Lê Nguyễn: Về cách hiểu một số từ ngữ và chức danh thời Pháp thuộc

CÁC CHỨC DANH VIÊN CHỨC PHÁP THỜI PHÁP THUỘC

CHỨC THỐNG ĐỐC NAM KỲ

Hầu như những ai từng đọc hay học sử đều biết rằng miền Nam (từ ngữ thời ấy là Nam kỳ) là địa phương đầu tiên bị Pháp chiếm đóng. Sự chiếm đóng này được chính thức hóa giữa hai bên bằng hòa ước Nhâm Tuất 1862 (cho ba tỉnh miền Đông) và hòa ước Giáp Tuất 1874 (cho cả Nam kỳ). Viên chức đứng đầu bộ máy cai trị của Pháp tại Nam kỳ vào những thập niên 1860 – 1870 và giữa thập niên 1880 (khi chưa có chức danh Toàn quyền Đông Dương) được sách báo thời đó gọi là Thống đốc Nam kỳ, dịch từ tiếng Pháp Gouverneur de la Cochinchine. 

Trong thời gian các Đô đốc hải quân Pháp vừa là Tư lệnh quân đội Pháp tại miền Nam, vừa là Thống đốc Nam kỳ (thập niên 1860 đến giữa thập niên 1870), chức danh của người này được viết khá dài là: Gouverneur de la Cochinchine et Commandant en chef, có tờ công báo Pháp dịch kèm theo tiếng Việt là “Tổng thống Nam kỳ thủy lục binh dân”, nghe thật “hoành tráng”. Thời đó, dinh Thống đốc (sau là dinh Toàn quyền, dinh Độc lập, nay là dinh Thống nhất) được xây dựng vào những năm 1868-1873, dành làm nơi ở và làm việc cho viên Thống đốc Nam kỳ.

Đề đốc De La Grandière, Thống đốc Nam kỳ từ năm 1863 đến năm 1868.

CÁC CHỨC TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG, TỔNG TRÚ SỨ, KHÂM SỨ, THỐNG SỨ VÀ CÔNG SỨ 

Thập niên 1880, với hai hòa ước Quý Mùi 1883 và Giáp Thân 1884, cơ cấu chính quyền của thực dân Pháp tại Việt Nam có những thay đổi lớn lao với sự xuất hiện của viên Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur général de l’Indochine française), có thẩm quyền điều hành việc cai trị chẳng những tại Việt Nam, mà còn ở hai xứ bảo hộ khác là Cambodge (Campuchia, từ 1863) và Lào (từ 1889). Tuy nhiên, viên chức này đến Việt Nam khá trễ, mãi đến tháng 11.1887, nghĩa là hơn 3 năm sau ngày hòa ước Giáp Thân ra đời (6.6.1884).

Trong thời gian chờ chính thức bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương, chính phủ Pháp đặt ra chức Tổng Trú sứ Trung và Bắc kỳ (Résident général de l’Annam et du Tonkin), thẩm quyền trải rộng từ Trung ra Bắc. Xét về chức vị, viên Tổng Trú sứ Trung và Bắc kỳ (coi hai miền) lớn hơn viên Thống đốc Nam kỳ (chỉ coi miền Nam), song không có sự thống thuộc nhau giữa hai viên chức này.

Tháng 11.1887, một viên chức Pháp tên Constans được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương, bao gồm 5 thực thể chính trị: Nam kỳ, Trung kỳ (tự trị trên danh nghĩa), Bắc kỳ (chế độ bảo hộ), Cambodge (Campuchia, từ năm 1863), Lào (từ năm 1889).

Tại thuộc địa Nam kỳ, chức Thống đốc Nam kỳ có một thay đổi nhỏ. Do có sự hiện diện của viên Toàn quyền (Gouverneur général), chức Thống đốc Nam kỳ không còn gọi là Gouverneur de la Cochinchine, mà là Lieutenant-Gouverneur de la Cochinchine. Trong tiếng Pháp, từ “lieutenant” xếp trước một chức vụ dùng để chỉ cấp phó, nên từ đó, nhiều sách báo tại Nam kỳ gọi chức Thống đốc trước kia là Phó Soái Nam kỳ. Dinh cơ cũng vậy, Phó Soái Nam kỳ phải dành dinh Thống đốc làm Dinh Toàn quyền phía Nam, còn phần ông ta thì dọn về Dinh Phó soái xây dựng vào những năm 1885-1890 trên đường De La Grandière, sau là đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng (nay là Bảo tàng TPHCM).

Sau năm 1887, tại Trung và Bắc kỳ, Pháp không còn đặt chức Tổng Trú sứ, mà bổ nhiệm hai viên chức ngang nhau là Résident supérieur, song do viên chức này tại Huế, đặt cạnh triều đình (cạnh nhà vua) nên sách báo Việt dịch là Khâm sứ, còn viên chức ở Bắc dịch là Thống sứ. Ba chức vụ Thống đốc Nam Kỳ, Khâm sứ Trung Kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ ngang nhau, song trong trường hợp viên Toàn quyền vắng mặt tại Đông Dương, người thay mặt sẽ là Thống đốc Nam Kỳ.

Riêng tại miền Bắc, theo qui chế bảo hộ, bên cạnh các quan đầu tỉnh Việt Nam là Tổng đốc hay Tuần phủ, Pháp bổ nhiệm một Công sứ (résident). Viên chức này trực thuộc Thống sứ Bắc kỳ, có nhiệm vụ phối hợp công việc với quan lại Việt Nam tại các tỉnh, huyện…. Về sau, khi chế độ tự trị của Trung kỳ (tức triều đình Huế) chỉ còn trên danh nghĩa, Pháp bổ nhiệm luôn các công sứ tại các tỉnh miền Trung.

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1857-1932)

Toàn quyền Đông Dương nhiều tham vọng nhất là Paul Doumer, giữ vai trò này vào những năm 1897 – 1902. Vừa sang tới Việt Nam, ông ta thực hiện ngay chính sách thuộc địa hóa toàn bộ Việt Nam (về thực chất): bãi bỏ chức Kinh lược sứ Bắc kỳ do triều đình Huế cử, giao lại quyền hạn của viên chức này cho Thống sứ Bắc kỳ; mọi việc chi thu của triều đình Huế đều phải do thực dân Pháp quyết định… Chiếc cầu sắt bắc ngang sông Hồng xây dựng trong thời gian ông ta làm Toàn quyền Đông Dương nên có tên ban đầu là cầu Paul Doumer. Viên chức này cũng là người khởi xướng việc xây dựng đường xe lửa Đông Dương. Ông ta rất thăng tiến trên đường sự nghiệp, sau khi về Pháp được bầu làm nghị sĩ Quốc hội, đắc cử Tổng thống Pháp năm 1931và chỉ một năm sau (1932), bị một kẻ tâm thần ám sát chết. Ông ta có viết một tác phẩm có giá trị tên Indo-Chine française (Souvenirs) (Hồi ức về Đông Dương), xuất bản tại Paris năm 1905.

Cầu Paul Doumer bắc qua sông Hồng đầu thế kỷ 20 (nay là cầu Long Biên)

THAM BIỆN LÀ CHỨC GÌ?

Đây là từ ngữ dành cho ngạch cai trị của người Pháp tại Việt Nam, lúc đầu, họ gọi là Administrateur des affaires indigènes, sau đổi là Administrateur des services civiles, báo chí thời đó gọi là “quan tham biện”. Họ được bổ nhiệm đứng đầu các phòng, sở thuộc phủ Thống đốc Nam kỳ và các hạt ở địa phương (arrondissement). Dưới quyền họ có các công chức Pháp và công chức người Việt thuộc các ngạch: Ký lục, Thông ngôn, Huyện, Phủ và Đốc Phủ sứ (sẽ đề cập thêm ở dưới)

CHÚNG TA HIỂU THẾ NÀO VỀ TỪ “ĐÔNG DƯƠNG”?

Nhiều người Việt Nam hiểu không đúng về từ Đông Dương, thường cho rằng Đông Dương gồm ba nước Việt-Miên-Lào (theo cách gọi thời Pháp thuộc). Song trên thực tế, chữ Đông Dương được dịch ra từ tiếng Pháp Indo-Chine, trong đó Indo là Ấn Độ, Chine là Trung Hoa. Vì vậy theo định nghĩa của quyển từ điển Pháp Dictionnaire Universel Francophone, Đông Dương bao gồm 5 nước và phần lãnh thổ nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa, đó là Miến Điện (Myanmar), Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào và một phần giáp với đất liền của Malaysia. 

Vào những thập niên đầu thời kỳ Pháp thuộc, nhiều tài liệu vẫn dịch từ Indo-Chine là “bán đảo Ấn-Hoa”; tờ tập san Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises được dịch là “Tập san Hội Cổ học Ấn-Hoa”. Từ năm 1889, 5 thực thể chính trị nằm dưới sự cai trị hoặc bảo hộ của thực dân Pháp là Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Cambodge (Campuchia) và Lào được gọi chung là Đông Pháp (Indochine française: Đông Dương thuộc Pháp), đến năm 1900, còn có thêm Quảng Châu Loan, một lãnh thổ nằm trong tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Từ Đông Pháp còn rất phổ biến trong các sách Sử Địa soạn cho học sinh vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Năm 1923, tờ báo bằng tiếng Pháp Le Courrier Indochinois ra đời tại miền Bắc được dịch là Đông Pháp Thời Báo. Về sau, khi Liên bang Đông Dương hình thành thì từ Đông Dương trở nên phổ biến và nhiều người quên rằng từ này đúng nghĩa còn bao gồm cả Miến Điện, Thái Lan và một phần Malaysia nữa.

NGẠCH TRẬT CÁC CÔNG CHỨC NGƯỜI VIỆT LÀM VIỆC CHO PHÁP

Từ thập niên 1860, sau khi Pháp chiếm hữu Nam kỳ làm thuộc địa, họ thâu dụng một số người Việt biết tiếng Pháp vào bộ máy công chức với các ngạch trật riêng, gồm có 5 ngạch chính: Ký lục (lettrés), Thông ngôn (interprètes), Huyện, Phủ, Đốc Phủ sứ.

Năm 1863, khi được sung vào phái bộ Rieunier để tháp tùng và hỗ trợ sứ bộ Phan Thanh Giản trong chuyến đi Pháp, cụ Tôn Thọ Tường là Ký lục, cụ Trương Vĩnh Ký là Thông ngôn. Ba ngạch Huyện, Phủ và Đốc Phủ sứ cao cấp hơn, mỗi ngạch (cadre) có 2 trật (classe), trong tiếng Pháp, các từ Huyện, Phủ, Đốc Phủ sứ được giữ nguyên, ví dụ Huyện hạng nhì thì viết là Huyen de deuxième classe, Đốc Phủ sứ hạng nhất viết là Doc Phu su de première classe. Người ở trật Huyện hạng nhì sau một thời gian thường là 2 năm được xét thăng Huyện hạng nhất, sau nữa, được xét thăng Phủ hạng nhì, Phủ hạng nhất, rồi Đốc Phủ sứ hạng nhì, Đốc Phủ sứ hạng nhất

Tên các ngạch trật này của Pháp dễ gây sự ngộ nhận với các chức quan lại Việt Nam do triều đình bổ nhiệm là Tri huyện, Tri phủ. Một luận án tiến sĩ của một giáo sư người Việt viết bằng tiếng Pháp, về sau được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam, đã có sự ngộ nhận này, dịch từ Huyen trong ngạch công chức Pháp là Tri huyện, Phu là Tri phủ!

Một điều nữa cũng cần phân biệt: trong lúc Tri phủ, Tri huyện (tại Trung và Bắc) là chức vụ, thì Huyện, Phủ, Đốc Phủ sứ không phải là chức vụ, mà là ngạch công chức. Những người này không đứng đầu một địa hạt hành chánh nào như Tri phủ, Tri huyện, mà làm việc dưới quyền các Tham biện Pháp.

Riêng tại miền Nam, có hai công chức người Việt được đặc cách bổ nhiệm vào một chức vụ không có trong ngạch trật định sẵn, như một sự tưởng thưởng công lao hãn mã đối với chính quyền thuộc địa. Đó là Tổng đốc Cái Bè Trần Bá Lộc và Tổng đốc Chợ Lớn Đỗ Hữu Phương. Sự bổ nhiệm này thể hiện đúng câu “hữu danh vô thực”, trong khi Tổng đốc chính danh của triều đình đứng đầu một, hai tỉnh, thì ông họ Trần làm “Tổng đốc” Cái Bè, một hạt (arrondissement) xếp ngang cấp quận huyện, ông họ Đỗ làm “Tổng đốc” Chợ Lớn cũng thế. 

Vì vậy mà trong văn kiện bổ nhiệm các ông, chính quyền Pháp ghi là “Tong doc honoraire” (Tổng đốc danh dự hay Tổng đốc hàm)

Tổng đốc An-Tĩnh Đào Tấn và Công sứ Pháp Luce (hai người ngồi giữa), ảnh chụp năm 1893, nguồn BAVH. Người Pháp ngồi bên trái cụ Đào Tấn là Phó Công sứ Mahé, năm 1912 là Khâm sứ Pháp tại Huế, là người cầm đầu việc đào bới tìm kho tàng tại lăng vua Tự Đức (Khiêm lăng)
Ba người Việt còn lại trong ảnh có lẽ là các Bố chánh, Án sát, Lãnh binh (hay Đốc học?)

Lê Nguyễn