Trần Doãn Nho: Nỗi Huế (Phần cuối)
Huế, dòng sông bay trong trí nhớ. Tranh Đinh Cường.
9. Vực thẳm tháng Tư
Cũng là một trong những khuôn mặt tham gia trong phong trào đô thị Huế trước 1975, Trần Hoàng Phố – một người tôi biết khá rõ nhưng không thân -, về sau này, chọn lựa một thái độ trầm tĩnh, chừng mực trước thời cuộc. Anh làm thơ và trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Thơ anh, mới về cấu trúc ngôn ngữ, đậm đà triết lý và chan chứa suy gẫm nhân sinh, xuất hiện ở trong nước (cả trong luồng lẫn ngoài luồng) và ở hải ngoại. Anh trở về những đề tài đã từng “là hiện tượng phổ biến trong tư tưởng của những trí thức miền Nam giai đoạn 1954-1975 vốn được thụ hưởng một nền giáo dục mang triết lý “dân tộc, nhân bản và khai phóng” trên tinh thần đa nguyên nên mạnh dạn tiếp nhận nhiều tinh hoa ở các khuynh hướng tư tưởng triết học của nhân loại,” theo Trần Hoài Anh, một nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiên cứu về Văn Học Miền Nam.[1]
Là một người sống trong cùng một không khí văn hóa thời đó, tôi tìm thấy trong thơ Trần Hoàng Phố đôi điều gần gũi.
Đọc Trần Hoàng Phố, trước hết, là đọc chữ. Bên cạnh những nhóm chữ tương đối phổ thông như thiên thu tìm kiếm, dâu bể vô thường, giấc mộng vỡ tan, lênh đênh phận người, lang thang phiêu bạc, ta bắt gặp trong thơ anh nhiều nhóm chữ lạ, mang lại những ý nghĩa mới mẻ bất ngờ. Xin tạm kể ra một số: tán lá linh hồn, đồng tử lá, mái tóc cây, cơ thể đêm, miệng đêm, chén đêm, xao xuyến gió đêm, chiếc lưỡi chìa khóa, vương miện nỗi buồn, hoảng hốt hoàng hôn, ngực nắng vàng, nỗi cô đơn mưa, mặt nạ bất an, ký ức xanh, bóng khuya lịch sử, hư ảo trống, hòn bi số phận, kiếp người hoen rỉ, phố trần gian. Nếu lưu ý, ta sẽ thấy chúng được tạo ra do khéo tận dụng hình thức ví von giữa một sự vật cụ thể với một khái niệm hay hình ảnh trừu tượng: tán lá + linh hồn, vương miện + nỗi buồn, mặt nạ + bất an; hoặc giữa một sự vật cụ thể này với một sự vật khác không liên quan gì nhau: miệng + đêm, chiếc lưỡi + chìa khóa, ngực + nắng vàng. Cách tạo ngôn ngữ này khiến tôi nhớ đến Tô Thùy Yên: ngổn ngang câm, bất an già, khoảng cách đặc, án tử hình treo, lãng quên xanh, nỗi sầu vô dạng, u hoài mốc, gió hao đuối, nhớ hư hoặc, một phía mê tưởng, vũng vướng mắc, ráo gió, thiu hồn, ngất tạnh khuya…Nằm trong cấu trúc thơ, những nhóm chữ như thế trở thành, hay đồng hóa với, hay có khi tạo thêm, ý niệm. Nhiều chỗ, Trần Hoàng Phố còn vay mượn cả những thuật ngữ và hình tượng tôn giáo, nhất là trong Thiên Chúa giáo: mùa thương khó, phục sinh, các thánh tuẫn nạn, thiên thần áo trắng, lễ thanh tẩy, lễ tro, thánh lễ tình yêu, hồi kinh lễ sớm, đóng đinh…(Hạt bụi trần gian/ Bị đóng đinh vào cái đẹp); hoặc thỉnh thoảng, trong Phật giáo: ngũ uẩn, vô thường, sắc không…(lạ lùng ngũ uẩn). Nói chung, dù là sáng tạo hay vay mượn, chúng giúp làm sáng tỏ, làm phong phú thêm hay thậm chí, làm bật ra những khuất lấp chìm sâu trong ý niệm. Chính vì thế, thơ Trần Hoàng Phố rất ít hiện thực; nếu có, hiện thực chỉ lả một chất phụ gia. Anh dùng ý niệm, không hẳn chỉ để lý giải, mà hầu hết là để hình dung thế giới hay nói đúng hơn, hình dung cõi nhân sinh. Đó là một cõi buồn, tan vỡ, rạn nứt, lênh đênh, bấp bênh – một cõi ít thấy bóng dáng của hạnh phúc và niềm vui. Dẫu vậy, đó không phải là những thao thức hay suy gẫm đời thường (về một mối tình tan vỡ, một nỗi tuyệt vọng hay một cái chết cụ thể nào đó) mà là những thao thức, ray rứt đậm đà triết lý. Làm thơ như một tra vấn về hiện hữu. Như một khắc khoải siêu hình: hư vô, thời gian, bản ngã, linh hồn, phục sinh, cái bóng, tha nhân, luân hồi, bản thể, vân vân và vân vân.
- Tôi bước đi và chìm trong mù sương/ Bóng của một cái bóng/ Tôi tan ra trong giá đông (…)Tôi đối diện với chính mình” (Bóng của cái chết).
- Đóa hoa thạch thảo tím biếc/ rơi vào bên trong khoảng trời ký ức/ Bạn lặng nghe tiếng nói bí ẩn/ từ đáy sâu nội giới thầm thì/ Gió/ Ra đi/ và/ Gió trở về/ Ngôi nhà xưa tịch mịch/ Hàng nghìn bóng ma kỷ niệm tìm về/ Trong tiếng rơi vỡ lặng lẽ thời gian (Tiếng rơi vỡ thời gian)
Ta dễ dàng nhận ra ngay: ngôn ngữ đan xen, chồng lấn, hòa tan với, hoặc trong, ý niệm.
Có vẻ như Trần Hoàng Phố thoát khỏi những ám ảnh đời thường”? Không hẳn.
Trong “Lời ngỏ” của tập thơ “Quê quán tôi xưa” (2002), Trần Hoàng Phố thú nhận: “Một cơn “sốc” tâm hồn để đi đến mười hai năm “diện bích”, mười hai năm chiêm nghiệm những cõi mình đã sống, đã mơ, đã nhớ. Những bể dâu của lịch sử và con người. Những bão táp cuộc đời, những cuộc chiến tranh, những cuộc cách mạng là những tiếng vọng chập chờn và những hình bóng lung linh trên vách đá của tâm hồn thơ.” [2] Cao Thị Hồng, dường như bắt mạch được trạng thái tâm hồn khá phức tạp này của Trần Hoàng Phố, nhận xét: “Sinh ra và lớn lên trên một đất nước có quá nhiều biến cố lịch sử làm thay đổi vận mệnh dân tộc, cũng như phận số của biết bao người, lại mang trong mình phẩm tính của một trí thức dấn thân theo tinh thần tư tưởng triết học hiện sinh, Trần Hoàng Phố không thể “dửng dưng” đi “bên lề” những biến chuyển của lịch sử dân tộc, mà nhà thơ là một chứng nhân…” (…) “Nhưng rồi, cũng như bao lớp người cùng thế hệ, khi nhận ra những điều mình thần tượng, tôn thờ cuối cùng cũng chỉ là “ảo ảnh” được đắp xây bằng những ngụy tín và mọi danh vọng, lợi quyền trong cuộc đời suy cho cùng chỉ là hư ảo.” [3]
Theo tôi, đó là một khía cạnh khác – dù chỉ xuất hiện rải rác – trong thơ Trần Hoàng Phố. Khía cạnh này phản ảnh những ám ảnh lịch sử và đặc biệt, ám ảnh tháng Tư, hay nói theo ngôn ngữ Trần Hoàng Phố, “vực thẳm tháng tư”.
Bóng chúng ta in trên tấm thảm giấc mộng
Tháng tư xanh như nỗi đợi chờ
Tháng tư đỏ như niềm vô vọng cây trái bơ vơ
(…)
Ôi tháng tư tháng tư
Xin cho linh hồn tôi bước qua được cây cầu phân ly
Bắt qua trái tim đầy những bóng mây xám u buồn lịch sử (Bài ca chiếc bóng tháng tư) [4]
Đã kinh qua vực thẳm này, Trần Hoàng Phố tra xét lại cái gọi là “lịch sử”. Đó là một sự gặp gỡ giữa hai khái niệm “dối lừa” (đỏng đảnh) và (giấc mơ) “quyền lực”:
Lịch sử đóng kịch diễn trò trước sân khấu đám đông tháng tư
Nó tạo nên những kịch tính thiện ác địch ta tốt xấu
Nhân dân buồn thay chỉ là những con tốt thí qua sông
Cho sự dối lừa đỏng đảnh
của những giấc mơ quyền lực (Khúc hát về sự vô thường của lịch sử) [5]
Những hình ảnh chứa đựng trong thơ mang ý nghĩa kép: vừa là ẩn dụ lại vừa bóc trần ẩn dụ. Vừa đóng vừa mở. Vừa cụ thể lại vừa trừu tượng. Vừa giấu vừa bày. Vừa ý niệm lại vừa hiện thực. Anh xé toạt từng góc khuất ẩn chứa trong khái niệm lịch sử. Nói về khái niệm mà đồng thời lại như một lời tự thú:
- Lịch sử
như
một kẻ ngây thơ tội đồ dại khờ
(…)
Nó loay hoay
với đám bòng bong sự kiện giữa thật và dối trá
Nó quay cuồng bối rối
giữa các lằn ranh ngoằn ngoèo ma quái con người và các giáo điều khô cứng
(Bài ca về sự dại khờ) [6]
- Lịch sử đôi khi được dẫn dắt bởi bầy cáo mù
chúng xảo quyệt ranh ma
cắn xé lẫn nhau như hổ dữ tranh ăn
nhưng chúng sờ soạng cứ đi ngàn bước loanh quanh
mà cứ tưởng như đang thẳng tiến tới tương lai rạng rỡ
mà chẳng ngờ đẩy cả cả bầy đàn
xuống hố lầm than
(Đi về đâu hỡi lịch sử) [7]
Những “tội đồ dại khờ” bị các “giáo điều khô cứng” phỉnh gạt chẳng ai khác hơn là “nhân dân”:
Bị tước đoạt
Bị lãng quên
Nhân dân
chính là người tù nhân vĩ đại của lịch sử (Bài ca về sự dại khờ)
Hậu quả là sản sinh ra một thời đại mà Trần Hoàng Phố gọi đích danh là “thời thổ tả”. Ngôn ngữ ở đây không nằm an toàn và sang cả trong lãnh vực ý niệm, mà quấn quýt lấy hiện thực, phản ảnh một cách trần trụi nhiều mặt của khung cảnh đất nước hiện nay.
Thời thổ tả
Bầy bướm quỷ bay đầy đêm liêu trai
Quan bỗng dưng hóa thành cướp
(…)
Mặt trăng đỏ màu máu
Tiếng quạ kêu thê lương đầy thành phố thôn làng
(…)
Cả nước đua nhau
bán buôn ăn thực phẩm bẩn
Cửa công
Quan trường người ta đua nhau
mua quan bán tước
(…)
Nhân dân là kho của cải vô tận
Cho các nhóm lợi ích thi nhau vặt lông
(…)
Tài nguyên
rừng biển núi đất đá
khoáng sản hàng triệu triệu năm
Bị khai thác
bị vắt kiệt
xuất khẩu vô tội vạ
(…)
Nợ công cứ vay tràn đìa
cho các dự án đa phần bánh vẽ
Nợ chồng lên nợ
Bẫy thòng lọng giăng ra
Các quan tham lao vào như những con thiêu thân đớp
Và nhân dân bị treo cổ
(…)
Học đường thiêng biến thành nơi phô diễn bạo lực
Ngay cả nữ sinh biến thành thú dữ
Đánh hội đồng màn man rợ như một bầy thú hoang
Thầy hiếp dâm học trò vừa buông lời kinh sách
(…)
Các toà nhà cao tầng lộn ngược
Thánh thần đu dây làm xiếc
(…)
Các đền đài chảy mồ hôi máu
Ruộng nứt những khe sâu rộng bằng dòng sông mùa lũ
(…)
Cả nước ăn bùa mê thuốc lú
Tỉnh mê mê tỉnh như nhập đồng
khi tinh hoa cặn bã lên ngôi cửu đỉnh
(…)
Rồng lộn đầu thành con cá chết trôi
|Trong dòng sông lịch sử ô nhiễm
(Bài bi ca thời thổ tả) [8]
Hiện thực mà tưởng như siêu thực!
10.Một bài thơ: Nỗi Huế
Để nhớ Huế. Tranh Đinh Cường
nơi đó
thành quách nhiều hơn người
giai thoại đè lịch sử
thuở nhỏ
tôi đi dọc theo những con đường vuông
góc thành này đến góc thành kia
lớp lớp rêu bám đầy
nhẫn nhục, cổ sơ
nghiêm cẩn đến nao lòng
nhìn hoài vẫn cứ tự hỏi …
*
tôi giẫm bước vô danh trên những địa danh
quá khứ được ăn tiêu rất kỹ
những khu vườn có cổng chắn
tường lở nhiều chỗ
vài đoạn rào thép gai
chắp vá hờ hững
ngôi nhà thấp
chật ních kỷ vật
câu đối sơn son thếp vàng hồn nhiên ngủ kỹ
ngang và dọc
mục và quý phái
cũ và kiêu sa
giai thoại mọc lên từ mỗi góc nhỏ
ngày tháng co giãn
đậm đặc nỗi tự hào
*
thuở thanh xuân
mân mê những livre-de-poche Ưng Hạ
đọc cọp báo Sài Gòn Mới Gia Long
tà tà Phan Bội Châu
nhìn trộm Phương Lan
dựa cột đèn Trần Hưng Đạo
ngắm từng em từng em đi qua
rỡ ràng phố chật
cốc cà phê Lạc Sơn chiều muộn
hơi người hơi ruốt
nhớ bâng quơ
*
chiều mưa giông Đồng Khánh
những con chim bồ câu
túa ra
ướt mèm áo trắng
cậu học trò không chịu về nhà
nép dưới tàn cây hiên phố
ngẩn ngơ
*
huế rất lạnh mà rất nắng
mưa thì phùn và gió rất khô
trời mênh mang mà người thì lặng
những buổi chiều hiền
thẩn thơ đường nhỏ
em đi như tĩnh vật
tôi rụng rời cơn mơ
*
nhiều lần lang thang quanh hoàng cung
nghe gạch ngói thở
sờ đám tượng trên sân chầu
ẩn nhẩn
đìu hiu
leo lên lầu ngọ môn
thấm thía dòng hư tự
quan ở đâu vua ở đâu cờ quạt ở đâu
chỉ là mấy bông sứ lặng lẽ rụng
trong hồ sen ngơ ngác
hít hà chút cổ sử
ngậm ngùi thơm
*
đó là nơi tỏ ra rất tiện lợi
cho nhiều màn trình diễn
ngoạn mục bất ngờ
có khi trịnh trọng có khi bình dân
có khi rất chuyên nghiệp
và những tan vỡ liên tục diễn ra
thật chậm rãi
đủ để người ta thưởng thức nỗi mất mát
của chính mình
*
lắm khi
từ trong cái ù lì lặng lẽ
bỗng vươn vai đứng dậy
y như thể đã chuẩn bị từ bao giờ
vội vội vàng vàng
băng cờ la hét
đường phố hừng hực
khát khao thu gọn chiều dài lịch sử
*
dưới kia
sông vẫn lặng
đò vẫn trôi
sông còn thơm
mà đò thì chật
*
những ngày xuân âm khí năm nào
thành quách nín
đất đá nghẹn
cỏ cây câm
hố hầm co quắp
ngột
âm bản cuộc liêu trai
*
lại có khi
thành phố bồng bế nhau
vứt cả rực rỡ hè mới chớm
rùng rùng bỏ chạy
đi đâu?
không biết đi đâu
miễn là xuôi Nam
để lại một cõi lặng
không gian rỗng
sàn diễn trống trơn
những con chó mất chủ chạy rất tự do
và vô vọng
hàng phượng lạc loài
chấp chới bay
gió nắng rong chơi
vòng vèo quanh nội thành ấm ức
*
kiêu binh về
bắt đầu mắng mỏ nhiếc móc
thậm chí oán thù
những người đã chết
y như thể không có họ
thì đất nước sẽ thành cường quốc từ thế kỷ 18!
bỗng nhiên
mọi thứ được vội vã hóa thân
hội hè đình đám
những ngợi khen đẫm mùi tiếp thị
phục chế/tân trang kẻ thù
đem ra bày bán
*
chữ nghĩa không xương…
*
sorry huế!
đành phải ra đi
*
bỏ phía sau nhìn phía trước.
lạc lõng giữa đất trời lạ hoắc
*
ăn cũng huế
nói cũng huế
đi cũng huế
chào cũng huế
thương cũng huế
nhớ cũng huế
ngày huế
đêm huế
lao xao những ôn những mụ những o những dì
đám trẻ con ngỡ ngàng
tưởng còn thời khuyết sử
cô cháu nhỏ tò mò
what’s hue, ngoai?
hue here! tôi chỉ vào bà ngoại
really, ngoai?
yes
ngoai oi, so i love hue so very very much.
*
tháng bảy quay quắt huế
đến hẹn nước lại lên
nước tràn Đập Đá nước lút bến đò Cồn nước ngập Bao Vinh nước ngâm quốc lộ
…đãng trí
tôi không về
ai lội lụt thăm em
*
một thuở
vỉa hè/góc phố
nắng/mưa
lụt/bão
nghèo/thiếu/đói/no
tù/ngục
…một thuở…
*
thành phố thì còn
huế đã đi
vĩnh viễn đi!
11.
Aristotle bảo: Con người là một con vật xã hội.
Vâng, tôi là con vật Huế: những biến cố Huế đã định hình tôi.
Ở xa, tôi nhớ Huế.
Đi giữa lòng Huế, tôi lại càng nhớ…Huế!
Nỗi nhớ lớn hơn cả tôi.
Tôi, một vết quá khứ nhỏ nhoi xẹt vào hiện tại; một thoáng thời gian rớt xuống không gian. Bất cứ cái gì còn lại cũng gợn lên những điều đã mất. Đi mà như thể chẳng đi. Về mà như thể chẳng về. Thực mà hoàn toàn ảo! Thời gian ở đây đã nhanh, lại ít oi, nhưng tôi để giành mỗi buổi sáng, đến đó theo một tiếng gọi âm thầm của ngày tháng cũ. Một con đường nhỏ Thành Nội, vắng và xưa. Lề đường lổn chổn đất, đá, cỏ xanh, lá úa, tường rêu, những chậu bông nhỏ, gốc cây già dưới tàn lá rộng, ghế bàn nhỏ nhắn, cốc cà phê đơn sơ, tách trà tém tủm, nữ chủ quán nhu mì, khách quen nhẵn mặt. Người cổ vật xưa, đạm bạc. Chuyện thì cũ, rất cũ. Những nụ cười. Những câu chuyện. Quyện vào trong không gian tràn đầy quá khứ. Những Huếs tôi. Huế thu nhỏ lại. Nhưng vô cùng lớn.
Thì Huế là nỗi huế nỗi huế nỗi huế nỗi huế…
Trần Doãn Nho
(8/2020-11/2023)
——————-
[1] Trần Hoài Anh, Cảm thức hư không và nỗi cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố
[2] Dẫn theo Cao Thị Hồng, Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố
[3] Trần Hoài Anh, Cảm thức hư không và nỗi cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố
[4] Trần Hoàng Phố, Bài ca chiếc bóng tháng tư.
Trang mạng Nguyễn Đức Tùng: https://nguyenductung.org/?p=601
[5] Trần Hoàng Phố, Khúc hát về sự vô thường của lịch sử
[6] Trần Hoàng Phố, Bài ca về sự dại khờ
[7] Trần Hoàng Phố, Đi về đâu hỡi lịch sử
Trang mạng Nguyễn Đức Tùng: https://nguyenductung.org/?p=601
[8] Trần Hoàng Phố, Bài bi ca thời thổ tả. Xem:
*Trần Doãn Nho: Nỗi Huế (P.1)
*Trần Doãn Nho: Nỗi Huế (P.2)
*Trần Doãn Nho: Nỗi Huế (P.3)
*Trần Doãn Nho: Nỗi Huế (P.4)