Nguyễn Tiến Cường: Các nước trong Liên Âu và NATO đã chuẩn bị gì cho kịch bản Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc?
Trước một biến cố có thể xẩy ra thì Chuẩn bị điều tồi tệ nhất – Hy vọng điều tốt nhất là phương châm lãnh đạo.
Còn gần 9 tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ 05.11.2024. Nếu không có gì thay đổi, khả năng đối đầu lần thứ 2 của đương kim Tổng Thống Joe Biden của đảng Dân Chủ và cựu Tổng Thống Donald Trump của đảng Cộng Hòa coi như đến 70–80%.
Về phía đảng Dân Chủ, Tổng Thống Joe Biden được đảng đề cử là điều chắc chắn 100% nhưng ông có tiếp tục chọn bà Kamala Harris đứng phó cho mình nữa không vẫn chưa rõ ràng. Hiện tại ứng cử viên thứ hai của đảng Cộng Hòa là bà Nikky Haley, tuy chưa bỏ cuộc nhưng hy vọng được đảng Cộng Hòa đề cử khá mỏng manh.
Vấn đề được đặt ra. “Nếu ông Trump được đảng Cộng Hòa đề cử và đắc cử vào ngày 05.11.2024, các nước trong Liên Âu, Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chuẩn bị gì cho kịch bản này?”.
Viễn ảnh Trump trở thành tổng thống nhiệm kỳ 2 thực sự là cơn ác mộng của nhiều nhà lãnh đạo, không những chỉ trong Liên Âu mà nhiều nước khác trên thế giới không muốn hoặc không dám nghĩ tới. Vậy họ có chuẩn bị điều gì cho cơn ác mộng này chưa?
Nói chưa không đúng, nói rồi cũng sai. Các cuộc bàn thảo về nhiệm kỳ 2 của Trump đang là chủ đề chính trong các cuộc họp của các lãnh đạo trong Liên Âu và NATO nhưng kết quả chưa đi tới đâu. Ngay cả những nhà lãnh đạo lạc quan nhất cũng băn khoăn, đặt câu hỏi “chuyện gì sẽ xẩy ra cho Âu Châu trong nhiệm kỳ 2 của Trump?”.
Có 2 vấn đề chính được đặt ra trong các cuộc thảo luận, một là thương mại, hai là an ninh.
Về thương mại, Liên Âu vẫn chưa có chính sách đối phó chung với chủ trương áp đặt thêm 10% thuế nhập khẩu hàng hóa từ Âu Châu đưa qua Mỹ dù chính quyền các nước đã chuẩn bị những chính sách, kế hoạch thích hợp từng bước của riêng mình. Việc các loại ô–tô nổi tiếng của Đức như BMW, Mercedes, VW, Porsche…nhập khẩu quá nhiều vào Mỹ từ lâu đã là một cái gai trong mắt Trump, đã nhiều lần Trump đe dọa đánh thêm thuế nhập khẩu vào xe Đức.
Về an ninh, đòi hỏi thời gian ít nhất vài năm để thành lập một liên minh phòng thủ, một bộ quốc phòng, một quân đội cho Âu Châu. Vấn đề Nga sẽ nuốt trọn Ukraine trong một thời gian rất ngắn khi Trump trở lại Tòa Bạch Ốc, ngưng hẳn viện trợ quân sự cho đất nước này là điều ai cũng thấy, hơn thế nữa tham vọng của Putin chắc chắn không dừng lại ở Ukraine khi NATO bị suy yếu hoặc tan rã.
Hiện tại Âu Châu vẫn còn an toàn, NATO vẫn chưa tan vỡ, ngay cả khi Trump đắc cử lần thứ hai, cá nhân Trump cũng không thể đơn giản rút khỏi NATO nếu thượng viện Mỹ không đồng ý. Tuy nhiên Trump có thể làm suy yếu NATO bằng nhiều cách như giảm quân số Mỹ ở các căn cứ thuộc NATO, cắt bớt ngân sách đóng góp của Mỹ, đóng cửa các căn cứ tiếp liệu…như đã làm trong nhiệm kỳ đầu.
Đó là chưa nói đến việc không một nước nào trong EU có vũ khí nguyên tử hoặc sở hữu số lượng vũ khí chiến tranh quy ước tương đương với Nga. Cuộc thảo luận để xây dựng lực lượng phòng thủ chung cho Liên Âu về nguyên tử vẫn đang gặp bế tắc vì sự bất đồng ý kiến giữa lãnh đạo các nước trong nhiều lãnh vực như tỉ lệ đóng góp tài chánh cho quân đội Liên Âu, nước nào sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kho vũ khí nguyên tử sẽ nằm ở đâu…
Bộ chỉ huy của NATO, SHAPE (Supreme Headquarter Allies Powers Europe) hiện nằm ở Bỉ, căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại hải ngoại nằm ở Ramstein, Kaiserlautern Đức. Nếu Mỹ rút ra khỏi NATO, hai căn cứ này chắc chắn sẽ được NATO tiếp thu, sử dụng tiếp nhưng khó khăn vẫn tồn tại, chưa thể giải quyết vì đa số vũ khí, tiếp liệu từ trước đến nay đều do Mỹ cung cấp, điều hành.
Mặc dù đang bị tổn thất nặng nề trong cuộc xâm chiếm Ukraine đến mức phải tìm mua thêm vũ khí, đạn được từ Bắc Hàn nhưng điều đó không có nghĩa là Putin sẽ từ bỏ tham vọng thâu tóm lại các nước vùng Baltic đã tách ra khỏi Liên Xô cũ gia nhập NATO như Estonia, Latvia, Lithuania.
Putin đang tận lực dùng “sức mạnh” của kinh tế Nga là xuất cảng dầu hỏa, khí đốt để phục vụ chiến tranh do mình chủ động, bỏ mặc người dân Nga tự xoay sở, giải quyết những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống hàng ngày. Các nước trong Liên Âu khó lòng bắt chước Putin khi chiến tranh giữa Nga và Liên Âu xẩy ra.
Thấy được điều đó, các nước như Balan, Estonia, Latvia, Lithuania… đã nhanh chóng viện trợ quân sự cho Ukraine – ngay sau khi Putin xua quân tràn qua biên giới Ukraine – với hy vọng quân Nga sẽ bị chặn đứng tại đó. Tấn công mấy nước kể trên đồng nghĩa với việc tấn công NATO.
Gói viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine trong 4 năm đã được Hội Đồng Liên Âu thông qua dù đã gặp sự chống đối của Thủ Tướng Viktor Orbán của Hungary – một người cực hữu rất thần tượng Donald Trump – cũng như sự đồng ý gia tăng ngân sách quốc phòng của nhiều nước trong Liên Âu… cũng sẽ không đủ bù đắp vào lỗ hổng khi Trump tìm cách phá hoại NATO. Hệ thống tiếp liệu, cung ứng cho quân đội của NATO hầu hết lệ thuộc vào Mỹ, Liên Âu chưa đủ khả năng thay thế.
Một điều quan trọng nữa, lãnh đạo các nước Âu Châu không nói rõ cho người dân của họ biết đến nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế có thể xẩy ra ở Âu Châu cũng như chiến tranh với Nga khi Donald Trump đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2. Người dân các nước Âu Châu dường như không quan tâm, lo lắng, suy nghĩ nhiều đến việc ai sẽ là tổng thống Mỹ. Lãnh đạo các nước Âu Châu chưa chuẩn bị tâm lý cho người dân trong trường hợp Trump quay trở lại Tòa Bạch Ốc.
Nói tóm lại, lãnh đạo các nước trong Liên Âu chưa chuẩn bị đầy đủ cho điều tồi tệ nhất cho đất nước mình và Âu Châu. Họ chỉ đang hy vọng điều tốt đẹp nhất – Donald Trump nếu được đảng Cộng Hòa đề cử cũng sẽ thất bại lần thứ 2 trước đương kim Tổng Thống Joe Biden.
Nguyễn Tiến Cường (tổng hợp từ Sueddeutsche, LRT)
(1) Sueddeutsche
(2) LRT