Hoàng Nam: Chút suy ngẫm về sự tự tin từng có trong xã hội Mỹ
Khi trả lời phỏng vấn, một viên chức châu Á đã từng nói rằng: “Ở trong nước, người khác gặp tôi là cúi đầu khom lưng. Nhưng ở Mỹ, ngay cả người nhặt rác họ vẫn luôn đứng thẳng.” Đúng vậy, khi thanh thế không thể khiến từng cá nhân sợ hãi thì cả dân tộc đó có thể khiến người khác kính nể, khi từng cá nhân có thể tự tin đứng thẳng trước người khác thì cả dân tộc ấy có thể oai phong.
Nước Mỹ ngày nay thật bệ rạc, khác với nước Mỹ nhiều năm về trước.
Tôi còn nhớ hồi mới đến Mỹ, đi mua thực phẩm, chỉ riêng bia đã có hơn chục thương hiệu khác nhau, chủng loại khác nhau để lựa chọn. Trước đó khi còn ở quê hương, tôi đã quen sống trong xã hội không có quá nhiều sự lựa chọn và từ bây giờ tôi phải bắt đầu làm quen với việc lựa chọn. Cuộc sống trong xã hội Mỹ cho tôi nhiều lựa chọn, đồng thời cũng khiến tôi sống có trách nhiệm hơn và tự tin hơn.
Có nhiều người châu Á giàu lên nhiều khi đến Mỹ, nhưng họ nhanh chóng phát hiện ra chẳng có ai ngưỡng mộ sự giàu có của mình. Vì thế, họ cảm thấy thiếu vắng sự hâm mộ và rất dễ cảm thấy bị lạc lõng. Họ vung tay tiêu tiền, mua nhà đẹp, xe hơi đắt tiền. Nhưng ngay cả những người Mỹ ở khu ổ chuột, đi xe bình dân vẫn thản nhiên, không trầm trồ khi thấy những chiếc xe sang lái qua. Đương nhiên, lại càng không có ai chú ý đến những thương hiệu trên cổ áo, tay áo mà họ đang mặc.
Làm công việc nào cũng đều có sự tự tin
Ở Mỹ, lương của một người dân thường không phải là cao, và dĩ nhiên không phải ai cũng có nhà đẹp, xe sang. Rất nhiều người Mỹ đi làm thuê, nhưng họ đều thấy đủ và mãn nguyện. Khi bạn từ một khách sạn sang trọng bước ra gọi xe, bạn sẽ thấy người phục vụ đúng mực, lễ phép chu đáo, không kiêu ngạo cũng không xiểm nịnh, bạn sẽ cảm nhận được sự tự tin của anh ấy.
Người Mỹ sẽ không ngưỡng mộ con đường mà bạn hay tôi lựa chọn. Hàng ngàn vạn người Mỹ đều sẽ dựa vào tình huống thực tế của bản thân để lựa chọn công việc, lựa chọn các phương diện trong cuộc sống và sống một cách tự tin. Vì thế, các “quý nhân” ở châu Á vốn quen với lối sống “chỉ tay năm ngón”, “ăn trên ngồi trước” khi đến nước Mỹ thì mất hết sự kiêu ngạo.
Một viên chức châu Á đã từng trả lời phỏng vấn rằng: “Ở trong nước, người khác gặp tôi là cúi đầu khom lưng. Nhưng ở Mỹ, ngay cả người nhặt rác họ vẫn luôn đứng thẳng.” Đúng vậy, khi thanh thế không thể khiến từng cá nhân sợ hãi thì cả dân tộc đó có thể khiến người khác kính nể, khi từng cá nhân có thể tự tin đứng thẳng trước người khác thì cả dân tộc ấy có thể oai phong.
Trong văn phòng tôi có một nhân viên người Mỹ làm công việc khắc phục lỗi hệ thống kế toán. Người này đã tốt nghiệp đại học và đi làm được 10 năm, là một người rất bình thường. Mỗi ngày chúng tôi đều gặp và nói vài câu trêu đùa.
Một hôm, tôi hỏi anh ấy: “Tại sao anh không sang làm việc cho Microsoft? Mấy năm vừa rồi cổ phiếu tăng nhanh thì chẳng phải giờ đã có nhiều tiền rồi.” Anh ấy nói: “Tôi không thích Microsoft, ở đây cũng tốt.” Sau này tôi phát hiện anh ấy có một tấm ảnh chụp chung với chị gái, chồng của chị gái và cả tỷ phú Bill Gates.
Về sau tôi mới biết hóa ra chị gái anh ấy là người từng cùng Bill Gates gây dựng nên Microsoft, cũng thuộc hàng tỷ phú. Trong văn phòng có người biết, nhưng không ai lân la lấy lòng, mọi người coi anh ấy như những người bình thường khác. Anh ấy không cầu làm giàu mà sống có phần an tường đạm bạc.
Ở Mỹ, bạn sẽ phát hiện ra mỗi người có một lựa chọn của riêng họ. Ví như có nhiều tiến sĩ mà lựa chọn đầu tiên của họ là làm giáo sư thay vì đi làm cho công ty mặc dù làm giáo sư lương thấp hơn, lại vất vả hơn. Đó là vì làm giáo sư được tự do về thời gian và có cơ hội học tập nhiều hơn.
Vui với sự thành công của người khác
Tôi có một người bạn làm trợ lý giảng dạy trong một trường đại học. Có công ty chế dược lớn nhất của Mỹ mời cậu ấy làm giám đốc một bộ phận nghiên cứu với mức lương khởi điểm cao gấp ba lần lương ở trường. Nhưng cậu ấy không đồng ý, cậu chỉ muốn làm công việc giảng dạy.
Rồi phát hiện của cậu ta được xem như là thách thức đối với y học và thu hút được sự quan tâm của truyền thông Mỹ. Một giáo sư lâu năm ở Mỹ đã nói với cậu ấy rằng: “Tôi đã nghiên cứu nhiều năm, cũng luôn hy vọng thành quả của mình có thể thu hút được nhiều quan tâm như vậy.”
Không chỉ thế, vị giáo sư này còn nghiêm túc quan tâm đến ý tưởng của cậu ấy, muốn đưa ảnh hưởng của nghiên cứu đó mở rộng ra. Không biết rằng nếu tôi là vị giáo sư ấy, liệu tôi có chân thành xúc động vì thành công của người khác và mong muốn làm cho nó tốt hơn nữa không.
Người Mỹ luôn có sự tự tin của riêng mình, cho nên họ vui vẻ chúc mừng thành công của người khác. Khi bạn không có sự tự tin, bạn sẽ rất khó bình tâm chúc mừng những người xung quanh, dù cho đó có là người bạn rất thân đi nữa. Bởi vì, không phải là người ta lấy mất cơ hội của bạn, mà là thành công của họ làm dấy lên sự tự ti và sự ghen tức trong lòng bạn, khiến bạn không thể bình tâm được. Còn nếu như lấy sự thất bại của người khác làm nền tảng cho sự kiêu ngạo của bản thân, thì đồng nghĩa với việc bạn đang kiến lập sự tự tin trên sự tự ti thấp kém.
Học vị thấp không phải lý do để đánh mất tự tin
Tôi có một người bạn đồng hương nhận danh vị giáo sư. Anh ta rất vui mừng từ Massachusets tới California thuê căn hộ sống. Là giáo sư, thuê phòng để sống đương nhiên là việc bình thường. Hàng xóm bên cạnh nhà anh ta là một gia đình người Mexico, mỗi ngày gặp mặt nhau đều chào hỏi. Khi nói chuyện, người đàn ông Mexico này rất chân chất, là một người lao động, ít học nhưng vẫn toát lên vẻ tự tin mãn nguyện với cuộc sống.
Anh giáo sư này nghĩ người hàng xóm tuy có không học vấn cao nhưng lại dám nói chuyện cười đùa vui vẻ với một giáo sư như anh thì có thể cũng là loại thành công trong kinh doanh. Nhưng hóa ra không phải, công việc của người đàn ông này rất bấp bênh, thậm chí phải nhận trợ cấp của chính phủ cho 5 đứa con nhỏ, mỗi người vài trăm đô một tháng. Bạn tôi cảm khái mà nghĩ: “E rằng Tổng thống có đến thì người đàn ông Mexico này cũng không chùn gối.” Có thể thấy, chức vụ cao cũng không thể làm giảm đi sự tự tin của đối phương.
Dưới bầu trời tôn trọng tự do của Mỹ, người ta sẽ hiểu được và tôn trọng sự lựa chọn của người khác. Người ta sẽ không phải cố gắng làm giáo sư để khiến mình thanh cao hơn hay dùng học vị tiến sĩ của bản thân để nhấn mạnh sự thấp kém của người công nhân, cũng không dùng xe mới chạy khắp nơi khoe mẽ để khiến xe cũ xấu hổ hay dùng nhà đẹp để khiến hàng xóm cảm thấy tự ti mà thoái chí.
Người quyền quý cũng không thể “ngang ngược”
Có một câu chuyện xảy ra vào năm ngày 11/12/1997 thế này. Sau nhiều nỗ lực, phóng viên Cindy Adams rốt cuộc cũng có được một cuộc hẹn phỏng vấn riêng với vợ của Tổng thống Clinton. Bà Clinton đồng ý sau khi diễn thuyết tại hội nghị phụ nữ của câu lạc bộ trường đại học Manhattan, New York sẽ dành một giờ để trò chuyện cùng cô Cindy.
Buổi phỏng vấn dự định diễn ra tại câu lạc bộ này của trường. Đây là một câu lạc bộ truyền thống trang nghiêm, cổ kính và đã có lịch sử khoảng 100 năm. Cô Cindy đến trước và ngồi chờ bà Clinton ở đại sảnh. Trong lúc chờ đợi, cô lấy điện thoại ra và gọi một chút.
Một người bảo vệ lớn tuổi tiến đến và hỏi: “Thưa bà, bà đang làm gì thế?”. Cô Cindy trả lời: “Tôi có hẹn với phu nhân của Tổng thống Clinton”. Người bảo vệ nói: “Bà không được dùng điện thoại trong câu lạc bộ, xin mời bà ra ngoài.” Nói xong, ông rời đi và cô Cindy cũng cất điện thoại vào túi.
Một lát sau người bảo vệ quay lại, thấy cô phóng viên vẫn chưa đi. Cô còn đang nói chuyện với phu nhân Clinton ở đại sảnh, ở đó còn có cả các trợ lý cao cấp của phủ Tổng thống. Người bảo vệ già có vẻ không vui nói: “Điều này không được. Mời các ông bà rời khỏi đây.” Bà Clinton phải kéo cô Cindy nhanh chóng rời khỏi đó.
Người bảo vệ lớn tuổi không phải là nhân viên canh gác thủ phủ to lớn gì lắm. Ông chọn lựa tuân thủ luật lệ, nguyên tắc khiến ngay cả những người ở vị trí cao cũng không thể “ngang ngược” trước mình.
Bài học về sự lựa chọn của người Mỹ giúp tôi phát triển bản thân theo một cách phù hợp hơn. Tôi không dùng giá trị của người khác làm tiêu chuẩn thành công của bản thân. Tôi hiểu rằng hạnh phúc là không phân biệt giàu nghèo, tự tin là không thể thuận theo người khác.
Tại một số quốc gia châu Á, người ta đã quen với kiểu giáo dục “so sánh” và sống, tìm kiếm sự công nhận của những người khác như cha mẹ, bạn bè, người thân… thậm chí là sự công nhận trong ánh mắt thoáng qua vài giây của những người hàng xóm, người qua đường.
Chúng ta không thể chấp nhận phẩm chất riêng biệt và con người thực của chính mình, càng không biết cách khiến cho cuộc đời trở nên phong phú và ý nghĩa hơn. Cha mẹ chúng ta sống trong tình huống ít có sự lựa chọn, nên phần nào đó họ thường giáo dục chúng ta như thế, liệu chúng ta có muốn theo cách như vậy để giáo dục các thế hệ tiếp theo hay không?