Anh Quốc: Có nên bỏ Tết Nguyên Đán?

NỖI OAN CỦA TẾT NGUYÊN ĐÁN.

Để trả lời được câu hỏi: Có nên bỏ Tết Nguyên Đán hay không?

Chúng ta phải trả lời được câu hỏi, mục đích bỏ Tết Nguyên Đán để làm gì? Và bỏ đi, thay thế Tết Nguyên Đán sẽ đón năm mới như thế nào?

Trước tiên phải khẳng định tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có tổ chức lễ đón chào một năm mới vào những thời điểm khác nhau theo tập tục truyền thống của riêng mình, phụ thuộc vào tôn giáo hay tín ngưỡng của họ.

Thậm chí trong một quốc gia có nhiều “tết”, ở Việt Nam có nhiều “tết”:

Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer thường diễn ra vào khoảng giữa tháng tư dương lịch.

Tết của dân tộc Thái từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng.

Tết của dân tộc H’Mông trong 1 tháng bắt đầu từ ngày 30/11 âm lịch. 

Tết của dân tộc Mường vào cuối tháng Chạp của năm cũ và đầu tháng Giêng của năm mới. 

Tết của dân tộc Tày bắt đầu từ những ngày 25-26 tháng Chạp.

……………

Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả,Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các nước Đông Á như Trung Quốc, Đài Loan (gọi là Tết Trung Quốc), Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên (gọi là Seollal), Nhật Bản (gọi là Tết Nhật Bản) và các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ năm Tam Hoàng Ngũ Đế 2852 trước Công nguyên.

Các nghiên cứu gần đây, cư dân Bách Việt ngày xưa ăn Tết vào tháng Tý (tháng 11 âm lịch ngày nay) đến thời Hán mới chính thức đổi thành tháng Dần (tháng Giêng).

Như vậy Tết Nguyên Đán ở Việt Nam có thể bắt đầu khoảng hai nghìn năm trước, rất lâu đời, ăn sâu vào truyền thống văn hoá của người Việt, lý do gì phải bỏ nó đi?

Những người cổ xuý cho việc bỏ Tết Nguyên Đán căn cứ vào mấy luận điểm sau đây:

TÂM LÝ “BÀI TÀU”.

Trong thời đại hiện nay, khi những vấn đề chính trị trở nên nhạy cảm và người Việt có xu hướng “bài Tàu” cao, nhiều người đưa ra quan điểm cần phải xóa bỏ những nét văn hóa, tập tục ảnh hưởng từ Trung Quốc, để “bài Tàu, thoát Trung”, trong số đó có Tết truyền thống, có tên gọi chính thức là Tết Nguyên Đán, thường gọi là Tết Ta hay Tết Âm. 

NGUYÊN NHÂN KÌM HÃM PHÁT TRIỂN KINH TẾ.

Những người đưa ra luận điểm này lấy Nhật Bản ra làm viện chứng. 

Họ cho rằng, Nhật Bản thoát khỏi u mê, lạc hậu nhờ Minh Trị Duy Tân, trong đó có việc bãi bỏ Tết âm lịch và ăn mừng theo Tết Tây.

Nhờ bỏ Tết Nguyên Đán mà Nhật Bản trở nên hùng mạnh, kinh tế phát triển?

CỔ HỦ, TỐN KÉM, LẠC HẬU, MẤT THỜI GIAN VÀ TỆ NẠN.

Thực tế nhiều năm nay Tết Nguyên Đán đã bị “kết tội” là nguyên nhân của nhiều tệ nạn, tiêu cực xã hội như ăn nhậu, rượu bia quá mức, bài bạc, mê tín, dị đoan, lợi dụng biếu xén, đút lót, chạy chức chạy quyền, tốn kém thời gian, lãng phí tiền bạc chơi bời, hội hè linh đình suốt từ Tết dương lịch qua Tết âm lịch và cả tháng giêng âm lịch. 

“Đã nghèo lại còn hoang”.

Đặc biệt mỗi dịp Tết đến ách tắc, tai nạn giao thông đang là một thảm họa, một cực hình cho hàng triệu người trên những hành trình “Xuân vận” đoàn tụ gia đình.

Tết Nguyên Đán trở thành một nỗi ám ảnh cho nhiều thành phần trong xã hội không phân biệt địa vị, hoàn cảnh kinh tế.

TÔN SÙNG TẾT TÂY.

Việc những năm gần đây Nôel gắn liền với đón năm mới dương lịch cùng với dịp mua sắm cuối năm “Black Friday” đã bắt đầu ăn sâu vào đời sống xã hội Việt Nam, được tổ chức quy củ, hoành tráng đã tác động vào đến tâm lý, lối sống của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Sự du nhập văn hoá phương Tây đem đến sự so sánh với văn hoá truyền thống bản địa trong thời kỳ được cho là suy đồi, xuống cấp đã tạo ra một sự tương phản rất rõ nét, dễ bị ngộ nhận tính ưu việt, văn minh của văn hoá phương Tây một cách thụ động mà không có sự tìm hiểu sàng lọc…

Không ít người hô hào đòi đưa Tết Nguyên Đán gộp lại với Tết Tây, theo Tết Tây.

Ở phần sau chúng ta sẽ bàn về 4 luận điểm của những kẻ bài Tết Nguyên Đán có thực sự thuyết phục, hay Tết Nguyên Đán bị oan từ những cái đầu “bã đậu” biết một mà không biết mười.

**

GẠN ĐỤC KHƠI TRONG

Chúng ta đang sống thế giới hội nhập nhờ sự phát triển của tiến bộ khoa học công nghệ… văn hoá giữa các quốc gia, dân tộc đã thâm nhập lẫn nhau tất nhiên những gì tốt đẹp, văn minh sẽ lấn át và thay thế lạc hậu, cổ hủ, bất tiện…

Một quốc gia, một dân tộc muốn tồn tại và phát triển trước hết phải trân trọng giá trị văn hoá truyền thống, tự hào về nó một cách có lý trí, có khoa học và tính thực tiễn tuân theo các quy luật vận động của tự nhiên, xã hội.

Văn hoá truyền thống không có nghĩa là của riêng mình đó là một nhận thức sai lầm, thực chất sự hình thành văn hoá truyền thống là quá trình có sự chọn lựa, chắt lọc từ các nền văn hoá khác, tích tụ lâu dài thành thói quen tập tục.

Bây giờ đàn ông mặc comple đó là văn hoá du nhập, khi trào lưu này trở nên phổ biến thay cho bộ áo áo dài, khăn xếp, guốc mộc truyền thống muốn khôi phục nó để giữ gìn văn hoá truyền thống nhưng nó bất tiện hơn theo xu thế phát triển cũng rất khó khăn để giữ gìn, có còn chỉ là các giá trị bảo tồn, và lịch sử.

Chúng ta tự hào văn hoá dân tộc, nhưng tự hỏi văn hoá dân tộc của chúng ta đã “xuất khẩu” được ra thế giới, hay chỉ là tự sướng.

Trong khi đó chúng ta đang “nhập khẩu” văn hoá.

Và cụ thể khái niệm “công nghiệp văn hoá” đang được đưa vào đường lối phát triển văn hoá.

Bộ trưởng Bộ văn hoá, thế thao và du lịch tuyên bố “Việt Nam sẽ là trung tâm công nghiệp văn hóa của Đông Nam Á”

Thuật ngữ “công nghiệp văn hoá” có từ đâu?

Nó có kể từ khi ban nhạc Blackpink xuất hiện, vậy có phải văn hoá “nhập khẩu” đang thắng thế.

Giữ gìn văn hoá dân tộc không phải theo cái lý chúng ta bài văn hoá Tàu, mà chính chúng ta bài chính văn hoá truyền thống, nô lệ cho văn hoá thương mại.

Ý thức dân tộc không đồng nghĩa với niềm tự hào mù quáng, phủ nhận sạch trơn.

Tết chỉ là một ngày lễ đón năm mới, nghi lễ này được hình thành từ tôn giáo giáo và tín ngưỡng của mỗi một dân tộc.

Tôn giáo quyết định văn hóa mà văn hóa thì quyết định tính cách dân tộc; tính cách dân tộc lại quyết định số phận dân tộc.

Vậy tôn giáo của người Việt là gì? Tín ngưỡng của người Việt là gì?

Tết lên chùa, đi đền, đi phủ chính là tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt, kẻ nào dám vứt bỏ nó đi?

Chùa là thờ Phật, Phật giáo có gốc từ đâu? Phật giáo có phải du nhập? Phật giáo có phải nguồn gốc từ Trung Hoa?

Hãy đi ngược lại lịch sử và nghĩ sâu xa, người Việt không phải bị văn hoá Trung Hoa xâm thực, kể cả người Trung Hoa và người Việt đều lấy tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ và thờ Phật.

Vậy bài xích văn hoá Trung Hoa không phải là cái lý người Việt lệ thuộc Trung Quốc.

Khi người Trung Quốc nhận thấy đạo giáo, nho giáo chưa đủ sức trở thành tôn giáo đủ vươn tầm thành triết lý để giải thích, lý giải câu hỏi: Chúng ta từ đâu đến, mục đích của chúng ta là gì? Thì Phật giáo đã có câu trả lời bằng hệ thống triết lý đầy đủ trả lời cho câu hỏi này.

Tín ngưỡng của người Việt đấy chính là bản sắc, nhưng bản sắc vẫn hạn hẹp vì nó chỉ là tín ngưỡng của riêng một địa phương, một dân tộc theo nghĩa thiểu số, sòng phẳng tín ngưỡng chưa đủ nâng tầm trả lời được câu hỏi: Chúng ta từ đâu đến, mục đích của chúng ta là gì?

Chỉ đến khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, Trung Quốc… câu trả lời ấy mới có lời giải đáp.

Người Trung Hoa và người Việt từ khi Phật giáo được du nhập, truyền thụ đã tự đưa nó thành quốc giáo cùng đồng hành với tín ngưỡng của riêng mình.

Bài xích văn hoá Trung Hoa chính là bài xích văn hoá của chúng ta.

Những ai nghĩ rằng bài xích văn hoá Trung Hoa để nói người Việt không lệ thuộc Trung Quốc là hoàn toàn không hiểu ngọn ngành thế nào lệ thuộc.

Luận điểm “bài tàu” bằng lý giải không lệ thuộc vào văn hoá Trung Hoa là sự tự tôn của những kẻ không có lý trí, nói đúng hơn chưa đủ, chưa dám đương đầu với một sự thật là chúng ta chưa đủ tầm để hưởng thụ vằn hoá văn minh, trí tuệ của nhân loại, văn hoá truyền thống của chúng ta đang bị hủy hoại dù nó chính là văn hoá của nhân loại.

**

HIỂU VỀ TẾT NHẬT BẢN THẾ NÀO CHO ĐÚNG.

Nhật Bản không bỏ Tết truyền thống sang Tết Tây như một số người lầm tưởng, mà chỉ thay đổi thời gian đón Tết từ lịch âm sang lịch dương.

Sự việc này diễn ra vào năm 1868 cùng với một chuỗi các sự kiện cải cách, cách tân dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản.

Đây có thể gọi là một cuộc cách mạng tư sản, đánh đổ đổ sự thống trị của giai cấp phong kiến, tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản phát triển, giống như cách mạng tư sản diễn ra ở Anh (1642- 1689) và Pháp (1789)… 

Lúc đó ở Nhật Bản các Mạc Phủ nắm quyền điều hành đất nước và Thiên Hoàng chỉ là bù nhìn.

Đến thế kỷ XIX, chính quyền Mạc phủ ngày càng suy yếu, bị các nước đế quốc phương Tây như Anh, Pháp, Hoa Kỳ buộc phải ký kết những hiệp ước bất bình đẳng, lại còn phải đối phó với phong trào đấu tranh của nông dân và nhân dân thành thị. 

Từ năm 1867 đến năm 1868, trong cuộc Minh Trị Duy Tân dưới ngọn cờ của Thiên hoàng Minh Trị (được sự ủng hộ của các lãnh chúa Daimyō cùng tầng lớp tư sản) Mạc phủ Tokugawa sụp đổ, Hoàng gia lấy lại đại quyền.

Triều đình Minh Trị đưa ra khẩu hiệu “Phú quốc cường binh” (fukoku kyohei) nhằm khai thác tâm lý lo sợ Nhật Bản sẽ trở thành thuộc địa của phương Tây nếu không chịu canh tân. Trên cơ sở đó, họ đã thuyết phục được Thiên hoàng tuyên bố từ bỏ những tập tục có hại và sẵn sàng học hỏi phương Tây.

Nhiều phái đoàn được cử sang phương Tây học hỏi về cách thức quản lý hành chính và về kỹ thuật. Toà án mới (kiểu phương Tây) được thành lập. Nhiều cải cách quan trọng về giáo dục được thi hành trong đó có việc thành lập các trường Đại học để đào tạo tầng lớp lãnh đạo chính quyền và kinh doanh. Cơ sở hạ tầng bắt đầu được quan tâm phát triển. Nhiều chuyên gia phương Tây được mời tới Nhật Bản để phổ biến kiến thức và kỹ thuật.

Về quân sự, quân đội được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây. Lục quân theo mô hình Lục quân Đức, Hải quân theo mô hình Hải quân Anh, các công xưởng và nhà máy vũ khí theo mô hình công binh Pháp, hệ thống hậu cần học hỏi rất nhiều từ Hoa Kỳ. Quân đội Nhật Bản áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự thay cho chế độ trưng binh và tăng cường mua và sản xuất vũ khí, đạn dược. Kèm theo đó là mời các giảng viên quân sự nước ngoài về để giảng dạy và đưa các sinh viên sĩ quan đến một số nước như Anh, Pháp học tập.

Về giáo dục, đưa những thành tựu khoa học khoa học-kỹ thuật vào giảng dạy và áp dụng chế độ giáo dục bắt buộc. Các môn học chuyển chủ yếu từ học thuộc Kinh Sử sang Khoa học-Kỹ nghệ-Thương mại. Mô hình tự trị-tự chủ Đại học được áp dụng theo hình mẫu phương Tây. Tư nhân được phép mở trường. Chất lượng dạy học cũng như chương trình chịu ảnh hưởng Hoa Kỳ và Phương Tây nhiều mặt. 

Điển hình như việc soạn sách: 80% sách vở và tài liệu chuyên ngành được biên soạn theo mẫu Phương Tây. Trong thời gian đầu cải cách Giáo dục, ước tính có tới 500 giảng viên nước ngoài trong số 15 Đại học đầu tiên của Nhật. Các giảng viên này được trả lương rất cao – 300 Yên/ tháng so với lương Công chức Nhật thời bấy giờ là 30 Yên/tháng và hỗ trợ tốt về ăn ở, đi lại nhằm mục đích để họ cống hiến hết mình, truyền bá các kinh nghiệm của bản thân. Giảng viên Nhật có thể học hỏi phương pháp của các Giáo sư nước ngoài này. Những học sinh giỏi được cử sang du học ở nước ngoài.

Năm 1889, Hiến pháp mới được ban hành quy định Nhật Bản là một quốc gia quân chủ lập hiến.

Về tôn giáo: Chính quyền của Thiên Hoàng Minh Trị chủ trương Thần đạo thay thế cho Phật giáo, trở thành Quốc đạo của Nhật Bản. Theo đó, Thần đạo mang tư tưởng của chủ nghĩa yêu nước và tôn sùng chính Thiên Hoàng như một trong các vị thần ở Nhật Bản…

Sơ lược về thời kỳ Minh trị Duy Tân cho chúng ta thấy đây là một cuộc cách mạng sâu rộng để hướng Nhật Bản theo sự phát triển tư bản ở các nước phương Tây và sau này trở thành đế quốc Nhật Bản.

Và việc chuyển đổi Tết Nguyên Đán sang dương lịch chỉ là hệ quả của cuộc cách mạng cho phù hợp.

Đây là một quy luật tất yếu của lịch sử cũng giống như cách mạng tư sản diễn ra ở Anh, Pháp, Mỹ… đồng thời với sự phát triển mạnh mẽ trở thành các quốc gia tư bản, đế quốc.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Nhật hoàng Minh Trị không cần chuyển rời Tết Nguyên Đán theo dương lịch, với chính sách cải cách triệt để của một cuộc cách mạng việc nước Nhật trở thành tư bản đế quốc vẫn là điều tất yếu.

Thực tế sau này và gần đây người Nhật nhận thấy có thể là một sai lầm và luyến tiếc. Họ đã phải trả giá về một thứ văn hoá công nghiệp, dù Nhật là một quốc gia hiện đại, phát triển, là nền kinh tế thuộc hàng đầu thế giới nhưng người Nhật không thực sự được thừa hưởng ngang bằng giữa giá trị vật chất và tinh thần. Trong đó yếu tố văn hoá truyền thống bị xơ cứng hoá là một nguyên nhân khiến người Nhật vẫn không được đánh giá cao về các giá trị văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực, giải trí… phục vụ cho cuộc sống của họ. Và việc chuyển đón năm mới từ Tết Nguyên Đán sang dương lịch là một nguyên nhân.

Liên hệ đến Việt Nam, điều cần để canh tân đất nước chính là cần một cuộc cách mạng giống như Minh trị Duy Tân ở Nhật Bản. 

Việc bỏ, hay rời Tết Nguyên Đán sang dương lịch chẳng có ý nghĩa gì khi đất nước vẫn trì trệ, bị kìm hãm của những thế lực bảo thủ, tham quyền cố vị.

**

ĐỂ YÊN CHO NÓ LÀNH!

Văn hoá của người Việt ảnh hưởng từ nền nông nghiệp lúa nước và tư tưởng Phật giáo dẫn đường từ hàng nghìn năm nay. Tết Nguyên Đán được tính theo âm lịch là căn cứ vào phương thức canh tác cây lúa.

Lịch âm thường gọi là Âm lịch, là loại lịch dựa trên chu kỳ vị trí của Mặt Trăng so với Trái Đất. Một năm được chia ra bốn mùa theo sự thay đổi thời tiết, nó thông tin cho những người làm nông nghiệp đặc điểm thời tiết tại một thời gian trong năm – gắn các hoạt động sản xuất với sự thay đổi thời tiết.

Tổ tiên chúng ta chọn thời điểm đón năm mới theo Tết âm lịch vì đây là sự kết thúc của một chu kỳ bốn mùa trong một năm. Tiết xuân bắt đầu, thời tiết ấm áp, cây cối tốt tươi, đón năm mới và chuẩn bị lễ hội xuống đồng cho vụ lúa Xuân Hè.

Thời điểm đón năm mới theo Tết Nguyên Đán là có cơ sở được đúc kết có tính khoa học. Phù hợp với canh tác lúa một năm hai vụ, giữa hai thời điểm gối vụ có một thời gian đủ dài hợp lý để ăn Tết, hưởng thụ Tết.

Các lễ hội được tổ chức đem đến sức sống văn hoá, kích thích mua sắm, lấy kinh tế nuôi văn hoá, lấy văn hoá nuôi dạy, uốn nắn con người sống tử tế, gắn bó cộng đồng …

Gần đây GS. Võ Tòng Xuân đã đưa ra luận điểm Việt Nam có thể làm bốn vụ lúa trong một năm, và vì thế ông cũng bảo vệ luận điểm ăn Tết theo lịch Tây và chỉ nên nghỉ ba ngày.

Khổ nhất là vì báo chí lại lấy ý kiến của ông Giáo sư này để náo luận dư luận, trong thực tế ý kiến này chỉ một người bình thường cũng thấy vớ vẩn hết sức.

Luận điểm 4 vụ lúa trong năm, chỉ nghỉ ba ngày Tết theo lịch Tây nó vừa phản khoa học, nó vừa vô đạo đức khi chỉ nghĩ đến bóc lột sức lao động, khai thác tài nguyên đất kiệt quệ, đến đất không còn được nghỉ – Đây chính là tư duy bóc lột, thuộc loại “cổ cày vai bừa, ăn no vác nặng” 

Chuyện về GS. Võ Tòng Xuân sẽ xin đề cập trong một dịp khác.

Mục đích của con người là mưu cầu hạnh phúc ấm no, vui chơi giải trị, tự do tư tưởng… lao động tạo ra vật chất để hưởng thụ.

Tăng năng xuất lao động để tăng thời gian nghỉ ngơi, đi đây đi đó du lịch, gặp gỡ người thân, giao lưu với bạn bè mới quyết định cho phát triển.

Phấn đấu thời gian được nghỉ ngơi trong một năm ngày càng nhiều mới là văn minh, hạnh phúc, sung sướng.

Trong những năm gần đây, thực tế nhiều người, nhiều thành phần xã hội phàn nàn về Tết Nguyên Đán.

Phàn nàn nhiều nhất về tại nạn, ách tắc giao thông.

Sau đến các lễ hội kéo dài, biến tướng, u mê, mê tín dị đoan lường gạt tâm linh cho mục đích kiếm tiền.

Rượu chè, cờ bạc bê tha… tốn kém thời gian tiền bạc…

Suy cho cùng tiền làm ra để tiêu.

“Tiền trong nhà tiền chửa. Tiền ra cửa tiền đẻ”, có nghĩa là phải làm thế nào để cho đồng tiền luôn luôn sinh lời, tiền nằm trong két là tiền chết.

Kẻ có tiền bỏ Tết đi du lịch nước ngoài, họ cũng làm bàn thờ hoành tráng để chứng tỏ thành kính với bố mẹ tổ tiên, thần linh, thổ công thổ địa nhưng hương khói trên bàn thờ lạnh lạnh lẽo ngày Tết – Cho thấy thực chất tâm can của họ.

Họ là những kẻ phàn nàn về Tết Nguyên Đán nhiều nhất- Một mặt thì mưu cầu, mặt kia thì đả phá, sự bất nhất trong lòng con người mới là sự nguy hiểm cho sự phát triển.

Tết Nguyên Đán chẳng có tội, tất cả các tệ nạn, vấn nạn đang diễn ra là do xã hội đang rơi vào thời kỳ đảo điên, đen trắng lẫn lộn, quản lý nhà nước lỏng lẻo “đục nước béo cò”.

Xã hội Việt Nam chỉ có thay đổi tận gốc về thế chế mới thoát khỏi các vấn nạn xuất phát từ đạo đức xuống cấp, văn hoá suy đồi, chứ không phải chỉ dọn cái ngọn, bàn về cái ngọn.

Anh Quốc 

*****

Nguyễn Gia Thiều: 5 bí mật của Tết

(chỉ là một ý kiến cá nhân)

Từ cách đây mấy năm, có một số người đã đặt vấn đề bỏ ăn Tết truyền thống và dùng Tết dương lịch thay vào.

Lý do của họ thật đơn giản. Họ cho rằng Tết truyền thống hiện nay gây ra một số phiền lụy như lãng phí thời gian và vật chất, sinh ra một số thói xấu trong việc biếu xén quà cáp… và làm cho con người mệt mỏi.

Những hiện tượng mà họ đưa ra là đúng. Nhưng hình như họ mắc sai lầm đâu đó trong cách nhìn nhận bản chất của Tết truyền thống của người Việt. Thực chất, những phiền lụy ấy là sinh ra từ thái độ sống của những người lấy Tết như là một lý do chứ không phải là một sự kiện của văn hóa.

Những sự kiện văn hóa được sinh ra từ đời sống tinh thần của con người và những sự kiện văn hóa ấy quay lại làm nên ý nghĩa của đời sống cho con người. Tết chỉ diễn ra trong mấy ngày nhưng lại chứa đựng những giá trị tinh thần bền vững của văn hóa Việt. Tết không phải đơn giản là sự kết thúc một vòng thời gian tính theo năm mà như là một tiếng lay gọi làm cho con người thức tỉnh bao điều. Và tôi nghĩ, Tết chứa đựng trong nó những bí mật làm cho con người sống tốt đẹp hơn.

Bí mật thứ nhất: KHƠI MỞ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG

Mỗi năm, khi đến những ngày giáp Tết, là lúc lòng người dâng lên nỗi nhớ cố hương và những người thân yêu của mình. Người xa nhà mong trở về, người ở nhà mong người đi xa về. Trong thời gian suốt một năm, những ngày giáp Tết là những ngày nỗi nhớ thương ấy nhiều hơn tất cả những ngày khác.

Tôi từng gặp những người định cư ở nước ngoài trong những ngày giáp Tết mà họ không trở về cố hương mình được. Thời gian ấy đối với họ là khoảng thời gian mà ký ức họ ngập tràn những kỷ niệm về nơi họ sinh ra và lớn lên. Đó cũng chính là thời gian mà con người nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn nhiều nhất và da diết nhất.

Vào những ngày giáp Tết ở quê tôi, những gia đình có người thân đi làm ăn, học hành xa hoặc lấy chồng, lấy vợ ở xa đều mong ngóng họ trở về. Vào đêm giao thừa, những gia đình ấy vẫn mở cửa ngõ và lắng nghe tiếng chân ai đó vào ngõ. Có thể những ngày khác trong năm họ bận công việc, học hành… mà ít nhớ về cố hương.

Và cũng có thể có người bỏ quê ra đi vì nhiều lý do không có ý định trở về, nhưng khi Tết đến, lòng họ bỗng đổi thay. Lúc đó, tiếng gọi của cố hương, của những người thân yêu vang lên trong lòng họ hơn lúc nào hết. Và chính vậy mà có những người khi đã già thì tìm cách trở về cố hương.

Không ít những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài mấy chục năm cuối cùng đã trở về để được sống và được chết trên mảnh đất cố hương mình. Khoảng thời gian kỳ diệu của những ngày giáp Tết đã chứa đựng trong đó những bí mật có khả năng đánh thức sự lãng quên của con người.

Bí mật thứ hai: KẾT NỐI VỚI QUÁ KHỨ

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, hầu hết ở các làng quê, những người sống khăn áo chỉnh tề ra phần mộ của những người thân yêu đã khuất thắp hương và mời người đã khuất trở về ăn Tết cùng gia đình.

Có một sự thật là, trong cái thời khắc thiêng liêng đứng trước phần mộ của những người thân yêu trong ngày cuối năm gió lạnh, những người sống cảm thấy được hơi thở, giọng nói và nhìn thấy gương mặt của những người đã khuất.

Ngày cuối cùng ấy của năm cũ, một không khí lạ lùng bao phủ con đường từ nghĩa trang trên cánh đồng chạy về làng và bao phủ trong những ngôi nhà. Những mất mát, những thương đau và nhớ nhung những người thân yêu đã khuất như vụt tan biến. Những người sống cảm thấy ngôi nhà của họ ấm áp hơn.

Cái ngày cuối cùng của năm cũ ấy như mở ra một cánh cửa vô hình để những người sống và những người đã khuất gặp nhau cho dù chỉ ở trong cảm giác và cảm xúc. Nhưng những điều đó cho dù mơ hồ vẫn là một phần quan trọng trong đời sống của con người. Nó làm cho con người dâng lên tình yêu thương, lòng ơn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ…

Và như một sự vô tình, không khí của ngày cuối cùng năm cũ ấy gieo vào lòng người sống những hạt giống của tình yêu thương và kết nối họ với quá khứ.

Bí mật thứ ba: SỰ BỀN VỮNG CỦA GIA ĐÌNH

Ai cũng có một gia đình. Và không ít gia đình hiện nay do xã hội thay đổi và do nhiều lý do của đời sống mà các thành viên trong gia đình sống tản mạn ở nhiều nơi khác nhau. Có không ít gia đình chẳng bao giờ có một ngày sum họp đầy đủ các thành viên của mình.

Đôi khi, với lý do này, lý do khác mà ông bà, cha mẹ, anh em, dâu rể, con cháu trong một gia đình không có dịp sum vầy với nhau. Nhưng Tết là dịp duy nhất với lý do hợp lý nhất để mọi người bỏ hết công việc sum họp với nhau.

Khi mẹ tôi còn sống, mẹ tôi mong Tết. Bà mong Tết không phải như tôi từng mong Tết đến hồi còn nhỏ cho dù Tết đến mẹ tôi phải lo lắng nhiều thứ. Mẹ tôi mong Tết để những đứa con của bà có ít nhất một ngày quây quần bên bà như khi chúng còn nhỏ.

Cho dù khi tôi đã có tuổi, nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có một ngày anh chị em cùng con cháu trở về làng và được ngồi ăn một bữa cơm bên cha mẹ trong ngôi nhà chúng tôi đã lớn lên. Khi cha mẹ mất đi, nhiều người mới nhận ra sự mất mát to lớn không gì bù đắp nổi.

Một hiện thực mà hầu như ai cũng nhận ra là đời sống hiện đại đã và đang xé một gia đình truyền thống ra từng mảnh. Và như vậy, tính bền vững của một gia đình sẽ bị lung lay. Hàng năm vào những ngày giáp Tết, tôi thích ngắm nhìn những người khăn gói về quê ăn Tết.

Không có gì quyến rũ họ ngoài việc họ được trở về nhà mình và sum họp với ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm. Hình ảnh ấy luôn làm tôi xúc động.

Bí mật thứ tư: SỰ HÀN GẮN

Có những rạn vỡ giữa người này người kia mà một hoặc cả hai người không có cơ hội để gặp nhau và nói một lời xin lỗi hay chia sẻ và xóa đi những hiềm khích, mâu thuẫn trước đó. Nhưng khi Tết đến, họ nhận ra đó là cơ hội tốt nhất cho họ.

Thường khi bước sang năm mới, người ta cho phép quên đi, bỏ qua những phiền lụy, những sai lầm trong năm cũ của chính cá nhân mình. Có một bí mật nào đấy của năm mới đã ban cho con người khả năng chia sẻ và tha thứ.

Bí mật ấy nằm trong những cơn mưa xuân ấm áp bay về, trong sự thao thức của lòng người chờ đợi, trong sự thiêng liêng của hương nến trên ban thờ mỗi gia đình, trong sự chào hỏi ân tình của mọi người khi gặp nhau, trong giờ phút thiêng liêng của sự chuyển mùa, trong sự tưởng nhớ những người thân yêu đã khuất…

Tất cả những điều đó đã làm lòng người rạo rực và đổi thay. Có những gia đình mà vợ chồng, anh em mâu thuẫn với nhau rồi cứ giữ sự im lặng lạnh giá ấy ngày này qua ngày khác. Nhưng khi họ cùng nhau ngồi xuống bên mâm cơm tất niên cùng chạm chén rượu, cùng mời cha mẹ ăn cơm thì mọi chuyện bắt đầu tan đi.

Trước kia, cứ vào những ngày cuối năm, những người làng tôi có chuyện xích mích hay sai trái với ai đó thường mang một quả bưởi, một nải chuối, một cặp bánh chưng hay dăm cặp bánh mật đến nhà người mà mình có xích mích hoặc có lỗi, xin được thắp nén hương thơm trên bàn thờ tổ tiên người đó và nói lời thanh minh hoặc xin lỗi. Và như có phép lạ, sự xích mích, sai trái bám theo họ đằng đẵng cả một năm trời bỗng rời bỏ họ.

Người được xin lỗi cũng nhận ra rằng: chính thời khắc thiêng liêng ấy của đất trời và của lòng người đã làm cho người có lỗi thành thật. Và khi lòng thành thật của người có lỗi được mở ra thì sự tha thứ cũng mở ra theo.

Bí mật thứ năm: NIỀM HY VỌNG

Cuộc sống có biết bao thăng trầm. Trong chúng ta ai cũng có những năm nhiều nỗi buồn, ít may mắn. Nhưng ai cũng có một niềm tin rằng, ngày mai mọi điều sẽ tốt đẹp hơn, năm mới mọi điều sẽ may mắn hơn. Không ít người gặp những năm vận hạn thường tự động viên chính mình bằng một ý nghĩ: “Năm cũ sẽ qua đi, năm mới sẽ đến. Mọi điều sẽ tốt đẹp hơn”.

Đấy là một nguyện ước, đấy là một niềm tin. Nếu không có niềm tin ấy và nguyện ước ấy, không ít người sẽ bị những nỗi buồn, đau đớn và kém may mắn dìm xuống vực sâu của sự thất vọng. Trong suốt một năm, có người có thể sống triền miên trong buồn bã, bỏ mặc nhà cửa.

Nhưng rồi đến một ngày giáp Tết, họ đã đứng dậy, dọn dẹp nhà cửa với một niềm tin những điều tốt đẹp đang về với họ. Cũng trong dịp năm mới, mỗi người đều nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp nhiều nhất trong một năm. Cho dù thế nào thì những lời chúc ấy cũng làm cho lòng người ấm lại và hy vọng vào một điều tốt đẹp phía trước.

Những gì mà tổ tiên đã làm ra và để lại cho chúng ta như những lễ hội, những phong tục tập … là để lại một lời nhắc, một tiếng gọi thức tỉnh chúng ta trong cuộc sống. Không thể nói lễ hội hay một số phong tục là phiền lụy, là tốn kém… mà bởi con người đã lợi dụng những vẻ đẹp văn hóa ấy cho lợi ích cá nhân mình.

Lúc này, tôi như thấy những ngọn gió thay mùa ấm áp, những cơn mưa xuân nồng nàn đang trở về và những cành đào ủ kín những chùm hoa chuẩn bị mở ra đều chứa trong đó những bí mật giản dị nhưng kỳ diệu cho đời sống con người

Nguyễn Quang Thiều