Trần Lệ Bình: Về cuốn “Karl Marx có phải là Quỷ Satan không?” của Richard Wurmbrand

Bìa cuốn “Karl Marx có phải là qủy satan không?” tiếng Hà Lan.

Nói đến Karl Marx, người ta nghĩ luôn tới “Tuyên Ngôn Cộng Sản”, “Tư Bản Luận” là những tác phẩm làm nền tảng lý luận cho chủ nghĩa cộng sản Marx-Lenine. Nhưng ngoài ra còn rất nhiều sách và thơ ông viết được lưu trữ trong thư viện lớn ở Đức và Mỹ, mà những người đi theo ông lại ít biết đến. Rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về Marx, đã khám phá ra sự thật về con người này qua những tài liệu đó.

Richard Wurmbrand (1909-2001) là một trong những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực này, ông đã viết rất nhiều sách về Marx. “Karl Marx có phải là Quỷ Satan không ?” là một trong những cuốn sách của ông, xuất bản 1976 tại New York. Tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc những gì tôi đọc được từ cuốn sách đó.

                                                       ***

Richard Wurmbrand cho biết:

Trước khi trở thành người cộng sản, Marx là người tin theo Thiên Chúa. Cuốn sách đầu tay của Marx mà hiện nay chúng ta tìm được, mang tên: “Sự hiệp thông của các tín hữu với Đấng Christ (Chúa Giê-xu)”. Trong đó Marx viết:

“Qua sự hiệp thông của các tín hữu với Đấng Christ qua tình yêu thương của Ngài, chúng ta cũng sẽ hướng lòng về những người anh em của chúng ta, vì chính Ngài đã hiến thân Ngài như của tế lễ để cứu rỗi chúng ta.”

Marx biết rõ, con đường để loài người biết thương yêu nhau trong tình anh em, là con đường Thiên Chúa.  Ông cũng viết rằng:

“Sự hiệp thông với Đấng Christ sẽ làm đẹp nội tâm của chúng ta, sẽ cho ta sự an ủi lúc hoạn nạn, sẽ cho ta niềm tin, cũng sẽ cho ta một trái tim biết thương yêu nhân loại.”

Khi Marx tốt nghiệp gymnasium, để vào thẳng đại học, được ban giám khảo nhà trường nhận xét như sau: “Marx có kiến thức và sự hiểu biết về Thiên Chúa giáo và đạo đức Thiên Chúa giáo rất sâu sắc, rõng ràng và hết sức cơ bản.”

Không lâu sau đó, đã xẩy ra sự thay đổi bí ẩn nào đó trong con người Marx. Trong khi đang là sinh viên, ông đã viết những câu thơ:

“Tôi mong ước tự mình sẽ trả thù lại Đấng đang ngự trị trên cao.”

Marx công nhận có Đấng trên trời cao, nhưng Đấng ấy đã làm gì Marx mà ông phải trả thù. Marx sinh ra và lớn lên trong một gia đình Do Thái trung lưu, ông được chu cấp đầy đủ không thiếu gì. Ngay trong khi đang học đại học, là chàng trai mạnh khỏe, được bố cấp tiền để sống thoải mái hơn rất nhiều so với bạn cùng trường. Tại sao ông lại trở nên căm ghét Thượng Đế, Đức Chúa Trời đến như vậy?

Sau khi tốt nghiệp đại học, trong bài thơ tựa đề: “Câu ma chú của kẻ tuyệt vọng” Marx đã viết:  

“thượng đế (nguyên văn đã không viết hoa) đã cướp đi tất cả của ta.
Trong lời nguyền rủa và nỗi đau thống khổ của số phận.
Tất cả thế giới của ta đã mất đi một cách không thể phục hồi.
Không còn gì ngoài sự hận thù của ta.
…………..

Ta ước mong thiết lập một ngai vàng cho chính mình.
Trên đỉnh núi cao, lạnh buốt và tuyệt vời,
Bao quanh bởi bức tường với nỗi sợ hãi của loài người,
Bị chi phối bởi đau khổ và sầu muộn.”

Sự ước nguyện này của Marx khiến chúng ta liên tưởng tới lời thiên sứ quỷ Satan Lucifer: “Ta sẽ lên trời, và sẽ tôn cao ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Đức Chúa Trời.”

(Trong Kinh Thánh ghi rằng, Lucifer là một thiên sứ, nhưng vì sự nổi loạn chống Thượng Đế, nên đã bị Ngài đuổi khỏi thiên đường, bị phạt tống xuống trần gian.)

Theo Richard Wurmbrand, từ những tài liệu ông tìm được cho thấy, Marx có hoài bão muốn trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng. Thế nhưng những gì ông viết không ai muốn chấp nhận, vì cho là không có giá trị văn học. Làm báo chỉ ra được có một số rồi phải đóng cửa, vì chẳng ai mua. Mặc dù Marx công khai bày tỏ sự thù hận đối với chủ nghĩa tư bản trong các tác phẩm của mình, nhưng với số tiền bố cho, ông ta lại lao vào những cuộc  đầu cơ cổ phiếu vào thị trường cổ phiếu London. Tháng 6 năm 1864, ông viết thư khoe với người chú Leon Phillips rằng ông đã thắng 400 bảng Anh. Sau đó, ông hy vọng sẽ thắng to nữa. Nhưng cuối cùng thua trắng tay. Phải chăng vì những điều thất bại này, mà Marx đổ lỗi cho Thượng Đế đã không phù hộ cho ông được thành đạt.

Marx bắt đầu tham gia vào hội tôn thờ quỷ Satan. Trong hội đó tất cả đều màu đen, và mọi thứ đều làm ngược. Các thành viên mặc quần áo lộn trước ra sau, để râu ria tóc dài um tùm, treo đèn ngược, đọc sách ngược từ cuối trở về trước, đốt sách Thánh Kinh. Marx đã mua thanh kiếm của hội, cắt máu ăn thề, sẽ bán linh hồn cho Satan. Trong bài thơ tựa đề: “Người chơi violon” ông viết:

“Khói địa ngục bốc lên và lấp đầy não
cho đến khi tôi phát điên.
Trái tim tôi đã hoàn toàn thay đổi.
Bạn có thấy thanh kiếm này không?
Mà vua bóng tối đã bán nó cho tôi.”

Marx còn viết kịch bản nổi tiếng mang tên “Oelanem”. Đây là chữ viết bị đảo ngược của tên “Emanuel”, trong tiếng Hebreeuw của người DoThái, có nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”, và cũng là tên dùng cho Chúa Giê-xu. Một đoạn trong bài đó như sau:

“Bởi vì anh ấy đánh nhịp và đưa ra tín hiệu.
Tôi càng chơi vũ điệu của cái chết một cách hung bạo hơn.
Và họ cũng vậy Oelanem  Oelanem.
Cái tên cứ tiếp tục như cái chết.
Nó tiếp tục cho đến khi nó chết đi trong một tiếng lảm nhảm vô ích.
Im! bây giờ tôi đã hiểu, nó trỗi dậy từ tâm hồn tôi.
Trong xanh như bầu trời, vững chắc như xương cốt của chính tôi.
Nhưng tôi có quyền lực trong vòng tay hữu ích của mình.
để tóm lấy bạn và nghiền nát bạn với một sức mạnh mãnh liệt.
Trong khi đối với cả hai chúng ta, vực thẳm đang ngáp dài trong bóng tối.
Bạn sẽ chìm và tôi sẽ theo sau với tiếng cười, thì thầm vào tai bạn:  xuống đi, xuống cùng với tôi bạn ơi.”

Từ thời là học sinh trung học, Marx đã thuộc lòng Kinh Thánh, và biết là trong đó có ghi, lũ quỷ Satan sẽ bị quăng vào vực thẳm của biển lửa diêm sinh, nên ông ta ước mong sẽ kéo cả nhân loại cùng với ông chìm xuống đó.

Nhiều người cho rằng, Marx yêu thương quần chúng vô sản, nên ông phấn đấu cả đời để giải phóng họ khỏi xiềng xích nô lệ của tư bản.

Nhưng từ trong nhiều văn kiện của ông, người ta cũng thấy ông gọi quần chúng vô sản là “một lũ ngu xuẩn.” Trong “Tuyên Ngôn Cộng Sản” Marx viết: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.” 

Marx có thực sự muốn đưa nhân loại tiến tới một thiên đường mà trong đó:  mọi người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, sống chung trong tình thương huynh đệ không?  Không! Ông đưa ra thuyết đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, hô hào con người hãy căm thù nhau,chém giết nhau, dùng bạo lực để giành quyền lực. Với những bài thơ viết bằng tâm huyết, Marx đã không hề giấu diếm ý định của mình, là đưa cả quần chúng vô sản, đưa cả nhân loại cùng ông chìm xuống vực thẳm của sự hư vô.

Hãy đọc thêm mấy đoạn trong kịch bản Oelanem, thì sẽ rõ:

“Nếu có thứ gì đó ngấu nghiến nuốt chửng,
Tôi sẽ nhảy vào đó,
Ngay cả khi tôi biến thế giới thành đống đổ nát.
Tôi sẽ giang tay ôm chầm lấy thực tế tồi tệ của nó.
Qua sự ôm tôi vào lòng,
Thế giới sẽ chết trong im lặng
Và sau đó chìm vào sự hư vô hoàn toàn.
Chết hết, không còn gì thực sự là cuộc sống nữa.”

Mời bạn hãy đọc tiếp một đọan khác nữa trong kịch bản này:

“Phá hủy, hãy phá hủy hết đi,
Thời gian của tôi hoàn toàn kết thúc.
Pháo hoa đã im, pháo đài đã sập.
Chẳng bao lâu nữa
Tôi sẽ khép lại cõi vĩnh hằng trong lồng ngực của mình.
Và chẳng bao lâu nữa
Tôi sẽ gầm lên những lời nguyền rủa lớn lao cho nhân loại.”

Richard Wurmbrand cho biết về đời tư của Marx như sau:

Sau khi cưới với Jenny, con nhà quý tộc, Marx sống trên đồng tiền của vợ. Là người đàn ông mạnh khỏe, ông có thể dễ dàng tìm được việc làm để kiếm tiền lo cho gia đình, nhưng ông không hề quan tâm điều đó, mà nghiện rượu tối ngày. Trong bảy đứa con của Marx, hai đứa chết trẻ vì suy dinh dưỡng, một đứa chết lúc lọt lòng mẹ. Trong ba con gái trưởng thành, thì hai cô đã tự tử. Khi kinh tế kiệt quệ, gia đình Marx sống dựa vào đồng tiền trợ giúp của người bạn, là ông Friedrich Engels. Không chỉ thế, Marx còn làm cho cô giúp việc mang thai, và khi đẻ ra đứa con gái cũng đẩy cho ông bạn Engels nuôi hộ.

Khi ông bác của Jenny ốm nặng, Marx báo cho Engels: “Nếu con chó già đó mà chết đi, thì tôi sẽ ra khỏi cảnh khó khăn.” Khi ông bác mất, Marx viết thư báo Engels rằng: “Một điều rất hạnh phúc đã sẩy ra. Hôm qua chúng tôi nhận tin báo ông bác 90 tuổi của vợ tôi đã chết. Vợ tôi sẽ nhận được 100 pond. Đáng lẽ phải nhận được nhiều hơn, nếu con chó già ấy không để lại một phần tiền khá lớn cho mụ giúp việc.”

Về cách đối xử với người mẹ của Marx cũng chẳng khá hơn. Tháng 12 năm 1863, Khi nhận tin mẹ mất, ông viết thư cho Engels như sau: “Hai giờ trước, tôi nhận được bức điện báo rằng mẹ tôi đã chết. Số phận đã phải đến với một thành viên trong gia đình. Bản thân tôi đã đứng một chân trong nấm mồ rồi. Trong lúc này, tôi có nhu cầu nhiều hơn bà ấy. Tôi phải về Trier (quê của Marx) ngay để tiếp thu di sản bà để lại.”

Richard Wurmbrand còn kể về một tình tiết khá lý thú như sau:

Một người tên Jacob August Riis là người hâm mộ Marx. Khi biết tin Marx mất, ông ta đến London để viếng thăm ngôi nhà Marx từng ở. Người duy nhất mà ông còn gặp là một bà giúp việc cuối cùng cùa gia đình Marx. Bà ấy đã kể cho ông Rijs rằng: 

“Marx là người rất sợ Thượng Đế. Khi ốm nặng trước khi qua đời, ông suốt ngày một mình đóng kín phòng để cầu nguyện. Ông thắp cả một dãy nến quanh mình, thắt dây cầu nguyện trên đầu.” (tập quán của người Do Thái khi cầu nguyện). Trước khi sắp lìa đời Marx đã gửi lá thư cho người bạn duy nhất là Engels với những lời như sau: “Cuộc sống thật vô mục đích và trống rỗng biết bao, nhưng nó vẫn đáng khao khát biết bao.”  Không ai biết được trước khi lìa đời Marx cầu nguyện nhữ gì. 

Để kết thúc bài này, xin mời các bạn hãy đọc lời tự thú cuối cùng của

Marx trong bài thơ ông viết, với tiêu đề: “Trinh nữ mờ nhạt”

“Như vậy, tôi đã từ bỏ thiên đường,
Tôi biết rất rõ,
Linh hồn của tôi,
Vốn đã từng trung thành với Thượng Đế
Giờ đây đã được giành sẵn cho địa ngục.”

Và giành cho những ai vẫn cứ tiếp tục đi theo chủ nghĩa Marx, hãy lắng nghe lời cảnh báo của chính ông Marx rằng:

 “Qua sự ôm tôi vào lòng,
Thế giới sẽ chết trong im lặng
Và sau đó chìm vào sự hư vô hoàn toàn.
Chết hết, không còn gì thực sự là cuộc sống nữa.”

Trần Lệ Bình (giới thiệu và dịch thơ từ tiếng Hà Lan) 

———–

Về tác giả: Richard Wurmbrand còn được gọi là Nicolai Ionescu (24/3/1909 – 17/ 2/2001) là một linh mục Tin lành Luther người Romania, và là giáo sư gốc Do Thái. Ông đã trải qua việc bị cầm tù 2 lần, tổng cộng 14 năm, và bị tra tấn dã man bởi chế độ Cộng sản lúc bấy giờ là Romania, nơi duy trì chính sách nhà nước vô thần.

Ông đã viết hơn 18 cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Romania, cuốn được biết đến rộng rãi nhất là Tra tấn vì Chúa Kitô và Trả lời Kinh thánh (Vô thần) của Moscow (Tortured for Christ and Answer to Moscow’s (Atheist) Bible). Các tác phẩm của ông đã được dịch sang hơn 65 ngôn ngữ.

Wurmbrand được ân xá vào năm 1964. Lo ngại về khả năng Wurmbrand sẽ bị buộc phải ngồi tù thêm, một tổ chức xã hội dân sự Na Uy và Liên minh Cơ đốc giáo Do Thái đã thương lượng với chính quyền Cộng sản để trả tự do cho ông khỏi Romania với giá 10.000 đô la (mặc dù mức giá dành cho tù nhân chính trị là 1.900 USD). Wurmbrand đã cùng vợ, Sabina, tới Na Uy, Anh và sau đó là Hoa Kỳ (Bản thân bà Sabina cũng bị bắt vào năm 1950 và phải chịu ba năm lao động khổ sai) 

Ông qua đời ở tuổi 91 vào ngày 17/2/2001 tại một bệnh viện ở Torrance, California. Vợ ông, Sabina, đã qua đời sáu tháng trước đó vào ngày 11/8/2000. Năm 2006, ông được bầu chọn là người thứ năm trong số những người Romania vĩ đại nhất theo cuộc thăm dò của Mari Români (theo Wikipedia)