Vũ Hoàng Thư: Nhớ Thi Vũ ngày giỗ đầu

Hình minh họa: Riccardo Bertolo

mùa xuân nơi đất khách 
ấm mấy cũng nao người
(Thi Vũ – Mùa Xuân Xa)

Nắng lên giữa mưa và mưa rơi chen hàng nắng. Tháng giêng lạ kỳ. Tôi như giao mùa nằm khơi biên giới. Lạnh ướt của đông và se hanh của xuân. Không thể gọi là ấm vì xuân hãy còn xa. Xa ngút ngàn như người đã đi mất. Bây giờ người là tro bụi nằm yên bình đâu đó trong lòng địa cầu. Có thật Paris. không thi vũ ? Mới đó, khoảng thời gian này năm ngoái,

người về nơi ấy 
hai tay xuôi
môi mỉm cười thinh không
tóc bạc luồn mây trắng
như sông seine êm trôi
nước đổ dài ra nghìn dặm
bóng là vạt nắng
vờn bay thành hoa
hoa nắng (1)
(Vũ Hoàng Thư – paris. không thi vũ)

Vắng mặt có thật là hư vô, khi hiện hữu được định nghĩa bằng cái không còn?

“Thi sĩ là người không nói, những buổi mai lúc sương đông chưa vờn qua thung lũng, thi sĩ đã thức và gọi chim trên núi. Les Matinaux.” Les Matineaux, danh từ René Char dùng để gọi người thơ. Phạm Công Thiện viết như thế trong Đề Tựa cuốn Dặm Thơ của Thi Vũ, và ông kết luận “Thi Vũ và René Char cùng nhau đứng trên đồi cao, báo hiệu cho những buổi tinh mơ thi nhân, les matinaux, và triêu dương chuyển động.”

Thật vậy khi ánh dương ló dạng, sương sẽ tan nhưng không mất vì sương biến dạng lánh ngời trong mắt người nữ, hoa không chỉ khoe mùi phảng phất bên mình mà cùng gió đưa hương về chốn nhân gian, thi sĩ sẽ khơi vơi cùng chim hát, không có gì còn, cũng không có gì mất, chỉ là biến dạng theo dòng luân sinh, les matinaux gióng lời nguyên sơ,

Tiếng chim ca không ngừng bên sông

và Hoa kia

chỉ nói bằng hương

và Sương

tình nhân giếng mắt.

(CHIM, HOA VÀ SƯƠNG)

Ở một đoạn khác,

tiếng hát và lời ca ru gió thổi

thời xanh qua ngọn cỏ biếc quanh đồi 

tôi bỗng nhớ tôi

trong đôi mắt em.

(NHỚ)

Tôi bỗng nhớ tôi / trong đôi mắt em. Đó là tiếng sấm trong lặng thinh, tiếng sấm giữa hai thời biến dịch. Tiếng hát dậy cùng lời ca trong gió mang lại thời xanh. Tuổi xanh. Ấu thơ. Diện mục. Quê hương. Nhớ là sống, thiếu niềm nhớ mọi thứ sẽ hủy diệt. Tôi hiển hiện khi còn em, Em-quê-hương-muôn-vàn-xa-cách, giao thoa hòa quyện trong liên hệ giữa người với người, chúng ta làm nên thế giới. Tôi cùng em là lẽ không hai, bất nhị từ tia mắt. Từ đó ngời xanh cỏ biếc, từ đó tình yêu tròn trịa hôn phối… 

Quê hương phải chăng là ‘Người’ như có lần Thi Vũ viết: “Trên tạp chí Quê Mẹ cuối năm 79 đầu thập niên 80, tôi viết bài xã luận “Quê hương là Người” làm ngạc nhiên hay thắc mắc một số độc giả. Thời đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận người mới là quê hương thực. Từ nhỏ, quê hương ám ảnh tôi qua bụi tre, ao làng, sông nước, tiếng chuông chùa… nơi chôn nhau cắt rốn. Thử hỏi nếu không có cuốn Quốc văn giáo khoa thư thời tiểu học đăng bài quê hương là nơi đẹp hơn cả, chắc gì những hình ảnh lùa vào mắt mỗi sáng ta mở mi cho nắng rót từng lần ấn tượng in nên cảnh thực. Một cảnh thực chập chùng ảo giác. Ta có sẽ thốt lên ‘quê hương là nơi đẹp hơn cả’ chăng trước những cảnh, những hình hiện quanh thế giới chập chùng lưu luyến?” (2)

Sáng thức dậy em không còn ngồi đó 

Tất cả thành nguyên do 

cho cuộc lữ cuối trời.

(RÁCH) 

Ngày giỗ đầu của anh Thi Vũ, tôi lần đọc lại một số thơ của anh trong nhớ tưởng. Cuốn Dặm Thơ, như một tình cờ là cuốn tôi kéo ra đầu tiên từ tủ sách. Bìa sách tím, mang mang phong kín Huế, bao lấy nền tranh vẽ, dáng vàng đồng cô tịch, nhan đề bằng thủ bút của tác giả như cánh hạc bay trời Đông phương. Sao gọi là Dặm Thơ? Dặm là đơn vị đo lường khoảng cách. Thơ có thể đo lường được chăng? Hay Thơ, viết hoa, là một cái gì ta vươn tới, một mục tiêu bất khả đạt, nó tiếp tục di dời trong vô vọng của kẻ làm thơ? Nếu nắm được, Thơ sẽ ngừng hiện hữu? Vậy thì Dặm Thơ ắt là con đường Thơ đi qua? Ngẫu nhĩ đến và như nhiên đi. Như nắng, như ngày, như mộng, như hiện sinh. Không gian tuôn khơi thị giác, kết nối thời gian tiến tạo mốc ngày, từ mộng không, Em vỡ ra thành hiện hữu, Tôi. Em là Thơ hay người nữ thịt xương, ta liên quan gì nhau trong thế giới diệu hữu? Cogito, ergo sum hay tâm cảnh nhân duyên? Đừng hỏi lý do, vì đó là mối tương duyên linh hoạt nhân gian. 

Nắng hắt lên từ mắt 

Chiều hắt lên từ ngày 

Em hắt ra từ mộng 

Tôi ra đời từ em.

(LIÊN QUAN)

Một bài thơ khác, mới đọc tưởng là ôn tồn thân ái giữa hai người nam nữ. Vậy mà mênh mang trầm tịch kéo về khi ngoại giới hào nhoáng làm ta vong thân chính ta, Biển cả neo hồn ta phương xa / Gió dìu hương lòng em xa ta. Phải chăng ảo ảnh của một lý tưởng tốt đẹp đã làm tối mắt ta? Mùa thu cách mạng năm ấy, biết bao chàng thanh niên bỏ tất cả cho một mục đích hào hùng để rồi thất vọng não nề? Trông một người giông giống / đến gần chẳng phải em.

ẢO ẢNH

Sóng triều xưa không nhìn 

nhìn môi em

Nắng trời xưa không nhìn 

nhìn mắt em

Mây trời xưa không nhìn 

nhìn tóc em

Biển cả neo hồn ta phương xa 

Gió dìu hương lòng em xa ta

Sóng chiều nay ta nhìn 

môi em không còn nữa

Nắng trời nay ta nhìn 

mắt em không còn nữa

Mây trời nay ta nhìn 

tóc em không còn nữa

Trông một người giông giống 

đến gần chẳng phải em.

Thi Vũ tham gia phong trào chống Pháp từ hồi rất trẻ, bị mật thám Pháp ở Huế bắt giam năm 1949. Đó cũng là năm tôi còn nằm trong bụng mẹ. Tôi nghe kể, mẹ tôi khóc lóc nhớ thương anh dữ lắm, bỏ ăn bỏ ngủ. Sau đó anh bị mật thám buộc phải rời Huế, anh theo kháng chiến ngoài Việt Bắc một thời gian. Anh phát hiện rất sớm mưu đồ cọng sản lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân để cướp công trong phong trào kháng chiến nên đã bỏ về thành, sống một thời gian ở Đà Lạt rồi du học Pháp. Màu cờ đỏ mùa thu cách mạng thôi mang màu máu sục sôi huyết quản vì nó đã biến dạng thành màu đỏ ối đậm đặc, bầm rỉ trên thân thể những con người bị đấu tố, thanh trừng. Ngôi sao kia chẳng còn là tinh tú hướng đạo soi đường, mà đã trở thành xa tít lịm mờ trong lệ tủi oan khiên. Bài thơ “Tuổi thơ Huế” đánh dấu một bước ngoặc trong đời anh. Một tuổi thơ, vì cha / hay bởi vì ai / con ba tuổi lớn / đứng phà / đợi sông (Vì đâu, thơ Rằm). 

TUỔI THƠ HUẾ

Với tay vẫy
chào sông
Với trái tim
gọi núi
Với mây trắng 
chia tay

Người đuổi tôi xa thành phố
Người xua tôi xa tuổi thơ
Xô tôi vào cuộc lữ

Người đâu biết
mắt thơ tôi để lại
trong trăng
tuổi thơ tôi
nơi hoa quỳnh
nguyệt vọng.

(Huế, 1949

Giáp Tết rời Lao Mang Cá, bắt phải rời Huế)

Thế rồi anh lao mình vào nơi gió cát, hứng chịu bao nhiêu phù phiếm biển dâu đổ vào đầu, bài thơ “NHẬT KÝ GIỮA LOÀI CHỒN CÁO XUYÊN SA MẠC TUYẾT BẮC MỸ CHÂU” vạch lộ sự nham nhở, lừa đảo nơi cuộc đời dưới những tấm áo hào nhoáng bên ngoài của những kịch sĩ đại tài mang danh nghĩa “Triết gia”, “Thi sĩ”, “Tăng sĩ”, v..v… Thi Vũ đã phải rời bỏ hí trường đó sau 7 năm dấn thân để ra đi vì anh kinh tởm sự giả dối, cho dù nhớ đã se tim đường lữ thứ / một mình đem vó đọ thinh không (Độc mã). Đoạn cuối số 12, trong bài thơ dài 12 đoạn, kết thúc như thế nầy,

 12. Tiếng nói trong ngày giã từ

Tiếng con sáng ngát thuỷ tinh 

không để lộn sòng 

tiếng hét la diễn thuyết 

tiếng con má áp vào chuông 

trầm cung ngân vọng

Những bóng ma thầy tiệc tùng trên mộ địa 

giữa chốn tồn sinh

Chốn này đây bảy năm gìn giữ 

chưa một lần cúi quỵ 

tà áo quỷ phất qua

Trời sáng rồi tôi phải ra đi 

Những thượng đế của đời 

đuổi người vào cơn khổ luỵ

Trời sáng rồi tôi phải qua sông 

con đỏ bồng tay 

giòng Marne tuyết tràn 

chân lún dấu bùn nhìn cao Bắc đẩu

Tôi ra đi

tiếc thương cây Tuyết đào chưa kịp nở chia tay 

em ở lại nhe

hồn hoa trinh bạch

tới xuân ta lại trở về 

tới xuân chim sẽ báo tin

Cuộc tồn sinh chung thuỷ.  

(1970 – Ngày giã từ ông Thầy tu giả hiệu)

Im lặng hay nói thẳng vào mặt những phi lý cuộc đời luôn là câu hỏi, đặc biệt đối với Thi Vũ, một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền và tự do.

Thơ giết thơ trong trứng

Đời giết đời khi sinh 

Người giết người khi gặp

Lời giết lời nói năng

(IM LẶNG)

Tuy vậy như tự bẩm sinh Thi Vũ không ngớt yêu thương, ngợi ca trần gian, tin tưởng và sống với Chân, Thiện, Mỹ, những kim chỉ nam con người phải luôn hướng đến.

Nước ơi có nhớ mùa nhân ái 

Đất hé đầu tiên lá lục cài 

Bỗng nhiên hoa nở như vành nguyệt 

Xinh đẹp làm sao một cõi người.

(CÕI NGƯỜI)

Hãy là người 

đứng bên cạnh con người 

khước từ tiêu huỷ.

(WE TWO FORM A MULTITUDE)

tôi quỳ dưới mái tóc xanh 

ngẩng đầu xin khấn 

đừng giết nhau cho lời thương lên tiếng 

gọi nhau về.

(DÂNG HIẾN – 1965)

Tháng 5, 1985, anh Thi Vũ cùng chị Ỷ Lan qua New York để nạp đơn kiện chính quyền Hà nội trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc Việt Nam thiết lập trại “cải tạo” [sic] nhằm giam giữ, đày đọa tù tội hàng trăm ngàn cựu quân cán chính Việt Nam Cọng Hòa sau 1975. Sẵn dịp anh bay về Cali thăm tôi. Cũng hơn 30 năm anh em mới gặp lại nhau. Nếu tính thời gian anh em chúng tôi sống gần nhau trước 1975 thì số ngày chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bài thơ dài “Đêm California” nhắc đến hầu hết những nhân vật tiếng tăm chốn thủ đô tị nạn Litle Saigon thời ấy. Tôi đọc được điều sót lại trong anh ở cuối bài thơ có lẽ là sự cô đơn, một tâm trạng bùi ngùi trước kho tàng thời gian quý giá thiên hạ đã đốt cháy vô vọng trong 10 năm,

Tôi ngồi ngó gọi xin ly rau má

Đêm Cali

còn chi

khi từ giã

mai đi rồi để nắng lại quanh năm 

người gọi rằng xưa

nay biệt lối 

người vừa tới 

ôm mối sầu rượu độc

Đêm Cali mười năm qua vẫn thế 

ngôn ngữ đêm 

là môi em vồn vã 

tiếng hát ngày là mắt 

chốn mây qua

Và có tôi

khua tiếng cồng du mục 

suốt rừng nho qua sóng biếc ghềnh xa.

(ĐÊM CALIFORNIA

Los Angeles tháng 5.1985)

Chụp mũ thành một thứ vũ khí đội lên đầu người khác mà ta không ưa thích, những mối thù ghét xuất phát từ lòng đố kỵ, tị hiềm. Mũi tên được bắn ra, ta bị kết án thành kẻ phạm tội với đủ danh xưng: phản chiến, CIA, Việt cộng, Phản động, Mỹ Ngụy, tay sai Hồ, đầy tớ Ngô, v..v… Đối với những người quen việc kết án, Thi Vũ chỉ có một câu hỏi giản dị cho họ,

Các Ông đã làm chi 

Những ngày tôi phạm tội?

(BIA MIỆNG)

Tập thơ Mùa Rêu xuất bản năm 1966 gồm 12 bài lục bát nay được gom lại đặt ở cuối tập Dặm Thơ. Đơn cử dăm câu lục bát đẹp thời 60 thế kỷ trước từ Mùa Rêu:

đêm qua sao ghé về tim

hạt xoay di động mùa sim xông rừng.

(MẮT NAI)

phòng kia năm trượng còn thang

cửa xô lạc thức rảo vang tinh cầu.

(LA CHOPE

VẮNG SYMCHO MOSZCOWICZ)

chút duyên trả cõi mù loà

mi đôi khép mở trông nhòa lối xưa.

(TRÙNG PHÙNG)

lời chưa cất cõi chia nhà

gió lâm râm lá người xa nghe gì 

đời quanh quẩn đảo thầm thì 

giú trong mây tóc xanh rì bến không

(HOA ĐỖ QUYÊN)

vỏ gầy ôm mặt cố hương

lắng khoe dấu lục giú phương thu vàng

trái từ vô vọng cưu mang

ngủ yên vô lự trẩy ngàn trùng xanh

(NGÔ ĐỒNG TRỔ LỤC)

Bài viết này không nhắm đến điểm sách về tập Dặm Thơ của Thi Vũ. Một số bài tôi ngẫu nhiên đọc và nhắc đến như một sự tưởng nhớ trong ngày giỗ đầu của anh. Rất nhiều thơ trong tuyển tập, hy vọng tôi sẽ nhắc đến trong những lần khác khi có dịp.

Tôi trích hai câu thơ từ bài “Mùa Xuân Xa” của anh Thi Vũ, làm năm 1955, đề ở đầu bài viết, vì nhớ đến ngày tang lễ của anh năm ngoái, một đoạn trong điếu văn tôi đọc cho anh như thế này:

“Anh Thi Vũ, 

Hôm nay thật sự là Mùa Xuân Xa vì anh đã vĩnh viễn ra đi. Quả thật bây giờ có ‘ấm mấy cũng nao người’! Chúng em mất đi người anh Cả đáng kính, chị Ỷ Lan và các cháu mất đi một người chồng, người cha thân yêu, nước Việt Nam mất đi một người con ái quốc đã hiến dâng trọn đời mình cho quê hương Việt Nam. Lý tưởng phụng sự của anh sẽ không bao giờ tắt trong lòng chúng em cũng như trong lòng biết bao người Việt Nam khắp mọi nơi trên thế giới. Xin chào vĩnh biệt anh!”

Vũ Hoàng Thư

Tết Giáp Thìn, 2024

——————

  1. Hoa Nắng, thơ, Thi Vũ, nxb An Tiêm, Saigon, 1970
  2. Quê hương là Người, trích “Sống nơi cõi Người”, Thi Vũ, chưa xuất bản

Thơ in chữ nghiêng (italic) trong bài viết được trích từ Dặm Thơ, thơ, Thi Vũ, nxb Quê Mẹ, Paris, 2018.