. Thực tế cho thấy Nga thất bại vì Ukraine được luật quốc tế và Liên Hiệp Quốc bảo vệ. Còn Trung Quốc thì sắp đạt được ý nguyện). 

Điều 1 Hiệp định Paris 1973 đánh dấu Mỹ thoái bộ một bước dài. Mỹ phải nhìn nhận những gì mà Mỹ đã phản đối 19 năm trước. 

Vì sao ?

Thứ nhứt, về ngoại giao, Mỹ không thuyết phục được các đồng minh (cật ruột) như Anh và Pháp trong Liên minh Phòng thủ Đông Nam Á (còn gọi là Liên phòng Đông Nam Á – SEATO), ủng hộ lập trường của Mỹ về vấn đề Việt Nam sau 1954. 

SEATO thành lập sau 1954, bao gồm các đồng minh của Mỹ trong chiến tranh Triều tiên, trong đó ngoài Mỹ, có hai trụ cột chính là Anh và Pháp và một vài quốc gia thuộc Đông nam á. Việt Nam Cộng hòa không gia nhập vào SEATO vì nhiều lý do như tư cách pháp nhân quốc gia chưa xác định và do ràng buộc nội dung Hiệp định Genève. 

Lập trường của Mỹ, về chiến tranh Việt Nam, là một cuộc xung đột quốc tế, quốc gia này xâm lược quốc gia kia. 

Lý do Mỹ không công nhận Hiệp định Genève 1954 là nhằm nhìn nhận Việt Nam Cộng hòa là một “quốc gia độc lập có chủ quyền”, sau đó để có lý do can thiệp vào chiến tranh Việt Nam.

Ta có thể tìm đọc tập tài liệu “Why Vietnam?” của The White House, Washington, D.C., 20 août 1965 để thấy điều này. Hồ sơ này có thể coi là tập “sách trắng” của Mỹ nhằm giải thích lý do, trước dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ, vì sao người Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. 

Từ năm 1960, qua những bức thư Tổng thống Eisenhower gởi ông Diệm, ta thấy người Mỹ đã có quan niệm miền Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Quốc gia đó tên gọi “South Vietnam”. Sang đến đời tổng thống Kennedy, cũng theo tài liệu “Why Vietnam?”, quan niệm về một quốc gia độc lập có chủ quyền tên gọi South Vietnam càng được củng cố. Năm 1965, ý kiến của TT Johnson được ghi nhận lại trong tập tài liệu còn đi xa hơn: “Miền Bắc Việt Nam đã tấn công một quốc gia độc lập có chủ quyền là miền Nam Việt Nam”. Diễn văn sau đó của TT Johnson tố cáo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xâm lược quốc gia Việt Nam Cộng hòa nhằm mục đích bành trướng và thống trị của chủ nghĩa cộng sản trên toàn Châu Á. 

Năm 1965 vịn vào “biến cố vịnh Bắc Việt”, Mỹ đổ quân vào Việt Nam. Tài liệu nêu ra lý do sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam: nhằm “củng cố trật tự thế giới”, từ “Berlin đến Thái Lan”, để “bảo vệ hòa bình, tự do và quyền dân tộc tự quyết” của dân tộc Nam Việt Nam. 

Nhiều lần tập tài liệu trích dẫn ý kiến lãnh đạo Mỹ, theo đó Mỹ “không có một tham vọng nào về lãnh thổ” mà chỉ bảo vệ “quyền” của nhân dân miền Nam Việt Nam. “Quyền” này thể hiện qua sự “lựa chọn tương lai của dân tộc Việt Nam bằng lá phiếu và các cuộc bầu cử tự do”. Điều này Mỹ đạt thắng lợi qua điều 9 của Hiệp định. Điều này sẽ trở lại phần dưới. 

Tài liệu cũng dẫn những cam kết của các lãnh đạo Mỹ: “Đến khi nào mà Mỹ còn có thể ngăn cản, thì không có một thế lực nào có thể khuất phục dân tộc Nam Việt Nam bằng vũ lực hay bằng khủng bố”. 

Tức là, lập luận của Mỹ về chiến tranh Việt Nam gồm hai mặt: chiến tranh “quốc tế”, nước này xâm lược nước kia và “chiến tranh ý thức hệ”, tức chiến tranh be bờ “từ Berlin đến Thái lan” chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.

Vấn đề là, đối với Nam Việt Nam, Mỹ đã không có ký kết bất kỳ một hiệp ước nào để bảo kê những lời cam kết. Điều tệ hại là không có một lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa nào, sau khi lật đổ ông Diệm, có nhận thức về tầm quan trọng sinh tử của cả quốc gia về một kết ước có giá trị pháp lý ràng buộc với Mỹ.  

Tuy “lót sân” như vậy nhưng Mỹ đã không thuyết phục được hai đồng minh cật ruột là Anh và Pháp ủng hộ lập trường can thiệp vào Việt Nam của mình. 

Quan điểm của Pháp qua ý kiến của Tổng thống De Gaulle (tháng Bẩy 1964), theo đó Pháp chủ trương tổ chức một hội nghị mới, tương tự Hội nghị Genève, với những thành phần tham dự trước kia để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử cho Việt Nam… 

Quan điểm của thủ tướng Wilson nước Anh (tháng Hai 1965): “chỉ có sự tôn trọng toàn diện các điều ước của hiệp định Genève mới đưa tới sự đình chỉ cuộc chiến tranh, do đó chấm dứt cuộc xâm lăng miền Nam do Cộng sản miền Bắc chủ trương”. 

Tức là Anh cũng có cùng lập trường với Pháp.

Mỹ tiếp tục đi lối riêng, sau cùng thất bại. Rốt cục 19 năm sau Mỹ phải rút quân và phải nhìn nhận hiệu lực Hiệp định Genève 1954, như khuyến cáo của Thủ tướng Anh Churchill và Tổng thống Pháp De Gaulle. 

Hiệp định Paris 1973 Mỹ còn đem lại sự thua thiệt cho Việt Nam Cộng hòa (và Mặt trận Giải Phóng Miền Nam) là không yêu sách Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức “trưng cầu dân ý” để thống nhứt đất nước, theo đúng qui định của Hiệp định Genève 1954.

Về quân sự, thực tế cho thấy kết quả trên chiến trường quyết định cho mọi điều ở bàn hội nghị.

Trận Mậu Thân 1969, phe Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Cộng thua về quân sự nhưng đạt thắng lợi chính trị lớn lao: Mỹ nhìn nhận sự hiện hữu của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là “một bên”, bất chấp sự phản đối của Việt Nam Cộng hòa. 

Chính phủ Mỹ buộc Việt Nam Cộng hòa, với các đe dọa cúp viện trợ và đảo chánh, buộc phải ngồi ngang hàng với  chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trong bàn Hội nghị. 

Trận “Điện biên phủ trên không”, B52 Mỹ dội bom miền Bắc, kể cả Hà nội, từ cuối năm 1972. Mỹ “thua” vì không ép được Hà nội phải rút quân về phía Bắc vĩ tuyến 17, song song với việc Mỹ rút quân khỏi miền Nam.  

Rốt cục Mỹ (rút quân và) chấp nhận bộ đội chính qui miền Bắc “đâu ở đó” tại miền Nam. 

Chính phủ Nixon phải dùng áp lực kinh tế (cúp viện trợ) và đe dọa đảo chánh để ông Thiệu chấp nhận điều kiện này và ký vào Hiệp định. 

Số phận Việt Nam Cộng hòa đã định. Mỹ đã thấy trong cuộc chiến này họ không thể thắng. Việt Nam không phải là Tây Đức, Đài Loan hay Nam Hàn, những quốc gia bị phân chia tương tự như số phận của Việt Nam Cộng hòa.

Ngoài ra còn có yếu tố rất bất lợi về địa lý. 

Trường hợp Đông và Tây Đức. Sau 1945 hai phe Mỹ và Liên Xô đồng ý phân chia nước Đức thành hai “quốc gia” thành viên Liên Hiệp Quốc, với đường biên giới được phân chia rõ rệt và (đường biên giới này) được quốc tế nhìn nhận. Tây Đức vừa được NATO, vừa được Liên Hiệp Quốc bảo vệ dựa trên các nguyên tắc nền tảng của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Trường hợp Đài Loan. Có hai quan điểm đối nghịch:

1/ Đài Loan là một phần lãnh thổ của “quốc gia” tên gọi Cộng hòa Nhân dân Trung quốc.

2/ Lục địa là lãnh thổ của quốc gia Trung Hoa Dân quốc bị mất vào tay cộng sản Trung Quốc năm 1949.

Eo biển Formosa không phải là “biên giới”. Nhưng lục địa không (hay khó) chinh phục Đài Loan vì đảo này được biển bảo vệ. Trung Quốc sẽ “thống nhứt” Đài Loan bằng vũ lực khi nhà cầm quyền Bắc Kinh thấy lực lượng hải quân và không quân của họ có thể thắng được lực lượng tương tự của Mỹ trong khu vực.

Trường hợp Nam và Bắc Hàn. Trên danh nghĩa, từ năm 1991, hai bên là hai “quốc gia” thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nhưng quan hệ hai bên “không phải là quan hệ quốc gia với quốc gia”. Tức là Bắc Hàn vẫn có thể xua quân để đánh miền Nam “thống nhứt đất nước” bất cứ lúc nào. Bắc Hàn không làm được là vì Triều Tiên là một bán đảo, ba bề được biển bảo vệ. Ngoài vĩ tuyến 38°, mỗi mét đất là có một quân lính Nam Hàn canh chừng. Nam Hàn được biển bảo vệ, như Đài Loan.

Mỹ đổ 50 vạn quân vào miền Nam Việt Nam, cộng với quân số của Việt Nam Cộng hòa, tất cả không thể đặt một người lính ở mỗi mét trên đường biên giới (Lào và Campuchia), dài hàng ngàn cây số (rừng núi trùng điệp). Tức là Việt Nam Cộng hòa rất khó phòng thủ, so với Nam Hàn hay Đài Loan.

4/ Chương 2, từ điều 2 đến điều 7, về vấn đề chấm dứt chiến sự và rút quân. 

Điều 4 Hiệp ước qui định: “Hoa kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam”.

Điều 5 qui định quân Mỹ phải rút trong vòng 60 ngày. 

Điều 7 ngăn cấm các lực lượng “nước ngoài” đổ quân vào miền Nam. 

Hiệp định rõ ràng đã yêu cầu Mỹ đơn phương rút quân. Nhưng đối với quân chính qui từ miền Bắc thì họ vẫn ở lại miền Nam. 

Hiệp định cũng ngăn cản mọi lực lượng quốc tế khác đổ quân vào miền Nam. 

Câu hỏi đặt ra là tại sao Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có thể ký tên chuẩn nhận Hiệp định tệ hại, có giá trị như tờ giấy khai tử Việt Nam Cộng hòa? 

Nếu ta có đọc bài “Hòa bình của nấm mồ”, cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn của Spiegel năm 1979 do Phạm Thị Hòa dịch và đăng ngày 28 tháng Tư năm 2015. Ông Thiệu vịn lý do bị đe dọa đảo chánh và Mỹ cúp viện trợ. Ngoài ra ông Thiệu còn tin tưởng vào “những lá thư” của Tổng Thống Nixon, với những cam kết sẽ trả đũa nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vi phạm Hiệp định. 

Ông Thiệu hiển nhiên phải biết, sau khi Hiệp định có hiệu lực, điều 2 và điều 4 ngăn cản Mỹ hay các quốc gia khác, không nước nào có “quyền” can thiệp vào chuyện “nội bộ” của Việt Nam. 

Đầu năm 1975 Cộng sản Việt Nam vi phạm đủ thứ chuyện, Mỹ không thể làm gì khác ngoài việc nhìn Việt Nam Cộng hòa sụp đổ. Các điều ở Chương 2 Hiệp định Paris 1973 đã trói tay Mỹ. Họ không có lý do để can thiệp vào Việt Nam nữa.  

Thực ra ông Thiệu còn có lựa chọn khác, ngay sau khi Hiệp định đã ký, để Việt Nam Cộng hòa không bị giải thể. Đó là nhượng quyền cho một chính phủ dân sự. Hoặc ông Thiệu có thể “bắt tay” với phe Mặt trận Giải phóng Miền Nam, áp dụng nhanh chóng những điều “có lợi” cho hai bên, như tổ chức nhanh chóng bầu cử sau đó tuyên bố Nam Việt Cộng hòa quốc là quốc gia “độc lập có chủ quyền”. 

Rốt cục chuyện xảy ra đúng như lời ông Thiệu đã từng nói: “nước còn tất cả còn, nước mất là mất tất cả”.   

Nhiều học giả phía Việt Nam Cộng hòa đến nay vẫn còn nhận định theo quán tính rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vị phạm Hiệp định vì quân chính quy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “quân nước ngoài”. 

Nội dung điều 1 cho thấy chiến tranh Việt Nam là chuyện “nội bộ” của “nước” Việt Nam. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như Việt Nam Cộng hòa đều thuộc về “nước” Việt nam này. Vậy quân chính quy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở đâu lại không được trên đất nước Việt Nam?

Ngoài ra còn có Tuyên bố chung Mỹ – Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 5 năm 1973, bổ túc cho Hiệp định Paris 1973. Nội dung nói về số phận quân chính quy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở tại miền Nam. Tuyên bố này cho phép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng các phương tiện nhằm vào việc “nuôi quân” và “thay quân”.  

Trên phương diện chính trị và ngoại giao, phe Việt Nam Cộng hòa thua từ A tới Z. Lãnh đạo là quân đội thì họ có chủ trương dùng vũ lực để giải quyết cho tất cả mọi vấn đề.

Kết cuộc, phe Việt Nam Cộng hòa đã được ý nguyện: dùng vũ lực giải quyết mọi điều. 

Vấn đề là khi súng hết đạn, xe hết xăng, do Mỹ cúp viện trợ. Quân lính Việt Nam Cộng hòa phải bỏ súng xuống mà thôi. 

5/ Chương 4 từ điều 9 đến điều 14, nói về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Chương 5 nói về vấn đề thống nhứt đất nước.

Quyền tự quyết của một dân tộc là một trong những nguyên tắc nền tảng tạo nên “luật quốc tế”. 

Một nguyên tắc nền tảng khác của luật quốc tế là “nguyên tắc bất khả xâm phạm về lãnh thổ của một quốc gia” (nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ). 

Điều 1 Hiệp định đề cao nguyên tắc lãnh thổ bất khả phân chia của nước Việt Nam. 

Điều 9 Hiệp định lại qui định về quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam. 

Quyền nào cao hơn quyền nào? 

Luật và tập quán quốc tế không có ý kiến về sự cao thấp hai quyền này.  

Quyền tự quyết của một dân tộc là bất khả truất bãi. Quyền này dính liền cùng với sự hiện hữu của dân tộc này. 

Sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, năm 1976 hai miền Nam và Bắc “hiệp thương thống nhứt đất nước”. 

Câu hỏi đặt ra là, nếu dân chúng miền Nam thấy là chế độ hiện thời, do Cộng sản Việt Nam áp đặt, thực tế còn tệ hại hơn cả thời Việt Nam bị ách thực dân do Pháp cai trị. Đảng viên ăn của dân không từ một thứ gì. Các thứ phí từ xăng dầu điện nước, đường xá (BOT), trường học, nhà thương… thực sự là một cách vặt lông vịt người dân, bóc lột người dân tận xương tủy. Người dân không còn làm chủ một thứ gì, kể cả mảnh đất do tổ tiên để lại hàng trăm năm nay.

Thực dân Pháp không tịch thu đất của dân mà còn làm đường xá, cầu cống, đào kinh, xây trường học, xây nhà thương… đủ thứ miễn phí. Đảng Cộng sản Việt Nam còn chủ trương “xuất khẩu lao động”, những việc mà thực dân ngày xưa không dám làm, vì đó là hình thức “buôn dân”… 

Dưới chế độ áp bức và bóc lột, người dân miền Nam hiển nhiên có quyền “dân tộc tự quyết”, yêu sách một chế độ khác thay thế.

6/ Đôi lời kết luận: Tiên trách kỷ hậu trách nhân.

Bài này chỉ nói đến các điều ước trong Hiệp định Paris 1973 đã “giết” chết Việt Nam Cộng hòa. Các điều khác, các Chương 6, 7, 8 và 9 không cần bàn tới. 

50 năm nhìn lại, vô số điều đã được học giả quốc tế viết thành sách. Vô số các bài báo, bài bình luận, bài phỏng vấn các nhân vật “lịch sử” về chủ đề này đã được công bố. 

Đối với Việt Nam Cộng hòa, Hiệp định Paris 1973 có những điều ước liên quan đến sự hiện hữu của chính bản thân Việt Nam Cộng hòa. Chuyện đáng trách là nhân sự lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa không mấy ai ý thức được việc này. 

Ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa là “ngoại giao một chiều”, từ Sài gòn qua Washington. Sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, con đường Sài gòn – Washington trở thành khó đi. Việt Nam Cộng hòa không lợi dụng được mâu thuẫn phát sinh giữa Liên Xô và Trung Quốc, cùng với Anh, Pháp… mở một “đường sống” cho dân tộc miền Nam. 

Ta không thấy lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa có một thái độ nào thích ứng trong hoàn cảnh mới, khả dĩ ngăn cản được một sự tụt dốc không phanh về mọi mặt.

Trong bài “Hòa bình của nấm mồ”, cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn của Spiegel năm 1979 do Phạm Thị Hòa dịch đã đề cập ở trên, chúng ta phải chua chát nhìn nhận rằng ngoài sức chiến đấu của quân đội, thì giàn lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa hầu hết đều bỏ trống hai phương diện chính trị và ngoại giao. 

Điều 1 Hiệp định ta thấy rằng tư cách pháp nhân của quốc gia tên gọi Việt Nam Cộng hòa đã bị đặt lại. Qua cuộc phỏng vấn, đến năm 1979, Việt Nam Cộng hòa đã bị “khai tử” 4 năm, ta thấy ông Thiệu hình như vẫn chưa biết có chuyện gì xảy ra. Ông vẫn còn quan niệm rằng Việt Nam Cộng hòa là một “quốc gia”.

Rõ ràng lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa đã không có những hành vi chính trị hay ngoại giao thích ứng với hoàn cảnh. Lãnh đạo là quân đội do đó một mực chủ trương giải quyết mọi thứ bằng vũ lực.

Thất bại khác về ngoại giao của Mỹ. Trong suốt 19 năm Mỹ can dự vào nội bộ Việt Nam Cộng hòa nhưng Mỹ không giúp được Việt Nam Cộng hòa xây dựng quốc gia, giúp (hay thuyết phục) Việt Nam Cộng hòa tuyên bố “quốc gia độc lập có chủ quyền”, với biên giới được xác định ở Vĩ tuyến 17 (để cuộc chiến Việt Nam Cộng hòa tự vệ trước sự xâm lược của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được quốc tế hóa, được Liên Hiệp Quốc bảo vệ tương tự Ukraine chống Nga).  

Sự can dự của Mỹ vào Việt Nam Cộng hòa, thay vì giúp đỡ đồng minh như ở Đức, Nhật, Nam Hàn…, thì trở thành việc Mỹ can dự vào chuyện nội bộ của một quốc gia khác. 

Điều 4 Hiệp định ghi nhận: “Hoa kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam”. 

Một cách cụ thể, Mỹ nhìn nhận chiến tranh Việt Nam là chuyện “nội bộ” của miền Nam.

Cái cách triệt thoái quân đội ra khỏi Việt Nam Cộng hòa cũng là một thất bại của Mỹ. Ban đầu Mỹ quan niệm “phi Mỹ hóa”, Mỹ đơn thuần rút quân và chiến tranh Việt Nam là chiến tranh giữa hai quốc gia Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một hội nghị quốc tế tương tự hội nghị Genève 1954 sẽ được tổ chức, theo ý kiến của Anh và Pháp. Hai bên sẽ tiến hành cuộc “trưng cầu dân ý” để thống nhứt đất nước. 

Xảy ra vụ Mậu thân 1968. Mỹ bắt đầu nói về “Việt Nam hóa chiến tranh”. Tức là quân Mỹ rút. Chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc “nội chiến”. 

Việc thay đổi ngôn từ, chiến tranh cách nào cũng máu đổ thịt rơi. Nhưng về pháp lý, về “luật chiến tranh”, nội chiến và chiến tranh quốc tế khác nhau một trời một vực. Thay đổi ngôn từ ở đây của Mỹ là dấu hiệu của sự thất bại.

Đỉnh cao sủa sự thất bại của Mỹ là hiệp định Paris 1973. Mỹ phải nhìn nhận Hiệp định Genève 1954, gián tiếp nhìn nhận Mỹ đã can dự vào chuyện nội bộ của một quốc gia khác (mà chuyện này vi phạm nguyên tắc nền tảng của Hiến chương Liên Hiệp Quốc).

Hiệp định Paris 1973 là kết quả của những thất bại về chính trị và ngoại giao của Mỹ về vấn đề Việt Nam Cộng hòa. 

Về phía Mỹ, có thể là dư luận Mỹ quá chán ghét chiến tranh. Dư luận quốc tế càng không thuận lợi. Hầu hết trí thức Tây phương hoặc chống Mỹ, hoặc ủng hộ Mặt trận Giải phóng Miền Nam.

Người Mỹ bỏ rơi Việt Nam cũng như sau này họ đã bỏ rơi chính phủ Afghanistan. Vấn đề là phim ảnh, báo chí, sách vở, tài liệu… đa số của Mỹ (và Pháp) đổ thừa cho Việt Nam Cộng hòa, rằng Việt Nam Cộng hòa tham nhũng, không chiến đấu nên thua cộng sản. 

Ta phải chấp nhận một điều rằng việc tệ hại lại đến từ nội bộ Việt Nam Cộng hòa. Tiên trách kỷ hậu trách nhân. 

Rất nhiều trí thức, nhân sĩ, văn nghệ sĩ… thời Việt Nam Cộng hòa có khuynh hướng “phản chiến”. Phong trào “phản chiến” như là một cái “mốt” thời đại. Ai cũng “làm dáng” “ta đây chống chiến tranh” để ra vẻ “trí thức”. Cùng với nhóm trí thức thiên tả ở Pháp và các nước phương Tây, họ hô hào “chống chiến tranh”, yêu cầu Mỹ phải rút quân. 

Tại sao họ không yêu cầu Cộng sản Việt Nam ngừng bắn và bộ đội chính quy phải rút về Bắc? Một bên tự vệ, một bên gây hấn. Tại sao họ yêu sách bên tự vệ phải bỏ súng? 

Chiến tranh Việt Nam có những cái phi lý như vậy mà ít có học giả nào để ý tới. 

Vấn đề là do Việt Nam Cộng hòa không đầu tư vào “chiến tranh chính trị”. Luôn nói Việt Nam Cộng hòa là một “quốc gia” nhưng chính phủ của ông Thiệu đã không làm điều gì để dân Việt Nam Cộng hòa yêu nước, chống chủ nghĩa cộng sản ngoại lai.

Thử tưởng tượng 2 trăm ngàn bộ đội ở miền Nam. Họ sống trong rừng, trong bóng tối. Lương thực đâu họ ăn, mỗi ngày hàng chục tấn gạo? Lực lượng bảo an Việt Nam Cộng hòa làm gì? Trong khi “gián điệp” Cộng sản len lỏi vào tới đầu não, kế cận ông Thiệu ở Dinh Độc lập.   

Nếu dân quân Việt Nam Cộng hòa một lòng yêu nước, quyết hy sinh chiến đấu “chống cộng sản xâm lược” như ý kiến ông Thiệu, thì sẽ không bao giờ “du kích” hay Mặt trận Giải Phóng Miền Nam có thể sinh sôi nảy nở ở miền Nam. 

Nếu quân dân Việt Nam Cộng hòa chiến đấu dũng cảm, có ý thức về quốc gia, về dân tộc như dân Ukraine, cộng sản sẽ không bao giờ sinh sôi ở miền Nam và Mỹ sẽ không bao giờ “bỏ” Việt Nam Cộng hòa.

Ngay cả bây giờ, nhiều người nói là tị nạn, là người Việt Nam Cộng hòa cũ, nạn nhân của Cộng sản, khi đã bỏ hết nhà cửa, của cải chạy lấy người qua đến Mỹ, đến các quốc gia “giẫy chết” rồi, họ lại hoạt động “phò” cái chế độ mà họ đã suýt chết khi chạy trốn. 

Không đổ thừa cho ai hết. Việt Nam Cộng hòa tiêu vong là do người dân Việt Nam Cộng hòa không biết giữ. Không yêu quí, bảo vệ cái mà mình đang có thì có ngày cái đó sẽ bị cướp mất thôi.

Trương Nhân Tuấn