Vũ Tường và Sean Fear: Việt Nam Cộng Hoà, 1955-1975: Kinh Nghiệm Kiến Quốc
(Trích từ “Lời Mở Đầu” của sách cùng tên do Văn Học xuất bản năm 2022)
Chiến tranh Việt Nam mặc dù khởi đầu nhỏ bé nhưng nhanh chóng biến thành cuộc chiến tranh quy ước có tính quyết định của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những năm cuối của cuộc chiến hai phe đã đưa vào sử dụng xe tăng, pháo binh, máy bay trực thăng, hệ tên lửa phòng không có lẽ tối tân nhất thế giới, và phi cơ oanh tạc suốt ngày đêm với quy mô chưa từng có. Mặc dù khốc liệt như vậy, bản chất cuộc chiến là chính trị hơn là quân sự. Mâu thuẫn cơ bản của cuộc xung đột là hai quan điểm đối nghịch nhau của phe cộng sản và phe cộng hoà về xây dựng một quốc gia ở miền Nam. Mỗi phe được đồng minh quốc tế của mình ủng hộ với mức độ khác nhau.
Phần lớn những nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam đều mắc phải khuyết điểm “dĩ Mỹ vi trung,” nghĩa là lấy Mỹ làm trọng tâm, chỉ tập trung vào quyết sách và kinh nghiệm của phía Mỹ không cần biết các bên khác. Cũng có khá nhiều nghiên cứu về cuộc chiến nhìn từ phía cộng sản Hà nội. Chỉ mới gần đây mới có một số học giả lưu ý đến quan điểm và vai trò của phía Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), có điều là họ vẫn bị giới hạn trong một giai đoạn nhất định hay các chính sách cụ thể. Các nhà lãnh đạo VNCH đóng vai trò gì và thái độ như thế nào? Họ đồng ý hay bất đồng với người Mỹ ra sao? Vai trò của xã hội dân sự và dân chúng ở miền Nam Việt Nam thế nào? Câu trả lời cho những câu hỏi này phần lớn vẫn còn để ngỏ.
VNCH không phải là con rối của Mỹ, cũng không chỉ đóng vai trò bàng quan, bằng cớ là họ đã quyết tâm thực thi một chương trình phát triển quốc gia theo viễn kiến của họ. Chương trình này phần lớn do chính quyền trung ương điều khiển, ví dụ như việc cưỡng bách tái định cư; các thử nghiệm cải cách kinh tế theo xu hướng tăng vai trò của chính phủ hay của thị trường; chính sách phát triển nông nghiệp và đăng ký quyền sở hữu đất đai; nỗ lực hiện đại hóa hệ thống giáo dục quốc dân; và, vào năm 1967, một cuộc cải tổ chính trị sâu rộng với một hiến pháp mới, hai viện lập pháp, và chế độ bầu cử đại biểu ở cấp quốc gia và cấp hương thôn.
Thường dân cũng tham gia xây dựng quốc gia. Quân đội vào lúc phát triển nhất có hơn một triệu binh sĩ. Bên cạnh những người bị cưỡng bách tòng quân theo chế độ quân dịch là hàng ngàn thanh niên tình nguyện gia nhập quân đội. Họ thường xuyên chiến đấu dũng cảm trong những điều kiện bất lợi. Mặc dù có tình trạng đào ngũ, tham nhũng và những yếu kém khác, nhiều chiến sĩ vẫn chiến đấu quả cảm. Sự kiên cường của họ trước những đợt tấn công mãnh liệt của cộng quân vào năm 1968 và 1972 đã giúp VNCH tồn tại lâu hơn.
Trong khi đó, mặc dù nhiều khi bị chính phủ quấy rối, các nghệ sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, và thậm chí các minh tinh điện ảnh và truyền hình miền Nam đã góp phần tạo nên một nền văn hóa sôi động ở Sài Gòn. Tác phẩm của họ được công chúng hoan nghênh hơn nhiều so với các sản phẩm văn hoá sặc mùi tuyên truyền chính trị của cộng sản. Giới báo chí miền Nam cũng cưỡng lại nhiều nghị định kiểm soát báo chí của chính phủ, tạo cho VNCH một nền báo chí năng động và độc lập. Tinh thần và hành động phản đối mạnh mẽ những biểu hiện độc đoán của chính phủ cho thấy xã hội dân sự ở miền Nam Việt Nam thực sự hướng đến các giá trị cộng hòa và tinh thần hợp hiến. Qua những nỗ lực tập thể này chúng ta có thể thấy được một căn cước dân tộc xây trên nền tảng chủ nghĩa chống cộng đã xuất hiện và kết tinh ở miền Nam trong khói lửa chiến tranh.
Xây dựng quốc gia trong thời chiến tranh
Khái niệm xây dựng quốc gia có thể được định nghĩa theo hai cách: một là những nỗ lực có chủ đích nhằm tạo ra một cộng đồng quốc gia bền vững, hai là một quá trình trừu tượng đưa đến sự thành hình của một cộng đồng như vậy. Căn bản cho cộng đồng là ý thức đoàn kết được xây dựng trên cơ sở cùng tín ngưỡng, cùng tập quán văn hóa, hoặc sự đồng thuận về một số nguyên tắc chính trị căn bản. Nếu là một quá trình trừu tượng, xây dựng quốc gia có thể diễn ra trong nhiều thế kỷ song song với các quá trình khác như chiến tranh, sự hình thành nhà nước, đô thị hóa và kỹ nghệ hóa. Nếu là một nỗ lực có chủ đích, xây dựng quốc gia có thể được giới tinh hoa trong cộng đồng hoặc các thế lực nước ngoài khởi xướng và bảo trợ.
Sau Đệ nhị Thế chiến tầng lớp tinh hoa ở nhiều nước châu Phi và châu Á tìm cách lật đổ các chế độ thực dân để thành lập quốc gia mới. Là một siêu cường thế giới, Hoa Kỳ từng lãnh đạo nhiều nỗ lực xây dựng quốc gia ở nước ngoài để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản (ví dụ Nam Việt Nam) hoặc đi kèm với thay đổi chế độ (ví dụ, Afghanistan và Iraq).
Nói đến việc xây dựng quốc gia sau năm 1945, không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của bối cảnh hậu thuộc địa. Sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, phần lớn những quốc gia mới thành lập ở châu Á và châu Phi đều bị thách thức nghiêm trọng bởi nạn mù chữ, tình trạng xã hội bị chia rẽ sâu sắc, cộng thêm những bất ổn chính trị và việc phụ thuộc nước ngoài về kinh tế. Với những rào cản này, có lẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy nhiều quốc gia phải tranh đấu vất vả mà chưa chắc đã tạo ra được một cộng đồng có độ gắn kết cao, một nền kinh tế phát triển bền vững, hoặc một xã hội bình đẳng.
Xây dựng quốc gia thời hậu thuộc địa rất gay go cũng vì các nhóm tinh hoa lãnh đạo xã hội có quan điểm đối nghịch nhau không ai nhường ai, dẫn đến xung đột bằng bạo lực và nội chiến. Ngoài việc gây ra bất ổn chính trị, chiến tranh còn tước đi các nguồn lực cần thiết để phát triển quốc gia. Một thách thức đặc biệt trong thời chiến là làm sao duy trì các chuẩn mực và thể chế dân chủ. Vấn đề này không phải trừu tượng mà rất cụ thể: làm thế nào tổ chức bầu cử an toàn không bị kẻ thù phá hoại; liệu có cho phép biểu tình phản đối chiến tranh mặc dù kẻ thù có thể lợi dụng; làm sao truy tố tội ác chiến tranh do quân nhân vô kỷ luật gây ra mà không làm suy giảm tinh thần của quân đội ngoài tiền tuyến; và làm thế nào bảo vệ quyền công dân và đồng thời ngăn chặn kẻ thù xâm nhập. Đó là những vấn đề nan giải rất mệt trí cho cả các nền dân chủ lâu đời, huống chi cho các chính phủ trẻ thiếu truyền thống dân chủ. Chiến tranh càng kéo dài và càng dữ dội thì các thể chế và giá trị dân chủ càng dễ bị đe dọa.
Giống như nhiều quốc gia trẻ tuổi khác ở châu Á và châu Phi thời hậu thuộc địa, Việt Nam Cộng Hòa đối mặt với một dân số phần lớn mù chữ; một nền kinh tế kém phát triển và thương mại phụ thuộc vào mẫu quốc; một xã hội nhiều thành phần bị chia rẽ chủng tộc và phân chia giai cấp sâu sắc. Đây là những điều kiện khách quan thường làm cho những phong trào cách mạng cực đoan giành được hậu thuẫn trong các xã hội hậu thuộc địa. Trên thực tế, khi VNCH được thành lập vào năm 1955, một chính phủ cách mạng cộng sản đã đang củng cố quyền lực ở miền Bắc Việt Nam và đe dọa sự sống còn của VNCH. Tuy nhiên, chiến tranh không phải vấn đề duy nhất VNCH đối mặt, mà quan trọng hơn là những cố gắng chung của tập thể dân chúng cùng với chính quyền để xây dựng quốc gia mới. Đây chính là điều chúng ta cần tìm hiểu.
Những thách thức của việc xây dựng quốc gia Việt Nam Cộng Hòa
Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), hay “Nam Việt Nam”, được thành lập vào tháng 10 năm 1955 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm cùng với sự hỗ trợ của nhiều đảng phái chính trị Việt Nam. Bối cảnh ra đời của VNCH là cuộc chiến (1946-1954) giữa Pháp và Việt nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Chính quyền VNDCCH do Hồ Chí Minh và những người cộng sản lãnh đạo lúc đầu đề cao độc lập dân tộc và thu hút sự tham gia của rất nhiều nhân sĩ không cộng sản. Sau khi phe cộng sản trong VNDCCH củng cố quyền lực và nhận được sự hỗ trợ của Liên xô và Trung Cộng, nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc nhưng bất đồng với cộng sản đã tập hợp sau cựu Hoàng đế Bảo Đại với mục tiêu thành lập một chính phủ Việt Nam thống nhất, độc lập không lệ thuộc Pháp và không cộng sản. Để đối phó với quân đội VNDCCH do Trung Cộng đào tạo và trang bị, Pháp đã thành lập quân đội Việt Nam phụ trợ gồm khoảng 167.000 binh sĩ.
Bị bộ đội của Hồ Chí Minh đánh bại trong trận Điện Biên Phủ năm 1954, Pháp ký hiệp định hòa bình tại Genève và bắt đầu rút quân khỏi Đông Dương. Hiệp định Genève chia Việt Nam ra làm hai dọc theo vĩ tuyến 17. Sau Hiệp định chính quyền VNDCCH được hợp pháp hóa ở miền Bắc song song với chính phủ của Bảo Đại ở miền Nam. Trong khi các lực lượng cộng sản nhanh chóng củng cố quyền kiểm soát toàn miền Bắc Việt Nam, Ngô Đình Diệm – một nhà tranh đấu cho độc lập và cũng là một tín đồ Công giáo – đã thắng trong cuộc tranh quyền với Bảo Đại và những thế lực khác. Đến năm 1955, ông Diệm đã loại bỏ Bảo Đại và những người bảo hoàng qua một bên để xác lập quyền lực của mình và khánh thành Việt Nam Cộng Hòa. Ông Diệm có thể dễ dàng thắng cuộc bỏ phiếu này nên những kết quả ngụy tạo trong cuộc trưng cầu dân ý là không cần thiết.
Chế độ cộng hòa do ông Ngô Đình Diệm lập ra không phải bắt đầu từ số không. Nó thừa hưởng bộ máy chính quyền thuộc địa và quân đội Việt Nam do Pháp đào tạo. VNCH có lãnh thổ trải rộng đến vĩ tuyến 17 – là ranh giới với VNDCCH ở miền Bắc. VNCH có khoảng 14 triệu dân, bao gồm nhiều người cộng sản “nằm vùng” do phe cộng sản cài lại.
Nền cộng hòa miền Nam dường như bị thua kém chế độ cộng sản miền Bắc từ khi mới khai sinh. Việc khó khăn nhất là xây dựng tính chính danh của chế độ trong dân chúng. Dù ông Ngô Đình Diệm có danh tiếng và thành tích chống thực dân, nhà nước mà ông thừa hưởng đã ra đời dưới bóng quân đội viễn chinh Pháp. Các lực lượng vũ trang cần phải tái tổ chức hoàn toàn trong khi chưa chắc quân đội có trung thành với chính phủ mới hay không. Hợp tác với Mỹ là một con dao hai lưỡi, có thể phương hại đến uy tín của VNCH như một quốc gia độc lập. Hơn nữa, trong khi nhiều người ở miền Nam sợ cộng sản, họ bị chia rẽ bởi những vấn đề chủng tộc, tư tưởng, tôn giáo, và vùng miền. Tóm lại, có thể nói sau khi nhậm chức tổng thống, ông Ngô Đình Diệm vẫn chưa có được sự ủng hộ tin tưởng rộng rãi của các phe phái chính trị không cộng sản của miền Nam.
Ở nông thôn, chính phủ Ngô Đình Diệm thậm chí còn ở trong tình trạng khó khăn hơn. Nhiều vùng nông thôn của miền Nam đã quen sống dưới sự cai trị của cộng sản trong cuộc chiến tranh với Pháp. Nhiều người không cộng sản còn tôn trọng lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh. Hơn nữa, sau Hiệp định Genève, phe cộng sản đã để lại các kho vũ khí và cán bộ bí mật để có thể huy động cho mục tiêu chính trị hoặc quân sự trong tương lai. Trong khi đó, gần một triệu người miền Bắc chống cộng đã di cư vào Nam cần được hỗ trợ khẩn cấp. Xung đột giữa người Bắc di cư và người miền Nam là một nguy cơ có thực.
Bất chấp những thách thức đó, chính phủ Ngô Đình Diệm tỏ ra tương đối hiệu quả trong năm năm đầu nắm quyền. Nam Việt Nam đạt được ổn định chính trị và an ninh quân sự, cho phép kinh tế và văn hóa phát triển đáng kể. Quá trình xác lập chủ quyền của người Việt đối với nền kinh tế thực dân tương đối thuận lợi, song song với việc cải tổ giáo dục nhằm xác lập căn cước dân tộc Việt Nam thời hậu thuộc địa. Các nhà văn và nghệ sĩ di cư từ miền Bắc kích thích nhiều luồng tư tưởng và phong trào nghệ thuật mới, điển hình là tạp chí Sáng Tạo và tạp chí Bách Khoa.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, vai trò quá lớn của anh em Tổng thống Diệm, và những chính sách có vẻ thiên vị Công giáo của chính phủ đã gây bất mãn sâu sắc trong giới tinh hoa chính trị. Đáng lo ngại không kém, lực lượng cộng sản nằm vùng bắt đầu tấn công vào chính quyền cơ sở và giết hại nhiều viên chức địa phương vào năm 1958 và 1959, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người cán bộ trung thành của chế độ cộng hoà. Mặc dù bạo động của cộng sản ngày càng do Hà Nội chỉ đạo trực tiếp, nó cũng thể hiện một phần sự bất mãn ngày càng tăng của giới tinh hoa miền Nam với ông Diệm, đặc biệt là sau khi chính quyền thi hành một cuộc đàn áp hà khắc vào năm 1959. Trong năm đó nhiều người từng tham gia chống Pháp bị kết án là cộng sản và bị chính quyền giam giữ, tra tấn, hoặc xử tử.
Đến năm 1960, tính chính danh của chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu bị khủng hoảng, với tình trạng bất ổn lan tràn ở nông thôn và nhiều nhân sĩ chống cộng công khai chỉ trích chế độ ông Diệm là độc tài. Mặc dù quân đội VNCH đã phản công và giành lại thế chủ động trên chiến trường vào năm 1962, nhưng thành công quân sự này bị lu mờ bởi những căng thẳng chính trị và một đợt tấn công mới của cộng quân. Mùa hè năm 1963 nổ ra nhiều cuộc biểu tình của tăng ni Phật tử chống chế độ. Khi Tổng thống Diệm không chịu làm theo những đòi hỏi cải tổ của Mỹ, Tổng thống Kennedy và vài cố vấn của Nhà Trắng bí mật xui giục một cuộc đảo chánh quân sự tại miền Nam. Ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông Ngô Đình Diệm bị truất phế và sát hại vào ngày hôm sau cùng với em trai mình.
Cuộc đảo chính 1963 với hậu thuẫn của Cơ quan Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA) đã dẫn đến bốn năm hỗn loạn chính trị. Một loạt các tướng lãnh và chính trị gia thay nhau nắm quyền nhưng không ai giữ được lâu. Hà Nội nhân cơ hội này leo thang chiến tranh ở miền Nam với mục tiêu giành chiến thắng cấp tốc. Chính phủ Mỹ lo ngại Nam Việt Nam đang trên bờ vực sụp đổ nên chuẩn bị mở rộng sự can thiệp sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 1964. Đáp lại, Moscow và đặc biệt là Bắc Kinh không chậm trễ nhảy vào giúp đỡ Hà Nội đối phó với Mỹ.
Mặc dù việc đưa quân đội Mỹ vào miền Nam năm 1965 giúp Sài Gòn cứu vãn tình thế, tình thế này gây ra nhiều vấn đề mới và nguy cơ lâu dài. Chiến tranh mở rộng làm nông thôn mất ổn định, buộc hàng triệu người phải bỏ ra thành phố ở trong các khu nhà ổ chuột. Của cải vật chất, nhân viên, và hàng tiêu dùng của Mỹ tràn vào Việt Nam, cùng với viện trợ Mỹ tạo ra mất cân bằng lớn trong nền kinh tế miền Nam. Ảnh hưởng văn hoá Mỹ gây nhiều bất bình trong xã hội.
Phải đương đầu một lần nữa với những thách thức chồng chéo ghê gớm, các nhà lãnh đạo và dân chúng miền Nam đã vực dậy một cách khá bất ngờ. Một cuộc nổi dậy của tăng ni và tín đồ Phật giáo ở miền duyên hải Trung Việt nổ ra vào năm 1966 đóng góp vào một thay đổi chính trị quan trọng. Cuộc nổi dậy này buộc quân đội phải nhượng quyền cho một chính quyền dân sự để khôi phục lại tính chính danh đối với dân chúng và giành lại sự ủng hộ bấp bênh của Mỹ. Nhờ vậy một hiến pháp mới và một quốc hội lưỡng viện ra đời năm 1967. Một cuộc bầu cử tổng thống được tiến hành trong cùng năm đó. Mặc dù nhiều người xem các thể chế chính trị mới như một chiến thuật nguỵ trang để hợp pháp hóa sự cai trị của quân đội, chúng giúp đem lại ổn định chính trị và tạo không gian cho tự do chính trị.
Sau bầu cử, chính quyền miền Nam đã đạt được tiến bộ không ngờ với các phương pháp mới để quản lý kinh tế và ổn định xã hội. Ở nông thôn, yêu sách đất đai lâu đời của tá điền đã được công nhận và hợp pháp hóa theo sáng kiến của chính phủ. Dưới sự cai trị của các tướng lãnh, một xã hội dân sự sôi động vẫn xuất hiện ở Sài Gòn, dẫn đến sự phát triển nở rộ trong nghệ thuật, khoa học, và nhân văn. Xã hội miền Nam nồng nhiệt tiếp nhận công nghệ, hàng hóa vật chất và phương tiện truyền thông của Mỹ, mặc dù có những cuộc tranh luận về văn hóa và triết học về hiện tượng này. Chính phủ ông Nguyễn Văn Thiệu nắm giữ quyền lực lớn nhưng từ năm 1967 cho đến năm 1971 nó chấp nhận tiếng nói và vai trò của các đảng đối lập nhất là ở thành thị.
Cuộc tấn công Tết Mậu Thân của cộng sản năm 1968 là một thử thách lớn cho thể chế chính trị miền Nam nhưng nó đã vượt qua cuộc khủng hoảng phần lớn nguyên vẹn. Tết Mậu Thân đã tạo ra nên một làn sóng đoàn kết chống cộng bồng bột và mạnh mẽ trong xã hội. Cộng quân đã chịu tổn thất đáng kể do hỏa lực của Mỹ, tạo cho chính quyền Sài Gòn một cơ hội để giành lại các vùng nông thôn. Sự tàn bạo của bộ đội cộng sản, đặc biệt là vụ thảm sát gần 3.000 dân thường ở Huế, giúp người miền Nam hiểu rõ cộng sản hơn, đặc biệt là những người ở thành thị. Từ đó về sau, dân thành thị miền Nam đều bỏ chạy khỏi bất cứ nơi nào lực lượng cộng sản tiến đến.
Tuy nhiên, Tết Mậu Thân đã gây chấn động cho dân chúng Mỹ do đã nhiều năm bị chính phủ Johnson dối gạt về tình hình cuộc chiến. Biến cố Tết Mậu Thân làm họ càng thêm nghi ngờ và dư luận ngày càng đòi hỏi chính phủ Mỹ rút quân. Chiều ý công luận, Tổng thống Richard Nixon bắt đầu rút quân Mỹ kèm theo việc mở rộng và trang bị cho Quân lực VNCH (QLVNCH) để chịu phần lớn gánh nặng chiến đấu. Cách tiếp cận này dường như đã đem đến kết quả khi vào năm 1972, một số đơn vị QLVNCH đã đẩy lùi một cuộc tấn công vũ trang ồ ạt của cộng sản với sự hỗ trợ của hậu cần và không quân Mỹ. Tuy nhiên, viện trợ của Mỹ giảm đi trong khi ngân sách quốc phòng tăng vọt đã khiến nền kinh tế miền Nam vừa lạm phát vừa suy thoái cùng một lúc. Nhờ sự lãnh đạo của một nhóm chuyên viên trẻ nền kinh tế miền Nam đã không sụp đổ.
Nhưng dư luận thế giới đã hướng về phản chiến trong khi tranh chấp trong hàng ngũ quân đội và nạn tham nhũng gia tăng. Xã hội dân sự non nớt của miền Nam lại một lần nữa lâm vào thế đối đầu với chính quyền. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1971 đánh dấu một bước ngoặt. Lần bầu cử này khác với lần năm 1967. Như Đại sứ VNCH tại Mỹ, Bùi Diễm, nhớ lại, lần này “nỗ lực hồi sinh quốc gia đã bị thay thế bằng mục tiêu củng cố quyền lực của một nhà độc tài.” Sau khi văn bản của Tổng thống Thiệu chỉ thị ngụy tạo kết quả bầu cử rỉ ra ngoài, cả hai ứng cử viên phe đối lập rút lui để phản đối. Bỏ qua ngay cả chỉ trích của những phe nhóm chống cộng, ông Thiệu không hoãn bầu cử, nhấn mạnh rằng nó sẽ là một cuộc “trưng cầu dân ý” đối với chính quyền do ông lãnh đạo. Màn độc diễn này đã gây tổn hại lớn đến tính chính danh trong nước và quốc tế của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu trong nhiệm kỳ hai.
Ông Thiệu tái cử đúng như dự đoán, nhưng phải đối mặt với bất mãn ngày càng tăng của công chúng và một cuộc đại tấn công của cộng sản vào mùa xuân 1972. Để đối phó với tình thế mới chính phủ áp đặt các nghị định nhằm kiểm soát đảng đối lập và báo chí chặt hơn. Niềm lạc quan có chừng mực của năm 1967 bây giờ xen lẫn với lo lắng và tuyệt vọng. Đến giữa thập niên 1970, ngay cả những đảng nổi tiếng chống cộng từ miền Bắc di cư vào cũng xuống đường đòi Tổng thống Thiệu từ chức.
Trong khi đó, dân chúng Mỹ ngày càng ít ủng hộ chiến tranh, gây áp lực buộc Washington và Sài Gòn phải đạt được thỏa thuận với Hà Nội. Thỏa ước Paris năm 1973 – được đàm phán giữa Mỹ và Bắc Việt cho phép để lại một lực lượng quân sự cộng sản quan trọng ở miền Nam – điều này khiến chính phủ VNCH từ chối ký đến phút cuối cùng. Trái với Thoả ước, lực lượng để lại của miền Bắc tiếp tục được bổ sung và được Trung Quốc và Liên Xô hỗ trợ vũ khí.
Sự phụ thuộc kinh niên của VNCH vào viện trợ, vũ khí và hỗ trợ không lực của Mỹ là một chỗ nhược dẫn đến cái chết của nó. Mặc dù viện trợ kinh tế của Mỹ cho VNCH vẫn còn đáng kể cho đến cuối cùng, bầu không khí chính trị thay đổi ở Washington đã khiến Quốc hội Mỹ cắt giảm một nửa viện trợ và cấm bất kỳ hình thức hỗ trợ quân sự nào cho VNCH vào năm 1974 – một sự trở mặt đột ngột ít quốc gia nào trong hoàn cảnh của miền Nam Việt Nam có thể gánh đỡ được.
Mặc dù công cuộc xây dựng quốc gia và nền cộng hòa ở miền Nam Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội được củng cố vững chắc, lý tưởng cộng hòa đã truyền cảm hứng cho chế độ VNCH là có thật, và rất cần thiết để giúp hiểu đúng bản chất của cuộc chiến. Những người ủng hộ lý tưởng này thường chứng tỏ một lòng hy sinh và ý chí dấn thân mà từ lâu chỉ được gán, một cách sai lầm, cho riêng phe cộng sản. Bằng cớ là, không phải là hiếm trường hợp những người theo lý tưởng cộng hòa ở miền Nam bị tù đày dưới nhiều chế độ từ thời thực dân Pháp, đến giai đoạn quân đội nắm quyền, và thời cộng sản cai trị sau năm 1975.
Dưới chính thể VNCH, cư dân thành thị miền Nam được hưởng một môi trường tương đối tự do trong nhiều năm. Những hội đoàn sinh viên, tôn giáo, dân sự hoặc các tổ chức chuyên nghiệp có quyền tự trị. Họ đấu tranh quyết liệt để bảo vệ quyền này dù họ bị cộng sản luôn tìm cách xâm nhập phá hoại và nếu cần thì ám sát những người đứng đầu, dù họ bị theo dõi và quấy rối bởi chính chính phủ của họ. Rút nguồn cảm hứng từ lý tưởng dân chủ và phong trào phản chiến ở phương Tây, mệt mỏi vì chiến tranh, nhiều người miền Nam đã ủng hộ tìm kiếm hòa bình. Các nhóm xă hội dân sự miền Nam bất đồng với chính quyền sẵn sàng xuống đường để phản đối và đôi khi họ đã tạo ra những thay đổi chính trị quan trọng. Nếu không luôn luôn đạt được kết quả mong muốn, lý tưởng cộng hòa dù sao cũng đã được phổ biến rộng rãi và mạnh mẽ. Chúng đáng được xem xét nghiêm túc mặc dù hầu hết các nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam cho đến nay đã lơ là với hiện tượng này. Nỗ lực và kỳ vọng của những cá nhân và tổ chức xây dựng một quốc gia cộng hoà, từ chính quyền cho đến quân nhân và thường dân, chứng tỏ rằng sự cáo chung của nền cộng hoà miền Nam Việt Nam năm 1975 không phải là tiền định. Ngược lại, triển vọng của nó thăng trầm qua dòng thời gian.