Tiểu thuyết “Ván cờ ba họ” của Phạm Lưu Vũ (tt)

Lời giới thiệu: “Ván cờ ba họ” là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Phạm Lưu Vũ, sau một số tập truyện ngắn, tản văn đã xuất bản. “Ván cờ ba họ” nói về thời kỳ tranh đấu giữa ba họ vương quyền ở Đại Việt: Mạc, Trịnh và Nguyễn, kết hợp giữa hiện thực lịch sử và tưởng tượng, hư cấu, do NXB Hội Nhà Văn phát hành tháng 1/2024. 

Nhà văn Phạm Lưu Vũ hiện sống và sáng tác tại Hà Nội.

Diễn Đàn Thế Kỷ xin trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc 4 chương đầu tiên của tiểu thuyết, đăng làm hai kỳ, với lời tựa của nhà văn Kim Chinh.

***

CHƯƠNG 3

Sau sự kiện ấy, Trịnh Kiểm như biến thành người khác, không phải Trịnh Kiểm trước đây nữa, trong lòng như vỡ ra một điều gì mà không sao lý giải được. Liền nắm trong tay lá bùa ấy, quyết đi tìm người giảng nghĩa cho bằng được. Thiên hạ bao la, biết tìm người ở đâu? Mặc, hắn cứ ra đi, hướng về phía Tây, như người mộng du.

Tới chân núi Xuân Đài, thuộc dãy Hý Mã, bỗng nhớ trên núi có Hang Cóc, các cụ già thường bảo trong hang có hai đạo nhân tu ở đó, bèn tìm đường đi lên, bụng nghĩ may ra thì gặp, gặp rồi chắc các vị ấy sẽ giảng cho nghe về lá bùa… Tới cửa hang, thấy có hai con vẹt đậu hai bên, Kiểm liền dừng lại, trịnh trọng chắp tay xá mỗi con một xá. Hai con vẹt lặng thinh, chúng khởi động mấy cái rồi vỗ cánh, cất mình bay hút vào bên trong. Kiểm cũng cứ thế theo vào. Trong hang đã có người đến trước, nhưng chỉ nhìn thấy lưng, chưa nhìn thấy mặt. Có hai người mặc bộ quần áo nâu sồng, một già, một trẻ đang quỳ, trước mặt là hai lão đạo nhân, một cao một thấp, một lão mặt đỏ, một lão mặt trắng, râu tóc dài lê thê, bạc trắng như cước. Kì lạ là hai con vẹt vừa bay vào, đang đậu trên vai hai lão đạo nhân. Có lẽ chính điều đó đã không khiến hai lão đạo nhân có phản ứng gì trước sự xuất hiện của Kiểm, chỉ có hai người đang quỳ kia hơi giật mình quay đầu lại. Kiểm cũng giật mình. Té ra người cùng làng, cũng họ Trịnh. Bố con nhà Trịnh Cốc. Trịnh Cốc là bố, Trịnh Công là con, cũng trạc tuổi Trịnh Kiểm.

Nguyên Trịnh Cốc là con cụ Trịnh Cò, tức là ông nội của Trịnh Công. Ngày trước, cụ Trịnh Kiểm là Trịnh Liễu đặt mộ tổ ở cánh ruộng Nanh Lợn, thì Trịnh Cò đi móc cua ở gần đấy nên có đến xem. Đó là một đám ruộng kì lạ, cây lúa cấy ở đấy không mọc thẳng như những chỗ khác, mà cứ nghiêng ngả như người say, bao đời nay vẫn thế. Đào xuống chừng năm sáu thước, thì bắt gặp một đống nanh lợn rừng các kiểu, có cái dài gần gang tay, to bằng ngón chân cái, màu trắng ngà, rắn như kim cương, gõ vào kêu keng keng, đếm được mười lăm cái cả thảy. Cụ Trịnh Liễu bảo lợn rừng mỗi con có hai cái nanh, thì số nanh phải chẵn, thế thì còn thiếu một chiếc nữa, bèn sai thợ đào tiếp, nhưng đào mãi cũng không thấy. Bèn đặt mộ tổ xuống đấy. Đặt xong ra về, gần sáng thì động trời, mưa to gió lớn, sấm chớp giật đùng đùng…

Trịnh Cò chứng kiến chuyện đó, một đêm bí mật ra đào bới xung quanh ngôi mộ ấy, tình cờ đào được chiếc nanh thứ mười sáu. Trịnh Cò mừng lắm, liền đem hài cốt của bố ra táng đúng chỗ đó, một đám ruộng thành ra có hai ngôi mộ liền nhau. Nhà Trịnh Kiểm biết chuyện, song cũng vờ như không, cùng họ với nhau nên chả muốn tranh chấp làm gì.

Trịnh Cò trước khi mất, dặn con là Trịnh Cốc, rằng sau này có con trai thì phải cho nó theo đuổi binh nghiệp để tranh lấy công hầu, khanh tướng… Oái oăm thay, Trịnh Cốc lại đẻ rặt con gái, cố mãi đến đứa thứ tám mới được thằng con trai, đặt tên là Trịnh Công.

Đó là lý do Trịnh Cốc đưa thằng con Trịnh Công lên Hang Cóc để bái nhị vị đạo nhân làm sư phụ. Để theo học những môn gì? 

Những môn mà phàm con người ta sống ở đời, thảy đều ao ước.

Đạo nhân mặt đỏ người cao lớn giỏi nghiệp võ bị, tinh thông đủ mười tám ban binh khí, có thể dùng trí lực để giãn nước, rút đất hoặc dời núi, xóa đèo… mà không cần phải động đến chân tay. Đặc biệt có một trận pháp tuyệt kĩ gọi là “Hổ quan sư luyện”, điều khiển hàng vạn binh như điều khiển một cơ thể, biến vạn người thành một cỗ máy khổng lồ, mạnh không thể tả, đánh đâu được đấy… nên có hiệu là Quan Sư phu tử.

Đạo nhân mặt trắng người nhỏ nhắn, giỏi văn chương, tinh thông mọi yếu chỉ của tam đại, lục thư… Luyện thành tựu một môn gọi là “Phong quán thế trí”, học cách kiến giác của loài ong, từ trong một tổ, bay rộng ra đến đâu, thì kiến giác (cái nghe, cái thấy…) của cả tổ ong trùm ra tới đó. Phép “Phong quán thế trí” ngồi một chỗ, có thể thấy rõ từng cử động của một người ở cách xa trăm dặm… nên có hiệu là Phong Quán đạo nhân.

Khi Trịnh Kiểm bước vào trong hang, thì hai vị đã nhận lời thu nạp Trịnh Công làm học trò. Còn Trịnh Kiểm đến sau thì sao? 

Khác với Trịnh Công phải tìm đến hai vị để cầu đạo, Trịnh Kiểm chính là người mà hai vị đang chờ đợi. 

Sao lại có chuyện kì lạ như thế? Nguyên hai vị đã được sư Tổ là Thái Sơn Chân nhân báo cho biết từ trước. Báo như thế nào, và tại sao phải báo thì điều này không thể biết được. Thái Sơn Chân nhân là Thượng tiên của cả cõi Nam đế cư này, hai vị đạo nhân ở Hang Cóc nằm trong số hằng sa thuộc hạ của Ngài. Nom thấy Trịnh Kiểm nắm khư khư lá bùa trong tay, Phong Quán đạo nhân cười khà khà, bảo đưa cho ta xem. Kiểm xòe bàn tay đưa ra, đạo nhân cầm lấy, xem xong đưa cho Quan Sư phu tử. Phu tử đọc xong cũng cười mà bảo:

– Đây chỉ là trò phù thủy vặt vãnh, chuyên yểm bùa để làm hại chân mệnh của thế gian, hay trấn yểm long mạch, hủy diệt phong thủy của bọn người phương Bắc ấy mà.

Nghe phu tử nói chỉ là trò phù thủy vặt vãnh, thì chắc phu tử đã thấu tỏ ý nghĩa của lá bùa. Trịnh Kiểm mừng thầm, đang định cất tiếng hỏi thì Phong Quán đạo nhân liền giảng:

– Bọn phù thủy phương Bắc hay dùng lối chiết tự. “Khuyển vương” nghĩa là vua chó, ghép chữ “khuyển” với chữ “vương” lại thì thành chữ “cuồng”. “Hoàng ngưu” là con bò, “hoàng ngưu khuyển vương” nghĩa là con bò điên. Vua chó cũng ví như bò điên, chữ Nho nó thâm sâu và cay đắng thế đấy.

Trịnh Kiểm hồi còn nhỏ cũng đã được ông nội dạy cho một ít chữ Nho, nên vừa nghe đến đây, liền hốt nhiên hiểu ra. Thế còn câu thứ hai? Lại thấy đạo nhân trỏ tay vào Trịnh Kiểm mà giảng tiếp:

– Chữ “thổ” ghép với chữ “hàm” thì thành chữ “Kiểm”, chính là tên của ngươi đấy. “Thổ hàm tận mạng” nghĩa là thằng Kiểm phải mất mạng ở đúng chỗ ấy. Hừm! gã họ Thích ngày trước quả là thâm độc. Lá bùa nó yểm từ lúc ngươi còn chưa ra đời, mà đã biết trước danh tính của ngươi, thì hắn cũng chẳng phải tay vừa đâu…

Trịnh Kiểm nghe đạo nhân giảng mà rùng mình, toát hết cả mồ hôi. Lại nghe Quan Sư phu tử nói:

– May mà mạng của ngươi không nằm trong tay bọn phàm phu như gã phù thủy ấy, cho nên hôm ấy ngươi mới không bị chết bởi con bò điên…

Sư gia Trịnh Xuân Ba ngồi nghe Trịnh Tưởng kể đến đây cũng phải rùng mình, vỗ đùi thốt lên một câu:

– Té ra lá bùa ấy dùng lối chiết tự, đơn giản thế mà không nghĩ ra.

Thốt xong câu ấy, Xuân Ba dừng lại chút để ngẫm nghĩ, rồi gật gù buông ra lời bình luận:

– Gã họ Thích người phương Bắc ngày trước, chẳng lẽ chỉ vì bị cụ Trịnh Lan đuổi khéo ra khỏi nhà, không chỉ cho hắn biết chỗ mộ Tổ, mà hắn thù hằn đến mức phải yểm bùa để hại đến tận đời thứ ba hay sao?

Cụ Trịnh Tưởng cũng nói:

– Tôi cũng nghĩ về chuyện ấy đã lâu. Việc này có khi liên quan đến khí số của cả cõi Nam thiên đế cư này. Có lẽ họ Trịnh sẽ đóng một vai trò gì đó chăng? cho nên hắn mới phải lặn lội sang tận đây, dùng độc kế để triệt. Bọn người phương Bắc xưa nay vẫn như vậy mà?

Trịnh Xuân Ba nghe nói rất đồng tình. Liền hỏi:

– Câu chuyện tiếp theo thì thế nào? Trịnh Kiểm còn kể gì cho cụ nghe nữa hay không?

Trịnh Tưởng trả lời:

– Còn nữa ông ạ.

CHƯƠNG 4

Trịnh Kiểm ở lại Hang Cóc, cùng với Trịnh Công làm học trò của hai vị đạo nhân. Cả hai đều rất chăm chỉ, nhưng dường như âm đức không đồng nên sở học cũng có chỗ khác. Trịnh Công rất chăm chỉ luyện các môn của Quan Sư phu tử, còn Trịnh Kiểm lại thiên về kiến thức của Phong Quán đạo nhân. Được vài năm, một hôm Trịnh Công về thăm cha, bấy giờ vua Trang tông mới được quan An Thanh hầu (Nguyễn Kim) lập ở Ai Lao, cha là Trịnh Cốc ở nhà nghe ngóng, biết vua Trang tông đang phủ dụ dân chúng, hướng về họ Lê để chống lại họ Mạc. Thấy đây là cơ hội lập công danh của trai thời loạn, Trịnh Cốc nghĩ con mình được học các bậc chân nhân đã mấy năm, chắc phải có chỗ hơn người, liền đem việc ấy nói ra, cha con bàn nhau suốt đêm. Sáng ra thì cả hai đã quyết, Trịnh Công sẽ xin các sư phụ xuống núi, tìm đường sang Ai Lao để phò tá vua Trang tông.

Tờ mờ sáng, Trịnh Cốc trở dậy, sửa một mâm lễ để cúng, hai cha con đứng cúi đầu trước bàn thờ, lầm rầm khấn vong linh cụ Trịnh Cò và ông bà ông vải, thỉnh các cụ về chứng kiến và phù hộ cho Trịnh Công. Cúng xong, Trịnh Cốc lấy ra một chiếc hộp gỗ, đem soi bên ngọn đèn rồi mở ra. Không biết do run tay hay hậu đậu thế nào, mà gạt đổ chiếc đèn, khiến dầu trong đèn đổ ra ngoài, một ngọn lửa bùng lên. Trịnh Cốc luống cuống đánh rơi chiếc hộp vào đúng giữa ngọn lửa. Chiếc hộp bật nắp, bên trong có miếng vải nhung màu đỏ bọc một vật gì. Trịnh Công đứng bên cạnh, sau phút bất ngờ liền nhanh tay nhặt ra, miếng vải nhung cũng đã bén lửa, khiến cái vật bọc ở bên trong đã nóng rẫy. Cầm lên xem, đó là một chiếc nanh lợn. Thì ra ngày trước, cụ Trịnh Cò đã mang chiếc nanh đào được ở đám ruộng Nanh Lợn ấy về cất ở nhà. Trịnh Cốc nâng chiếc nanh bằng cả hai tay, cẩn thận trao cho Trịnh Công, dặn đeo vào trong người, đó là bảo vật hộ thân, lúc xông pha trận mạc sẽ tránh được hòn tên mũi đạn. Trịnh Công cúi đầu vâng dạ, liền lấy một miếng vải khác, bọc chiếc nanh lại rồi nhét vào túi áo.

Từ biệt cha trở vào Hang Cóc, Trịnh Công chần chừ mãi, mới rụt rè thưa chuyện với các sư phụ về chuyện xuống núi. Không ngờ Quan Sư phu tử tỏ ra rất ủng hộ, nói ngay:

– Được lắm, được lắm. Trai thời loạn thì phải như thế. Ngươi dẫu chưa học được nửa pháp của ta, song cũng đủ địch lại muôn người…

Phong Quán đạo nhân ngồi chăm chú lắng nghe, đến đây liền cất tiếng:

– Một khi trong bụng ngươi đã khởi cái tâm muốn lập công danh, thì dẫu muốn tiếp tục cầu pháp cũng không được nữa. Chuyến này ngươi xuống núi, ta phải xem lành dữ thế nào mới được. Cái gì ở trong túi ngươi thế kia?

Trịnh Công giật nảy mình, biết không thể dấu được sư phụ, bèn thò tay vào trong túi, đưa chiếc nanh lợn ra. Phong Quán đạo nhân cầm chiếc nanh xem xét một lát rồi nói:

– Sáng nay, cha ngươi đã làm đổ chiếc đèn dầu, khiến chiếc nanh này bị rơi vào giữa ngọn lửa có phải không?

Trịnh Công lại giật mình lần nữa. Quả không hổ là một bậc “phong quán thế trí”, không cử động nào qua nổi mắt Ngài, dẫu ở cách xa trăm dặm, chỉ còn biết gật đầu vâng dạ như cái máy. Phong Quán đạo nhân cầm chiếc nanh giơ lên rồi nói tiếp:

– Đây là cái nanh bên phải của con lợn. Nó vừa hơ qua lửa, đã bị cong sang bên trái, tức là chuyến này ngươi sẽ gặp đường chính. Nhưng nếu không biết giữ mình, thì sẽ lạc sang đường tà. Lạc sang đường tà tất sẽ gặp nạn, thế gọi là tiền cát hậu hung.

Quan Sư phu tử nghe xong liền nói:

– Vậy ta phải sửa lại tên cho ngươi, để ngươi ghi nhớ mới được.

Trịnh Công liền quỳ xuống, cúi đầu xin phu tử sửa tên. Quan Sư phu tử nói:

– Thêm cho ngươi một chữ nữa. Đó là chữ “Năng”. Từ nay tên của ngươi là Trịnh Công Năng.

Trịnh Công Năng lạy ba lạy, tạ ơn hai sư phụ rồi khoác tay nải, một mình rời khỏi Hang Cóc, Trịnh Kiểm tiễn ra ngoài cửa động, hai người cầm tay nhau, hẹn ngày tái ngộ, trên con đường công danh.

Trịnh Kiểm ở lại, tiếp tục luyện pháp và dùi mài kinh sử. Cho đến một hôm, bỗng dưng vô cớ mà tâm thần bấn loạn, không sao để chí vào việc tu luyện được. Phong Quán đạo nhân nhận ra điều đó, bèn ngửa bàn tay ra, bấm bấm một lát rồi bảo:

– Mẹ ngươi sắp gặp nạn ở nhà. Ngươi phải về ngay bây giờ…

Vốn là đứa con chí hiếu, Kiểm nghe nói thế liền hoảng sợ cuống quýt, muốn lập tức co giò chạy về ngay. Nhưng Phong Quán đạo nhân giữ tay lại mà bảo:

– Ta xem chuyến này, ngươi xuống núi sẽ không bao giờ quay trở lại nữa, vậy hãy vào thu xếp hành lý mà mang theo.

Trong bụng Trịnh Kiểm cố nhiên không nghĩ như thế. Nhưng sự sốt ruột về việc của mẹ đã lấn át tất cả, không kịp suy nghĩ gì nữa, chỉ biết hành động như cái máy, liền quay đầu trở vào trong động để lấy hành lý. Vào đến bên trong, mới nghĩ ra rằng không nhẽ lại không quay trở lại. Mình phải trở lại đây để tiếp tục học đạo mới được, bèn quay ra.

Thấy Kiểm trở ra tay không, biết suy nghĩ của Kiểm, Phong Quán đạo nhân lại giục phải quay trở vào lấy hành lý…

Vào rồi lại nghĩ không nỡ xa các sư phụ, lại quay trở ra. Cứ thế cho đến lần thứ ba. Khiến Phong Quán đạo nhân phải gắt lên:

– Ngươi dẫu có lưu luyến chốn này, thì cũng không được nữa rồi. Đây là mệnh trời, thì chút tình nhỏ mọn ấy có đáng kể gì?

Trịnh Kiểm không ngờ cuộc xuống núi của mình lại nghiêm trọng đến mức như thế. Nhất thời không hiểu nổi tại sao. Đành phải tuân lời sư phụ, vào thu xếp quần áo cho vào một cái tay nải, khoác lên vai rồi quay trở ra. Phong Quán đạo nhân vẫn kiên nhẫn ngồi chờ, liền căn dặn:

– Ngươi xuống núi chuyến này sẽ gặp phải đường tà, nhưng rồi sẽ quay lại đường chính. Sau này đừng cưỡng lại mệnh trời, thì sẽ được lâu dài. Thế gọi là tiền hung hậu cát đấy.

Kiểm cúi đầu vâng dạ rồi quỳ xuống, lạy chào từ biệt hai sư phụ. Quan Sư phu tử nãy giờ vẫn ngồi yên, bấy giờ mới lên tiếng:

– Việc của mẹ ngươi cấp bách lắm rồi. Từ đây về nhà ngươi cũng mất gần nửa ngày đường thì không kịp. Để ta thi hành chút thuật nhỏ mọn này, giúp ngươi về cho nhanh.

Nói xong, ngài thong thả đứng dậy, nhặt một viên cuội màu nâu rồi bước ra giữa động, cúi xuống khoanh một vòng tròn ở dưới nền. Vòng tròn được vẽ xong, hai con vẹt đang ở đâu lập tức bay ra, đậu ở hai bên. Quan Sư phu tử bảo Trịnh Kiểm đứng vào giữa rồi nhắm mắt lại.

Kiểm nghe lời, liền bước vào đứng trong vòng tròn. Nhắm mắt lại, chỉ thấy hơi rùng mình một cái, sự im lặng tuyệt đối kéo dài trong khoảnh khắc, rồi bên tai có tiếng vỗ cánh. Mở mắt ra, đã thấy mình đứng ở giữa sân nhà, ngẩng đầu lên thấy đôi vẹt đã bay vút lên trời, chỉ còn hai chấm nhỏ. Cúi xuống nhìn, trên nền gạch vẫn còn vòng tròn màu nâu, y như vòng tròn mà Quan Sư phu tử vẽ trong nền động.

Thuật rút đất của Quan Sư phu tử quả thật nhiệm màu. Trong nháy mắt đã đưa Trịnh Kiểm về đến nhà. Bên trong căn nhà tranh, có tiếng người mẹ kêu cứu. Trịnh Kiểm không kịp suy nghĩ gì nữa, lập tức chạy ào vào, như một cơn lốc…

Nguyên trước đó, tướng nhà Mạc là Ninh Bang hầu Nguyễn Bính Đức được lệnh đem quân vào Vĩnh Ninh để chặn đường về nước của vua Trang tông. Ninh Bang hầu vốn cũng là người làng Biện Thượng, sai một tốp lính về làng để dâng lễ lên nhà thờ tổ. Lẫn trong tốp lính có hai tên du thủ du thực, nhân cơ hội tách ra, mò mẫm quanh làng kiếm cái gì để ăn trộm. Ngang qua nhà Trịnh Kiểm, chúng phát hiện bà mẹ góa nom vẫn còn xuân sắc, liền nháy nhau xông vào, ban đầu giả vờ làm quen, sau giở trò đồi bại…

Kiểm đẩy tung cánh cửa buồng, xông vào tóm gáy tên đang đè lên người mẹ mà giật mạnh một cái. Thằng du côn như một con nhái bén, bị ném ngược lại phía sau, va vào đúng cánh cửa đang mở, như ném vào một lưỡi đao, thiếu nước bị xả làm hai mảnh. Sức khỏe của Trịnh Kiểm quả thực kinh hồn. Chỉ nghe “bốp” một tiếng, tên giặc vỡ sọ, rũ ngay xuống, chết không kịp ngáp. Tên kia hoảng hồn, đờ ra mấy giây rồi nhanh chân tẩu thoát.

Trịnh Kiểm chưa kịp hàn huyên với mẹ, thì toán lính của Ninh Bang hầu đã kéo đến, vây kín xung quanh nhà. Mẹ con Trịnh Kiểm bị bắt, giải thẳng về Vĩnh Ninh giam lại, chờ quan Ninh Bang hầu xử tội.

Bấy giờ trong quân Ninh Bang hầu có Đỗ Tấn người Kinh Bắc, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi, theo Ninh Bang hầu làm chức Thiêm sự. Đỗ Tấn là người thận trọng, thấy Trịnh Kiểm có tướng mạo đường đường, thì không thể vô cớ mà gây sự đánh chết người. Bèn đích thân lấy khẩu cung và dò hỏi cho rõ duyên cớ. Biết rõ mọi cơ sự rồi, Đỗ Tấn liền vào tường thuật lại cho Ninh Bang hầu biết rồi nói:

– Kẻ kia dẫu phạm tội giết người, thì cũng do lỗi của quân ta làm bậy. Huống hồ ta là quân của triều đình, thì phải khác với lũ giặc. Ta nên trừng trị tên còn lại, và tha bổng cho mẹ con kẻ kia, để nêu rõ sự nhân nghĩa và minh bạch của quân ta. Có thế mới mong xóa lòng trông ngóng họ Lê của dân chúng được.

Ninh Bang hầu vốn cũng dòng khoa bảng, nhưng thi đỗ ở triều trước, trong khi Đỗ Tấn sinh ra trong một nhà tiến sĩ, cùng anh ruột là Đỗ Tống đều thi đỗ ở triều này, Đỗ Tống lại đang làm quan Tả thị lang bộ Hình ở trong triều, là trọng thần của nhà Mạc, nên Ninh Bang hầu cũng phải e nể. Nay Đỗ Tấn đã dùng tư cách quan Thiêm sự mà bàn như thế, thì không nghe cũng phiền phức lắm, liền gật đầu, ra lệnh tống giam tên đồng bọn, gọi người nhà hắn lên, phạt vạ 50 quan tiền rồi đuổi ra khỏi quân ngũ. Đỗ Tấn bằng lòng lắm, liền chắp tay vái, đồng thời ca ngợi việc làm của Ninh Bang hầu, nhân đấy nói thêm:

– Tôi xem Trịnh Kiểm là người có sức khỏe, lại có tướng mạo đàng hoàng khảng khái, không phải người tầm thường. Nay ta đang chiêu tập binh mã, thu phục nhân tâm để dẹp yên thiên hạ. Âu là tiện thể cho Trịnh Kiểm sung quân luôn, biết đâu sau này sẽ có chỗ hữu dụng?

Ninh Bang hầu nghe lời, liền cho gọi Trịnh Kiểm tới, hỏi han mấy câu rồi truyền tuyển vào đội sư bị, tạm cho làm chân coi ngựa, còn bà mẹ thì sai người đưa về quê tử tế.

Ở trại chăn ngựa, Trịnh Kiểm kết thân với một người họ Vũ, tên Thì An, gốc Chiêm Thành, ông tổ sáu đời bị bắt từ Chiêm Thành ra Thăng long từ đời vua Hồng Đức, đến đời con làm con nuôi một nhà họ Vũ. Vũ Thì An giỏi nuôi ngựa và biết thuật xem ngựa, một hôm trỏ con ngựa gày gò, đầu to đít bé trong đàn bảo Trịnh Kiểm:

– Cậu thấy con ngựa kia thế nào?

Kiểm trả lời:

– Con ngựa ấy chắc tầm thường, nó chỉ mang cái đầu cũng đã nặng rồi.

Vũ Thì An cười, bảo:

– Cậu nhầm rồi. Đó là con ngựa quý. Nó có tướng “mã âm tàng” đấy.

Trịnh Kiểm hỏi.

– Mã âm tàng là tướng gì?

Vũ Thì An trả lời:

– Là tướng tàng ẩn, không lộ ra bên ngoài. Người cưỡi con ngựa này, một khi đã xuống ngựa rồi, thì bóng người vẫn còn lưu lại trên lưng nó, phải hàng canh giờ sau mới tan hết, vì thế gọi là mã âm tàng.

Kiểm tròn mắt ngạc nhiên. Trên đời lại có giống ngựa kì lạ đến thế kia ư? Lại hỏi:

– Sao cậu biết nó có cái quý tướng ấy?

Vũ Thì An giảng tiếp:

– Phàm ngựa đực, bình thường chỉ có 44 cái răng cả thảy. Con này tôi đếm có 46 cái, thừa ra hai cái răng nanh. Phải tìm trong vạn con may ra mới có một con như thế. Hai chiếc răng thừa ra gọi là “xỉ ấn”.

– Xỉ ấn thì làm sao? – Kiểm sốt ruột hỏi.

– Là cái răng ấy ví như chiếc ấn của bậc vương giả – Vũ Thì An trả lời – Sách Mã kinh có câu: “Như vương xỉ ấn / phi dư nhân vật”. Một chiếc răng thừa ra trong hàm con ngựa, cũng ví như vua là người thừa ra trong thiên hạ vậy, gọi là “dư nhất nhân” đấy.

Thì ra Vũ Thì An cũng là người khá thông thạo chữ nghĩa. Trịnh Kiểm nghe giảng đến câu ấy thì hâm mộ lắm, càng kết bạn chí cốt với Vũ Thì An. Đến khi cảm thấy có thể tin bạn được, Kiểm mới dám ngỏ lời, nói ra ý định muốn bỏ chỗ này, tìm đường sang Ai Lao gặp quan An Thanh hầu Nguyễn Kim để phò tá vua Trang tông. Vũ Thì An là người có tâm cơ, biết đức của họ Lê vẫn còn, thì cơ hội Trung hưng của vua Trang tông là rất có thể, liền ủng hộ bạn ngay. Trịnh Kiểm mừng lắm, lại ngỏ ý muốn ăn trộm con ngựa mã âm tàng ấy để chạy trốn. Không ngờ Vũ Thì An không những đồng tình, mà còn bảo:

– Thì chính tôi cũng định bảo cậu, nên dùng con ngựa ấy để chạy trốn, thì may ra mới thoát được.

Trịnh Kiểm tỏ ra băn khoăn:

– Nhưng tôi e rằng sẽ liên lụy đến cậu?

Vũ Thì An ngẫm nghĩ một lát rồi bàn:

– Để mai tôi giả vờ ốm, vào xin quan Thiêm sự cho nghỉ ít hôm. Khi đó cậu sẽ trốn?

Kiểm bằng lòng. Vũ Thì An lại móc trong người ra một mảnh sừng to gần bằng bàn tay, có khắc chữ và những hình vẽ loằng ngoằng… đưa cho Trịnh Kiểm và nói:

– Vật này gọi là “Hồi mã phù”. Cậu cho con ngựa nó ngửi rồi đeo vào trong người. Gặp lúc khốn cùng, cứ việc bỏ ngựa đấy mà chạy, thì sau đấy nó cũng tự tìm được về với mình.

Trịnh Kiểm cảm động lắm, hết lời cám ơn người bạn chí cốt. Hôm sau Vũ Thì An vào gặp quan Thiêm sự để cáo ốm. Đỗ Tấn quả nhiên không nghi ngờ gì, liền sai ngay người khác ra tạm thay thế.

Phạm Lưu Vũ 

*Tiểu thuyết “Ván cờ ba họ” của Phạm Lưu Vũ