Lê Nguyễn: Có nên rèn luyện cho trẻ con tính bạo động và lòng căm thù?

Câu hỏi tưởng chừng như vừa lạc hậu, vừa vô duyên, trong một thế giới mà mọi người đang bảo nhau hướng đến đời sống văn minh, tìm cách xóa bỏ hận thù và cổ xúy cho lòng nhân ái. Thế nhưng ở xã hội ta ngày nay, nó vẫn còn cần được đặt ra, một cách khẩn thiết, khi trong thời gian gần đây người ta cho phát tán công khai hình ảnh 3 em bé chừng 5-7 tuổi, tay cầm súng chĩa về một người phụ nữ đang bị trói vào cây cột. Các em thì gương mặt ngơ ngác, còn súng thì như những que củi lấy từ một đống cây nào!

Không lâu sau, lại là một video clip diễn tả cảnh các cô giáo hô hào, thúc giục hàng trăm em nhỏ xô đẩy nhau, nháo nhào chạy về hai cánh cửa sắt mở toang, được coi là biểu tượng của hai cánh cổng dinh Độc lập ở Sài Gòn bị xe tăng húc đổ trong ngày 30.4.1975. [1]

Chuyện đã gần 50 năm, khi mà nhiều thầy cô giáo có mặt trong màn kịch vụng về đó chưa ra đời hay còn mặc quần thủng đít, vậy mà nó được tái hiện trước tuổi thơ dại hôm nay như chuyện của ngày hôm qua. Nó vừa kệch cởm, thô thiển, và bất nhẫn khi ta nhìn thấy nhiều em chừng 5-7 tuổi mặc đồng phục bộ đội rộng thùng thình, vấp ngã nhào lên nhau, được các cô nâng dậy và … chạy tiếp như những chú robot!

Ở tuổi nhi đồng của các em, chuyện tranh đấu, căm thù có cần lắm không? Tất nhiên là không. Tâm hồn trong trắng của các em như những tấm bọt xốp, cần thấm hút những bài học nhân văn, về lòng kính yêu ông bà, cha mẹ, tình thương mến anh chị em, bè bạn, về sự yêu thương và nghĩa cử san sẻ áo cơm cho những người nghèo khó, những phận đời bất hạnh, biết dắt tay đưa ông lão mù lòa qua đường, biết nhường lối đi cho bà lão cụt chân… 

Chẳng những thế, các em còn cần được giáo dục về lòng thương yêu loài vật, từng con chó, con mèo trong gia đình, biết quý trọng sự tồn tại của từng cành cây, ngọn cỏ trong vườn, biết rung động trước sự bừng nở của ánh sáng ban mai, của cánh chim về tổ buổi chiều tà. Những cảm xúc đó sẽ giúp các em khi lớn lên biết quý trọng từng sự sống nhỏ nhất, biết gìn giữ di sản thiên nhiên cha ông truyền lại, hạn chế rất nhiều nạn tàn phá thiên nhiên, hủy hoại môi trường.

Ở tuổi chưa thành niên của các em, súng đạn, lòng căm thù là thứ độc dược ngấm dần vào tâm hồn thơ dại, sẵn sàng phát tác bất cứ lúc nào có điều kiện; mà điều kiện tác động vào những vi phạm pháp luật thì đầy rẫy trong xã hội hàng ngày. Chuyện con giết cha, vợ giết chồng, xã hội nào cũng có, song xảy ra với một tần suất dày như xã hội Việt Nam là lời báo động khẩn thiết, đòi hỏi não trạng của người làm giáo dục ngày nay phải được thay đổi từ căn bản.

Những hiện tượng tập tành, dạy dỗ về bạo lực, căm thù trong xã hội trẻ thơ hiện nay có thể không phát xuất từ một chủ trương chung của ngành giáo dục, có thể chỉ là “sáng kiến” của một số nhà giáo dục cấp thấp quen thói bưng bô, muốn gò mình suy đoán ý muốn cấp trên để lấy lòng và được đền bù chút công khuyển mã, song không thể nói là các nhà lãnh đạo giáo dục ở thượng tầng xã hội không chịu trách nhiệm về hiện tượng này, một khi chúng được làm lơ, không bị uốn nắn trước phản ứng, sự bất bình của công luận xã hội.

Có thể những suy nghĩ vụn vặt này sẽ nhận được nhiều bình luận đại khái là “nói có được gì không mà nói?”, nhưng thiết nghĩ trong cuộc sống xô bồ hiện nay, chia sẻ với nhau những suy nghĩ chân tình, nhắm vào lợi ích chung của xã hội, dù có dẫn đến những hệ quả nào, cũng là cần thiết, vì đó là trách nhiệm công dân, trách nhiệm của mỗi một thành viên trong cộng đồng xã hội.

Lê Nguyễn

31.12.2023

[1] https://www.facebook.com/reel/720476610024943