Nguyễn Tiến Cường: Một nhiệm kỳ nữa của Donald Trump sẽ ra sao?

Trump vận động tranh cử tại New Hampshire

Một nhân viên trong nội các chính quyền – bà Alyssa Griffin – và một cựu phụ tá chánh văn phòng tổng thống Donald Trump – bà Sarah Mattews đã nói trong một cuộc phỏng vấn:

“Nếu Trump đắc cử nhiệm kỳ 2, nền dân chủ của Mỹ mà chúng ta được biết sẽ chấm dứt”. “Tất cả chúng ta đã chứng kiến việc Trump cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử dân chủ, tạo nên một biến cố lịch sử vi phạm hiến pháp. Tôi rất lo ngại, không biết đất nước sẽ ra sao dưới một nhiệm kỳ nữa của Trump”.

Hai người nêu lên những lo ngại về việc ông Trump sẵn sàng xóa bỏ những nền tảng dân chủ, đồng thời nhấn mạnh những nguy cơ tiềm ẩn khi Trump được đề cử đại diện đảng Cộng Hòa và đắc cử nhiệm kỳ 2 trong lần bầu cử tổng thống ngày 05.11.2024.

“Trump đã tuyên bố rằng ông ta sẽ là một nhà độc tài ngay từ ngày đầu tiên trở lại Tòa Bạch Ốc. Điều đó đồng nghĩa với sự chấm dứt nền dân chủ của dất nước chúng ta. Tôi nói điều này với một sự chín chắn, suy nghĩ cặn kẽ, cân nhắc từng lời nói”. Farah Griffin nhấn mạnh.

Quá khứ cho thấy, trong nhiệm kỳ 2016–2020 Trump thường tỏ vẻ khinh miệt chế độ pháp quyền, nhiều lần lạm dụng quyền lực đồng thời luôn tỏ ra hào hứng, thích thú, ca tụng những nhà độc tài như Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Kim Jong Un, Hitler…Chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ đặt số phận nước Mỹ vào tay một người sẵn sàng từng bước xóa bỏ nền dân chủ của Mỹ. 

Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới.

Một nhiệm kỳ nữa của ông Trump sẽ là mối đe dọa nặng nề cho sự ổn định toàn thế giới. Làm thế nào thế giới có thể bình yên khi lãnh đạo tối cao của cường quốc số 1, đại diện cho nền dân chủ, tự do toàn cầu không chấp nhận kết quả bầu cử, không chịu chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa, kích động bạo lực để tìm cách tiếp tục ngồi trên ghế quyền lực?

Nước Mỹ chắc chắn sẽ trở nên bất an, rối loạn, càng chia rẽ hơn. Đi xa hơn nữa, khi không vừa ý Trump có thể cho họp quốc hội rồi dùng lực lượng cực hữu như Proudboys, Three Percents, KKK… trang bị vũ khí bao vây uy hiếp thành viên quốc hội bỏ phiếu, đồng ý các dự luật Trump đưa ra, thay đổi hiến pháp như Hitler đã làm năm 1933. Từ cuộc bạo loạn 06.01.2021, Trump và thành viên quốc hội ủng hộ cuộc bạo loạn chắc chắn đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để đạt được thành công trong lần tới.

Về đối ngoại, Trump sẽ tìm cách rút ra khỏi Minh Ước Bắc Đại Tây Dương hoặc chí ít làm suy yếu tổ chức này theo đúng ước muốn của Vladimir Putin.

Làm sao để Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể hoạt động hữu hiệu khi tổng thống Mỹ – quốc gia đóng góp nhiều nhất trong ngân sách hoạt động – luôn tìm cách chỉ trích, lên án nó? Liệu Âu Châu có thể tin tưởng được một chính quyền từ chối giúp đỡ Ukraine chống lại sự xâm lược Nga? Họ sẽ phải làm gì khi Mỹ bỏ rơi Ukraine?

Không ai có thể phủ nhận rằng Âu Châu đã được an toàn dưới chiếc dù an ninh của Mỹ trong nhiều thập niên nhưng cũng không ai không thấy Mỹ đã được hưởng lợi rất nhiều từ trật tự chính trị, kinh tế sau thế chiến thứ 2. Đồng US dollar được công nhận, sử dụng như một phương tiện chính thức trao đổi ngoại thương trong nhiều thập niên qua là bằng chứng hiển nhiên nhất. Cho đến nay vị thế đồng US dollar vẫn vững chắc dù có sự cạnh tranh của đồng Euro và đồng Yuan của Trung Quốc.

Với sự gia tăng áp lực cạnh tranh, tham vọng thống trị thế giới của Tập Cận Bình, ý đồ nuốt trọn Ukraine, tấn công Liên Âu của Vladimir Putin, trật tự thế giới sẽ bị đảo lộn trong nhiệm kỳ 2 của Trump. Kẻ giúp cho tham vọng của Tập, Putin thành hiện thực không ai khác ngoài Donald Trump khi ông quay lại Tòa Bạch Ốc lần thứ hai.

Lãnh đạo các nước trong Liên Âu đều thấy rõ điều đó. Họ đã chuẩn bị gì cho kịch bản Donald Trump quay lại Tòa Bạch Ốc? Việc một Tổng Thống Cộng Hòa – bất kể là Trump hay ai khác – có thể sẽ phá vỡ liên minh chặt chẽ của Liên Âu với Ukraine. Mỹ từ trước đến nay vẫn là nước viện trợ nhanh chóng, dồi dào nhất cho Ukraine trong sự chống trả cuộc xâm lược của Putin. Tuy nhiên, sự giúp đỡ đó đang có nguy cơ bị cắt giảm, thậm chí chấm dứt khi một số các dân biểu như Matt Gaetz, Laurent Boebert, Marjorie T. Greene…các nghị sĩ đảng Cộng Hòa như Josh Haley, Tommy Tuberville, Rand Paul, Roger Marshall…lên tiếng đòi hỏi cắt bớt chi tiêu, ngưng yểm trợ quân sự, kinh tế cho Ukraine.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Viktor Orbán của Hungary, một tay cực hữu đã dùng quyền phủ quyết của mình để chặn đứng gói viện trợ kinh tế và quân sự trị giá 50 tỉ euro của Liên Âu cho Ukraine. Orbán cũng là người duy nhất trong các lãnh đạo EU chúc mừng chiến thắng của Trump trong bầu cử sơ bộ ở Iowa tuần trước.

Tuy nhiên, Thủ tướng Bỉ – nước đang luân phiên giữ quyền chủ tịch Liên Âu trong 6 tháng – ông Alexander De Croo nói trước quốc hội Châu Âu: “Đối với Châu Âu, chiến cuộc của Nga–Ukraine quyết định sự tồn tại của Châu Âu, trong khi với Mỹ, cuộc chiến này chỉ có tính cách chiến lược”. Điều đó cho thấy lãnh đạo các nước trong Liên Âu đã nhìn được nguy cơ Khi Trump trở lại Tòa Bạch Ốc.

Thierry Breton , Ủy viên giám sát thị trường nội bộ cũng cho biết trong năm 2020, khi đang còn là tổng thống Mỹ tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Trump đã nói với bà Ursula von der Leyen – cựu bộ trưởng quốc phòng Đức, hiện là chủ tịch Ủy Ban Giám Sát của Liên Âu: “Bà cần biết rằng khi Âu Châu bị tấn công, chúng tôi sẽ không can thiệp hay giúp đỡ. Sau đó Trump nhấn mạnh thêm: – NATO đã chết”. (4)

Giới chức của Liên Âu ở Brüssel theo dõi chương trình nghị sự trong ủy ban tranh cử của Donald Trump qua vấn đề thuế quan, đã bày tỏ lo ngại rằng sự trở lại Tòa Bạch Ốc của Trump lần này sẽ kết thúc tình trạng lắng dịu gần đây trong thương mại giữa Mỹ và Liên Âu. Kinh tế Châu Âu sẽ bị lãnh đòn nặng nề khi Trump áp đặt lại thuế quan với thị trường Âu Châu. 

Trump đã thề rằng sẽ tăng thêm 10% thuế tất cả hàng hóa nhập cảng, cao hơn cả mức thuế đánh vào hàng hóa của Trung Quốc. Dù không tuyên bố rõ ràng về chính sách đối với Taiwan nhưng Trump lên án Taiwan đã cướp đi việc sản xuất chip của Mỹ, điều làm dấy lên sự giận dữ và lo ngại của người dân Taiwan về số phận của quốc đảo này. Trump cũng đe dọa áp đặt thuế quan nặng nề cho bất cứ nước nào trước đây đã từng đánh thuế hàng hóa Mỹ.

Cho đến lúc này, việc Donald Trump bị gạch tên khỏi phiếu bầu sơ bộ ở 2 bang Colorado, Maine vẫn đang chờ phán quyết cuối cùng của Tối Cao Pháp Viện, nhưng ngay cả khi không có tên trong phiếu cử tri ở 2 bang này, Trump vẫn có khả năng đắc cử, trở thành tổng thống thứ 47 cho nhiệm kỳ 2. 

Câu hỏi được đặt ra là “Hầu hết người dân Mỹ đã thấy rõ những rắc rối về pháp lý, vi phạm luật pháp từ dân sự đến hình sự, thậm chí vi hiến của Donald Trump, từ việc dùng tiền trong quỹ tranh cử trả tiền bịt miệng cô đào phim XXX Stormy Daniels, trốn thuế, lợi dụng hội từ thiện để làm giàu, khai gian tài sản để trốn thuế đến vụ bạo loạn ngày 06.01.2021, cất dấu tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc qia tại nhà riêng ở Mar–a–Lago, khi bị phát giác tìm mọi cách trì hoãn không giao trả lại…tại sao gần một nửa dân số Mỹ vẫn ủng hộ Trump?”.

Không có gì khó hiểu. Trump khôn ngoan, tuyên bố hứa hẹn giải quyết những bất mãn tồn tại đã lâu trong một số thành phần xã hội, phần lớn đó là những người da trắng không có học vấn cao, thu nhập ít, sống trong các vùng nông thôn, ở những tiểu bang đỏ thuộc đảng Cộng Hòa, không hội nhập kịp với đà tiến của công nghệ, kỹ thuật như người dân thành phố. Theo dõi chương trình nghị sự trong khi tranh cử của Trump, rất dễ nhận ra những điểm sau đây:

1. Trump khéo léo kích động máu thượng tôn da trắng, gieo rắc tâm lý sợ hãi nước Mỹ sẽ bị tràn ngập người da màu, di dân bất hợp pháp.

2. Tạo ảo tưởng cho người dân là nước Mỹ bị chèn ép trong giao dịch thương mại với thế giới.

3. Tốn kém quá nhiều tiền để bảo vệ an ninh cho Châu Âu qua Hiệp Ước Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO).

4. Vẽ ra sự tàn ác của những người theo Hồi Giáo.

5. Phủ nhận chuyện biến đổi khí hậu.

6. Cắt giảm chi phí y tế, an sinh xã hội để loại bỏ thành phần ăn bám sống nhờ vào welfare, medicare…

Ngoài ra, một số chủ trương, chính sách của Trump như: Ngăn cấm người Hồi Giáo nhập cảnh vào Mỹ như đã làm đầu năm 2017; Ban hành các sắc lệnh hành pháp, thúc đẩy quốc hội thông qua các dự luật cấm chuyển giới, chỉ công nhận 2 giới tính nam, nữ…Trừng phạt các bác sĩ tham gia vào chuyện chuyển giới; Lục soát các trại tị nạn, trục xuất nhanh chóng, không cứu xét những người nhập cư bất hợp pháp; Tiếp tục chương trình xây dựng bức tường ở biên giới phía Nam với Mexico đã bị bỏ dở v.v…lại phù hợp với tâm trạng giận dữ của một bộ phận dân chúng Mỹ trước nạn nhập cư bất hợp pháp gia tăng hay việc cho phép chuyển giới. Trump cũng tuyên bố rằng ông là ứng cử viên duy nhất có thể ngăn chặn Thế chiến thứ ba.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 05.11.2024 một lần nữa sẽ lại là một cuộc thử nghiệm nền dân chủ Mỹ. Và có thể thấy không chỉ người Mỹ mà rất nhiều quốc gia đồng minh hoặc thân thiện với Mỹ trên thế giới đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử sắp tới với tâm trạng bất an, nhất là sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa, New Hampshire.

Nguyễn Tiến Cường

*****

Tham khảo:

(1) https://www.analyzingamerica.org/2024/01/734287/

(2) https://www.newsweek.com/full–list–11–gop–senators–voted–against–ukraine–aid–1707182

(3) https://www.businessinsider.com/which–house–republicans–voted–gaetz–end–military–aid–ukraine–2023–7

(4) https://www.euronews.com/my-europe/2024/01/16/donald-trumps-return-could-leave-europe-on-its-own-de-croo-warns