Lê Hữu: Đêm rất thánh, đêm không cùng
Hát là cầu nguyện đến hai lần.
~ St. Augustine
Một anh bạn tôi, lấy cô vợ có đạo, nói với tôi là anh chỉ theo vợ đến nhà thờ hai lần trong một năm, vào ngày lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh.
“Vậy là anh lấy hết hai ngày lễ lớn nhất của người công giáo rồi còn gì,” tôi nói đùa.
“Riêng lễ Giáng Sinh,” anh bạn nói, “không chỉ đi lễ nửa đêm, tôi còn hát theo được bài thánh ca nữa.”
Tôi hỏi “Bài gì?”, anh nói “Đêm thánh vô cùng.”
Từ “Silent night” đến “Đêm thánh vô cùng”
Đêm thánh vô cùng là bài nhạc ngoại quốc được viết lời Việt. Không ngạc nhiên khi anh bạn tôi nói “hát theo được bài thánh ca nữa”, vì bài ấy quá nổi tiếng. Có điều tôi không chắc anh và nhiều người khác biết được rằng bài hát ấy nguyên là bài thơ được phổ nhạc, và không phải phổ thành nhạc mà là phổ vào nhạc.
Câu chuyện như thế này: bài hát được cất tiếng “chào đời” lần đầu tiên vào ngày 24/12/1818 tại một làng quê hẻo lánh ở Oberndorf, một tỉnh lẻ của nước Áo. Trong làng ấy có ngôi nhà thờ nhỏ tên là St. Nicholas. Trong nhà thờ ấy có một linh mục trẻ yêu thơ, yêu nhạc tên là Joseph Mohr (có tài liệu nói ông là thầy phó tế chứ chưa phải linh mục). Vào hôm trước lễ Giáng Sinh, cha Mohr chạy đến nhà người bạn mình, một anh thầy giáo làng tên Franz Xaver Gruber, là người chơi đàn organ cho nhà thờ, rút ra trong túi áo mình một bài thơ bằng tiếng Đức có tên là Stille Nacht, heilige Nacht (Đêm thinh lặng, đêm thánh thiện) mà cha sáng tác hai năm về trước, và nhờ Gruber gấp rút soạn nhạc và phối âm cho bài ấy để kịp trình diễn trong thánh lễ Giáng Sinh vào lúc nửa đêm với tiếng đàn guitar, do cây đàn organ cũ kỹ của nhà thờ bất ngờ bị hỏng sao đó. Công việc tưởng khó mà không khó lắm, chỉ mất có vài tiếng đồng hồ, nhờ Gruber có sẵn trong tay một bài nhạc thánh ca mà anh từng viết ra trước đó, nay anh chỉ việc thay phần lời của bài nhạc bằng lời thơ hay ý thơ của bạn mình là xong ngay. Thế là, giữa thánh lễ Giáng Sinh rộn ràng đêm ấy, hai chàng nghệ sĩ có ngay màn trình diễn một sáng tác mới toanh cho cả xóm đạo thưởng thức trong tiếng đàn đệm guitar bập bùng hòa cùng giọng phụ họa dìu dặt của ca đoàn. Phần trình diễn kết thúc trong nỗi thích thú và sự tán thưởng nồng nhiệt của đông đảo giáo dân trong làng.
Như vậy, bài hát có hai “đồng tác giả” người Áo là linh mục “nhà thơ” Joseph Mohr và nhạc sĩ “nhà giáo” Franz Gruber mà trước đó chẳng ai biết đến tên tuổi. Cả hai vị này khó mà ngờ được rằng, bài hát soạn ra vội vội vàng vàng ấy một ngày kia sẽ bay ra khỏi làng quê nhỏ bé của mình, vượt qua biên giới nước Áo, vượt qua nhiều biên giới của nhiều quốc gia khác và bay đi khắp muôn phương, để cứ mỗi mùa Giáng Sinh về là mọi nhà thờ lớn, nhỏ trên mặt đất này lại rộn rã vang lên khúc nhạc thánh ca ấy lẫn trong tiếng chuông ngân kính coong.
Do bản gốc của bài nhạc bị thất lạc, mãi đến năm 1995 khi một bản thảo chép tay bài Stille Nacht, heilige Nacht với thủ bút của linh mục Joseph Mohr được tìm thấy, người ta mới biết đích xác tác giả của bài hát. Trước đó bài hát vẫn được xem là truyền khẩu hoặc gán cho tác giả là tên những nhạc sĩ thiên tài.
Có những version khác nhau cho bài Stille Nacht, heilige Nacht nhưng đến nay bản viết năm 1818 với nhịp 6/8, cung Ré trưởng, gồm sáu lời nhạc vẫn được xem là bản gốc. Bài hát vượt cả không gian lẫn thời gian, trở thành bất hủ, cứ mỗi mùa Giáng Sinh về lại “đến hẹn lại lên” với giai điệu ngọt ngào, êm dịu, phảng phất âm hưởng nhạc dân ca truyền thống của miền quê nước Áo. Người dân Áo hoàn toàn có thể hãnh diện khi bài thánh ca của quê hương mình được “nâng cấp”, không còn là của riêng nước Áo nữa mà đã được “quốc tế hóa” để trở thành bài thánh ca Giáng Sinh của cả nhân loại trên khắp hành tinh này.
Stille Nacht, heilige Nacht được chuyển ngữ sang hầu hết mọi thứ tiếng trên thế giới, và đến nay người ta khó mà biết được chính xác đã có bao nhiêu bản dịch bài thánh ca này (có tài liệu nói bài hát được chuyển dịch đến hơn ba trăm thứ tiếng). Riêng đối với người Việt thì hai ngôn ngữ được yêu chuộng nhất của bài ấy là tiếng Anh và… tiếng Việt. Silent night, tên bài hát với bản dịch tiếng Anh năm 1859 của giám mục John Freeman Young thuộc giáo phận Florida, Hoa Kỳ, được xem là bản phổ biến rộng rãi nhất, được nhiều người nghe và hát nhất hiện nay.
Đúng như tên gọi “Silent night”, câu nhạc khởi đầu cất lên khe khẽ, chầm chậm bằng những nốt nhạc mềm mại tựa bước chân ai rón rén trong tâm trạng nao nức, thấp thỏm trông chờ điều gì đó thật kỳ diệu sắp sửa xảy ra. Nhạc điệu trầm lắng, dào dạt, khi vút lên cao khi chìm xuống thấp như tiếng gió rì rào lượn quanh những đồi thông.
Nếu nhiều người tỏ lòng biết ơn giám mục John F. Young về bản dịch tiếng Anh ấy thì người Việt mình cũng cần ngỏ lời cám ơn đến nhạc sĩ Hùng Lân, người đã viết lời Việt cho bản thánh ca bất hủ này từ hơn nửa thế kỷ trước, và đặt cho bài hát cái tên là “Đêm thánh vô cùng”. Nói “viết lời Việt” vì ông không làm công việc chuyển dịch lời nhạc từ bản tiếng Đức hay tiếng Anh sang tiếng Việt mà ngoài cái tựa bài và một hai ý trong bài, ông đã tự viết ra lời khác cho bài nhạc. Có thể nói được rằng, bài thánh ca ấy được ông “Việt hóa” thật tài tình, khiến người Việt cùng hát với nhau bài hát ấy qua bao mùa Giáng Sinh trong niềm cảm xúc dạt dào mà không hề cảm thấy đấy là bài nhạc nước ngoài. Trong một nghĩa nào đó, kể từ ngày câu hát “Đêm thánh vô cùng! Giây phút tưng bừng!…” lần đầu được cất lên, bài Silent night được Việt hóa ấy như có một đời sống khác.
Người ta cám ơn nhạc sĩ Hùng Lân không hẳn vì ông là người đầu tiên đặt lời Việt cho bài Silent night mà vì những lời thật ý nghĩa ông viết ra cho bài nhạc ấy. Điểm khác biệt giữa nhạc thánh ca Giáng Sinh và những thánh ca khác, nói như linh mục nhạc sĩ Kim Long, tác giả bài Kinh hòa bình, là ở lời ca. “Lời phải đi vào mầu nhiệm của Giáng Sinh,” linh mục nói, “phải diễn tả được mầu nhiệm của con người gặp gỡ Thiên Chúa, của đất với trời gặp gỡ nhau để có được sự giao hòa, nhập thể của con Thiên Chúa trong đêm đầy hồng phúc.”
Bài thánh ca ra đời trong đêm Giáng Sinh năm ấy, tính đến nay đã hơn hai trăm tuổi, cất lên mỗi mùa Giáng Sinh về và cứ được nghe đi nghe lại mãi, tưởng như không bao giờ cũ, không bao giờ nhàm chán.
Đất với trời xe chữ đồng
Nhiều người biết nhạc sĩ Hùng Lân là tác giả bài Hè về (Trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song…), một ca khúc vui tươi, sôi động trong số rất ít những bài hát phổ biến về mùa hè, nhưng ít ai biết ông là một nhạc sĩ đi tiên phong trong nhiều lãnh vực. Chỉ kể một vài: là một trong những nhạc sĩ hàng đầu về nhạc hùng của nền tân nhạc Việt (tác giả những ca khúc quen thuộc như Rạng đông, Khỏe vì nước, Mùa hợp tấu, Cô gái Việt, Việt Nam minh châu trời đông…); là nhạc sĩ khởi xướng phong trào viết nhạc thánh ca bằng tiếng Việt; là soạn giả đầu tiên cho những sách giáo khoa về âm nhạc trong các trường học phổ thông; là một trong những người thầy sáng lập trường Quốc Gia Âm Nhạc Và Kịch Nghệ Sài Gòn, đồng thời là giáo sư âm nhạc tại nhiều ngôi trường trong Nam ngoài Bắc, từ trường Chu Văn An Hà Nội đến Viện Đại Học Đà Lạt…; là “cha đẻ” của chương trình truyền hình gọi là “Đố Vui Để Học” của Trung Tâm Học Liệu Sài Gòn và cũng là người đầu tiên đưa bài thánh ca nổi tiếng Silent night đến với giáo dân và người Việt yêu nhạc.
Nhạc sĩ Hùng Lân không phải là người duy nhất viết lời Việt cho bài Silent night, sau ông nhiều nhạc sĩ đã thử viết lại những lời Việt khác với những tựa khác (Đêm huy hoàng, Đêm vui mừng, Đêm âm thầm, Đêm thanh bình, Đêm yên bình…) nhưng đều là những cố gắng không thành công, hiểu theo nghĩa người Việt yêu nhạc vẫn ở lại với Đêm thánh vô cùng.
Vì sao vậy? Đâu là chỗ khác biệt giữa những lời Việt của bài hát ấy?
Đầu tiên phải là cái tựa bài. Đêm ở đây là đêm thanh khiết, đêm sâu lắng, đêm im lặng mênh mông đến vô cùng tận. Đêm Chúa giáng sinh không chỉ là đêm tối thinh lặng mà còn là đêm huyền nhiệm. Đêm thánh vô cùng, cái tựa của bài hát nối liền được cả hai ý ấy, “silent night” và “holy night”. Đêm thánh vô cùng, chỉ tên gọi ấy mới nói đủ, nói đúng, nói hết được ý nghĩa của bài thơ, bài nhạc: Đêm rất thánh, đêm không cùng.
Nếu câu hát chủ điểm trong bài Silent night là “All is calm, all is bright” thì trong Đêm thánh vô cùng, câu hát ấy chính là “Đất với trời xe chữ đồng”. Cả bài thánh ca lời Việt ấy toát lên một ý chính, gói trọn trong câu sáu chữ này.
Nhạc sĩ Hùng Lân, ông không nói “trời đất giao hòa” mà nói “đất với trời xe chữ đồng”. Có khá nhiều “đồng” ở trong “chữ đồng” ấy: đồng nhất, đồng thuận, đồng lòng, đồng tình, đồng tâm, đồng cảm… “Đất” là con người, là tạo vật trên thế gian này; “Trời” là con Thiên Chúa, là đấng tối cao, đấng tạo dựng muôn loài.
Đất với trời xe chữ đồng là thời khắc mà khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người như được kéo gần lại, là thời khắc mà tình yêu giữa đấng tối cao và con người như được hợp nhất, hòa quyện, khiến con người cảm thấy được gần gũi với Thiên Chúa hơn và cũng gần gũi với nhau hơn bao giờ.
Đất với trời xe chữ đồng là thời khắc mà Thiên Chúa mở lòng ra với con người, là thời khắc mà con người đón nhận tình yêu thương ấy như đón nhận “ơn châu báu không bờ bến”. Con người đồng thời cũng mở lòng ra với đồng loại để cho nhau tình yêu thương chan chứa giữa người và người.
Đêm thánh vô cùng trong ý nghĩa đó là đêm hạnh ngộ, đêm tràn đầy hồng ân và bao dung.
Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn
Nhắp chén phiền, vương phong trần
Từ lâu tôi vẫn thích câu hát này, nghe có chút gì… phong trần và cảm thấy Thiên Chúa thật gần với loài người, chẳng khác chi người phàm, vì Người cũng lao đao lận đận, cũng “đồng cam cộng khổ”, cũng… “Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Ai đang sống trong lạc thú
Nhớ rằng Chúa đang đền bù…
Bao giờ tôi cũng chờ để được nghe giọng ngân dài ấy vút lên, “trong lạc thu… u… ú…”, như tiếng chuông cảnh tỉnh những ai còn đang mải mê ngụp lặn, miệt mài tìm kiếm những hoan lạc nơi cuộc sống trần tục này.
Tôi không chắc có bao nhiêu người thuộc hết được lời bài Đêm thánh vô cùng, phần lớn chỉ nhớ được đến lời thứ hai của bài, còn lại là hát theo ca đoàn hoặc hát theo nhau cho đến câu hát cuối, “Bốn bề tuyết sương mịt mù” (câu hát cuối bài Silent night là “Jesus, Lord, at Thy birth”). Lạ một điều, chẳng thấy ai nêu thắc mắc với nhạc sĩ Hùng Lân, vì sao ông không chịu dịch cho sát nghĩa lời của bản gốc mà lại viết ra lời khác; hơn thế nữa, mọi người lại còn tỏ ra yêu thích lời Việt “cải biên” ấy. Liệu có phải những lời ấy phù hợp với “tâm tình mùa Giáng Sinh” của tín hữu người Việt hơn? Cho đến ngày nhạc sĩ Hùng Lân lìa đời ở trong nước (1986) người ta không nghe được nơi ông một lời giải thích nào.
Trong ý nghĩa của bài hát, của “đất với trời xe chữ đồng”, Đêm thánh vô cùng hầu như thích hợp với hợp ca, đồng ca hơn là đơn ca. Bài hát càng thêm ý nghĩa khi càng được nhiều người hát chung. Trước giờ tôi chưa nghe nói có giọng hát nào gọi là gắn liền với bài hát này, hoặc bài hát này làm nên tên tuổi của ca sĩ nào. Đến nay, sau nhiều lần nghe đi nghe lại, những lần bài hát ấy gieo vào lòng tôi nhiều cảm xúc nhất vẫn là đến từ những màn hợp xướng.
Hát Đêm thánh vô cùng là đi tìm sự bình an, thư thái và lắng dịu trong tâm hồn, là đi tìm vẻ đẹp trong sáng và hướng thượng để thanh lọc tâm hồn và được đắm mình trong không khí Giáng Sinh lâng lâng tiếng nhạc.
Nhiều người vẫn nói rằng, mỗi mùa Giáng Sinh về mà không được nghe Đêm thánh vô cùng thì cảm thấy như thiêu thiếu cái gì đó và chưa thực sự tận hưởng không khí mùa lễ hội, cho dù có nghe đến bao nhiêu bài nhạc Giáng Sinh khác.
* * *
Silent night hay Đêm thánh vô cùng không chỉ là bài thánh ca Giáng Sinh mà còn mang ý nghĩa của một thông điệp hòa bình cho nhân loại, một “thông điệp mùa Giáng Sinh” mang đến tình yêu thương và thứ tha trong một thế giới an hòa. Nhân loại đến nay vẫn chưa có một ngày nào thực sự an bình, vẫn còn những con người đi gieo rắc lòng thù ghét và bạo lực thay cho lòng nhân ái và bao dung. Tiếng súng và đạn bom vẫn nổ rền trên những đất nước tan hoang vì chiến tranh giữa mùa đông giá băng này. Nhiều gia đình không có được niềm vui đón mừng Giáng Sinh, nhiều trẻ em không có được món quà nào từ ông già Noel. Thế giới vẫn luôn có những biến động từng ngày từng giờ và cảm giác bất an, bất trắc như rình rập, phủ trùm lên đời sống con người.
Vào đúng lúc nửa đêm, vào đúng thời khắc Chúa giáng sinh, bài thánh ca có từ hai trăm năm trước ấy được hàng triệu tín hữu trên khắp hành tinh này cùng lúc trỗi giọng cất lên. Bài hát mang đến cho con người chút cảm giác yên bình hiếm hoi và cũng mang đến niềm tin vững vàng về những giá trị của chân, thiện, mỹ. Hát lên bài thánh ca ấy như thắp lên niềm tin bóng tối sẽ bị xua tan, cái xấu, cái ác sẽ bị đẩy lùi và những điều tốt, điều lành trên thế gian này sẽ không bao giờ mất đi.
Khi người ta cùng yêu thích, cùng chia sẻ những cảm xúc về một bài hát; hơn thế nữa, cùng hát chung với nhau một bài hát là có chung với nhau sự đồng cảm, đồng thuận.
Singing together is praying together, tôi tin là vậy. Khi mà người người cùng “đồng thanh tương ứng” cất cao lời ca tiếng hát, khi mà người người cùng đồng tâm hiệp ý dâng lời khẩn cầu lên đấng tối cao trong đêm mùa Giáng Sinh thì đức tin con người cũng mạnh mẽ hơn lên, mối giao cảm giữa người và người cũng thắm thiết hơn bao giờ hết, như câu hát còn vang vọng giữa bầu trời lấp lánh sao đêm.
Đất với trời… xe chữ đồng…
Lê Hữu
* Silent night, André Rieu và dàn nhạc Johann Strauss:
* Đêm thánh vô cùng, ca đoàn Ngàn Thông, CA: