Nguyễn Xuân Vượng: Trung Quốc chưa muốn dừng sự xâm lược sau sự kiện Gạc Ma!

ĐỪNG QUÊN NGÀY 14-3-1988: TRUNG QUỐC TẤN CÔNG CƯỠNG CHIẾM BÃI ĐÁ GẠC MA TRÊN BIỂN ĐÔNG.

Đá chìm Gạc Ma cách đá Cô Lin 3,6 hải lý, cách đá Len Đao 6 hải lý, đều nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong đó Gạc Ma giữ vị trí trọng yếu nhất, nó đánh dấu đầu mút phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn. Trung Quốc, khi chiếm được Gạc Ma, chúng sẽ khống chế đường qua lại của ta trong việc tiếp tế, bảo vệ chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa bởi vậy chúng ra sức thực hiện dã tâm này!

Việc lựa chọn tấn công chiếm đoạt đảo đá Gạc Ma, Trung Quốc muốn xây dựng một pháo đài quân sự của chúng ở trung tâm biển Đông. Bãi đá Gạc Ma gần như nằm ở giữa Việt Nam và Philippines, ở vị trí đó Việt Nam muốn lấy lại cũng rất khó khăn vì vị trí này nằm khá xa bờ biển miền Trung Việt Nam. Thời điểm tháng 3 năm 1988 chúng ta không có tàu chiến hiện đại và không đủ sức lấy lại được Gạc Ma sau khi vị trí trọng yếu này đã mất vào tay Trung Quốc ! 

Để khống chế toàn bộ Biển Đông, với việc đánh chiếm Gạc Ma, Trung Quốc đã tạo ra một thế gọng kìm tam giác, từ Hải Nam xuống Hoàng Sa và Gạc Ma trên Biển Đông. 

Xâu chuỗi những sự kiện lịch sử về vấn đề Trung Quốc liên tục nhòm ngó đất đai và biển cả phía Nam, chúng ta thấy: Từ năm 1909, Trung Quốc dưới chế độ phong kiến nhà Thanh đã bắt đầu cử phái bộ từ Quảng Đông đi thăm dò một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khi đó còn nằm trong sự bảo hộ của chính phủ Pháp. Đây là thời điểm đánh dấu những hành động thực tế về ý đồ nhòm ngó Hoàng Sa và sau này là Trường Sa, mở đầu cho kế hoạch hòng nuốt trọn các đảo và độc chiếm Biển Đông từ các chế độ chính trị khác nhau của Trung Quốc, từ nhà Thanh đến Trung Hoa Dân Quốc và hiện tại là nhà nước Trung Hoa Cộng sản. 

Năm 1947, một viên chức Trung Hoa Dân Quốc đã trình bày đường đứt khúc 11 đoạn trong một Atlas của riêng mình để thể hiện quan điểm cá nhân khi nghe tin Thực dân Pháp cho quân đồn trú, chiếm đóng, xây dựng các cột mốc chủ quyền trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. Để thực hiện mưu đồ xâm lược lâu dài, có lợi cho mình, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch khi đó vẫn còn cai quản Trung Hoa lục địa, đã chính thức cho in bản đồ có “đường lưỡi bò 11 đoạn năm 1949. Trong bản đồ này, “đường lưỡi bò 11 đoạn” được thể hiện bao trùm xung quanh các nhóm đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông, trong đó, có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đến thời Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông 01/10/1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm về đường lưỡi bò của Tưởng Giới Thạch để lại. Tuy nhiên họ chấp nhận bỏ bớt 2 đoạn trên bản đồ, còn 9 đoạn, gọi là ” Đường lưỡi bò 9 đoạn”.

Năm 1954, Pháp thua Việt Minh ở trận Điện Biên Phủ. Hiệp định Genève tháng 7/ 1954 về Việt Nam được ký kết, Pháp buộc phải rút hết lực lượng chiếm đóng tại Việt Nam trên đất liền và trên Biển Đông, nơi được định danh là Biển Trung Hoa. 

Ở miền Bắc, trong bối cảnh Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa trải qua 9 năm kháng chiến gian khổ, được sự hỗ trợ của Trung cộng về vũ khí và vật chất nên đang phải chịu ơn họ. Thậm chí đang phụ thuộc nhiều mặt về chính trị và kinh tế vào Trung Quốc. Sai lầm chết người là ở chỗ đã nhận thức không đầy đủ về một Trung Quốc cộng sản, tin tưởng một cách “ngây thơ” về tương lai một thế giới đại đồng của chủ nghĩa cộng sản. Từ đó thường rơi vào hoàn cảnh “há miệng mắc quai” hoặc “ngậm bồ hòn khen ngọt”, để cộng sản Trung Quốc đạo diễn ký Hiệp định Đình chiến Genève thành lập 2 chính phủ ở 2 miền, chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 nhằm khống chế và kiểm soát Việt Nam trong tầm tay của mình.

Ở miền Nam, chính phủ Pháp đang kiệt lực vì vừa thua trận ở Điện Biên Phủ, phải bàn giao sự quản lý cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà của Ngô Đình Diệm, lúc đó thực lực hải quân của họ đang rất yếu. Mỹ vẫn chưa thực sự hiện diện trên biển Đông, tất cả những điều ấy đã tạo ra một khoảng trống, bố phòng sơ hở ở biển Đông vì không đủ khả năng và lực lượng.

Lợi dụng cơ hội này, năm 1956, Trung Quốc nhanh tay chiếm một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hoà quản lý theo phân cấp của Hiệp định Genève. 

Ngày 19/1/1974 khi được Mỹ bật đèn xanh, Trung Quốc lại lựa chọn thời điểm để ra tay đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện này có liên quan mật thiết đến chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Nixon năm 1972. Nếu không có cái bắt tay giữa Mao Trạch Đông và Nixon thì Trung Quốc không dám có hành động đánh chiếm Hoàng Sa khi đó do chính quyền Việt Nam cộng hòa kiểm soát. Lợi ích Mỹ – Trung thời điểm đó lớn hơn nhiều so với việc cố giữ Việt Nam Cộng hòa mà số phận đã được định đoạt từ Hiệp định Paria tháng 1-1973. Bởi vậy Mỹ đã làm ngơ sự kiện này, để Trung Quốc xuống tay với VNCH của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, lúc đó coi như đã chết lâm sàng. Vậy là, Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm hoàn toàn từ 19-1-1974, khi đó đất nước ta vẫn chưa thống nhất!

Sau khi thống nhất được hai miền sau một cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm, ta lại rơi vào cuộc xung đột vũ trang với Khơme đỏ do Trung cộng giật dây. Cuộc xung đột hao người tốn của này kéo dài hơn 10 năm mới kết thúc. Tiếp đến là cuộc xung đột biên giới Việt- Trung kéo dài từ 1979 đến 1988. Tất cả những sự kiện đó đã làm chúng ta hao tổn không nhỏ nhân lực, vật lực, kể cả uy tín quốc tế vì tiếng nói chính nghĩa của ta bị làm ngơ trên trường quốc tế do Mỹ và Trung Quốc khống chế.

Năm 1988, tình hình thế giới có nhiều biến động. Quan hệ Liên Xô- Trung Quốc xấu đi sau những va chạm dẫn tới xung đột căng thẳng. Trung Quốc ngả hẳn về phía Mỹ với chủ thuyết “Mèo trắng – Mèo đen” của Đặng Tiểu Bình. Phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô bảo trợ có dấu hiệu rạn nứt và tan dã. Đây được coi là năm đỉnh điểm khó khăn của Việt Nam khi cuộc khủng hoảng “Giá-Lương-Tiền” để lại những hậu quả ngày càng trầm trọng cho nền kinh tế còn hoang sơ. Việt Nam bị cô lập, bị Mỹ và các nước tư bản bao vây cấm vận, kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tình trạng làm không đủ ăn, lạm phát, thất nghiệp tràn lan… Liên Xô và hệ thống XHCN ở Đông Âu cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về chính trị và kinh tế. Chính Liên Xô khi đó cũng đang phải gồng mình chống chọi với sự sụp đổ có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.

Trung Quốc bởi vậy tin chắc rằng nếu họ có hành động quân sự ở Trường Sa thì Liên Xô cũng không đủ sức can thiệp. Và trên thực tế họ đã ra tay đánh chiếm bãi đá Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988 là hoàn toàn có cơ sở và được tính toán kỹ lưỡng. 

Khi đó, trang bị của hải quân ta thiếu thốn, cũ kỹ. Một bộ phận lãnh đạo chủ chốt vẫn ngả về phía Trung cộng. Người cầm súng trực tiếp chiến đấu có suy nghĩ đơn giản rằng: đảo thuộc chủ quyền của đất nước mình thì tìm cách bảo vệ và gìn giữ. Họ không được trang bị vũ khí và khí tài đủ để chiến đấu. 

Thực tế cho thấy, sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 đã bị truyền thông Việt Nam giấu nhẹm trong nhiều năm, không có bất cứ tin tức nào được truyền thông loan tin, phần lớn người dân, kể cả Đảng viên cấp cơ sở không được biết về sự kiện nghiêm trọng này! 

Đúng 30 năm sau, năm 2018, người ta mới cho xuất bản cuốn sách “Gạc Ma vòng tròn bất tử” để tưởng nhớ sự kiện đau xót trong cuộc chiến giữ vững chủ quyền, biển đảo mà ở đó, 64 cán bộ, chiến sỹ đã gục ngã trước mũi súng quân Trung Quốc xâm lược. 

Sự ra đời cuốn sách đã làm nổ ra nhiều tranh luận trái chiều, thậm chí một nhóm người công khai đòi thu hồi, cấm phát hành chỉ với một vấn đề: nổ súng trước hay nổ súng sau… Người ta cũng tránh nhắc tới việc: Vị tướng nào là người chịu trách nhiệm chính trong cuộc chống xâm lăng lần này? 

Điều nhậy cảm vì tất cả các nhân chứng ngày đó vẫn đang còn sống. Người có trách nhiệm im lặng thì cũng đồng nghĩa tất cả phải im lặng! 

Các thế hệ người Việt Nam đáng lẽ phải được biết tường tận câu chuyện lịch sử đầy máu và nước mắt này ngay sau khi nó xẩy ra! 

Việc Trung Quốc đã đánh chiếm đảo Gạc Ma, giết hại 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam phải được sử sách ghi chép công khai, công bằng và sự hy sinh của các công dân Việt Nam đó không thể bị lịch sử lãng quên! 

Chúng ta và đời đời con cháu chúng ta phải ghi nhớ rằng: Trung Quốc chưa muốn dừng sự xâm lược của chúng sau sự kiện ở đá Gạc Ma! 

Thời gian gần đây, bãi Tư Chính trên quần đảo Trường Sa đang bị hải quân Trung cộng nhòm ngó… Nếu chúng ta suy yếu, nếu chúng ta không đoàn kết thì ngay lập tức chúng sẽ xông lên cướp đoạt. 

Con Sư Tử Trung cộng không hiền lành như họ tự nhận đâu!

Hãy ghi nhớ!

—–

Nguyễn Xuân Vượng, SG.

Viết nhân ngày tưởng niệm Gạc Ma rơi vào tay Trung cộng, ngày 14 tháng 3.