Uông Triều: Đầu tiên và cuối cùng

Có ai quan tâm đến những tác phẩm đầu tiên và cuối cùng của các nhà văn không? Có phải tác phẩm đầu tiên thì non nớt và cuối cùng thì xuất sắc? Chưa chắc đã phải vậy và có rất nhiều bất ngờ với những tác phẩm đầu tiên và cuối cùng của các nhà văn nổi tiếng.

Khó ai hình dung được Franz Kafka, một trong những thiên tài văn học lớn nhất thế kỉ XX và có ảnh hưởng đến nhiều người mà tác phẩm đầu tay của ông chỉ là một tập truyện ngắn mỏng mảnh. Tập sách in năm 1912 và được xuất bản đúng 800 cuốn và đến tận khi Kafka mất đi vào năm 1924, nghĩa là hơn 10 năm sau khi xuất bản, tập truyện ngắn này, tên tiếng Đức là “Betrachtung” – “Quan sát”, vẫn chưa bán hết!

Ngược lại văn hào người Nga, Dostoievsky, sự khởi đầu của ông thuận lợi hơn Kafka rất nhiều. Tiểu thuyết đầu tay của Dostoievsky là “Những kẻ bần hàn”, ngay khi được in dài kì trên báo đã được đánh giá cao và đặc biệt nhà phê bình văn học Nga nổi tiếng bậc nhất lúc bấy giờ Belinsky dự đoán Dostoievsky sẽ trở thành nhà văn vĩ đại kế nghiệp Gogol! Nhờ sự thành công của tác phẩm đầu tay mà con đường văn nghiệp của Dostoievsky suôn sẻ hơn nhiều so với đồng nghiệp người Séc gốc Do Thái. Kafka sau khi chết đi mới được người ta công nhận tài năng và sự lận đận của đời văn của ông phải chăng đã được dự báo từ tác phẩm đầu tay của mình?

Dostoievsky khởi đầu thuận lợi và kết thúc trong huy hoàng. “Anh em nhà Karamazov”, tác phẩm cuối cùng đồng thời cũng là tác phẩm vĩ đại nhất của Dostoievsky tập trung toàn bộ tài năng, trí tuệ và suy ngẫm của về con người, xã hội, tôn giáo và tổng kết sự nghiệp sáng tác củanhà văn. Dostoievsky là trong những người rất hiếm hoi mà tác phẩm cuối cùng của đời mình lại lớn lao, kì vĩ nhất. Bởi vì ở cuối cuộc đời, khi bị những gánh nặng tuổi tác, những hào quang thời tuổi trẻ phủ bóng, người ta khó lòng vượt qua được chính mình nữa nhưng ở Dostoivsky đó là sự phi thường. Ở tác phẩm sau chót ông vẫn dữ dội và mãnh liệt, thậm chí hơn cả thời tuổi trẻ.

Sự khởi đầu rất dễ non nớt, điều này đúng với đa số các nhà văn. Ma Văn Kháng đã nói rằng toàn bộ những truyện ngắn ông viết trong những năm 60, 70 của thế kỉXX, đặc biệt những truyện viết về miền núi là những “phế phẩm văn chương”, ông rất xẩu hổ khi viết ra những tác phẩm này. Đây là một sự công nhận dũng cảm của một nhà văn lớn khi ta biết rằng những tác phẩm của Ma Văn Kháng sau này viết về miền núi, kể cả truyện ngắn và tiểu thuyết đều được coi là những phần đặc sắc nhất trong sáng tác của ông. Nhà văn Pháp gốc Việt, Linda Lê, một trong những cây bút nữ tiêu biểu của văn học Pháp đương đại cũng từng rất hối tiếc khi có những tác phẩm đầu tay non kém. Thậm chí Linda Lê đã tuyên bố, bà chối bỏ những tác phẩm đầu tay của mình, trong đó có cuốn “Tình ca ác quỷ” xuất bản năm 23 tuổi. Nhà văn không thừa nhận đứa con tinh thần đầu tiên, vì cho rằng nó yếu kém hoặc không giống với mình. Đây có thể là một thái độ cực đoan nhưng hành động của Linda Lê là rất đáng cảnh tỉnh cho các nhà văn trẻ cân nhắc in tác phẩm đầu tiên.

Cũng là giai đoạn đầu tiên nhưng những bài thơ khi Trần Đăng Khoa viết khi nhỏ tuổi lại được người ta nhớ nhiều. Những bài thơ thuở thiếu nhi của Trần Đăng Khoa được nhiều người thuộc trong khi những tác phẩm thơ sau này của ông không được thành công như vậy. Khi nói đến Trần Đăng Khoa, người ta thường nhớ đến một “thần đồng” làm thơ thiếu nhi chứ không phải một nhà thơ trưởng thành của ngày hôm nay. Trong văn chương có một quy luật nghiệt ngã và bất tuân theo trật tự thời gian. Tác phẩm ban đầu có thể rất xuất sắc, các tác phẩm sau có khi không bao giờ vượt qua, trong khi đó với đại đa số những người khác, đầu tiên nghĩa là non nớt, vụng dại… Những nhân vật đặc biệt thường là những người chống lại được những quy luật thông thường, như Trần Đăng Khoa lúc tuổi trẻ và Dostoivsky lúc cuối đời.

“Phục sinh” là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Lev Tolstoy, ông xuất bản cuốn sách năm tuổi 71 tuổi. Mặc dù không kì vĩ và hoành tráng bằng “Chiến tranh và hòa bình” hay “Anna Karenina”, nó vẫn là một cuốn tiểu thuyết lớn, mang tư tưởng và suy ngẫm sâu sắc của nhà văn về cuộc sống, sự hối cải. Khác với Dostoievsky ở cuối đời vẫn vô cùng dữ dội và bạo liệt, Lev Tolstoy bình thản và tĩnh lặng hơn.

Mạc Ngôn, nhà văn Trung Quốc nhận giải Nobel văn học năm 2012 kể lại rằng, khi viết truyện ngắn đầu tay, ông đã cố gắng ca ngợi lãnh tụ theo xu hướng chung lúc đó nhưng rốt cục tác phẩm vẫn chưa đủ thuyết phục và không được in. Khi nhớ về chuyện đó, Mạc Ngôn nghĩ việc viết truyện ngắn ấy rất buồn cười nhưng ông không cảm thấy xấu hổ như Ma Văn Kháng, ông thấy đó là hành trình cần thiết để trưởng thành. Ông cho rằng sự yếu kém của buổi ban đầu là không tránh khỏi. Tất nhiên Mạc Ngôn vẫn còn đang viết, tác phẩm cuối cùng của ông là gì ta vẫn chưa biết nhưng tôi dự đoán rằng ông khó vượt qua được những đỉnh cao ở thời sung sức trung niên của mình với những “Cao lương đỏ”, “Báu vật của đời”, “Đàn hương hình”…

Đa số các nhà văn đều có những tham vọng với tác phẩm đầu tay nhưng sự thành công của chúng thường rất ít. Viết là quá trình của sự trưởng thành, đối với văn xuôi càng khắc nghiệt. Những bước đầu đời thường không đủ một kinh nghiệm về kĩ thuật và cảm xúc. Mọi thứ dễ bị trôi đi và cơ bản là thất bại. Sự khởi đầu cũng thường dễ gây ra những ảo tưởng nhất là khi thành công sớm, cho nên ta thường thấy những ngôi sao loé sáng trong mùa đầu quả ngọt rồi lụi tàn nhanh hoặc không đủ lực để đi tiếp con đường.

Nhưng lại có ý kiến cho rằng, những tác phẩm xuất sắc của người viết đều hình thành trước tuổi 40, tức là ở giai đoạn đầu. Đó là quan điểm của nhà văn người Anh gốc Nhật Bản, Kazuo Ishiguro, người đoạt giải Nobel văn học năm 2017. Kazuo Ishiguro đưa ra các dẫn chứng: Kafka, Chekhov, chị em nhà Bronte, Jane Aussten… đều viết những tác phẩm xuất sắc trước tuổi 40. Lev Tolstoy viết “Chiến tranh và hoà bình” năm 37 tuổi, Faulkner, Hemingway viết những tiểu thuyết hay nhất trước tuổi 40. Ở Việt Nam, Vũ Trọng Phụng viết “Số Đỏ” khi 24 tuổi, Nam Cao viết “Chí Phèo” năm 24 tuổi, Nguyễn Tuân viết “Vang bóng một thời” năm 28 tuổi… Tiểu thuyết đầu tiên của Bảo Ninh là “Nỗi buồn chiến tranh” viết năm 37 tuổi và tôi tin rằng, nếu Bảo Ninh có công bố một tiểu thuyết nữa, nó cũng khó vượt qua được cuốn đầu tiên. Sự mở đầu đôi khi tràn đầy hưng phấn, sáng tạo và có thể suốt quãng thời gian dài sau đó người viết sẽ không bao giờ chạm đến hoặc xuất thần được nữa. Nghĩa là những tác phẩm lớn thường gần với điểm khởi đầu hơn là điểm kết thúc.

Một điều dường như trái với quy luật tự nhiên ở nghề viết là không phải tác phẩm sau sẽ hay hơn tác phẩm trước. Điều này khác biệt với những ngành nghề lao động trí tuệ khác, ví dụ như dạy học và chữa bệnh. Càng tích luỹ nhiều kinh nghiệm thì bác sĩ và thầy giáo càng chữa bệnh giỏi và giảng bài hay. Nghề văn thì không thế. Khởi đầu có thể non nớt nhưng không có nghĩa rằng càng về sau người ta càng viết hay hơn. Tôi cho rằng cơ bản viết văn tuân theo quy luật hình sin, ban đầu thấp, lên cao, rồi tụt dần xuống. Có những nhà văn cả đời viết cần mẫn như Tô Hoài, Ma Văn Kháng ở lúc gần chót cuộc đời vẫn cho ra được những tác phẩm đáng đọc với người viết còn đa số, những tác phẩm viết sau thời sung sức thường mờ nhạt. Càng có tuổi con người ta càng trầm tĩnh và tư lự hơn, càng “biết sợ” hơn. Và chính sự “biết sợ” này nhiều khi thành lực ì, ngăn cản những bứt phá và càn lướt. Những tác phẩm viết ở giai đoạn ban đầu khi sức sống mãnh liệt, khao khát còn dữ dội thường có một trạng thái “không biết sợ.” Nhìn nhận lịch sử văn học thì ý kiến của Kazuo Ishiguro rất đúng với nhiều trường hợp, nhất là với các tiểu thuyết gia – khi đối tượng lao động của họ đòi hỏi nhiều sức lực cơ học, sự tập trung tinh thần. Ta ít thấy những cuốn tiểu thuyết ở giai đoạn cuối đời xuất sắc. Một nhà văn bạn tôi khi đã sang hẳn bên kia con dốc cuộc đời mới in cuốn tiểu thuyết đầu tay dù trước đó anh đã khá thành công với những thể loại khác như truyện ngắn nhưng tôi cứ đợi mãi, đợi mãi mà chưa thấy cuốn thứ hai của anh. Hỏi thì anh bảo rằng, anh bắt đầu với tiểu thuyết quá muộn, sợ không còn đủ sức lực và tinh thần để đi tiếp với nó…

Uông Triều

12/2023.