Lam Nguyên: Vài nét tâm sự của thi hào Nguyễn Du qua thơ chữ Hán

Tượng đài hư cấu về dung nhan quan đại thần Nguyễn Du.

Nhắc đến thi hào Nguyễn Du người ta đều nói đến kiệt tác Đoạn Trường Tân Thanh tức Truyện Kiều, chứ ít ai chú ý đến thơ chữ Hán (Việt Nho), ngoại trừ các nhà nghiên cứu văn học! Cụ Nguyễn có mấy tập thơ chữ Hán như sau: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc Hành tạp lục. Mà hôm nay chúng tôi không có đủ thời gian để trình bày đầy đủ nên chỉ điểm qua một số bài thôi. Mà tiêu biểu là Thanh Hiên thi tập – ngoài triết lý Nho giáo – còn có một số bài mang triết lý Phật giáo và Lão Trang! Bài này chúng tôi xin trích một số tài liệu của các bậc tiền bối, đây là thuật nhi bất tác, mong quý vị hiểu cho!

Đây là tập thơ thi hào Nguyễn Du đã sáng tác vào những năm gian nan nhất trong cuộc đời của Cụ! Thanh Hiên thi tập đã cho độc giả thấy cơn dâu bể của thời đại lúc bấy giờ! Thời đại đen tối, mọi ước mơ hy vọng, không còn điểm tựa của tinh thần. Nguyễn Du đã phải đau đớn bàng hoàng vì những biến cố khắc nghiệt của lịch sử. Thi hào phải đối diện những bi kịch cá nhân, gia đình và xã hội: Gia đình tan nát, anh em chia lìa, và bản thân của tác giả mờ mịt, tối tăm ở tương lai! Những đổ vỡ liên tiếp đã đưa Nguyễn Du phải trải bày tâm sự đau thương đó trong tác phẩm chữ Hán (Việt Nho hay Viêt Hán).  Hình ảnh đấy đã hiện lên các bài thơ như sau:

Quỳnh Hải Nguyên Tiêu  

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,
Y y bất cải cựu thuyền quyên.
Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
Hồnh Lĩnh vô gia huynh đệ tán,
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên.
Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,
Hải giác thiên nhai tam thập niên.

Nguyễn Du

瓊海元宵

元夜空庭月滿天,
依依不改舊嬋娟.
一天春興誰家落,
萭里瓊州此夜圎.
鴻嶺無家兄弟㪚,
白頭多恨歲時遷.
窮途憐汝遙相見,a
海角天涯三十年.

阮 攸

Quách Tấn dịch thơ:

Đêm Rằm Tháng Giêng Nơi Quỳnh Hải

Rằm tháng giêng trăng vàng lai láng

Nghìn xưa không đổi dạng thuyền quyên

Quỳnh Châu muôn dặm đoàn viên

Một trời xuân hứng xuân riêng nhà nào?

Cảnh Hồng Lĩnh xiết bao ly tán!

Bạc mái sầu ngày tháng đổi thay

Đường cùng mừng thấy nhau đây

Phương trời lận đận tuổi đầy ba mươi.

Quách Tấn

Và Cụ Đào Duy Anh dịch:

Nguyên tiêu sân vắng nguyệt đầy trời,

Vẫn thế Hằng Nga sắc chẳng phai.

Muôn dặm Quỳnh Châu tròn bóng ngọc,

Một bầu xuân tứ rớt nhà ai?

Anh em tan tác nhà không có,

Ngày tháng xoay vần tóc bạc rồi.

Thương nỗi đường cùng xa thấy bạn,

Ba mươi năm góc bể chân trời.

Đào Duy Anh

Đây là những nỗi đau riêng của một tâm hồn Nguyễn Du, một tâm hồn lớn, và nỗi đau chung thời đại của thi hào Nguyễn Du. Người nghệ sĩ mang trái tim đau không chỉ riêng cho số phận mình mà còn cho quê hương, đất nước! Trong những bài thơ chữ Hán về Tự Thán, người đọc thấy và nghe cả tiếng nói sâu thắm trong đau thương chồng chất! Thi hào Tố Như tức Nguyễn Du gởi cả tâm sự như sau: Sanh ra chưa làm nên danh phận gì mà thân đã suy yếu, Gió chiều thổi tóc bạc phơ phơ. Chân hạc vốn dài thì làm sao cắt ngắn được, Mệnh trời nhẹ như lông hồng mà không tự biết. Trời đã phú cho người cái cốt cách gian truân, Xuân thu đem về cho mấy bộ râu già cỗi. Trước trận gió thổi mạnh làm cho ngọn cỏ bồng lìa gốc, không biết sẽ trôi nổi về xứ nào? Và sau đây là bài thơ:

Tự Thán    1

Sinh vị thành danh thân dĩ suy,
Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy.
Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn,
Mệnh đẳng hồng mao bất tự tri.
Thiên địa dữ nhân truân cốt tướng,
Xuân thu hoàn nhữ lão tu mi.
Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp,
Tất cánh phiêu linh hà xứ quy?

Nguyễn Du        

自 嘆 1

生未成名身已衰,
蕭蕭白髪暮風吹.
性成鶴脛何容斷,
命等鴻毛不自知.
天地與人屯骨相,
春秋還 汝老鬚眉.
斷蓬一片西風急,
畢竟飄零何處歸?

阮 攸

Và bài:

Tự Thán  2                  

Tam thập hành canh lục xích thân,
Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân.
Bản vô văn tự năng tăng mệnh,
Hà sự càn khôn thác đố nhân.
Thư kiếm vô thành sinh kế xúc,
Xuân thu đại tự bạch đầu tân.
Hà năng lạc phát quy lâm khứ,
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân.

Nguyễn Du

自 嘆 2

三十行庚 六尺身,
聰明穿鑿損天眞.
本無文字能憎命,
何事乾坤錯妒人.
書劍無成生計促,
春秋代序白頭新.
何能落髪歸林去,
臥聽松風響半雲.

阮 攸

Quách Tấn dịch thơ:

Tự Thán 1

Danh chửa thành thân đã xác xơ,

Ngọn gió chiều tóc bạc phất phơ.

Lẽ nào chân hạc đem cưa, 

Mệnh kia ai biết lửng lơ lòng hồng.

Bước gian truân nằm trong cốt tướng,

Kiếp râu mày vất vưởng xuân thu.

Lạnh lùng trận bấc thổi mau,

Một phen lìa gốc về đâu cỏ bồng?

Tự Thán 2

Tuổi ba mươi dồn thân sáu thước,

Trí thông minh xuyên tạc tính trời.

Văn chương vốn chẳng ghét đời,

Cao dày sao nỡ cùng người đánh ghen?

Nghèo bỡi vụng múa men thư kiếm,

Xuân rồi thu lần điểm mái sương.

Muốn vào rừng thẳm náu nương,

Nằm nghe tiếng gió thùy dương nửa lừng.

Quách Tấn

Đến khi ta đọc bài thơ Sơn Cư Mạn Hứng, ta nghe thi hào Nguyễn Du tâm sự là Cách Trường An hơn ngàn dặm về phía Nam, Người thôn dã nương náu trong dãy núi sâu. Ngày yên lặng, mây núi che kín cửa sài, Mùa xuân lạnh, hàng trúc quanh vườn thuốc nơi thung lũng trông thưa thớt. Một mảnh lòng nhớ quê thẫn thờ dưới ánh trăng, Dòng lệ biệt ly đã lâu ngày khơi trào theo tiếng nhạn đầu mùa. Em trai em gái nơi quê nhà thì tin tức bị đứt hẳn, Không có một tờ thư cho biết có được bình an hay không? Và sau đây là nguyên bản Hán Tự:

Sơn Cư Mạn Hứng

Nam khứ Trường An thiên lý dư,
Quần phong thâm xứ dã nhân cư.
Sài môn trú tĩnh sơn vân bế,
Dược phố xuân hàn lũng trúc sơ.
Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ,
Kinh niên biệt lệ nhạn thanh sơ.
Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
Bất kiến bình an nhất chỉ thư.

Nguyễn Du

山居漫興

南去長安千里餘,
群峰深處野人居.
柴門晝靜山雲閉,
藥圃春寒隴竹疏.
一片郷心蟾影下,
經年別淚雁聲初.
故鄉弟妹音耗絶,
不見平安一紙書.

阮 攸

Quách Tấn dịch:

Ngoảnh lại trời Nam khuất Đế thành,

Trập trùng núi thẳm túp lều tranh.

Cửa sài vắng vẻ mây giăng trắng,

Vườn thuốc đìu hiu trúc rũ xanh.

Trăng dõi niềm quê ngơ ngẩn bóng,

Nhạn khơi lệ biệt sụt sùi canh.

Em xa nhà cách bao năm tháng,

Không một hàng thư gửi gấm tình.

Quách Tấn

Thi hào Tố Như đã dụng công gửi lại tâm sư của mình cho hậu sanh! Ông đã tự bộc bạch nỗi lòng của mình qua bài thơ chữ Hán “Vịnh Khuất Nguyên”:

Kim cổ thùy nhân lân độc tỉnh,

Tứ phương hà xứ thác cô trung.

(Người xưa ai kẻ thương người tỉnh một mình, Bốn phương nơi đâu gửi được tấm lòng trung).  Ai cũng biết chỗ dụng tâm của thi hào Nguyễn Du ở Truyện Kiều thì nay ta thử tìm tâm sự của tiên sinh qua thơ chữ Hán khi ông gửi cho bạn lúc Cần Vương thất thủ:

Mạc mạc trần ai mãn thái không,

Bế môn cao trẫm ngoại kỳ trung.

Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại,

Bách lý Hồng Sơn chính khí đồng.

Nhãn để phù vân khan thế sự,

Yên giang trường kiếm quải thu phong.

Vô ngôn độc đối đình tiền trúc,

Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long.

Nghĩa:

Mờ mịt trần ai ngập cả trời,

Cửa cài đầu tựa khểnh nằm chơi.

Ngày trông trăng sáng tình còn đấy.

Hồng Lĩnh dặm khơi chính khí cùng.

Mắt xem việc đời như phù vân,

Kiếm dài đeo lưng trước thu phong.

Làm thinh lặng ngắm trúc trước sân

Sương tuyết tiêu đi hợp hóa rồng.

Hoặc gửi ý thương xót, thông cảm người anh hùng mạt vận qua bài thơ Vịnh Hạng Võ:

Cập thức bại vong phi chiến tội,

Không lao trí lực dữ phân tranh.

Cổ kim vô ná anh hùng lệ,

Phong vũ không văn sất sá thanh.

Nghĩa là:

Mới biết bại vong không phải tội chiến tranh, 

Uổng công đem trí lực đối với trời.

Xưa nay anh hùng bao xiết lệ,

Mưa gió luống nghe tiếng rì rào.

Những bậc Tiền-bối ta ngày xưa thường dạy con cháu câu: “Thương người như thể thương thân!”. Thi hào Nguyễn Du cũng có tấm lòng ấy nên khi nhìn hình ảnh bốn Mẹ con ăn xin mà Cụ đã sáng tác bài thơ “ Sở Kiến Thành” như sau:

Hữu phụ hề tam nhi

Tương tương tọa đạo bàng

Tiễn giả tại hoài trung

Đại giả tri trúc khuông. .

…………………………….

……………………………..

Và sau đây diễn Quốc-âm:

Một Mẹ cùng ba con

Lê la bên đường nọ

Đứa bé ôm trong lòng

Đứa lớn tay mang giỏ.

Trong giỏ đựng những gì?

Mớ rau lẫn tấm cám

Nửa ngày bụng vẫn không

Quần áo vẻ co rúm

Gặp người chẳng dám nhìn

Lệ sa vạt áo ướt

Mấy con vẫn cười đùa

Biết đâu lòng Mẹ xót!

………………………………

Nhìn vào thơ chữ Hán trên đây, chúng ta thấy rõ tâm hồn Nguyễn Du một bầu tình cảm dạt dào, lai láng. Tình của Cụ có mục đích rõ ràng, đối tượng hiển nhiên. Những xúc động đó đã tạo thành thi hào Nguyễn Du có giọng văn cảm hóa não nùng!

Theo Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục thì chính sự đau buồn đã tạo cho Nguyễn Du nhiều cảm hứng để sáng tác: “Nỗi đau buồn ấy, Nguyễn Du cũng đã làm nguồn thi hứng lai láng trong văn thi của mình, như trong tác phẩm chữ Hán có những lời thơ thấm thía “như oán như sầu”:

Bốn bể phong trần tình nhà nợ nước rơi lệ,

Mười tuần lao ngục, một lòng quyết sống chết.

(Tứ hải phong trần gia quốc lệ             四海風塵家國淚,

  Thập tuần lao ngục tử sinh tâm.         十旬牢獄死生心.)

Hay:

Nỗi lòng vô hạn cùng ai ngỏ, Trăng sáng gió mát vẫn thờ ơ!

(Trung tình vô hạn bằng thùy tố 衷情無限慿誰訴

 Minh nguyệt thanh phong dã bất tri 明月清風也不知)” 

Ai đã từng đọc Truyện Kiều đều thấy có nhiều đọan  mang triết lý nhà Phật và nhất là Văn Cô Hồn mà nhà Chùa từng nhắc là Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh:

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt

Toát hơi may, lạnh ngắt sương khô

Não người thay buổi chiều thu

Ngàn lau khóm bạc, lá ngô đồng vàng

Đường bạch dương bóng chiều man mác

Ngọn đường lê lác đác mưa sa;

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ tối tăm trời đất

Xót khôn thiêng phảng phất u minh

Thương thay Thập Loại Chúng Sinh

Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người!

……………………………

Một con người yêu nhà, yêu nước, yêu quê hương và yêu cả đồng loại nên thi hào Nguyễn Du là một nhà Nho, nhà thơ Nho nhưng triết lý Phật đã đưa Nguyễn Du vượt thoát khổ đau trong tâm hồn. Vì vậy, thi hào Nguyễn Du tự bộc bạch: “Tôi đọc Kinh Kim Cang hơn một ngàn lượt: Ngã độc Kim Cang thiên biến linh  我讀金剛千遍零”. Lục Tổ Thiền Huệ Năng cũng ngộ ở Kinh Kim Cang khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đọc đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm    應無所住而生其心”. Theo Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục từng viết: “Có nghiên cứu thơ chữ Hán của Nguyễn Du mới thấy rằng thi sĩ Hồng Sơn Lam Thủy, tác giả Truyện Kiều thực đã thấm nhuần tâm linh Phật giáo hết sức thâm sâu. Cái tâm linh Phật giáo ấy đã làm nguồn cảm hứng sáng tác của thi sĩ như chính thi sĩ đã thú nhận:

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,   滿境皆空何有相

Thử tâm thường định bất ly thiền.      此心常定不離禪

(Ngập không gian đều là Chân Không đâu có hình tướng, Tâm này thường tập trung vào ý thức Thiền định)……………….” –  Hai câu thơ đó làm chúng ta liên tưởng đến bài kệ trong Cư Trần Lạc Đạo Phú  居塵樂道賦 của Tổ Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông: 

“ Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc san hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch, Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền!”    

Hay thi hào Nguyễn Du đã thấm nhuần câu trong Kinh Kim Cang là “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng   凡所有相皆是虛妄 – có nghĩa là Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng.

Cái Tâm Thiền Định ấy ở Nguyễn Du 阮 攸 cũng là cái tâm trong sáng như tấm gương không bụi mờ, phẳng lặng lúc nào và ở đâu cũng vẫn thế không biến đổi “tâm như minh kính, hoa lai kiến hoa, nguyệt lai kiến nguyệt   心如明鏡,花來見花,月來見月 nghĩa là: tâm như gương sáng, hoa đến thấy hoa, trăng đến thấy trăng”. Hay:

Đạt nhân tâm kính quang như nguyệt, 逹人心鏡光如月,

Xứ sĩ môn tiền thanh giả sơn. 處士門 前青者山

(Tâm cảnh người đạt sáng như trăng,  Trước nhà ẩn sĩ núi xanh biếc.)

Giờ cho chúng tôi được phép dong dài một chút về Đạo Học Đông Phương và khi nói đến Đạo Học Đông Phương thì chúng ta không thể quên Thiền-học. Vì nó là tinh hoa của Phật-giáo Đại Thừa cũng như triết lý Lão Trang. Nhà văn Tây-phương là ông Lassalle đã từng quả quyết rằng Thiền-học là món quà quý nhất của Đông-phương tặng Tây-phương! Thật vậy, Thiền đã phát triển mạnh mẽ ở Phương Tây hiện giờ; một số trí thức và nhất là thành phần thanh niên cấp tiến đã tỏ ra yêu chuộng Thiền-học một cách thành thực và say đắm! Chính thi hào Nguyễn Du là một nhà Nho nhưng rất thông thạo về Lão Trang cũng như thẩm thấu triết lý Phật giáo Đại-thừa mới hạ bút viết bài thơ Sơ Nguyệt 初月 như sau:

Hấp đắc dương quang tài thượng thiên,
Sơ tam sơ tứ vị đoàn viên.
Thường Nga trang kính vi khai hạp,
Tráng sĩ loan cung bất thượng huyền.
Thiên lý quan san vô cải sắc,
Nhất đình sương lộ cộng sầu miên.
Bồi hồi chính ức Hồng Sơn dạ,
Khước tại La Phù giang thủy biên.

Nguyễn Du

Dịch:

Hớp bóng dương quang ló nét mày,
Mồng ba mồng bốn chẳng tròn xoay.
Gương trong chị nguyệt vừa nghiêng nắp,
Cung nỏ anh hùng chửa mắc dây.
Nghìn dặm quan san không đổi vẻ,
Đầy sân sương móc cũng buồn lây.

Bùi Kỷ

Hình ảnh mảnh trăng non hiện lên rất linh động; đây có phải là nguyên lý Mẹ trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử không?: “Hữu danh vạn vật chi Mẫu 有名萬物之母 nghĩa là: có họ, có tên là do Mẹ đẻ ra muôn hình, vạn trạng…! Ai đã lấy nghệ thuật Thiền để sáng tác thi ca thì Đề Tài thường xuyên là “giải bày, phô diễn” chính tâm trạng của nghệ sĩ mà ở đây chúng ta thấy rõ tâm trạng của thi hào Nguyễn Du đã cảm thấy chơi vơi, không biết thế nào trong cái phút “vô thời gian”, thật đã nói lên triết lý Thiền một cách rõ ràng! 

Chúng tôi học cạn hiểu sơ không thể phân tích hết cái đẹp, cái hay, cái sâu sắc của thi hào Nguyễn Du nên chỉ xin “thuật nhi bất tác 述而不作” – nghĩa là chúng tôi chỉ đưa ra những lời phát biểu của tiền nhân, chứ không sáng tác. Hay như trong sách Trung Dung của Nho-giáo: “Phụ tác chi, tử thuật chi 父作之,子述之 nghĩa là: Cha làm ra, con noi theo.  

Và bây giờ xin trích ra đây bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký  讀小青記 của Cụ để chấm dứt bài trình bày của chúng tôi hôm nay! Nàng Tiểu Thanh 小青 là một người thiếu phụ sống trước Nguyễn Du 300 năm vào đời nhà Minh Trung Hoa. Nàng là một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng số phận hẩm hiu nên phải làm vợ lẽ cho Phùng Sinh lúc tuổi 16 trăng thanh! Nàng thông minh từ nhỏ nên rất sành Cầm, Kỳ, Thi, Họa, lại có phong tư lộng lẫy hơn người! Thiên hạ đã vô tình, tạo hóa cũng vô tình nên mới có “Tài Mệnh Tương Đố”. Vì vợ cả quá ghen nên bắt nàng sống cô đơn trên núi Cô Sơn gần Tây Hồ. Nàng Tiểu Thanh quá đau buồn nên sanh bệnh và qua đời khi tuối tròn 18!  Điều đau buồn cho chúng ta – những người yêu văn thơ – khi biết được nàng Tiểu Thanh làm rất nhiều thơ nhưng vợ cả quá ghen mà đốt gần hết tác phẩm của nàng nhưng may thay còn sót lại một số bài mà người yêu thơ, thương cho số phận “hồng nhạn bạc mệnh” của nàng mà đã khắc in một số thơ còn lại gọi là “Phần Dư” (nghĩa là đốt còn sót lại). Và đây là nguyên tác chữ Hán của Tố Như tức thi hào Nguyễn Du:

Độc Tiểu Thanh Ký

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Nguyễn Du

讀小青記

西湖花苑盡成虚,
獨吊窗前一紙書.
脂粉有神憐死後,
文章無命累焚餘.
古今恨事天難問,
風韻奇冤我自居.
不知三百餘年後,
天下何人泣素如.

阮  攸

Dịch thơ:

         Đọc Sách Tiểu Thanh Ký

Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang,

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng!?

Vũ Tam Tập    

Chỉ một bài thơ Đường – luật thất ngôn bát cú mà ta có thể cảm hứng xuyên suốt câu chuyện đau thương của nàng Tiểu Thanh đã cho chúng ta thấy rõ thiên tài Nguyễn Du. Ở bài thơ này, chúng ta thêm rõ tâm sự của Tố Như: “Thương người cũng chính là thương mình; khắc khoải về thời cuộc lúc bấy giờ”. Nếu chúng ta lưu ý đến số phận của nàng Tiểu Thanh thì Nguyễn Du đã vừa hóa thân, lại vừa phân thân! Nên mới thốt lên:

Bất tri tam bách dư niên hậu, 不知三 百餘年後,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? 天下何人泣素如? 

Lam Nguyên ghi lại lời bình của Tiền nhân!