Ngu Yên: Dịch Ca Khúc: Đi Thẳng Vào Lòng Người

Chữ có hình có dạng, nhưng ý nghĩa bên trong chữ như chất lỏng. Sáng tác không chỉ đặt chữ xuống trang giấy, lên màn ảnh, trong tâm tình và ý thức nghệ thuật, mà quan trọng hơn, là làm rách chữ để chất lỏng chảy ra, thấm sâu vào giấy, vào điện tử, bốc hương lên tác giả và truyền thơm cho độc giả.

Ca từ có thể không chứa chất lỏng đặc sệt như chữ trong thi ca, hoặc đậm đen trong ngôn từ triết học, nhưng chất lỏng trong ca từ rất đặc thù: có thể hát, mỹ vị hóa tứ nhạc, đồng cảm với giai điệu, và có khả năng đặc biệt nhất: đi thẳng vào lòng người. Sự phức tạp này là trở ngại lớn nhất đối với người viết ca khúc, vì nói đến ca khúc là nói đến ca từ. Một bản nhạc không thể hay, không thể đạt được giá trị, nếu có ca từ dở.

Và sự trở ngại này còn lớn hơn, nặng ký hơn, nhức đầu hơn, đối với những ai thích thú việc dịch ca khúc ngoại quốc ra tiếng Việt. Vì ca từ trong ca khúc không những đòi hỏi phải có phẩm lượng, mà còn đòi hỏi không thể ngọng. Một ca khúc ngoại dù hay cách mấy mà hát lên bằng những lời ngọng nghịu thì không thể truyền đạt điều gì đến lỗ tai, ngoài trừ âm thanh lạ lẫm và khó chịu.

Vì những tiêu chuẩn đó, câu hỏi thường xuyên, hoặc bắt bẻ thường xuyên, hoặc phê phán thường xuyên, nằm trong cụm chữ: Có chăng một cách dịch ca khúc “đúng đắn”?

“Đúng đắn” là như thế nào?

Sự đúng đắn trong dịch ca khúc đòi hỏi:

  • Theo ý và tứ nhạc mà tác giả đã sáng tạo.
  • Câu viết theo văn hóa Việt. Nghĩa là có thể hiểu và cảm như lời ca Việt.
  • Ca từ trầm bổng đúng với các dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng …
  • Hay đủ để người nghe cảm xúc, có ý muốn nghe lại, hát theo và muốn truyền bá. Có thể làm được hay không?

Tôi có một ít kinh nghiệm về dịch văn chương và dịch phẩm chất nghệ thuật. Sau một thời gian nghiên cứu về hầu hết các phương pháp dịch trên thế giới, tôi viết cuốn sách Ý Thức Về Dịch Thuật, 572 trang xuất bản tháng 5 năm 2016 để giới thiệu sơ lược về lý thuyết và học thuật dịch. Sau đó, tôi tự mình thực tập dịch sách, tiểu luận, báo, truyện, thơ, kịch, và ca khúc… Vì sao lại tham vọng quá vậy? Tôi rất thích thú muốn xem thử những lý thuyết dịch đã tham khảo có thể dịch như thế nào khi đối đầu với chữ nghĩa một cách thực sự và trần trụi như đánh vật. Như các bạn đọc đã biết, giữa lý thuyết và thực hành là một hành trình mông lung, gai góc, có khi đành bỏ cuộc.

Như một người học làm đầu bếp. Nếu học xong chỉ ăn bằng tưởng tượng thì làm sao biết thứ gì ngon thứ gì dở, làm sao biết được khả năng bản thân đã học được gì? Tự nấu, tự ăn, tự thử, tự khen, tự chê…hoài cũng chán, thôi thì, nấu xong mời hàng xóm, bà con đến ăn. Kẻ khen, người chê. Kẻ ăn căng bụng, người bịt mũi bỏ về. Sự đời là như vậy.

Nhưng nhờ các sự đời này mà tôi học hỏi một ít kinh nghiệm để hôm nay nấu món “Dịch ca khúc” mời bạn đọc nếm thử. Ăn miễn phí, nên nếu hài lòng, thì thắng lợi. Nếu không vừa ý, chẳng thiệt hại gì. E.Y. Harburg nói rằng: “Words make you think a thought. Music makes you feel a feeling. A song makes you feel a thought.” (Ngôn từ cho chúng ta suy nghĩ. Âm nhạc cho chúng ta cảm xúc. Ca khúc cho chúng ta cảm xúc về ý nghĩ.)

Theo E.Y. Harburg, tôi viết kết luận ngay ở đây như công thức nấu món ăn rồi sẽ thực hành sau, xem thử sẽ ra sao?

Ý của ông Harburg nói gì? Ông nói, dịch ca khúc là “dịch ý nghĩ của tác giả và ‘dịch’ cảm xúc của tác giả, của người dịch, và của thính giả.” Đây là những tiêu chuẩn cao để đạt sự đúng đắn. (“dịch” trong vị trí này có nghĩa “truyền đạt sau khi thẩm thấu.)

Tôi nghĩ, có một số cách dịch ca khúc “đúng đắn” theo cách không đúng đắn. Tôi không có ý định chơi chữ. Ý của tôi là dùng những cách không đúng đắn để làm chuyện đúng đắn theo các tiêu chuẩn đúng đắn, mà người đúng đắn cũng khó trách móc người dịch thiếu đúng đắn.

Bắt đầu bằng một ca khúc nổi tiếng và khá dễ dịch: Autumn Leaves của John Mercer, nguyên tác Les feuilles mortes của Joseph Kosma, lời thơ của Jacques Prévert.

The falling leaves/ Drift by the window/ The autumn leaves/ Of red and gold

Buồn rơi lá úa/ Chập chờn qua cửa sổ/ Màu thu trên lá/ Vàng pha sắc đỏ

I see your lips/ The summer kisses/ The sunburned hands/ I used to hold

Màu môi tôi nhớ/ Nụ hôn hè cũ/ Làn da thơm nắng/ cầm tay ân cần

Since you went away/ The days grow long/ And soon I’ll hear/ Old winter’s song

Từ em xa lìa tôi/ tháng ngày xa xôi/ vô tình tôi nghe/ bài hát đông xưa

But I miss you most of all/ My darling/ When autumn leaves/ Start to fall

Làm quay quắt nhớ nhung điên cuồng/ cố nhân ơi/ nhìn lá thu khô/ bắt đầu rơi

Món này khá trơn tru, có ý nghĩa, gây cảm động cho những ai đã từng thất tình với câu “làm quay quắt nhớ nhung …”, rồi “cố nhân ơi..” tuy lên cao mà nén hơi nhẹ nhàng để thả lơi xuống chữ “ơi”, người tình ngồi bên cạnh theo dõi, không cảm thấy khó chịu.

Nhưng không phải ca khúc nào cũng dễ nuốt. Nhất là những ca khúc mang nhiều ẩn ý, hoặc ý nghĩa cao kỳ, rất khó tìm từ vựng, cụm chữ vừa khít khao nốt nhạc, vừa không ngọng, vừa diễn tả được tứ nhạc. Tôi không mấy quan tâm về những danh từ không thực sự là động từ khi áp dụng vào dịch ca từ như, chuyển dịch, phiên dịch, phỏng dịch, dịch phóng tác … những tên gọi này tựu trung là để ngăn cản, bắt bẻ, phê phán. Bởi vì tôi có chứng cớ: Những người thường phê phán bản dịch ca khúc của người khác, của những người dịch có trình độ và có kinh nghiệm, theo kiểu này là những người chưa dịch ca khúc nào, hoặc có dịch mà bản dịch họ cần được phê phán.

Truyền thống và cách tân trong dịch ca khúc

Trên thế giới, hiện nay, cho đến 22 năm đầu thế kỷ 21, có khá nhiều trường phái và phong trào dịch. Những lý thuyết dịch khác nhau này do những kinh nghiệm và quan niệm dịch của các bậc sư phụ tên tuổi, được sự tin cậy của học giả và dân trí thức. Như: Eugene Nina, John C. Catford, Jean-Paul Vinay, Jean Ddarbenet, Julianne House, Werner Koller, Peter Newmark, Mona Baker, Anthony Pym … Tuy có thể không biết họ khác nhau như thế nào, nhưng một người đọc trung bình cũng có thể nhận ra, không có sư phụ nào đồng ý với sư phụ nào về một bản dịch khó. Điều này dẫn đến kết luận: 1- Hoặc tất cả các sư phụ dịch đều đúng; 2- hoặc tất cả đều có chỗ sai; 3- hoặc chỉ có một sư phụ dịch đúng, nếu bạn đọc nào tin tưởng rằng ” Sự thật đúng chỉ có một”. Đúng là tuyệt đối.

Ngược lại, bạn đọc nào cho rằng, sự thật có muôn mặt, đúng theo từng mặt sự thật, sẽ cho chúng ta muôn ngàn sự đúng. Cũng có thể nói, đúng tương đối. Dịch ca từ không thể đúng tuyệt đối, chỉ có thể đúng tương đối. Từ vựng “tương đối” luôn luôn ỡm ờ, mang tính mơ hồ, hiểu sao cũng được. Vì vậy, “tương đối” phải đươc diễn tả cụ thể hơn.

Tương đối, diễn nghĩa theo nghệ thuật câu cá. Câu cá có nhiều phương pháp và phong cách câu. Dĩ nhiên, có nhiều trình độ câu. Câu sông khác câu biển. Câu cắm khác câu cầm. Câu giựt khác câu quay. Câu mồi lững khác câu mồi chìm. Lại có người như Khương Tử Nha đi câu chỉ có cần tre, không dây cước, không mồi, gọi là câu nghĩ. Tôi thích nhất là câu bay. Rung cần câu, vất dây cước dài theo một đường vòng, sợi dây vụt đi, oằn lại lưng chừng lấy trớn, rồi phóng tới, sà xuống gần mặt nước, con mồi không tắm ướt, chỉ soi mặt gần như người soi gương không dám nhìn rõ dung nhan của mình, như kỹ nữ miên lý tàng châm, giấu kim nhọn bọc bông gòn ra ngoài, êm ái, vụt vụt lướt nhanh. Chợt từ dưới nước, tung toé phóng lên, con cá đớp con mồi, con mồi móc con cá. Sướng quá. Không chỉ vì con cá, mà sướng hơn chính là một cú bay. Dịch ca khúc tôi chọn cách tương tựa như nghệ thuật câu bay. Cảm xúc giấu trong lời, bay bay, tâm tư khách nghe vụt phóng lên. Cả hai sung sướng. Bạn nghĩ là con cá không sung sướng khi đớp được mồi sao? Nhưng có khi không con cá nào tung tóe, thì mồi và dây rơi xuống nước, người dịch vội vã kéo về cho kịp cú bay tiếp. Tương đối thôi, vì có nhiều cách câu khác nhau và cách câu nào cũng câu được cá.

Dịch theo kiểu truyền thống, tức là lối dịch trước thập niên 1980, trước thời bùng nổ những lý thuyết dịch thuật. Lối dịch này áp dụng vào ca khúc, đòi hỏi:

  1. Chuyên chở ý nghĩa nguyên bản của ca khúc.
  1. Trung thành với ý của nhạc sĩ.
  1. Có thể hát được.

Mới đọc qua ba điều cẩm nang, thấy có vẻ đơn giản. Kỳ thực, phải đề phòng, bất kỳ thứ gì đơn giản đều có vấn đề, vì đơn giản không thể bao gồm hết mọi chi tiết.

  • Tiết mục thứ ba, có thể hát được, là dễ hiểu nhất. Hát không thể ngọng, không thể trúc trắc trục trặc như người ngoại quốc hát tiếng Việt, và không thể hát mất dấu như người thượng nói tiếng kinh.
  • Tiết mục thứ hai, trung thành với ý của nhạc sĩ, dĩ nhiên, nhưng trung thành có nhiều cách khác nhau, chưa kể đôi khi trung thành là phản bội, đôi khi phản bội là trung thành. Những ca khúc trữ tình, lãng mạn, lứa đôi, thường dễ trung thành vì nhạc sĩ chỉ quanh quẩn, quấn quít yêu đương, thương nhớ, môi má, biệt ly, buồn bã, than vãn … Những ca khúc có tình tự sâu đậm, ý nghĩa cao kỳ, cách sơn đả ngưu, lời một đường ý một nẻo, dễ gì trung thành. Nhất là kiểu cách suy tư mang nhiều ý tưởng sâu sắc như trong nhạc của Leonard Cohen, Bob Dylan … muốn trung thành cũng chưa chắc được.

Trung thành trong ca khúc, nghĩa là, ca từ phải truyền đạt ý của tác giả, cùng một lúc âm sắc của ca từ phải phù hợp với giai điệu. Nhiều trường hợp trong hoàn cảnh này không thể dịch.

Theo kinh nghiệm riêng của tôi, hầu hết những ca khúc có ca từ xây dựng lời ca ý nghĩa, có giá trị, thường xuyên không thể dịch chính xác. Phải sử dụng những học thuật dịch như hoán vị, tương xứng, tương ứng, … (Xem Ý Thức Về Dịch Thuật).

Không thể trung thành tuyệt đối với tác giả, tôi đề nghị, nên trung thực với dịch giả. Người dịch ca khúc nên lấy trung thực làm phẩm chất và tiêu chuẩn để dịch. Phải tự hỏi mình: Đã tận hết sức dịch theo ý nhạc sĩ hay chưa? Nếu gặp những trở ngại, đã trăn trở, xử lý hết các học thuật hay chưa? Đã cho vô thức đầy đủ thời gian hoạt động tìm ra giải pháp để giải quyết những khó khăn hay chưa? Nghệ thuật dịch ít thuộc về việc hiểu biết ngôn ngữ mà thuộc nhiều hơn về hiểu biết bản thân, xác nhận bởi dịch giả Ned Roem, (The art of translation lies less in knowing the language than in knowing your own.)

Bây giờ, tôi thử đưa ra bản dịch hát một ca khúc, để tạo ít suy nghĩ trước khi bước vào tiết mục thứ ba: Chuyên chở ý nghĩa nguyên bản của ca khúc.

Một bản nhạc nổi tiếng được dịch ra nhiều ngôn ngữ: Ne Me Quitte Pas của Jacques Brel được dịch sang Anh ngữ: If You Go Away bởi Rod McKuen; dịch sang Tây Ban Nha: No Me Dejes … Nếu so sánh Ne Me Quitte PasIf You Go Away, chúng ta sẽ thấy, đó là hai văn bản khác nhau, hai câu truyện khác nhau, hai ý nghĩa khác nhau, chỉ cùng một giai điệu. Một lát nữa, chúng ta sẽ giải quyết sự khác biệt này. Bây giờ, cùng nhau đi vào văn bản.

Ca từ dịch từ văn bản Pháp: Ne Me Quitte Pas. Đừng Rời Xa Tôi.

Ne me quitte pas/ Il faut oublier/ Tout peut s’oublier/ Qui s’enfuit déjà/

Sao em muốn xa tôi/ Yêu thương sẽ quên thôi/ Quên nhưng sẽ không quên/

Oublier le temp/ Des malentendus et le temps perdu/ À savoir comment/

Không quên sẽ như quên/ Như quên vẫn không quên/ Tâm tư biết ra sao/

Oublier ces heures/ Qui tuaient parfois à coups de pourquoi/ Le cœur du bonheur

Tay ai nhớ tay ai/ Môi ai nhớ môi ai/ Tim ai nhớ tim ai/ Liêu xiêu nỗi tương tư/

Ne me quitte pas/ Ne me quitte pas/ Ne me quitte pas/ Ne me quitte pas

Sao em muốn xa tôi/ Sao em muốn xa tôi/ Sao em muốn xa tôi/ Sao em nỡ xa tôi/

Moi je t’offrirai/ Des perles de pluie/ Venues de pays où/ il ne pleut pas/

Đời tôi cho em/ vì tình như giọt nước/ khi yêu tan thành mưa/ tắm ướt môi tình khô/

Je creuserai la terre/ jusqu’après ma mort/ Pour couvrir ton corps/ d’or et de lumière/

Tình tôi cho em/ một đời tôi thề hứa/ hiến xác thân linh hồn/ cho dù chết không quên/

Je ferai un domaine/ Où l’amour sera roi, où l’amour sera loi/ Où tu seras reine/

Lập nên vương quốc/ nơi yêu sẽ như vua/ cho em hóa thiên thần/ cho tình là trăm năm/

Ne me quitte pas/ Ne me quitte pas/ Ne me quitte pas/ Ne me quitte pas/

Sao em muốn xa tôi/ Sao em muốn xa tôi/ Sao em muốn xa tôi/ Sao em nỡ xa tôi/

Bạn đọc thấy ngay câu “Oublier ces heures/ Qui tuaient parfois à coups de pourquoi/ Le cœur du bonheur …” Không thể có ca từ đúng nghĩa và phù hợp với giai điệu. Nhất là sau một đoạn lập đi lập lại “Oublier” nghe mệt mỏi, tôi dùng kỷ thuật “tương ứng” đổi sự giết chết trái tim hạnh phúc bằng sự nhớ nhung cụ thể của tay môi và tim.

Đoạn : “Je creuserai la terre jusqu’après ma mort/ Pour couvrir ton corps d’or et de lumière/ Je ferai un domaine/ Où l’amour sera roi, où l’amour sera loi/ Où tu seras reine …” Vừa không có ca từ trầm bổng theo giai điệu, dù có ca từ mang ý nghĩa tứ nhạc, nhưng không đánh động tâm tư của người Việt, tứ nhạc không tạo được ý nghĩa, hình ảnh quen thuộc với văn hóa dịch. Tôi có cảm giác ngượng ngùng khi phải hát “vương quốc do tình yêu làm vua”. Thôi, cho phép tôi “hoán vị” những hình ảnh và phóng tác những ý tưởng tương tựa. Cho dù vậy, vẫn không mấy hài lòng. Tôi sẽ trở lại bàn thảo phần không hài lòng.

  • Tiết mục thứ nhất là tiết mục có nhiều chi tiết cần phải cân nhắc. Then chốt của bản dịch ca khúc nằm trong phạm vi: Chuyên chở ý nghĩa nguyên bản của ca khúc. Cũng có nghĩa, truyền đạt ý tứ ca khúc sang tiếng Việt. Dịch ca khúc Ne Me Quitte Pas, một phần nào cho thấy sự “không thể dịch” theo khuynh hướng truyền thống đòi hỏi.
  • Ca từ Việt thuộc dòng độc âm. Ca từ Anh, Pháp, Đức … thuộc về đa âm. Có nghĩa, bản nhạc sẽ có nhiều nốt nhạc phù hợp với đa âm. Khi dịch, chúng ta phải xử lý: Hoặc đưa vào nhiều lời theo các nốt của đa âm, hoặc bỏ bớt nốt của đa âm để giảm lời độc âm. Ưu điểm của nhiều lời vì đa âm sẽ cho người nghe sự lướt nhanh, thường ít nghe trong ca khúc Việt. Vì vậy, những câu lướt có khả năng tạo một chút gì khác lạ, gia tăng nét sáng tạo. Khuyết điểm, nếu xử lý không kéo léo sẽ bị rượt chạy, gây rối, nghe không hiểu. Nhất là những người hát không rõ lời, sẽ nghe như bị líu lưỡi. Tôi nghĩ, nên lựa cơm gắp mắm, giải quyết từng trường hợp một. Câu nhạc nào thỏa thuận cách nào thì chọn cách đó.
  • Từ vựng tương đương thường xuyên không hợp lý với các nốt cao thấp. Sự thay đổi vị trí của từ vựng, hoặc của cả câu lời, sẽ cần thiết, khi không phù hợp với câu nhạc trầm bổng. Sự thay đổi hình ảnh, và sau cùng, sự thay đổi tứ nhạc, sẽ cần thiết để dịch ca khúc. Những học thuật này thường dùng để dịch thơ và ca khúc. Dịch văn xuôi ít nhọc nhằn hơn.

Nên quan tâm đến việc xây dựng cú pháp. Biến chuyển giữa câu thụ động và câu chủ động. Tiếng Việt phong phú nhiều tính từ, sử dụng ưu điểm này mỗi khi cần chữ cho nốt nhạc dư. Hơn nữa, tính từ thường tạo ra cảm giác, một trong những thứ cần thiết trong âm nhạc: cảm giác của người nghe.

  • Khó được chấp nhận nhất, là khi cần sáng tạo những ẩn dụ, hoặc tứ nhạc khác với ẩn dụ, tứ nhạc trong ca khúc để giữ cho được ý của nhạc sĩ. Việc này là “phản bội” để trung thành. Ngược lại, khi nỗ lực trung thành với dịch sát nghĩa, khác chữ, như trường hợp dẫn trên của Ne Me Quitte Pas, sẽ tạo ra sự phản bội. Nếu phải tạo ra tứ nhạc khác, càng gần gũi với tứ nhạc trong ca khúc, càng dễ được chấp nhận.

Trung thành và phản bội: Trung thành mà làm cho ca khúc dở đi, hoặc làm tâm trí của nhạc sĩ giảm thấp, đó là phản bội. Ngược lại, nói dối với vợ để giữ gìn hạnh phúc gia đình, là trung thành. Vài năm sau, lời nói dối sẽ chìm vào bóng tối, trong khi, nếu mất hạnh phúc, thì hoàn toàn đen thui.

  • Nhìn toàn thể văn bản dịch, quan niệm của dịch giả Anthony Burges, không nhất thiết phải dí sát vào văn bản gốc, không nhất thiết trung thành mù quán với văn bản ca khúc, nên chuyển hướng dịch về lợi ích cho độc giả, vì khách nghe nhạc, nên tạo một ca khúc theo văn hóa Việt. “Dịch thuật không chỉ là vấn đề của từ ngữ: Nó là vấn đề làm cho cả một nền văn hóa trở nên dễ hiểu.” (Translation is not a matter of words only: It is a matter of making intelligible a whole culture.)

Nhạc sĩ Phạm Duy dịch ca khúc When We Were Young (Khúc Hát Thanh Xuân) theo khuynh hướng phản bội bản gốc để phục vụ thính giả người Việt. Ông nỗ lực giữ vần ở cước vận theo văn bản gốc, khiến cho ca từ nghe êm dịu hơn, phù hợp với không khí của ca khúc, mà Johann Strauss Jr., đã đưa vào điệu valse lente.

One day when we were young/ One wonderful morning in May/ You told me : ” You love me “/ When we were young one day

Ngày ấy khi Xuân ra đời/ Một trời bình minh có lũ chim vui/ Có lứa đôi, yêu nhau rồi/ Hẹn rằng còn mãi không nguôi

Sweet songs of Spring were sung/ And music was never so gay/ You told me : You love me/ When we were young one day

Nhạc lắng hương xuân bồi hồi/ Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi/ Nói với nhau, yêu nhau rồi/ Một ngày còn mới tươi môi.

You told me: You love me/ And help me close to your heart/ You laughed then, You cried then/ And came the time to part

Rồi nắm tay cùng nói vui/ Những câu êm êm không rời vai/ Rồi lả lơi, hình dáng ai/ Khuất xa biến vào nẻo khơi.

When songs of Spring are sung/ Remember that morning in May/ Remember: ” You loved me?”/ When we were young one day

Từ đó khi xuân tái hồi/ Cho bùi ngùi thương nhớ tới xa xôi./ Nhớ tới câu thương yêu người/ Một ngày tuổi mới đôi mươi.

Đi Thẳng Vào Lòng Người

Dịch ca khúc ngoại thành ca khúc văn hóa Việt sẽ dễ gây xúc động cho người nghe, dễ tạo ra tình cảm gần gũi giữa người trình bày và kẻ hưởng thụ. Khi một ca khúc ngoại dịch sang Việt ngữ trơn tru, hoặc nhuyễn nhừ, mang ý nghĩa, có câu truyện, tự nhiên sẽ thành công. Tuy nhiên, nếu hoàn toàn dịch phóng tác, thì ca khúc đó không thể liệt vào dịch mà là “inspired song,” ca khúc được gợi hứng từ … Như ca khúc Bài Ngợi Ca Tình Yêu của Phạm Duy là bài được truyền hứng từ ca khúc La Chanson d’Orphée của François Llenas. Trong khi ca khúc Đợi Anh Về do Lữ Liên dịch ca khúc Unchained Melody của Alex North và Hy Zaret, là văn bản dịch gần gũi văn hóa Việt.

Dịch phóng tác truyền hứng không có gì đáng xem thường, ngược lại, nên hoan nghênh. Có nhiều ca khúc thành danh nhờ cảm hứng phóng tác từ ca khúc gốc. Đó là trường hợp: If You Go Away, My Way, và vô số nhạc trên thế giới. Vì vậy, nghệ thuật “dịch mô phỏng” và “dịch phóng tác” cần được tìm hiểu sâu sắc để áp dụng vào dịch ca khúc. Nhất là khi, người dịch chọn một mô hình dịch bao gồm
nhiều nghệ thuật dịch khác nhau, trộn lẫn cách dịch, từ dịch sát cho đến dịch xa xôi.

  • Peter Newmark, một sư phụ dịch học giả hiện tại, xác nhận “There is no such thing as a perfect, ideal, or ‘correct’ translation. A translator is always trying to extend his knowledge and improve his means of expression: He is always pursuing facts and words.” (Không có cái gọi là bản dịch hoàn hảo, lý tưởng, hoặc ‘đúng đắn’. Dịch giả luôn cố gắng mở rộng kiến thức, cải thiện phương tiện diễn đạt, anh ta luôn theo đuổi sự thật và lời nói.) Tương tựa quan điểm này, Eugene Nina cho rằng một bản dịch hay là một văn bản khác với văn bản gốc. Dịch theo hai sư phụ này, là dịch câu bay, tôi nghĩ, đây là lối dịch ca khúc.

Dịch bay, tôi chọn, vì lấy tiêu chuẩn nghệ thuật, mỹ học và văn hóa để dịch văn bản. Tuy nhiên, sau một thời gian thực tập, tôi nhìn thấy dịch thơ và dịch ca khúc thường bị sức kiềm tỏa tự nhiên của văn bản gốc và ý riêng của tác giả, khiến cho văn bản dịch có khả năng tươi như cá đông lạnh. Ca khúc dịch phải là con cá sống bơi lội mỗi khi người hát thả vào lòng người nghe. Lời hát phải tạo cảm xúc cho thính giả. Có phải đa số chúng ta khi nghe xong một bài nhạc dịch thường không còn gì để nhớ, để lưu luyến; hôm sau có ai hỏi, ừ, đã quên, dù đó là ca khúc hàng đầu trong lịch sử âm nhạc Tây phương. Lạ lùng hơn nữa, dường như, chúng ta nhớ nhiều hơn, cảm nhiều hơn những ca khúc ngoại quốc được phóng tác, phải không? Điều này dẫn đến sức mạnh của cảm xúc, cảm giác nằm trong ca từ, ý nghĩa, và câu truyện của ca khúc. Dịch phóng tác truyền hứng dễ đạt được tiêu chuẩn này hơn là dịch ca từ, như một người nhảy ballet thong thả tự do, so với người khác, có thể nhảy hay hơn, nhưng bị cột một chân một tay.

Nhưng nếu đã chọn dịch ca từ mà không có ít nhất là một câu ca tác động tâm tư thưởng ngoạn, thì nên pha chế một ít câu phóng tác để bài hát có khả năng đi thẳng vào lòng người nghe. Cho cùng lắm, có người không chịu, tôi tặng cho bạn đọc câu nói của học giả Henry Gratton Doyle “it is better to have read a great work of another culture in translation than never to have read it at all.” ( Tốt hơn hết nên dịch một tác phẩm hay của nền văn hóa khác, còn hơn là không bao giờ đọc nó.)

Quan điểm này cần khả năng sáng tạo. Theo tôi, khi dịch xong ca từ của một ca khúc nên trăn trở, lật ngược úp xuôi, xem thử có câu nhạc nào mà lời dịch có thể xoay sở để tạo thành câu hát cảm tính, đi thẳng vào lòng người. Có được như vậy, người nghe mới thỏa mãn, mang một chút hương của đám chữ rách về nhà. Nếu không xoay sở, ảo thuật gì được nữa, nên tìm đến dịch mô phỏng hoặc dịch phóng tác, không cần nhiều, chỉ vài câu thôi, vài cú vuốt nhẹ nhàng thôi, cũng gây ra niềm nhớ.

Tôi thường chọn một đoạn hoặc một số câu mà khi dịch sát văn bản gốc nghe ngô nghê, trục trặc, ý tứ tầm thường, để tạo ra những câu gây xúc động hoặc gây thú vị cho người nghe, mặc dù những câu đó, không có trong bản gốc. Tôi đã dùng ý thơ của Bùi Giáng trong bài Ly Tao khóc vợ để sửa bài dịch Ne Me Quitte Pas một ít câu “Đừng xa tôi nhé, cho tôi nắm tay em, cho tôi chết bên em, như lời thề năm xưa…” Và cảm thấy hài lòng.

Trong tinh thần này, tôi dịch Adieu Mon Pays của Enrico Macias.

Vĩnh Biệt Quê Nhà

J’ai quitté mon pays, j’ai quitté ma maison

Ngày rời xa quê hương tôi, Nhìn lui xót thương ngôi nhà

Ma vie, ma triste vie se traîne sans raison

Ra đi, không tiễn đưa, không biết bao giờ quay về

J’ai quitté mon soleil, j’ai quitté ma mer bleue
Ánh nắng nhớ nhung chân người,. Bờ biển xưa nhắc tên nhau hoài

Leurs souvenirs se reveillent, bien après mon adieu

Tràn dâng sóng bao kỷ niệm. Lòng tôi chết trên con đường

Soleil, soleil de mon pays perdu

Nắng khóc, nắng tiếc quê nhà sắp xa vời

Des villes blanches que j’aimais, des filles que j’ai jadis connu

Tình yêu ray rứt phố quen ai chờ. Những đôi môi hồng từng vấn vương lòng.

J’ai quitté une amie, je vois encore ses yeux

Người tình ơi ta xa nhau. Mượn đôi mắt em lên đường

ses yeus mouillés de pluie, de la pluie de l’adieu

Trên mi rơi như mưa rơi. Hồn tôi ướt mưa giã từ

Je revois son sourire, si près de mon visage

Thấy choáng váng môi em cười. Kề bên nhau dẫu đang xa vời

Il faisait resplendir les soirs de mon village

Trong tim tôi thắp sáng ngời, cho dẫu âm u quê nhà

Mais du bord du bateau, qui m’éloignait du quai

Rồi thuyền trôi theo chia ly. Sợi neo xích rung chia lìa

Une chaîne dans l’eau a claqué comme un fou

Đưa tôi xa quê hương, lòng xao xác bao điên cuồng

J’ai longtemps regardé ses yeux bleus qui fouillent

Tôi nhớ mãi khi giã từ, vì ai đôi mắt lấm lem rồi

La mer les a noyé dans le flot du regret

Chìm trong biển chết trôi tim người. Còn gì đâu tiếc thương xa xôi...

Nói chung, dịch ca khúc ngoại vào văn hóa Việt cần sức nhạy cảm mạnh mẽ; khả năng phát hiện và biến hóa ngữ pháp, cú pháp; sức sáng tạo phong phú và lòng can đảm. Đúng, cần can đảm.

Nhưng cuối cùng, theo tôi, trên nguyên tắc ngàn đời, dịch là một cách phản. Nhà thơ Rober Frost khẳng định như vậy. Học giả Umbert Eco đồng ý: “Translation is the art of failure.” (Dịch là một nghệ thuật thất bại.) Dịch văn xuôi còn ít phản. Dịch thơ và dịch ca khúc sẽ phải phản bội liên tục, đến mức có thể xem chính phản bội mới đem lại sự hay, sự đẹp cho ca khúc dịch. Nhưng, tất cả những ai dịch ca khúc, hãy phản bội với lòng trung thành và chứng minh bằng sự trung thực.

Ghi chú:

Phóng tác: Nghệ thuật sáng tác do nguồn cảm hứng đến từ một đối tượng nghệ thuật khác, tuy nhiên không bị bắt buộc phải liên quan chặt chẽ với đối tượng gốc. Sáng tác phóng tác có thể đi từ gần đến xa như những ca khúc dịch dẫn chứng bên trên. Thậm chí, có thể khác hẳn nội dung và ý nghĩa để trở thành một ca khúc khác, có nốt nhạc giống nhau. Như trường hợp La Cumparsita, được Phạm Duy phóng tác thành Vũ Nữ Thân Gầy. Nếu bạn đọc tò mò xem bản gốc tiếng Spanish, sẽ không thấy một vũ nữ nào, vào đoạn kết chỉ thấy con vẹt, chú chó, cũng bỏ đi như tình nhân.

Theo ý tôi, ca từ Vũ Nữ Thân Gầy hay hơn ca từ La Cumpasita. Nhạc sĩ Gerardo Matos Rodriguez mà nghe được lời Việt của Phạm Duy, e rằng cũng ngã mũ chào. Những câu như “Đàn đã khơi rồi … Đàn khóc ai hoài …Nghe tiếng cười réo xót xa đời …Bát ngát hương môi cho anh say mèm (Ai thường đi vũ trường, sẽ hiểu.)

…Ta ghì cho tan vỡ trái tim này…(Ôm chặt vũ nữ, siết mạnh thân hình, làm vỡ trái tim mình, vì tim vũ nữ rất dai, dễ gì đứt.) Cho người ăn chơi nhíu đôi lông mày… (Đố bạn đọc biết lý do tại sao?) Chưa biết môi em mà hồn đã quên, đã qua một đêm… (Tài tình và buồn thiu.) Phóng tác như vậy, thì nên phóng tác vài ngàn bài cho nhạc Việt lai được phong phú.

Dịch mô phỏng: Thuộc vào thời Hậu Hiện Đại, tái tạo, tái lập, hoặc tái dụng ý và tứ nhạc để có thể làm sống lại ý và tứ nhạc của nhạc sĩ.

Dịch phóng tác: Đi giữa dịch mô phỏng và phóng tác. Có mục đích làm đẹp hơn, hay hơn trong văn hóa dịch đối với bản gốc.
Lời nhạc gốc lấy xuống từ Internet

Ngu Yên

Trích từ “Tuyển tập nhạc ngoại quốc (cuốn 1). Nhạc dịch và dịch nhạc. Ngu Yên thực hiện.

Tuyển những ca khúc hay quen thuộc và mới lạ của nhiều quốc gia, dịch sang tiếng Việt. Đi chung với những bản nhạc là những bài viết, những góp nhặt về nghệ thuật dịch ca từ và nghệ thuật ca hát. Món quà đầu năm 2024 và cuối năm Quí Mão.