Truyện ngắn Song Chi: Chung cư

Hình minh họa: Hasan Hüseyin YILDIRIM

Vừa bước ra khỏi cửa thang máy, ông A. có cảm giác như thoáng nhìn thấy một bóng đàn ông chạy vụt qua ở cuối hành lang dẫn xuống lối đi thoát hiểm. Không biết có phải là ảo giác không nhưng ông vẫn hấp tấp sải bước nhanh hơn đi về phía căn hộ của mình. Vừa đút chìa vào ổ, trái tim ông như hẫng đi một nhịp khi phát hiện cửa không khóa. Ông mở to cửa, gọi lớn: – B. ơi B…

Không nghe tiếng trả lời. Ông lao vào phòng khách, bếp, phòng ngủ của con gái. Không có ai. Nhưng ngay lập tức ông nhìn thấy cánh cửa phòng tắm mở hé, từ bên trong phòng tắm một dòng máu đỏ ngoằn ngoèo như một con lươn đang trườn trên sàn về phía ông. Chiếc túi đi chợ trên tay ông A. rớt xuống đất, mấy trái chanh, mấy trái táo lăn ra ngoài. Ông lao vào phòng tắm.

Suốt đời không bao giờ ông A. quên được cái cảnh tượng kinh hoàng đó: con gái ông, con bé B. xinh xắn, thùy mị, ngoan ngoãn, hết lòng hiếu thảo của ông nằm gục ngay bên bồn tắm, vẫn còn mặc nguyên quần áo, một tay níu lấy tấm ri-đô che quanh bồn, đầu gục xuống, mái tóc dài xổ ra… Và máu! Máu khắp nơi, trên tường, sàn, trên tấm ri-đô, trên bộ quần áo đẫm máu. Ông A. gào lên: – B. ơi con ơi.

Ông đỡ con lên. Cái cổ B. ngặt xuống lủng lẳng bởi một nhát chém gần đứt lìa, và trên ngực, trên cánh tay, bàn tay, không biết bao nhiêu là vết chém ngang dọc, máu tuôn xối xả. Đôi mắt B. đã lạc thần rồi, đôi môi mở ra cố nói mà không nói được, chỉ nghe tiếng khò khè, ục ục…Vừa gào khóc như người điên ông A. vừa cuống cuồng tìm cách rịt máu, băng bó vết thương ở cổ, ở ngực cho con. Trong lúc luống cuống bàn tay ông thọc cả vào bên trong vết thương mở toác hoác trên ngực, chứng tỏ kẻ thủ ác đã dùng một con dao lớn để chém.

Ông A. quơ quào mọi thứ, cố cầm máu, cố băng bó, vừa van vỉ: – Cố lên con, ba gọi cảnh sát, gọi cấp cứu rồi, họ tới ngay bây giờ, cố lên, ở lại với ba, đừng bỏ ba mà đi con ơi…

Tiếng khò khè ục ục bỗng im bặt. Ông A. kinh hoàng ôm lấy đầu con, nhìn vào mắt con nhưng đôi mắt ấy đã đứng tròng. 

Ông gào lên như một con thú bị tử thương.

Khi cảnh sát và các nhân viên y tế ập vào phòng, ông vẫn tiếp tục gào dù giọng đã hết hơi, cả người lắc lư như điên dại. Cảnh sát phải mất một lúc mới làm cho ông thôi gào thét và câu đầu tiên ông nói, mà cảnh sát không sao hiểu được, là:

– Chỉ vì mấy trái chanh, mấy cái lá nguyệt quế…

***

Ông A. choàng tỉnh, cả người ông run rẩy. Dù đã bao nhiêu năm trôi qua và những hình ảnh của cái ngày bi thảm ấy cứ trở đi trở lại cả hàng ngàn hàng vạn lần, nhưng chúng vẫn rõ ràng, sống động như mới xảy ra ngày hôm qua. Và nỗi đau trong lòng ông cũng vậy, vẫn y nguyên, thậm chí theo thời gian, dường như nỗi đau càng lớn hơn. Ông lầm bầm lặp lại không biết đến lần thứ bao nhiêu:

– Chỉ vì mấy trái chanh, mấy cái lá nguyệt quế…

Phải, giá mà ngày hôm đó ông đừng chạy vội ra siêu thị gần nhà mua mấy trái chanh, mấy cái lá nguyệt quế ông đã quên mua khi nấu món bò hầm cho con. Những ngày tháng đó ông không dám rời con một bước, kể từ khi B. kể cho ông nghe về mối tình đơn phương si dại của C., tay phụ bếp tại nhà hàng B. đi làm thêm một tuần ba buổi, và những lời đe dọa của anh ta: – B. mà không ưng tôi thì tôi giết B., tôi giết luôn bất cứ thằng nào dám ve vãn tán tỉnh B.…

B. đã nghỉ làm nhà hàng, ông cũng xin chuyển công việc từ full-time sang part-time để có thể đưa đón con đi học, bất cứ khi nào B. đi đâu là ông đi cùng, lúc ở nhà thì khóa cửa cẩn thận. Nhưng cả hai cha con đều biết C. vẫn theo đuôi B., ám B. như một bóng ma. Thậm chí buổi tối nhìn xuống đường cứ hai, ba ngày một lần ông lại thấy C. đứng bên kia đường ngó lên cửa sổ nhà ông. Có lần chịu không được ông A. lao xuống đường, nhưng vừa thấy ông xuất hiện là anh ta bỏ đi. Ông A. đuổi theo gào lên: – Con tao nó không yêu mày, mày đi tìm người khác đi, nghe không. Mày mà còn ám con tao nữa, tao báo cảnh sát, nghe không, thằng điên. 

Ông cũng đã tính cả đến chuyện dọn nhà đi chỗ khác, nhưng chưa kịp…

Chỉ vì mấy trái chanh, vì mấy cái lá nguyệt quế…

Ngày C. bị đưa ra tòa, y ngồi phía sau cái phòng có cửa kính bao quanh, khuôn mặt vô cảm. Ông không thể nhìn vào mặt y. Ông cúi đầu, quai hàm bạnh lên, hai tay nắm chặt đặt trên đùi đến nổi gân, nghe y kể lại chuyện đã rình rập quanh tòa nhà chung cư nơi ông ở bao lâu, ngày hôm đó khi ông vừa vội vã ra khỏi nhà là y lao tới, vừa may có môt bà cụ mở cửa dắt chó đi dạo thế là y lẻn vào, còn chuyện mở khóa thì chả có gì khó với y. Rồi y nói thật ra hôm đó y chưa quyết tâm giết B., y chỉ định đến để van nài B. hãy quan tâm tới y, tới tình cảm của y dành cho cô một chút. Nhưng khi y lẻn vào bên trong căn hộ thì B. lại đang điện thoại với một người nào đó, nghe là biết nói chuyện với bạn trai, cặp mắt, khuôn mặt, nụ cười B. sáng ngời lên hạnh phúc. Đến khi quay lại nhìn thấy y thì khuôn mặt đó tối sầm xuống, lạnh lùng, thậm chí kinh sợ. B. vội cúp máy ngay. Y gần như phát điên lên: – Cô nói chuyện với ai, với thằng nào? B. lạnh lùng: – Nói chuyện với ai là quyền của tôi, anh là ai, là cái gì mà hạch hỏi. Anh ra khỏi nhà tôi ngay, nếu không tôi gọi cảnh sát.

B. lại nhấc điện thoại lên và y lao tới. B. chạy vào trong buồng tắm. Y đuổi theo, đá tung cánh cửa ra và chém, chém điên cuồng. Bác sĩ pháp y đếm được tổng cộng 39 nhát!

Nghe đến đó chịu hết nổi, ông A. bật dậy, lao tới phía C, ông gào lên: – Tại sao? Tại sao  mày nỡ…? Thằng sát nhân, tao phải giết mày.

Ngay lập tức hai người cảnh sát giữ nhiệm vụ đi kèm C. chạy tới giữ ông A. lại. Ông giãy dụa, gào thét, chửi rủa. Hai người cảnh sát đưa ông A. ra ngoài. Còn C., y ngồi đó, dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng khi ngoái đầu lại nhìn y, ông có cảm giác như một cái nhếch mép đắc thắng hiện lên trên mặt y, cái nhếch mép ấy dường như muốn nói y mới là người thắng cuộc, bởi vì bây giờ B. mãi mãi thuộc về y, không ai khác có thể giành được, chiếm được B. của y nữa…

Cái cười đó làm ông điên lên, ông lại gào thét đến lên cơn động kinh, xùi bọt mép, lăn quay ra đất.

***

Ông A. ngồi thu lu trên giường, hai tay ôm đầu, cả người run bần bật. Ông không khóc. Ông không còn nước mắt để khóc. Cặp mắt ông khô khốc. 

Từ từ ông quay đầu lại đưa mắt đờ đẫn nhìn vào mấy bức ảnh để trên đầu giường: bức ảnh duy nhất của hai vợ chồng ông chụp chung với nhau, mấy bức ảnh của B. khi còn bé, khi đi học, và bức ảnh cuối cùng chụp trước khi mất không lâu. Khuôn mặt rạng rỡ, đôi mắt và cả cái miệng đều đang cười, hai lúm đồng tiền sâu trên má…Con bé không có vẻ đẹp lộng lẫy bắt mắt ngay tức khắc, nhưng có duyện thầm, càng nhìn càng thấm, cái nước da ngăm ngăm, nụ cười tỏa nắng, hai lúm đồng tiền này là thừa hưởng từ người mẹ gốc Khơ-Me của nó, mặc dù ông rất hiếm khi nhìn thấy người phụ nữ thiếu may mắn ấy cười, hai lúm đồng tiền của nàng khi bặm môi thật chặt lại giống như hai vết cắt…

Có tiếng động ồn ào ở căn hộ bên cạnh, cô gái đã mở cửa chạy ra balcony và từ đó những tiếng cãi vã, mắng chửi nhau, tiếng khóc lóc vọng qua bên ông. Cái cảnh tượng quen thuộc đến mức những người sống xung quanh cũng chẳng buồn để ý nữa.

Chậm chạp, ông A. ngồi dậy, khập khiễng bước vào phòng tắm. Ông mở vòi nước, vã nước lên mặt rồi nhìn khuôn mặt nhầu nhĩ của mình trong gương. Khuôn mặt của một con người bị cuộc đời đánh gục và mãi mãi không vượt qua được quá khứ.

Bên ngoài trời đã sáng rõ. 

***

Sau khi táng cho cô bồ một cái tát cháy má, D. khoác áo, bực bội bước ra cửa, đóng cửa đánh sầm một cái.

Từ căn hộ bên cạnh, phía bên kia, một người phụ nữ trung niên mở cửa thò đầu nhìn ra, D. đi ngang qua sừng sộ: – Bà nhìn cái gì? M., người phu nữ, rụt vào, đóng sập cửa lại. 

M. đứng bên trong. Tiếng giày D. đi xa hút, bây giờ M. mới dám lầm bầm: Bọn nhập cư vô lại. 

***

Đồng hồ chỉ 9:15 sáng. X. đội mũ, mang giày, chuẩn bị đi làm. Công việc mà anh ta làm suốt mười mấy năm nay là nhân viên nhập dữ liệu cho một công ty thương mại. Một công việc hết sức nhàm chán nhưng anh ta tự an ủi có việc là may rồi. Trước đó anh ta từng có một thời gian dài thất nghiệp, phải nhận tiền trợ cấp của nhà nước và cứ phải theo những khóa học dành cho người thất nghiệp – những khóa học mà anh ta cho rằng chả giúp ích được gì bao nhiêu. 

X. khoảng gần 50, hói đầu, vóc người trung bình, chiều cao trung bình. Khuôn mặt hầu như không bao giờ biểu lộ cảm xúc. 

X. cầm cái túi xách, mở cửa. 

X. kiểm tra một lượt túi trên túi dưới. Đã đóng cửa, lại mở ra ngó một lần nữa rồi lại đóng. Lúc nào anh ta cũng phải làm như vậy mới cảm thấy yên tâm. 

***

Cái quán ăn Việt take away nhỏ xíu, chỉ đủ chỗ cho một cái quầy để khách đặt món và trả tiền, một băng ghế gỗ kê sát tường cho vài người khách ngồi chờ trong lúc thức ăn đang được chuẩn bị trong bếp. Trên tường treo một vài bức tranh lụa vẽ thiếu nữ Việt với áo dài, tranh sơn mài hình chùa Một cột, loại tranh hàng chợ. Dưới đất một bàn thờ ông Địa thắp nhang điện cháy đỏ suốt ngày đêm, với pho tượng ông Địa mặt tròn xoe, bụng tròn vo, ngồi nhìn ra cửa, cười toe toét. 

Ông A. bỏ hộp thức ăn vào cái túi vải bên trong đã có sẵn chai rượu, lúng búng trong miệng chào ông chủ quán rồi đi ra cửa. Cái dáng đi khâp khiễng, và hơi xiêu vẹo, có vẻ như ông đã kịp thời uống khá nhiều rượu. Ông chủ quán nhìn theo, lắc đầu, thở dài đầy thương cảm. Quay lại thấy hai cô sinh viên người Việt đang đứng chờ thức ăn đưa mắt tò mò nhìn theo ông A. rồi nhìn ông, một cô lanh miệng hỏi:

– Khách quen hả chú?

Ông chủ quán không trả lời mà hỏi lại:

– Chắc mấy cháu mới qua?

Cũng cô lanh miệng:

– Dạ tụi cháu mới qua học năm thứ nhất đại học ở đây.

– Ờ hèn gì mấy cháu không biết. – Ông chủ quán hất đầu về phía ông A. đã đi khuất: – Ổng hồi xưa là lính của ông già tui. Hôm nào mà thấy ổng ghé mua là biết mới lãnh lương hưu. 

Ông chủ quán chép miệng: 

– Ông già tui là đại úy còn ổng mới đi lính được có 2 năm thôi thì miền Nam thua. Lúc những người lính Bắc Việt vô tới Sài Gòn thì ổng đang nằm trong bệnh viện, bị thương ở đầu, ở đùi và bị mất nửa bàn chân, bên thắng cuộc họ đuổi hết tất cả những người lính bị thương của miền Nam đang được điều trị ra khỏi bệnh viện, bất kể vết thương nặng hay nhẹ. Ổng đâu có gia đình cha mẹ gì đâu nên ổng lết về nhà tui ở cả tháng trời, khi vết thương lành thì ổng đi, sau này ba tui phải đi học tập cải tạo dài dài còn ổng chỉ là lính quèn lại thương tật nên đi ngắn ngày rồi về. Cuộc đời ổng nhiều chuyện buồn nên đâm ra tâm thần cũng ảnh hưởng, rồi lúc nào cũng say nhưng không phá phách gì ai, khi tỉnh táo còn giúp đỡ người khác nên khu này ai cũng thấy tội.

Im lặng một chút chủ quán nói thêm: 

– Vậy nhưng mà ổng vẫn còn may mắn hơn ông già tui, đi tù cải tạo bệnh hoạn cực khổ quá sao đó mà chỉ có 3 năm sau là chết trong trại ở tuốt ngoài Bắc, xác vẫn còn nằm ở đó trại không cho đưa về…

Nhận ra hai cô gái có vẻ cũng không hiểu lắm những điều mình đang nói, ông chủ quán phẩy tay:

– Mấy cháu sinh sau đẻ muộn không biết không hiểu đâu. 

***

M. nhìn lại một lần nữa khuôn mặt đã trang điểm của mình trước gương. Một chút mascara trên hàng mi, một lớp phấn hồng trên má và son môi màu hồng tím. M. không phải thuộc loại biết trang điểm. Mỗi lần cần phải trang điểm M. mất hàng giờ đồng hồ chỉ để chải mascara và tô môi. Thêm mười lăm phút chỉ để chải sơ mái tóc càng ngày càng có vẻ thưa và xơ xác. M. dừng lại lo lắng khi nhìn thấy một vài sợi bạc nhú ra gần vành tai, cứ khoảng một tháng rưỡi, hai tháng là M. lại phải nhuộm tóc, nhuộm lấy ở nhà, để che đi những sợi tóc bạc, vậy mà tóc bạc lại ra nhanh thế không biết. M. thở dài bực bội, dán sát mặt vào gương để nhìn xem da mặt mình có khô lắm không, những vết chân chim ở đuôi mắt có rõ lắm không, rồi xịt keo để giữ tóc. Cuối cùng là chọn áo. 

Cái tủ chứa đầy áo, toàn những đồ tầm tầm mua ở mấy cái shop từ thiện bán giá rẻ như cho, hoặc những khu chợ ngoài trời. Dạo sau này M. bị lên cân, những cái áo cũ cái nào xỏ vô cũng không vừa. Lựa tới lựa lui cuối cùng M. chọn chiếc áo đầm dài màu tím có những sọc màu đen. Cái này M. mới mặc có một, hai lần, trong các cuộc hẹn hò khác, loại áo đầm suông, One Size nên không bị chật. 

***

X. đi làm vừa về, đứng trước những thùng thư, đặt cái túi xách xuống đất, lấy chìa khóa mở hộp thư có tên mình. Không có gì ngoài những tờ quảng cáo và một cái hóa đơn tiền điện, nhưng anh ta vẫn quờ tay tìm vài lần, lật đi lật lại những tờ quảng cáo xem có cái thư nào không.

X. khóa hộp thư, cầm túi xách và những thứ vừa lấy từ trong hộp thư, quẹo qua phía trái đi cầu thang lên lầu. Anh ta luôn luôn đi cầu thang bộ, không bao giờ sử dụng thang máy. Anh ta hãi thang máy, sợ những không gian chật hẹp, sợ đụng chạm với người, sợ thang máy rơi…đủ thứ. Vả lại, đi bộ tốt cho sức khỏe. Ngày nào anh ta cũng đi bộ tới nơi làm việc và đi bộ về nhà, cũng cùng những lý do: tránh không gian bít bùng của những cái xe bus, tránh đụng chạm với người khác, vừa tiết kiệm tiền vừa khỏe người.

***

M. khoác thêm cái áo khoác màu đen ra bên ngoài, trời tháng Tám ở đây tối về là đã hơi chớm lạnh. Nhưng thật ra cái lạnh ở đây so với nước Nga của M. thì cũng ngang ngửa thôi.

M. đi ngang qua căn hộ của D. và E. Tiếng nhạc ồn ào vẳng ra. M. bực bội, lẩm bẩm: Bọn nhập cư vô lại. Chợt nhìn thấy gói rác to trước cửa, có lẽ cô nàng người Philippines sống như vợ chồng với anh chàng người Albania này để ở đó một lát trước khi đem xuống phòng rác ở tầng trệt. M. nhìn quanh quất rồi giơ chân đá một cái, gói rác đổ tung tóe ra. M. bước đi thật nhanh.

Ông A bước ra khỏi cửa thang máy, đi về căn hộ của mình. Nhìn thấy gói rác đổ tung tóe, ông định đi luôn nhưng rồi dừng lại, cúi xuống lúi húi lượm bỏ vô. Đang lượm thì cửa căn hộ bật mở, D. ló đầu ra quát: 

– Ông già. Ông làm đổ rác của tụi tui sao? Đi đứng mắt mũi gì kỳ vậy? 

Ông A. lúng túng:

– Không phải tui, không phải…

Nhưng D. vẫn la lối. Từ bên trong E. chạy ra lẹ làng ngồi sụp xuống lượm rác cùng với ông A. 

Ông A. định thanh minh nhưng E. nói nhanh:

– Không sao, lượm chút là xong. Tôi cũng định đi xuống dưới đổ rác.

Phía sau D. hậm hực đứng ngó cả hai rồi bỏ vô trong.

X. đi ngang qua như không nghe thấy gì, đi thẳng.

***

Vừa thấy mặt người đàn ông mình hẹn hò hôm nay là M. ngán ngẩm ngay. Nhìn mấy bức hình bỏ lên trang web hò hẹn trông ông ta cũng không đến nỗi, có lẽ là hình chụp từ nhiều năm trước (mà thật ra thì M. cũng để hình chụp cách đây 6, 7 năm, còn chưa đến nỗi như nhiều bà nhiều cô đưa hình cả 20 năm trước, hoặc hình photoshop, người ở ngoài và trong hình khác nhau một trời một vực). Trông ông ta mập, da mặt bệch bạc, tóc lơ thơ trên đỉnh đầu, ăn uống ngồm ngoàm, vừa ăn vừa nói (không cần biết M. có nghe không). Ông ta là người Belarus, qua đây có lẽ cũng phải trên chục năm. Một trong những tiêu chuẩn chọn lựa của M. khi lướt nhìn qua profile của bọn đàn ông trên những trang web hẹn hò là phải dân da trắng, người Nga, người Ba Lan hay người bản xứ Na Uy gì cũng được, miễn là da trắng, M. không thích dân da màu, nhất là dân da màu nhập cư. 

M. rầu rĩ, chán ngán đến mức chỉ mong cho buổi hẹn hò qua đi và đi về ngủ. 

***

Lại máu và máu. A có thể ngửi thấy mùi máu đó khi chèo chiếc xuồng đưa T. nằm thiêm thiếp trên sàn, từ sâu trong rừng tràm ra huyện, khi bế T. trên tay chạy như điên từ ngoài đường vào bệnh viện. T. cứ lả dần đi trên tay A. Vậy nhưng T. vẫn chưa được thăm khám ngay. Đang có khách khác, khách quan trọng, biển số xanh từ tỉnh về, chắc có chuyện bất ngờ nên mới phải ghé cái bệnh viện huyện nhỏ như cái lỗ mũi này. A. ngồi ôm vợ, ruột gan như lửa đốt. Cuối cùng thì cũng đến lượt. Người y sĩ mặt rỗ, tướng tá thô như nông dân quát vào mặt A.: – Băng huyết. Sao để đến giờ mới đưa vào đây? – Dạ thưa nhà ở xa quá đi giờ mới tới. 

T. được đặt trên băng ca đưa vào trong phòng cấp cứu. Và cũng chỉ mấy tiếng sau, T. đã thành cái xác vô hồn, lạnh ngắt nằm trên chiếc băng ca, phủ vải trắng, hai bàn chân còn dính phèn thòi ra ngoài. Mới hôm qua T. vẫn còn phải dầm nước làm ruộng với A. Quần quật đủ việc cho đến khi cơn đau bụng đẻ ập tới. Không kịp đi mời bà mụ vườn tới vì đầu đứa nhỏ đã lú lú giữa hai chân người mẹ, vậy là A. đỡ đẻ luôn cho vợ, rồi hơ con dao làm bếp lên ngọn lửa để sát trùng, cắt rốn luôn cho con. Vậy mà bây giờ T. nằm đây, lạnh ngắt.

Đưa cái xác của T. về, trời lại mưa, A. ngửa mặt lên trời, nước mắt ròng ròng lẫn với nước mưa. Nghèo đến mức không có tiền làm đám ma cho vợ, hàng xóm chung quanh ai cũng nghèo, toàn dân đi “kinh tế mới” như nhau. Đành phải bó chiếu chôn. Ông N., một người trí thức sa cơ lỡ vận cũng phải trôi dạt về khu kinh tế mới này, nhìn A. ôm đứa con sơ sinh đỏ hỏn trong tay với cái nhìn xót xa rồi nói với A: – Chú em bỏ khu này lộn về lại Sài Gòn đi, bám Sài Gòn mà sống, chớ con nhỏ ở đây không có tương lai đâu. Nói rồi ông lúng túng nhét nắm tiền nhàu nát vào túi A.

Cũng vì lời khuyên này mà A. lộn về Sài Gòn, bám lề đường mà sống, làm đủ nghề để nuôi con những năm tháng cả nước đói khổ, rồi lại bỏ nước đưa con ra đi…

Ngủ không được. Những hình ảnh của quá khứ cứ trở về, lộn xộn, đau đớn. Ông A ngồi dậy hai tay ôm lấy đầu. Giá mà có thể quên hết, quên sạch, không còn nhớ gì nữa…Như cái dạo ông phải vào bệnh viện tâm thần một thời gian vì bị trầm cảm nặng, có những ngày ký ức trắng toát như những bức tường trắng của bệnh viện…

***

X. đang say sưa thủ dâm. Bỗng đồng hồ báo thức vang lên chói lói. X. giựt mình, bàn tay dừng phắt lại. 

Shit. X. buột miệng.

Và ngồi ngay dậy, bước vào phòng tắm.

Sau bữa điểm tâm đạm bạc với một chén cháo ngô và một tách trà đậm, X. thay quần áo, nhìn vào tờ lịch trên tường, đoạn đội mũ, mang giày, cầm túi xách, rời căn hộ.

Anh ta đóng cửa, lại mở ra ngó một lần nữa rồi lại đóng và quay đi. 

***

D. và E. lại cãi nhau, lần này là chuyện D. biến đi đâu mấy ngày. D. bảo công chuyện làm ăn, E. gào lên: Đừng có nói láo, tôi thấy anh lên xe một con mụ già gấp đôi tuổi anh…D.: – Đó là khách hàng làm ăn, hiểu chưa đồ ngu? E.: – Làm ăn cái gì? Bán ma túy hả…Một cái tát cháy mặt. D. rít trong cổ họng: – Con đĩ. Mày mà làm lộ chuyện làm ăn của ông là ông giết mày. 

D. lại đạp, đánh túi bụi. E. đau quá van xin: – Em biết lỗi rồi, em xin lỗi anh…Nhưng D. vẫn đánh.

***

M. lại hẹn hò một người khác. Lần này là một gã Ba Lan nham nhở, mới gặp nhau mà gã toàn nói chuyện ám chỉ đến tình dục. Gã ỡm ờ bảo M. đi lấy giùm đường, khăn ăn trên cái bàn ở gần đó vì gã không đứng lên được. Nói rồi gã đưa mắt ra hiệu “chỗ ấy” đang cương lên bên trong chiếc quần jeans của mình.

Gã cũng chẳng hỏi han gì nhiều về M. như những người khác, gã cứ đưa tay vuốt ve, sờ mó hết cánh tay trần của M. lại đến đầu gối và lần lên trên đùi. M. đẩy ra, một lần rồi hai lần, mạnh hơn, gã mất hứng bảo: – Cô cứ làm như gái còn trinh ấy. Ở tuổi cô, hẹn hò rút cuộc không phải là vì chuyện đó hay sao? Cô hẹn hò với bao nhiêu thằng cha qua mạng rồi? 

M. bị tổn thương đứng lên bỏ ra về, gã cười nhạo.

***

Ông A. ngồi một mình trong công viên, vừa uống rượu vừa ném vụn bánh mì cho đám chim bồ câu ăn. Công viên buổi chiều vắng. Mùa thu ở Oslo đến muộn nên cuối tháng Tám mà lá vàng chỉ lác đác. Bao giờ ông cũng chọn chỗ ngồi này, khuất và không làm phiền ai. 

Ông A. ngửa cổ uống cạn những giọt rượu cuối cùng.

Một đám khoảng 4, 5 đứa trẻ, cả da trắng lẫn da màu, chừng 12-14 tuổi đi ngang, một thằng lớn nhất bọn và có vẻ láo nhất, ngoái cổ nhìn nhìn huýt sáo nhưng ông A. vẫn ngồi yên không phản ứng. Thằng nhóc nổi cơn nghịch phá, nhặt hòn sỏi ném về phía chai rượu. Chai rượu vỡ toang nhưng bên trong cũng chả còn giọt nào. Ông A. cũng không nhúc nhích, không thay đổi sắc mặt, như đang chìm trong những suy nghĩ riêng. Thằng nhóc định đi về phía ông A, nhưng mấy đứa khác kéo nó đi: – Kệ ông già đi mày. 

Bọn trẻ đi khuất.

Ngồi một lúc thấm lạnh ông A. sực tỉnh, theo thói quen ông quờ tay định lấy chai rươu mới thấy chai bị vỡ, rượu hết. Ông lom khom nhặt những mảnh vỡ cho vào chiếc túi vải lúc nào cũng mang theo rồi đứng lên ngật ngưỡng đi về. 

***

Ông A. đụng mặt E. trong phòng để các thùng rác của chung cư, và giựt mình vì một bên mắt E. bầm tím và một bên tai bị rách, rỉ máu. Thấy cái nhìn của ông A., E, quay mặt bước vội. Ông A. đuổi theo: 

– Tai cô chảy máu kìa. 

E. đưa tay quệt vội máu:

– Kệ, rồi nó hết.

– Nhà cô có băng, có thuốc iode không? Tui không có, nhưng nếu cô cần tui ra siêu thị ngay đây mua cho. 

E. gắt gỏng:

– Đã nói cứ kệ nó, rồi nó hết mà.

Chợt nhận ra sự thô lỗ, vô lý của mình, E. dịu giọng:

– Xin lỗi, ông còn rượu không? Tự nhiên tôi thèm rượu quá.

Ông A. gật. Hai người đi về căn hộ của ông.

Ông A. khui chai rượu mới mua, rót cho E. và mình mỗi người một ly nhỏ. E. ngửa cổ nốc một hơi. Ông A. định rót nữa nhưng E. lắc đầu, quay đi:

– Cảm ơn ông.

E. bước ra cửa. Ông A. đi theo rồi ngập ngừng hỏi:

– Hình như mấy bữa nay không thấy …Không nhớ ra tên gã, ông A. dừng lại.

E. chua chát: 

–  Anh ta lại biến đi đâu cả tuần nay rồi.

Ông A. không biết nói gì, E. dừng lại ngay ngưỡng cửa, quay đầu nhìn ông:

– Chắc ông nghĩ tôi ngu. Ai cũng nghĩ tôi ngu. Nhưng mà tôi yệu anh ta. Không có anh ta tôi không biết mình sẽ sống thế nào được. E. nói thêm: – Có thể ông chưa yêu ai điên dại bao giờ, ông không biết…

Thấy nét mặt đổi khác của ông A., E. ngừng bặt: 

–  Xin lỗi ông, tôi về đây. 

Khi E. đi rồi, ông A. thẫn thờ nhấc khung hình chụp sau cùng của con gái lện ngắm, ánh mắt đau đớn. 

*** 

X. vừa ăn vừa đọc những tờ quảng cáo. Anh ta chỉ quan tâm đến các quảng cáo giảm giá món này món kia trong tuần, tại các siêu thị. 

X. chợt chú ý đến một con chuột nhắt đang bò trên sàn nhà. Anh ta loay hoay một lúc mới chộp được con chuột, lấy một cái ly to trong suốt ụp lên, rồi vừa ăn vừa ngó con chuột bò loanh quanh bên trong cái ly. Trò giải trí này làm anh ta hứng khởi được một chút.

Ăn xong, anh ta mở cái laptop, lấy ra những cái hóa đơn đi chợ, hóa đơn tiền điện, nước… các thứ ghi vào sổ, đối chiếu với tài khoản ngân hàng và thấy là tuần vừa rồi mình tiêu vượt mức cho phép cả trăm kroner vì xài sang mua thêm một lát cá hồi. Mỗi tuần anh ta chỉ tự cho phép mình ăn một bữa cá, một bữa thịt gà, còn lại là rau đâu. Anh ta nhăn nhúm mặt đau khổ, tuần sau phải cắt giảm xuống. 

Nhìn vào số tiền để dành suốt bao nhiêu năm là một lạc thú hàng ngày đối với X. Những con số nhảy múa trong đầu anh ta khi anh ta nghĩ đến những kế hoạch của mình. Khi về hưu anh ta sẽ có thể tự thưởng cho mình một chuyến đi về quê nhà ở Bangladesh, cũng có thể anh ta sẽ mua thêm một cái nhà ở Dhaka và cho thuê, mua nhà ở bên đó rẻ hơn ở Oslo này nhiều, cũng có thể lúc đó anh ta sẽ cưới một cô vợ trẻ hơn hai mươi, hai mươi lăm tuổi và mang sang đây…Nhưng mà thôi, có vợ chỉ tổ tốn kém, phiền toái. Anh ta hoàn toàn cảm thấy ổn với chuyện sống một mình như thế này.

***

M. không ngủ được, nằm lăn qua lăn lại trên giường. M. đang nghĩ đến tay đàn ông người Thụy Điển mới làm quen trên mạng. Khuôn mặt y, thân hình y đúng là nét đẹp của đàn ông Bắc Âu, cao lớn, cường tráng, tóc vàng màu lúa mì, còn mắt y? Không biết gọi là màu gì, trông giống như mắt mèo. Vậy mà y lại chịu bắt chuyện với M. và còn lửng lơ hẹn thứ Sáu này gặp nhau.  

Những đêm không ngủ được như thế này, M. cảm thấy bứt rứt và thèm một vòng tay đàn ông. Bao nhiêu lâu rồi M. không được nằm ngủ và thức dậy bên cạnh một người đàn ông? 

Hai cuộc hôn nhân thất bại. Cuộc hôn nhân lần thứ nhất lâu lắm rồi, từ khi M. mới 23 tuổi. Cưới chưa được 3 năm thì P., chồng M. bị thất nghiệp, chán đời y xung phong đi lính ở Afghanistan để có tiền. P. đi mới 8 tháng thì M. nhận được hung tin, từ một đồng đội là người bạn chung của cả hai vợ chồng, còn giấy báo tử chính thức thì mãi mấy năm sau mới có, mà M. cũng phải đi tới đi lui, gửi thư, gõ cửa hỏi khắp nơi mới có câu trả lời.

Rồi những cuộc tình chóng vánh, chẳng có cái nào dài lâu.  

Đến khi quen được ông chồng sau, một người Nga định cư ở Na Uy, qua một trang web hò hẹn, rồi theo ông ta sang sống ở Na Uy, M. cứ nghĩ thôi lấy chồng già hơn nhiều tuổi cho yên thân. Mà rồi cũng không hợp, cũng phải thôi nhau. 

Ngủ không được M. ngồi dậy bật TV, mở Netflix và chọn đại một bộ phim hình sự của Na Uy. Nhưng trước khi xem, M đi xuống bếp, mở tủ lạnh, tìm thức ăn. Tủ lạnh M. lúc nào cũng có thức ăn. M. biết mình lên cân nhiều, nhưng cứ những lúc cảm thấy buồn, cô đơn hoặc những lúc thức khuya xem phim là M. lại ăn, và cứ mỗi lần như vậy M. lại tặc lưỡi tự hứa từ ngày mai phải bớt đi, bớt thịt, bớt ăn đồ ngọt, nhưng rồi đâu vẫn vào đó. 

M. trở lại phòng khách, với một nửa cái bánh táo còn lại trong tủ lạnh, một ly Gin pha nước tonic, và ngồi xuống sofa. 

***

Trong căn hộ của mình X. cũng trằn trọc lăn qua lăn lại, thủ dâm, sau đó ngủ thiếp đi.

***

Họa hoằn lắm E. mới xin nghỉ làm. E. thích làm việc, và không muốn nhìn thấy vẻ không hài lòng trên gương mặt của ông bà chủ. Nhà hàng lúc nào cũng bận, mà chỉ có 3 người phụ trách nấu nướng – bà chủ người Hoa chuyên phụ trách các món sushi, ông chủ người Nhật làm các loại món ăn Nhật khác, và E. phụ bếp. Phục vụ bàn thì chỉ có một cô, cũng người Philippines như E. Thiếu một người là công việc ngập đầu ngập cổ ngay. Nhưng hôm nay thì E. phải xin nghỉ đi bệnh viện. 

Và bây giờ E. đang nằm co ro trên giường, lơ mơ ngủ, một cái chăn dày đắp trên bụng.

Có tiếng chìa khóa đút vào ổ, tiếng mở cửa rồi tiếng huýt sáo. D về. Có vẻ như gã đang trong tâm trạng phấn chấn. Vừa bước vào, gã đã gọi to:

– Baby. Em đâu rồi cưng?

E. mở mắt ra. D. đi vào phòng ngủ, nhìn thấy E. Gã hớn hở rút từ trong túi ra một xấp tiền xòe trước mặt E.:

– Baby. Tối nay mình đi ăn ngoài, em muốn ăn nhà hàng gì? Na Uy? Ý? Hoa? Thái?

Gã ném xấp tiền lên bụng E.:

– Cưng muốn mua ít quần áo mới gì đó thì mai đi mua đi.

Nói rồi gã hôn chụt lên má E. Hơi thở gã có mùi rượu. Gã thò tay vào áo E. mân mê ngực E. Thấy E. không tỏ vẻ gì hào hứng, vẫn nằm yên, gã chau mày:

– Cưng sao vậy?   

E. không trả lời, gã lại thò tay vào trong áo E. Cơn hứng tình nổi lên, gã tốc áo E. lên và hối hả cởi khuy quần. E cưỡng lại: 

– Bỏ tôi ra, tôi mới phá thai xong. Tất cả tại anh hết. 

E. tấm tức khóc.

D. khựng lại rồi cáu tiết:

– Con ngu. Tại sao không dùng cách gì đó, phá gì phá hoài vậy.

E. càng khóc lớn hơn:

– Anh thừa biết là cơ thể tôi dị ứng với thuốc, cũng không đặt vòng được, vậy mà anh không giữ gìn, không xài bao gì hết. Tại anh hết.

D. gắt:

– Xài bao thì còn gì là hứng, con ngu.

D. lầm bầm chửi rồi bỏ ra phòng khách, vớ lấy một chai bia trong tủ lạnh, uống cho “hạ hỏa”. Nhưng chỉ được một lúc D. lại thấy buồn chán. Gã mở điện thoại, gọi cho mụ đàn bà gã đang có mối làm ăn mấy tháng nay, mụ không đẹp cũng không còn trẻ nhưng lúc nào cũng sẵn sàng và trên giường thì như một con hổ cái. 

Hẹn mụ xong, D. đi ngay. Cánh cửa đóng sầm lại sau lưng gã. 

Khi vào tới thang máy D. nhìn thấy M. và một anh chàng có vẻ dân Bắc Âu, tướng tá cao ráo, tóc vàng màu lúa mì, đi ra. Người đàn ông trông trẻ hơn M. Thấy cái nhìn ngạc nhiên của D., M. quay mặt đi nhưng không giấu được vẻ hãnh diện.

Trước khi bước hẳn vào trong thang máy, D.  còn ngoái cổ nhìn theo M. và gã Bắc Âu, tấm tắc trong bụng: Con lợn Nga xề này vậy mà cũng kiếm được một thằng cha khá bảnh ta. 

E. lồm cồm ngồi dậy trên giường. Những tờ tiền rớt xuống đất, E. không buồn nhặt lên. Lúc nãy mà có sẵn một con dao trong tay chắc E. đâm một cái vào người D. tới lút cán quá. E. ôm mặt khóc. Khóc nhiều, cả người bị xúc động mạnh, máu lại ri rỉ chảy giữa hai đùi nhưng E. không để ý.

Điện thoại cầm tay để trên chiếc tủ nhỏ đầu giường rung lên. Không cần nhìn E. cũng biết là mẹ cô gọi. Lại những lời than thở về cuộc sống khó khăn, túng thiếu ở nhà, những câu hỏi liệu E. có thể gửi thêm chút ít, hoặc vẫn còn sống với thằng khốn nạn đó sao, bỏ nó đi con ơi, bỏ nó đi làm lại cuộc đời…Thay vì mở ra nghe E. tắt luôn điện thoại.

***

M. đi trên đường như người mộng du. Gương mặt đau đớn, nhục nhã. M. không biết mình đi đâu, chỉ đi và đi. Nước mắt ràn trên mặt. 

M. suýt va phải một người, A. đang khật khưỡng từ công viên trở về, mà không chú ý. 

Ông A. nhìn theo M. lạ lùng. Chưa bao giờ ông thấy người phụ nữ người Nga này trong bộ dạng như vậy. Nếu là mọi khi thấy ông đi xiêu vẹo, có mùi rượu, chị ta sẽ tránh xa và lầm bầm trong miệng vẻ kinh tởm. Có cái gì đó trong dáng đi, trên khuôn mặt M. khiến ông thấy hoảng. 

Trông chị ta đi nghiêng nghiêng như sắp ngã đến nơi. Rồi cũng không hiểu sao ông lại quyết định đi theo. 

M. cứ thế đi. Một lúc thì ông A. thấy lạnh, thấm mệt và ngán. Nhưng cơn say thì đã qua. Thôi kệ chị ta, mình đi về kiếm cái gì ăn thôi. Nghĩ vậy nhưng chân ông cứ bước theo.

M. đi lên cái cầu. Chị ta tiến sát đến mép cầu. Bây giờ thì ông A chợt hiểu. Ông khập khiễng chạy tới, vửa chạy vừa kêu:

– Này cô, này cô.

M. không nghe thấy, cúi người xuống nhìn dòng sông phía dưới, rồi tụt đôi giày khỏi chân, và bắt đầu trèo qua cầu. 

Ông A. nhoài cả người tới chụp lấy tay chị ta. 

M. ngoảnh lại hung hãn giựt tay ra:

– Buông tay tôi ra. Mặc tôi. Mặc tôi.

Ông A. dùng cả sức mình kéo M. lại. Chị ta gào lên cố vùng khỏi tay ông khiến ông loạng choạng, phải trụ hẳn người lên cái chân lành lặn, nhưng vẫn không buông chị ta. Cuối cùng M. không giựt tay ra nữa. Khi ông A. đã kéo được M. lại, M. bỗng ngồi thụp xuống bên thành cầu, hai tay bưng mặt, khóc nức nở:

– Trời ơi sao tôi nhục nhã khốn khổ khốn nạn thế này.

Ông A. không biết nói gì, M. vẫn khóc nức nở, lặp đi lặp lại, lần này bằng tiếng mẹ đẻ, tiếng Nga:

– Đi đi, mặc tôi, mặc tôi. Trời ơi sao tôi nhục nhã khốn khổ khốn nạn thế này.

Không hiểu gì nhưng đoán là M. đang than vãn, ông A. lẳng lặng cầm đôi giày lên đưa cho M. Nhưng M. vẫn gục mặt vào giữa hai tay, cả người run lên, tiếp tục rên rỉ khi thì bằng tiếng Nga, khi thì bằng tiếng Na Uy:

– Tôi nhục nhã quá, tôi không sống nổi…

Ông A:

– Đừng vì một vài kẻ khốn nạn mà từ bỏ cuộc sống, cô à. Không đáng. 

M. khóc òa lên kể lể:

– Ông thì biết gì. Tôi là một kẻ thất bại, một thứ giẻ rách, một thứ mà người khác chỉ ỉa lên người chứ không thèm ngủ với…

Nhớ đến cái cảnh tượng gã đàn ông lột trần M. ra, cột hai tay M. vào thành giường rồi khoan khoái đại tiện một bãi lên bộ ngực trần của M., chừng như việc đó làm anh ta thỏa mãn còn hơn cả làm tình với M, sau đó anh ta bỏ đi, nỗi nhục nhã, bàng hoàng khiến cả người M. run rẩy như lên cơn sốt. 

Ông A. thở dài: 

– Tôi cũng là một kẻ thất bại, một kẻ lạc loài trên đất khách, một thứ giẻ rách đây.

M. nín lặng rồi lại khóc. Ông A. vụng về nói: 

– Cô có đôi mắt rất đẹp, không nên khóc làm xấu đi.

M. nói trong tiếng nấc:

–  Ông là người đàn ông đầu tiên nói với tôi câu đó trong suốt mấy chục năm tôi sống trên đời đấy.

Ông A. gật gù:

–  Thì tôi là một kẻ thất bại nhưng có khiếu thẩm mỹ tốt mà.

M. không nén được nụ cười như mếu. 

Im lặng một lúc ông A. bắt đầu thấy thấm lạnh, ông rụt đầu, kéo cao cổ áo, lẩm bẩm: 

– Lúc này mà có một tô súp nóng thì hay. 

M. lấy ra cái khăn tay, xỉ mũi rồi đưa mắt nhìn ông A.:

– Ông có thích ăn súp bắp cải không. 

– Súp gì cũng được, miễn là nóng.

M. gật đầu, chậm chạp đứng lên. Quay nhìn ra mặt sông phía dưới M. thở ra một hơi dài:

– Ông nói đúng. Không đáng…

***

Khi M. và ông A về tới khu chung cư, cả hai nhìn thấy xe cảnh sát đậu ngay bên ngoài. Và khi lên tới tầng trên, họ nhìn thấy cánh cửa căn hộ của D. và E. mở, rồi hai người cảnh sát kè hai bên dẫn D. đầu cúi gằm đi ra, thêm mấy người cảnh sát khác đi theo sau. E. mặt mũi thất thần chạy vội theo họ.

M. hỏi một người phụ nữ Ba Lan khác ở tầng dưới chạy lên xem:

– Chuyện gì vậy?

– Hình như anh ta dính tới đường dây buôn bán ma túy. Họ tới khám nhà và bắt. 

M nhăn mặt:

– Những kẻ nhập cư vô lại này tới nước người ta đã không làm được gì mà còn phạm đủ thứ tội. Tôi đã có cảm giác là anh ta thuộc loại người xấu.

Rồi M. tiếp tục nói với người phụ nữ kia những ấn tượng của mình về D.

Ông A. lẳng lặng đi về căn hộ của mình. Ông chẳng muốn gì hơn là làm một tô mì gói rồi đi ngủ. 

Song Chi

Tháng 9.2024.