Trùng Dương: Nghĩa vụ cảnh báo: Các bác sĩ phân tâm học lên tiếng về tâm thần nguy hiểm của Donald Trump
Mặc dù các bác sĩ tâm thần có bổn phận bảo mật các thông tin sức khỏe tâm thần do bệnh nhân tiết lộ, nhưng hầu hết các tiểu bang tại Hoa Kỳ đều có luật bắt buộc hoặc cho phép bác sĩ tâm thần tiết lộ thông tin bí mật khi bệnh nhân có triển vọng gây tổn hại cho cộng đồng.
Hầu hết các luật này, thường được gọi là luật “nghĩa vụ cảnh báo”, có nguồn gốc từ án lệnh của vụ án Tarasoff kiện The Regents of the University of California (1976). Vào tháng 10 năm 1969, Prosenjit Poddar đã đâm chết vợ là Tatiana Tarasoff. Nguyên đơn, cha mẹ của Tatiana, cho rằng chỉ một thời gian ngắn trước đó, Poddar đã bày tỏ ý định giết vợ với bác sĩ của mình là Lawrence Moore, một bác sĩ phân tâm học làm việc cho Đại học California. Bác sĩ Moore đã báo cho cảnh sát trong trường về ý định của Poddar và cảnh sát đã giam giữ anh ta trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó lại thả anh ta ra. Và Poddar đã thực hiện điều đã tiết lộ với bác sĩ và đã đâm chết vợ. Nguyên đơn là cha mẹ của cô Tatiana kiện Đại học California là đã không giam giữ Poddar, bất chấp ý định giết vợ của anh ta và đã không cảnh báo Tatiana hoặc cha mẹ cô biết về ý định đó. Các bị cáo cho rằng họ không có nghĩa vụ chăm sóc nạn nhân Tatiana và phải được miễn trừ khỏi vụ kiện. Tuy nhiên, họ đã thua.
Án lệnh Tarasoff đặt ra nghĩa vụ cho các chuyên gia sức khỏe tâm thần, đó là lên tiếng cảnh báo các nạn nhân có thể bị ảnh hưởng và có nguy cơ bạo lực. Luật pháp cho phép các chuyên gia sức khỏe tâm thần được miễn trừ trách nhiệm dân sự và hình sự đối với việc tiết lộ thông tin bí mật về sức khỏe tâm thần trong một số điều kiện nhất định.
Trước một tình huống có thể xẩy ra nếu ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa là Donald Trump đắc cử và thực hiện những đe dọa của ông và đồng minh với Dự án 2025 sẽ thay đổi tận gốc rễ hệ thống chính trị và hành chánh của Mỹ, đặc biệt mới trong tuần này khi ông Trump tuyên bố sẽ dùng quân đội để đối phó với “kẻ thù bên trong” mà ông cho là còn nguy hiểm hơn Trung Quốc, Nga, Iran hay Triều Tiên, một nhóm chuyên gia tâm thần tại Mỹ đã họp nhau lại và thực thi nghĩa vụ cảnh báo của mình.
Vào ngày 27 tháng 9 vừa qua, hơn một tháng trước ngày bầu cử mồng 5 tháng 11, Liên minh Sức khỏe Tâm thần Toàn cầu (World Mental Health Coalition – WMHC) đã tổ chức một cuộc hội thảo tại National Press Club ở Washington, D.C. nhằm lên tiếng cảnh báo về tình trạng vô cùng nguy hiểm nếu ứng cử viên tổng thống Trump sẽ đắc cử. Người viết có mua vé tham dự, do đấy nhận được các tài liệu liên hệ, mà báo chí dòng chính phần lớn không loan tin nên ít người biết, mà lý do tôi sẽ trình bầy sau.
Với chủ đề “Tình trạng nguy hiểm hơn cho thế giới và nhu cầu cần một lãnh tụ thích đáng – Một trường hợp Donald Trump còn nguy hiểm hơn nhiều”, cuộc hội thảo do Bác sĩ Bandy X. Lee, nhà phân tâm học chuyên về tội phạm hình sự (forensic psychiatrist), tổ chức. Ngoài các chuyên gia tâm thần, còn có sự góp mặt của nhiều luật sư, chuyên gia kinh tế, chính trị, xã hội, khí hậu, môi trường và nguyên tử học chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm và quan tâm của họ.
Buổi hội thảo tuy diễn ra trong vòng 5 tiếng đồng hồ, nhưng cô đọng và đầy thông tin quan trọng, với phát biểu của tám chuyên gia về các ngành luật, kinh tế, chính trị, khi hậu, môi trường, chính trị, khoa học; tiếp theo là phần thuyết trình của tám chuyên gia về tâm thần. Họ nêu ra những dấu hiệu quan sát được nơi ứng cử viên tổng thống Donald Trump cho thấy tình trạng tinh thần bệnh hoạn bất ứng với vai trò tổng thống nếu ông sẽ đắc cử, và sự nguy hiểm không chỉ cho Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng tới an ninh của toàn thế giới.
“Cuộc bầu cử [ngày 5 tháng 11] diễn ra vào thời điểm bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử đất nước,” các chuyên gia cuộc hội thảo tại National Press Club tuyên bố trong một thông cáo chung. “Vì những lý do này, các chuyên gia an ninh quốc gia hàng đầu và các chuyên gia sức khỏe tâm thần hàng đầu đã cùng gặp nhau vào ngày 27 tháng 9 năm 2024, tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington, D.C., để tham gia vào một hội nghị chưa từng có.”
Với chủ đề là “Tình trạng nguy hiểm hơn đối với thế giới và sự cần thiết về một khả năng lãnh đạo phù hợp” do Liên minh Sức khỏe Tâm thần Thế giới tổ chức (WMHC), các chuyên gia sau khi đã thay phiên nhau trình bầy cảm nhận của họ đã ra một thông cáo chung về những kết luận mà họ đã đạt được, đó là:
“Sức khỏe tinh thần phù hợp là một vấn đề y tế, không dính dáng gì đến chính trị.
“Quyền lực to lớn của tổng thống đòi hỏi bất kỳ ai được bầu vào chức vụ đó đều phải có một tinh thần lành mạnh.
“Trong thời đại hạt nhân, một tổng thống phải hiểu rằng không có an ninh [cho một quốc gia nào] nếu không phải là an ninh chung [cho toàn thế giới].
“Khả năng thi hành nhiệm vụ và mức độ nguy hiểm là những đánh giá khác với chẩn đoán bệnh tâm thần.
“Donald Trump đã bộc lộ những dấu hiệu có thể khiến ông không phù hợp và nguy hiểm [nếu đắc cử vào] Tòa Bạch Ốc.
“Các chuyên gia đã giải quyết vấn đề đất nước chúng ta được cai trị như thế nào, đất nước của chúng ta được lãnh đạo bởi ai, và liệu các thể chế của nền dân chủ của chúng ta có đủ kiên cường và tự sửa chữa để đáp ứng những nguy hiểm và thách thức của thời đại chúng ta hay không,” bản thông cáo chung kết luận.
Cũng tại cuộc hội thảo, cơ quan WMHC phát hành tập sách cảnh báo về sự nguy hiểm hơn nhiệm kỳ đầu của ông Trump nếu ông tái đắc cử, với 40 bài tham khảo của các chuyên gia tâm thần, “The More Dangerous Case of Donald Trump: 40 Psychiatrists and Mental Health Experts Warn Anew” (Một trường hợp Donald Trump nguy hiểm hơn: 40 chuyên gia phân tâm và sức khỏe tâm thần tái cảnh báo). Tập sách này lần đầu phát hành vào năm 2017 chỉ gồm có 27 tác giả.
Được biết Chánh văn phòng John Kelly thời chính phủ Trump, nguyên chỉ huy trưởng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã từng tham khảo sách này để đối phó với tính khí bất thường và có thể dẫn tới hậu quả nguy hiểm của ông Trump. Cuốn sách cũng đã được giới lãnh đạo Âu châu tham khảo sâu rộng, như một thứ cẩm nang về chính trị đương đại của Mỹ.
Đây không phải là lần đầu WMHC tổ chức hội thảo về sự nguy hiểm mà ông Trump sẽ mang lại cho đất nước và cả thế giới vì những dấu hiệu tâm thần mà nhiều nhà phân tâm học đã nhận định và phân tích, là ông có triệu chứng của một người bị rối loạn nhân cách (psychopath). Theo định nghĩa của American Heritage® Dictionary of the English Language, ấn bản thứ năm, thì người bị rối loạn nhân cách là một người “liên tục tham gia vào các hành vi tội phạm và chống đối xã hội mà không hề hối hận hay đồng cảm với những nạn nhân. Người mắc chứng rối loạn nhân cách biểu hiện bằng nói dối, xảo quyệt, lôi kéo, lém lỉnh, bóc lột, thiếu chú ý, kiêu ngạo, ảo tưởng về sự cao cả, lăng nhăng tình dục, tính tự chủ thấp, coi thường đạo đức, thiếu trách nhiệm, nhẫn tâm và thiếu sự đồng cảm và hối hận. Một cá nhân như vậy có thể đặc biệt dễ sinh bạo lực và phạm tội hình sự.”
Những đặc điểm về rối loạn nhân cách trong định nghĩa trên cũng đã được Tiến sĩ Drew Westen trình bầy trong phần thuyết trình của mình, tại đây.
Vào ngày 19 tháng 3, 2019, WMHC dưới sự điều khiển của Bác sĩ Lee cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề “Trường hợp nguy hiểm của Donald Trump” tại phân khoa y tế thuộc Đại học Yale, nơi bà Lee giảng dậy từ năm 2003. Cuộc hội thảo quy tụ các học giả trong các lãnh vực luật, khoa học chính trị, lịch sử, khí hậu học và tâm lý xã hội đã thảo luận về sức khỏe tâm thần của Tổng thống Trump.
Hội thảo này, cộng với việc phát hành hai năm trước của tập sách “The Dangerous Case of Donald Trump” với đóng góp của 27 chuyên gia tâm thần và do Bác sĩ Lee biên tập, đã trở thành một vấn đề đối với hội American Psychiatric Association (APA), một cơ quan nhận tài trợ của chính quyền Trump dạo ấy. APA bèn ra lệnh khuyến cáo, coi như vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, các hội viên chuyên gia tâm thần không được nói về bệnh tâm thần của các viên chức nhà nước khi chưa trực tiếp chẩn bệnh. Lệnh này dựa vào nguyên tắc gọi là Goldwater Rule cấm các chuyên gia tâm thần không được chẩn bệnh từ xa mà không trực tiếp gặp bệnh nhân.
Cùng với luật cấm này là việc bà Lee, không có chân trong hội APA, mất chân dậy học ở Yale hai năm sau đó, nhưng vì một lý do khác mà bà cho là xâm phạm tới quyền tự do học thuật của bà. Báo chí dòng chính, như tờ the New York Times, mà người viết phần lớn dựa vào đó lấy tin, đã từ lâu công nhận nguyên tắc đề ra của hội APA, do đấy đã không hề loan tin về các công trình của bà và tổ chức WMHC mà bà và các đồng sự đã thực hiện trong tinh thần nghĩa vụ cảnh báo.
Theo gương của tờ Times, báo chí dòng chính phần lớn cũng đã không loan tin về cuộc hội thảo của WMHC do Bác sĩ Lee tổ chức. Do đấy ít người biết tới cuộc hội thảo quan trọng này trừ phi đọc được tại những Website truyền thông nhỏ, ít ảnh hưởng. Muốn tìm hiểu chi tiết về việc báo chí dòng chính tảng lờ, hầu như tẩy chay không tường thuật hội thảo về tình trạng tâm thần của ông Trump, mời đọc bài viết nhiều thông tin hữu ích này của tạp chí Mother Jone.
Bác sĩ Bandy Xenobia Lee, gốc Đại Hàn, sinh năm 1970 và lớn lên tại Bronx, New York, trong một khu bình dân giữa sự thao túng của bạo lực và băng đảng. Ông của bà là Bác sĩ Geun-Young Lee, người đã điều trị các nạn nhân của cuộc nội chiến Đại Hàn (1950-1953) và là người đã tiêm nhiễm nơi bà Lee niềm tin hành nghề y sĩ với một tinh thần trách nhiệm xã hội. Tốt nghiệp ngành thuốc và tâm thần học tại Đại học Yale, bà chuyên chú vào ngành phân tâm tội phạm (forensic psychiatry).
Là một chuyên gia về bạo lực đã được quốc tế công nhận, Tiến sĩ Lee từng là giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe và Bạo lực do các đại học Harvard, Pennsylvania, New York và Yale đồng sáng lập; và lãnh đạo một nhóm nghiên cứu dự án cho Liên minh phòng chống bạo lực của World Health Organization (WHO). Bà đã từng cố vấn các chính phủ Ireland và Pháp, cũng như các tiểu bang California, Connecticut, Massachusetts và New York về chương trình phòng chống bạo lực trong nhà tù và trong cộng đồng. Bà đóng vai trò quan trọng trong việc khởi xướng cải cách tại Rikers Island, cơ sở cải huấn của thành phố New York nổi tiếng với mức độ bạo lực cực độ. Bà đã dạy các sinh viên đang học để trở thành luật sư bào chữa công và luật sư tị nạn tại phân khoa Luật Yale từ năm 2003, đồng thời giảng dạy khóa học Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu do chính bà thiết lập từ năm 2013, “Bạo lực: Nguyên nhân và Cách chữa trị”. Ngoài ra, bà cũng đã từng là cố vấn cho tổ chức Phòng chống Bạo lực và Thương tích của WHO, UNESCO và các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, đồng thời là diễn giả của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Mối quan tâm của bà là các phương pháp tiếp cận y tế toàn cầu nhằm ngăn chặn bạo lực và hợp tác đa ngành.
Bác sĩ Lee giảng dạy tại các phân khoa thuộc và luật tại Yale tới khi bị mất chức vào năm 2020. Đó cũng là năm ông Trump thất cử song từ chối không nhận mình thua. Và, như Tiến sĩ Lee tiên đoán, ông đã khích động các nhóm cực hữu gây bạo động chết người tấn công Điện Capitol, biểu tượng của nền dân chủ kỳ cựu nhất hoàn cầu, vào ngày 6 tháng Giêng, 2021, khi Quốc hội nhóm để bỏ phiếu công nhận sự đắc cử của ông Joe Biden.
Với ông Trump tiếp tục tranh cử trong một cuộc bầu cử một mất một còn giữa dân chủ và độc tài, do tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và ý thức cao độ về nghĩa vụ cảnh báo, bà Lee lại đứng ra tổ chức cuộc hội thảo cuối tháng rồi như đã tường thuật ở trên.
Tôi cũng chỉ biết tới bà gần đây khi tình cờ xem được video tâm sự này của bà trên YouTube, nên tìm hiểu thêm và nhận được tin về cuộc gây quỹ trên gofundme.com cho buổi hội thảo 27 tháng 9 vừa qua. Tôi có phổ biến về tin này tại đây.
Nghe Tiến sĩ Lee tâm sự tại đây, về những gì đã xẩy ra cho bà kể từ khi ông Trump đắc cử và cho thấy những dấu hiệu của một người bị chứng rối loạn nhân cách mà bà Lee đã không ngần ngại vạch ra. Mặc dù những đe dọa, kể cả dọa giết, và tấn công của truyền thông cực hữu tung các tin đồn xuyên tạc về bà, mà những ai chỉ trích ông Trump đều không tránh khỏi, kể cả bây giờ, bà Lee luôn giữ một phong độ bình tĩnh, một thái độ lạc quan – lạc quan như tựa của video bên dưới, một trong một loạt video cùng tựa, “Hồi phục khỏi bệnh Dịch Trump và Trùng tu Sức khỏe Tâm thần tập thể” (Recovering from Trump Contagion and the Restoration of Our Collective Mental Health).
Một độc giả của trương mục Substack của bà viết, sau khi đọc bài tường thuật lần đầu tiên gần đây của tờ New York Times về tình trạng suy thoái tinh thần ngày một trầm trọng của ông Trump, trong đó có trích dẫn một số thông tin từ các cuộc hội thảo và sách đã xuất bản của cơ quan WMHC do bà và các đồng nghiệp cung cấp, đã viết cho bà, như sau: “Một tháng trước ngày bầu cử, họ [NYT] cuối cùng, và dù vẫn còn do dự, công nhận điều bà cảnh báo từ nhiều năm qua nhưng lại không nêu danh tính của bà.”
Tiến sĩ Lee trả lời rằng bà không coi mình quan trọng mà chính những người bà đại diện mới đáng kể vào cái thời điểm rất quan trọng này, vì họ chính là “hàn thử biểu cho đất nước chúng ta.” Và bà không dấu được sự vui mừng đối với bài viết của tờ báo lâu nay “kiểm duyệt” những lưu ý về sự nguy hiểm của tình trạng tâm thần của ông Trump của bà và các đồng nghiệp.
“Việc tên tôi không được nhắc tới không quan trọng bằng sự kiện đã được tiết lộ,” bà Lee viết, “rằng cựu Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly đã sử dụng cuốn sách của tôi như một ‘cẩm nang hướng dẫn sử dụng’, và có thể đã ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên trong khi áp dụng các đề xuất của [cẩm nang], và một bài báo quan trọng của Mother Jones gọi tôi là ‘đã được minh oan’ hai năm trước có lẽ là điều khiến tất cả chúng ta cần quan tâm. Đó là bởi vì […] chúng ta đang nói về việc cứu rỗi nhân loại.”
Và như bà đã khẳng định khi khai mạc buổi hội thảo về mối nguy mà bà gọi là Dịch (Contagion) Donald Trump, rằng “đây là cuộc hội nghị y tế, chứ không phải chính trị”, bà Lee cảnh báo: “Sự tỉnh táo của dân Mỹ và sự sống còn của loài người chúng ta đang bị đe dọa. Kiến thức quả thực là sức mạnh, đặc biệt có khả năng chống lại bệnh lý tâm thần. Kiến thức tập thể của chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt: như trong một hệ sinh thái, mọi hành động, lời nói và suy nghĩ đều góp phần tạo nên tổng thể. Chúng ta có thể cùng nhau tạo ra sự khác biệt cần thiết trong 27 ngày tới [trước bầu cử mồng 5 tháng 11] vậy.”
Để kết thúc bài tường thuật này, người viết xin giới thiệu phần trình bầy của Tiến sĩ Steven Hassan, một trong những chuyên gia hàng đầu về hiện tượng giáo phái và sự kiểm soát tâm trí, như một chuẩn bị cho thời hậu bầu cử. Ông Hassan đã từng tham gia vào các công tác giáo dục công chúng về tình trạng kiểm soát tâm trí, tẩy não và những tai hại các giáo phái bất chính gây ra từ năm 1976—có ai còn nhớ vụ Jonestown và cái chết thảm của gần 1,000 nạn nhân già trẻ lớn bé vào cuối thập niên 1970? Ông là tác giả cuốn “Giáo phái Trump”, xuất bản năm 2019, một thứ cẩm nang cho những ai muốn hiểu và giúp người thân hay bằng hữu không may bị lôi cuốn vào một thứ tà phái, một hiện tượng mà nhiều người trong chúng ta hiện ít nhiều bị ảnh hưởng – hiện tượng “Cuồng Trump” đã từng gây chia rẽ, cả đổ vỡ trong nhiều liên hệ gia đình và bằng hữu. Và đó là cuốn sách ông mang theo giới thiệu trong phần diễn văn của mình tại hội thảo.
Tiến sĩ Hassan cho biết khi ông viết cuốn sách này thì nạn sùng bái ông Trump chưa được nhìn nhận là ở đó có sự tẩy não và kiểm soát tâm trí, mà chỉ thấy đó như một khuynh hướng chính trị trong chế độ dân chủ. Thế nhưng, ông tiếp: “Kinh nghiệm chủ quan của tôi cộng với 48 năm giúp đỡ mọi người thoát khỏi nạn giáo phái, một chứng rối loạn phân ly, nó nằm trong Cẩm nang Thống kê chẩn đoán của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ [APA], nêu tên các giáo phái và việc tẩy não và cách chúng ta có thể làm gì để giúp mọi người phục hồi.”
Tiến sĩ Hassan đồng thời cảnh giác rằng “đây là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, chúng ta cần giáo dục phòng ngừa cho mọi người về cách phân biệt giữa ảnh hưởng đạo đức và ảnh hưởng phi đạo đức.”
“Liệu Trump đắc cử hay không, chúng ta vẫn cần một nỗ lực giáo dục tâm lý lớn và chúng ta cần một chương trình phục hồi,” Tiến sĩ Hassan nói. “Chúng ta cần tạo ra một cơ chế tránh kỳ thị, chúng ta cần ngưng gọi [những người bị MAGA-hóa] là những kẻ ngu dại và ngốc nghếch vì đã theo một tà phái. Hãy nói chuyện với họ để xây dựng điểm chung và hỏi họ những câu hỏi hay khiến họ phải suy nghĩ. Điều quan trọng là tránh tấn công lãnh tụ của họ, tránh tranh luận phải trái vì nó kích động bản năng sùng bái để phòng thủ khi họ cảm thấy bị tấn công, đó là một chiến lược thiếu sáng suốt vì làm sao tôi có thể biết liệu tôi có bị tẩy não hay không.”
“Bước đầu tiên,” Tiến sĩ Hassan đề nghị, “là cắt đi những liên kết với tất cả những nguồn ảnh hưởng của giáo phái, hãy dành chút thời gian đi vào rừng tìm sự yên lắng, tránh sử dụng chiếc điện thoại quái đản của bạn tám giờ một ngày. Và chúng ta cần đáp lại bằng tình thương, lòng tốt, cùng lòng trắc ẩn [đối với người cuồng giáo] vậy.”
Tiến sĩ Hassan hiện duy trì một Website nhiều thông tin hữu ích cho việc tìm hiểu làm thế nào mà một giáo phái bất chính có thể lôi cuốn người ta và làm sao để đem họ ra khỏi nơi đó, tại freedomofmind.com.
Trùng Dương
[TD2024-10]
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Diễn Đàn Thế Kỷ.