Lê Nguyễn: Giới thiệu Những thân phận “Chìm nổi ở Sài Gòn”

Sách do Tiến sĩ Haydon Cherry, người New Zealand, biên soạn, đề cập đến những mảnh đời cùng khổ trên mảnh đất thuộc địa Sài Gòn những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Người dịch tác phẩm này là cây bút Nguyễn Việt Anh, người hiệu đính là Nguyễn Quang Diệu, một biên tập viên lâu năm về mảng sách lịch sử, công ty Omega+ kết hợp cùng NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành vào cuối năm 2023.

Trong những thập niên gần đây, độc giả và giới nghiên cứu, biên soạn mảng sách lịch sử thời Nguyễn, đặc biệt là thời kỳ Pháp thuộc, đón nhận sự ra đời của những tác phẩm lịch sử được số hóa viết về thế kỷ XVIII trở về sau do nhiều cơ quan văn hóa quốc tế thực hiện, nổi bật là Tổng thư viện quốc gia Pháp với trang mạng Gallica. Từ đó, tác phẩm lịch sử của Alexandre de Rhodes, Leopold Pallu, Paulin Vial, Hocquard, Paul Doumer, Gosselin … được khai thác rầm rộ, mang lại sinh khí mới cho sinh hoạt nghiên cứu và học tập lịch sử.

Vào thời kỳ này, tham gia nghiên cứu và biên soạn sách lịch sử Việt Nam không còn là việc của chỉ riêng các giáo sĩ, các nhà nghiên cứu người Pháp như ở thế kỷ XVIII-XIX, mà nhiều giáo sư, học giả phương Đông cũng bắt tay vào công việc thú vị này, như Li Tana (Trung Hoa) với những tác phẩm nổi bật về Xứ Đàng trong, Yoshiharu Tsuboii (Nhật Bản) về mối quan hệ Việt-Pháp-Hoa, Choi Byung Wook (Hàn Quốc) về triều Minh Mạng…

Ở phương Tây, nhiều học giả sử dụng tiếng Anh cũng chuyên tâm vào việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, chẳng hạn giáo sư sử học trường Đại học California (UCLA) George Dutton biên khảo về Nhà Tây Sơn cùng nhiều đề tài khác liên quan đến Việt Nam, và gần đây là tiến sĩ người New Zealand Haydon Cherry, đang giảng dạy về lịch sử Đông Nam Á tại nhiều trường đại học ở Mỹ.

Khác với hầu hết đề tài nghiên cứu về Việt Nam thời kỳ bị Pháp đô hộ, tác phẩm của Cherry có nhan đề: “Down and Out in Saigon: Stories of the Poor in a Colonial City (Chìm nổi ở Sài Gòn: những cảnh đời bần cùng ở một thành phố thuộc địa) (Yale University Press 2019), miêu tả những cảnh đời bần cùng ở thành phố Sài Gòn vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. 

Nhân vật của Cherry không chỉ là những người bản xứ cùng khổ như cô Lương Thị Lắm, người Biên Hòa, tha phương cầu thực, cuối cùng phải bán dâm để nuôi thân, còn có một thợ đá người Hoa (Trần Dưỡng), bị chủ hầm mỏ vu cho dính líu tới Thiên Địa Hội và bị trục xuất về nước; một cô gái hai dòng máu Pháp-Á (Aimée Lahaye), cha mẹ mất sớm, lớn lên trong viện dục anh (nơi nuôi trẻ mồ côi); còn có con “ngựa người” (phu xe kéo) Nguyễn Văn Thủ, kẻ tật nguyền Trần Văn Chinh, và cả một người Pháp cũng cùng khổ không khác gì người bản xứ (Félix Colonna d’Istria).

Tất nhiên, bên cạnh những cuộc đời bất hạnh dưới nhiều hình thức đó là khung cảnh xã hội miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng với nhiều biến động có ảnh hưởng lớn đến đời sống mọi người: trận bão khủng khiếp năm Giáp Thìn (1904), cuộc nổi dậy của Phan Phát Sanh (Phan Xích Long) năm 1913, hoạt động của tổ chức Thiên Địa Hội trong khung cảnh một Sài Gòn thuộc địa… Những biến động đó tác động ít nhiều đến số phận những nhân vật của tác giả, làm “chìm nổi” những phận người trong dòng thác lũ của thời cuộc và sự mưu sinh.

Tác phẩm của Cherry không phải là những lời kể suông, mà dựa vào những tư liệu sống như biên bản làm việc của cơ quan điều tra với thân nhân một cô gái mại dâm, kết quả thẩm định đơn tố cáo về hành vi chính trị của người thợ mỏ … Khối lượng đồ sộ các ghi chú và tài liệu tham khảo của tác giả là cơ sở để người đọc tin vào những gì được ông miêu tả trên những trang viết của mình.

Từ nhiều thập niên qua, có những sự kiện khiến cho người yêu lịch sử Việt Nam không khỏi suy nghĩ. Một số trường đại học lớn ở Mỹ như Harvard, Stanford, California … đã số hóa nhiều tác phẩm của người nước ngoài viết về lịch sử Việt Nam để sinh viên của họ dễ dàng tiếp cận. Trong bối cảnh đó, ngành xuất bản Việt Nam với sự tham gia của hầu hết các công ty sách hoạt động độc lập cũng nắm bắt cơ hội, dịch thuật nhiều tác phẩm có giá trị của các cây bút cận đại và hiện đại ngoài nước, giúp giới nghiên cứu và độc giả yêu lịch sử có điều kiện tiếp cận với những kiến thức mới mẻ. 

Trong khi đó, ngành giáo dục Việt Nam vẫn loay hoay với những đề tài giáo dục lịch sử xơ cứng, đơn điệu, thể hiện trong các tài liệu giáo khoa dành cho sinh viên-học sinh trong nước. Hệ quả của tình trạng này là có một khoảng trống khá lớn giữa “kiến thức lịch sử học đường” và “kiến thức lịch sử xã hội” (đó là chưa kể đến sự mâu thuẫn giữa chúng với nhau) khiến giới học sinh-sinh viên cảm thấy hụt hẩng khi tiếp cận với những tri thức về lịch sử ngoài xã hội. 

Đó là vài suy nghĩ nho nhỏ của tác giả bài viết nhân giới thiệu bản dịch một tác phẩm có giá trị về lịch sử Sài Gòn những năm thuộc Pháp.

Lê Nguyễn

13.1.2024
* Sách dày 430 trang, giá bìa 259.000 VN$, Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) phát hành.