Nguyễn Đình Thắng: Các sai phạm sơ đẳng của một luận án tiến sĩ luật về quyền và nghĩa vụ

  • Điều này nói gì về phẩm chất của một trường đại học luật ở Việt Nam?

Bài này viết đã lâu, nay đăng lại vì tính thời sự.

Nhân việc một luận án tiến sĩ luật ở Việt Nam, đề tài “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”, đang được bình luận trên mạng xã hội, tôi thấy đây là cơ hội tốt để ôn lại một số khái niệm: quyền con người, quyền lợi, thẩm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm. 

Quyền con người

Quyền con người, còn gọi là nhân quyền, là sự thể hiện trong đời thường của phẩm giá con người, còn gọi là nhân phẩm. Nhân phẩm là giá trị tự thân của con người: con người có nhân phẩm thuần tuý vì là con người, không do ai ban cho, không phụ thuộc vào bất kỳ điều kiện nào, và không ai tước đoạt đi được.

Vì là giá trị tự thân, quyền con người mang tính phổ quát: khi sinh ra, mọi người đều có nhân phẩm và đương nhiên có quyền con người. Điều này tương tự khái niệm phật tính trong câu: “Ta là Phật đã thành; chúng sinh là Phật sẽ thành”. Nói vậy cho tác giả của luận án tiến sĩ luật kể trên, là một nhà sư, dễ hiểu.

Khái niệm nhân phẩm trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát, còn được gọi là bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, là sự tổng hợp của 3 luồng tư tưởng từ Á sang Âu. Từ Trung Đông là tư tưởng độc thần: Đấng Tạo Hoá chỉ có một và mọi người đều được tạo ra theo hình ảnh của Đấng Tạo Hoá cho nên có phẩm giá tự thân như nhau. Từ Phương Đông là chữ nhân (仁) theo tư tưởng Khổng Mạnh: phàm là người (人) thì phải có lòng nhân, thể hiện qua cách cư xử giữa người với người (二). Từ Âu Châu là góc nhìn xã hội: Nhân phẩm chỉ thực sự có ý nghĩa khi toàn xã hội đạt được công bình và công lý. Tính phổ quát của khái niệm nhân phẩm và nhân quyền bắt nguồn từ đó.

Nghĩa vụ

Nghĩa vụ là sự ràng buộc pháp lý giữa 2 hoặc nhiều chủ thể. Các cá nhân ràng buộc nhau về nghĩa vụ qua bản hợp đồng dân sự. Nhà nước và người dân ràng buộc nhau về nghĩa vụ qua khế ước xã hội, thường là bản hiến pháp. Các quốc gia ràng buộc nhau về nghĩa vụ qua các hiệp ước song phương và đa phương. Một dạng hiệp ước đa phương là các công ước quốc tế mà từng quốc gia ký kết với LHQ hoặc Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO).

Nghĩa vụ không mang tính phổ quát vì nó là sự thoả thuận với nhau giữa một số chủ thể đặc thù. Cho nên “nghĩa vụ con người” là một phạm trù vô nghĩa. Tuy nhiên, khái niệm nghĩa vụ lại mặc nhiên hàm chứa 3 nguyên tắc phổ quát.

Thứ nhất, nghĩa vụ phải tương xứng với quyền lợi, còn gọi là lợi ích, để bảo đảm sự công bình cho mọi bên cam kết. Nhà nước Việt Nam thường mặc cả về nguyên tắc này như viện cớ hậu quả chiến tranh để xin thêm quyền lợi và giảm đi nghĩa vụ trong các hiệp ước song phương và đa phương. Trong hiệp ước mậu dịch song phương với Hoa Kỳ, Việt Nam xin được giảm nhẹ nghĩa vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam xin trì hoãn nghĩa vụ bảo vệ quyền của người lao động.

Kế đến là 2 nguyên tắc phổ quát kép: việc cam kết phải là tự nguyện, và khi đã cam kết thì có nghĩa vụ thực thi đúng và đủ mọi ràng buộc pháp lý. Tại buổi rà soát Việt Nam về Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị vào tháng 3 năm 2019, khi bị uỷ ban hữu trách của LHQ hỏi dồn mà không trả lời được, trưởng phái đoàn Việt Nam tuyên bố rằng Việt Nam có chủ quyền, có thể chế riêng và không chấp nhận quốc tế áp đặt những tiêu chuẩn nhân quyền ngoại lai. Ông Ahmed Amin Fathalla, Chủ tịch của uỷ ban rà soát, trả lời: Chẳng ai áp đặt gì lên quý vị. Quý vị tự nguyện ký công ước, và khi đã ký thì có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ; chúng tôi theo dõi để bảo đảm rằng Việt Nam, y như bất kỳ quốc gia nào khác, tuân thủ đầy đủ mọi cam kết. 

Ý tưởng trong luận án tiến sĩ luật kể trên về một bản tuyên ngôn về nghĩa vụ con người nên được sửa lại thành “bản tuyên hứa của nhà nước Việt Nam về nghĩa vụ khi ký công ước LHQ hoặc ILO”. Nghĩa vụ này bao gồm tôn trọng, bảo vệ và phát huy các nhân quyền theo công ước. Tôn trọng nghĩa là nhà nước không vi phạm; bảo vệ nghĩa là nhà nước không cho phép ai khác vi phạm; phát huy nghĩa là cổ vũ toàn xã hội thực hiện các điều khoản của công ước. Việt Nam đã tự nguyện ký 7 trên 9 công ước quan trọng nhất của LHQ về nhân quyền và hiệp định thư LHQ về phòng, chống buôn người. Bảng dưới đây liệt kê các công ước này cùng với năm ký.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký 25 công ước với ILO về quyền của người lao động.

Vì hành động tham gia một công ước là tự nguyện, Việt Nam hoàn toàn có quyền rút ra khỏi một, vài, hoặc tất cả các công ước về nhân quyền đã ký với LHQ hoặc ILO. Tuy nhiên, làm thế thì không thể hội nhập quốc tế để được hưởng các lợi ích từ quốc tế. Cách làm của nhà nước Việt Nam cho đến nay là dùng nhiều chiêu trò để không thực thi nghĩa vụ và rồi trả lời nhì nhằng cho qua chuyện khi phải giải trình với quốc tế.

Trách nhiệm

Khác với nghĩa vụ, là sự ràng buộc cụ thể mang tính pháp lý, trách nhiệm là ý thức khái quát về nhiệm vụ gắn liền với một chức năng, như là trách nhiệm của phụ huynh, trách nhiệm của con cái, trách nhiệm của người lãnh đạo, trách nhiệm của người thừa hành, trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm công dân… Trong chức năng quốc gia thành viên của LHQ, Việt Nam có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và phát huy nội dung bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát của LHQ. Bản tuyên ngôn này không mang tính ràng buộc pháp lý của một công ước.

Tương tự sự tương xứng giữa lợi ích và nghĩa vụ, trách nhiệm phải cân bằng với thẩm quyền. Ông Peter F. Drucker, được xem là cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh tân thời, từng nhận xét: có thẩm quyền mà không trách nhiệm thì đó là độc tài; có trách nhiệm mà không thẩm quyền thì đó là nô lệ. Ứng dụng cho một thể chế chính trị, nếu quả thực chính quyền là đầy tớ của nhân dân thì phải tăng trách nhiệm và giảm thẩm quyền của chính quyền, đồng thời phải tăng thẩm quyền và giảm trách nhiệm của người dân.

Tác giả của luận án tiến sĩ luật kể trên chủ trương ngược lại, vô hình trung cổ suý việc củng cố nền độc tài và biến toàn dân thành nô lệ.

Nhận xét kết luận

Luận án tiến sĩ luật kể trên cho thấy sự thiếu hiểu biết sơ đẳng về các khái niệm nhân quyền, quyền lợi, thẩm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm. Nhân quyền mang tính tự thân và phổ quát; nghĩa vụ thì không. Tuy nhiên, có những nguyên tắc phổ quát mặc nhiên áp dụng cho nghĩa vụ, đặc biệt khi một quốc gia ký hiệp ước với quốc gia khác hoặc ký công ước quốc tế: muốn hưởng lợi ích thì phải có nghĩa vụ tương xứng; có nghĩa vụ thì phải thực thi đúng và đủ; không muốn thực thi thì hãy rút ra chứ đừng vừa bám víu vừa nhập nhằng, gian lận.  

Trình độ nhận thức của sinh viên làm luận án tiến sĩ kém đã đành, điều đáng lo hơn là khả năng và lương tâm của vị giáo sư hướng dẫn mà lẽ ra đã phải nhìn thấy các điểm yếu kém và chỉnh sửa ngay từ đầu để sinh viên không bị lạc hướng mãi đến tận phút cuối. Đáng quan ngại không kém là phẩm chất của cả một trường đại học khi cho trình làng một sản phẩm học thuật kém phẩm chất dưới bảng hiệu của nhà trường.

Ts. Nguyễn Đình Thắng 

Mạch Sống Media

————-

Bài liên quan:

*Nhà sư Thích Chân Quang gây tranh cãi với luận án tiến sĩ về nhân quyền, RFA

*Các công ước LHQ về nhân quyền: Việt Nam đã ký thì phải thực thi, Mạch Sống Media